Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

6 Bí Kíp Chữa Bệnh Trì Hoãn Mà Không Tốn Nhiều Năng Lượng

 

Bạn đã bao giờ hừng hực khí thế khi bắt đầu công việc nhưng chỉ sau một thời gian, trong một phút “yếu lòng”, căn bệnh trì hoãn lại chiến thắng? Lý do bạn thất bại là bởi sự quyết tâm của bạn giống như một cục pin dự trữ năng lượng  – nếu bạn dùng quá nhiều năng lượng cùng một lúc, bạn sẽ nhanh chóng “hết pin” và mọi thứ lại như cũ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể hạn chế triệt để bệnh trì hoãn mà không phải tốn quá nhiều năng lượng nếu tu luyện thành công những bí kíp sau:

1.       Hiểu rõ cơ chế hoạt động của virus trì hoãn

Khi chuẩn bị thực hiện một công việc mà bạn không hề hứng thú, bạn sẽ vô thức kích hoạt vỏ não thùy đảo liên quan đến sự đau đớn. Não bạn khi đó sẽ cố gắng ngăn chặn cảm giác tiêu cực này bằng cách chuyển sự chú ý của bạn vào một thứ khác thú vị hơn khiến cho bạn cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, sự thoải mái này chỉ diễn ra trong chốc lát bởi sớm hay muộn bạn cũng phải thực hiện công việc. Đó là cách virus trì hoãn tấn công bạn, bắt đầu từ nhận thức tiêu cực của bạn về công việc phải làm, sau đó là cách não xử lý cảm giác khó chịu mà công việc đó mang lại và kết quả là sự vui vẻ tạm thời của bạn. Biết được cơ chế hoạt động của virus trì hoãn, bạn sẽ dễ dàng nhận ra khi nào não bạn đang “trốn tránh nỗi đau” và từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

2.       Sử dụng công cụ Pomodoro kết hợp với cơ chế cách ly tác nhân xao nhãng và phần thưởng hợp lý

Một công cụ hiệu quả để xử lý bệnh trì hoãn là Pomodoro – được phát minh bởi Francesco Cirillo trong những năm cuối thế kỷ 20. Pomodoro theo tiếng Italia nghĩa là “quả cà chua”. Công cụ Pomodoro thực chất là việc phân chia thời gian bạn có thành các khoảng, mỗi khoảng 25 phút. Trong suốt 25 phút đó, bạn phải hoàn toàn tập trung và cách ly với các vật dễ gây xao nhãng như điện thoại, Facebook, máy nghe nhạc, TV. Sau mỗi khoảng thời gian như vậy là một vài phút nghỉ ngơi. Trong đó, bạn nên tự thưởng bằng cách nghe một bài hát, uống một tách trà, tập thể dục. 25 phút là một khoảng thời gian hợp lý để bạn tập trung làm việc, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh thời gian cho phù hợp với bản thân. Công cụ này cực kỳ hữu hiệu bởi nó cho phép bạn cân bằng chế độ tập trung với chế độ thư giãn của não, qua đó, giúp tăng hiệu quả làm việc và đặt bạn vào một dòng chảy liên hoàn của công việc. Kẻ tọc mạch mang tên “trì hoãn” khi đó, khó có thể xen vào giữa bạn và công việc của bạn.

3.       Lên danh sách các việc cần làm hàng tuần và xem trước công việc của ngày hôm sau vào mỗi tối

Việc đặt mục tiêu và sử dụng danh sách các việc cần làm có nhiều lợi ích hơn bạn tưởng bởi công đoạn này giúp não bạn xác định trước các công việc cần thực hiện. Hành động xem lại những việc cần làm vào ngày hôm sau giúp bạn chuẩn bị tinh thần tốt hơn. Bạn sẽ không phải thức dậy vào mỗi buổi sáng và cảm thấy chán nản khi hình dung ra những việc cần làm trong cả ngày. Thật là tiện lợi, phải không nào?

4.       Hãy ăn “con ếch” đó trước

Nếu bạn đã đọc quyển Eat That Frog! (Hãy ăn con ếch đó trước!) của Brian Tracy, hẳn bạn sẽ không còn cảm thấy xa lạ với cụm từ này. Một trong những nguyên tắc để thực hiện hiệu quả các công việc trong danh sách hàng ngày là HÃY LÀM VIỆC KHÓ NHẤT TRƯỚC. Việc khó nhất luôn là việc bạn dễ trì hoãn nhất nhưng cũng là việc tạo ra nhiều sự thỏa mãn và động lực thúc đẩy hứng khởi của bạn nhất nếu được hoàn thành sớm. Bạn càng trì hoãn thì mức độ phức tạp của công việc càng tăng lên. Vì thế, hãy hít một hơi thật sâu và “ăn” con ếch xấu xí nhất trước để khởi đầu ngày mới đầy khí thế nhé!

5.       Tập trung vào quá trình thực hiện, thay vì vào kết quả của hành động

Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng cảm giác tiêu cực lúc mới bắt đầu công việc là hoàn toàn…bình thường, kể cả khi bạn yêu thích công việc đó. Chính việc bạn xử lý cảm giác khó chịu này như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Thực tế là một khi bạn bắt đầu tập trung, sự khó chịu sẽ biến mất. Vậy, làm thế nào để có thể dẹp bỏ nhanh những suy nghĩ tiêu cực trên? Câu trả lời là hãy tập trung vào quá trình (process), thay vì kết quả (product). Chẳng hạn, khi bạn bắt đầu viết một bài tiểu luận dài 20 trang, bạn hiểu rằng đây là một công việc rất nặng nhọc và bạn sẽ phải viết ít nhất 10000 từ. Tuy nhiên, hãy quên những điều này đi, thay vào đó, hãy nghĩ rằng trong khoảng thời gian bạn có, bạn cần tập trung hết sức và làm tốt nhất có thể. Suy nghĩ này sẽ khiến bạn thoải mái hơn bởi chính kết quả, chứ không phải quá trình, là tác nhân kích hoạt vỏ não thùy đảo báo động sự đau đớn, từ đó buộc não phải thực hiện cơ chế tự vệ - và bạn trì hoãn. Bạn có thể thắc mắc rằng nếu không quan tâm đến kết quả thì làm sao có đủ động lực để hoàn thành công việc đúng hạn? Thực chất, mục đích của việc yêu cầu bạn tập trung vào quá trình chính là để khuyến khích bạn cố gắng hết sức trong một thời gian ngắn. Hiệu quả công việc khi đó chắc chắn sẽ cao hơn so với việc bạn vừa làm bài, vừa tự dằn vặt mình với kết quả. Bạn cũng không nên đợi đến khi nước đã đến chân mới nhảy. Thực tế, thay đổi cách suy nghĩ kết hợp với việc sử dụng công cụ Pomodoro nêu trên sẽ giúp bạn tiến hành hiệu quả công việc của mình và loại bỏ sự trì hoãn.

6.       Tin rằng bạn có thể thay đổi

Phần quan trọng nhất trong việc thay đổi thói quen trì hoãn chính là niềm tin rằng bạn có thể thay đổi. Rồi bạn sẽ cảm thấy việc thay đổi một thói quen thật khó khăn và bạn sẽ có xu hướng quay trở lại thói quen cực kỳ thoải mái trước đây. Tuy nhiên, cũng như việc chăm sóc da hay giảm cân, người thành công là những người giữ vững niềm tin vào sự thay đổi. Bạn có thể áp dụng hàng chục phương pháp hỗ trợ, nhưng bạn sẽ không thể thành công nếu bạn không tin rằng những công cụ đó rồi sẽ phát huy tác dụng và kiên trì thực hiện chúng.

Sẽ cần nhiều thời gian để bạn thay đổi một thói quen. Sự quyết tâm là một cục pin dự trữ năng lượng, nghĩa là nó sẽ cạn dần cùng với thời gian sử dụng. Nhưng năng lượng trong cục pin đó hoàn toàn có thể được làm đầy trở lại – Bằng chính nội lực của bạn. Trong quá trình đó, sẽ có những lúc bạn yếu đuối và buông xuôi. Nhưng quan trọng nhất là sau tất cả, bạn có đủ dũng khí để nạp lại năng lượng và tiếp tục cuộc hành trình.

Tóm lại, sự trì hoãn không chỉ là “kẻ đánh cắp thời gian” mà, theo Victor Kiam, còn là “kẻ ám sát những cơ hội”. Cái giá phải trả cho từng giây phút bạn trì hoãn công việc có thể là rất lớn. Nhưng bạn không cần phải “đao to búa lớn” để tiêu diệt căn bệnh tưởng như nan y này. Một chút nỗ lực nho nhỏ được kiên trì thực hiện sẽ làm nên điều khác biệt lớn! Vậy nên, đừng bỏ cuộc, bạn nhé!

(Nguồn thông tin từ Coursera)

(Nếu bạn có ý kiến muốn đóng góp cho bài viết này, vui lòng để lại comment bên dưới. Ý kiến của bạn thực sự rất quý giá để chúng tôi có thể hoàn thiện nội dung hơn nữa! Cảm ơn bạn nhiều nhé!)
 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,997 lượt xem