Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Không biết tiếng Anh có bị xem là mù chữ?

Tôi có 7 năm học ngoại ngữ, thêm bốn học phần ở đại học và vài tháng chạy chứng chỉ. Nhưng tiếng Anh của tôi hiện tại vẫn khá tệ, đọc tài liệu thì còn vọt vẹt được chút đỉnh, nhưng nghe nói thì hoàn toàn ù ù cạc cạc. Cơ bản thì cũng có chút xấu hổ, nhưng ngẫm lại thì tôi nhún vai, cũng chẳng có gì xấu hổ lắm! Vì xã hội cũng thế mà!

Chúng ta học tiếng Anh để làm gì?

Chúng ta sai ngay từ đầu. Thầy nhấn mạnh với tất cả chúng tôi, chúng ta sai ngay từ thời điểm bắt đầu học tiếng Anh. Chúng ta không bao giờ trả lời đúng học tiếng Anh để làm gì? Để hoàn thành chứng chỉ trên trường? Vì lũ bạn đi học thì mình đi học? Và đặc biệt, đặc biệt, đến 99,69% chúng ta, tính luôn cả các bậc phụ huynh, học tiếng Anh chỉ để mong có một công việc tốt. Nhưng, thầy hỏi, có bao nhiêu công ty nước ngoài ở Việt Nam, nó tuyển dụng bao nhiêu vị trí? Và có bao nhiêu vị trí công việc sẽ cần giao tiếp và suy nghĩ bằng tiếng Anh liên tục? Có phải đã có một sự sai lầm trong động cơ học tập của chúng ta?

Câu chuyện của thầy là tôi vỡ ra những câu chuyện của các bạn tôi. Một thằng gần phòng tôi là lập trình viên. Nó làm cho một công ty Mỹ, lương rất khá, gấp 1,5 lần tôi, chưa tính thưởng. Khả năng giao tiếp cơ bản của nó thì tốt hơn tôi chút đỉnh. Chỉ đúng là CHÚT ĐỈNH thôi! Tôi cũng thấy hơi ngộ, đáng lẽ nó phải lưu loát lắm chứ? Vì sao vậy? Vì sếp nó không cần các màn tâm sự tình cảm, hú hí các kiểu. Sếp chỉ cần nó đọc được tài liệu và đáp ứng các yêu cầu đã được ghi trên tài liệu ấy mà thôi. Vâng! Chúng ta chỉ là thợ gia công, sếp thuê chúng ta chỉ vì chúng ta có chi phí gia công bằng một nửa, hay một phần ba nước khác. Thậm chí, tôi nghĩ, họ cũng chả cần chúng ta “tiến hóa” vượt quá yêu cầu của họ. Nếu chúng ta “tiến hóa” tự sản xuất, tự bán, chẳng hóa ra là đối thủ của họ à?

“Nếu các bạn đi học tiếng Anh chỉ để đáp ứng được chứng chỉ, thì khi qua chứng chỉ bạn sẽ không còn động lực nữa. Nếu bạn đi học tiếng Anh vì bạn bè, bạn nghỉ, bạn sẽ nghỉ cùng. Nếu bạn học để kiếm việc, thì khả năng tiếng Anh của bạn cũng chỉ dừng lại ở mức một đứa làm công! Bạn phải học tiếng Anh để trở thành ông chủ! Ông chủ! Ông chủ! ….”

Nghe thầy lên đồng, đỏ mặt tía tai, “mưa trên phố Huế” phun ra ướt đẫm mặt mấy đứa ngồi đầu, tôi thật cũng có chút cảm giác lâng lâng. Ờ! Thì học làm boss, của công ty TNHH có một mình mình ấy! Tôi vẫn nghĩ đấy chưa hẳn là động lực thật sự!

Đến chuyện công dân hạng hai

Ngày trước, tôi có một số cuộc tranh cãi trên facebook. Trong đó có một vị quăng thẳng vào mặt tôi: “Tụi mày chỉ là loại trí thức hạng hai, nuốt lại đống nôn của người khác, rồi tỏ ra tinh tướng!” Tôi ứa gan và kiểm tra lại face của các vị ấy. Họ đều là từng du học sinh, khả năng ngoại ngữ đều rất tốt, bản thân họ cũng đã đọc khá nhiều nguồn tài liệu nguyên bản bằng tiếng Anh (hoặc là do họ cố tình khoe thế). Ngồi tự kỷ lại, tôi nghĩ, quả tình họ nói không phải là hoàn toàn vô lý. Những gì chúng tôi nghĩ mình nghĩ ra, hiểu được, thật ra thế giới đã có rất nhiều thử nghiệm rồi. Họ đọc nhiều sách, đi nhiều nơi, họ dễ dàng nhận ra những sự tương đồng của chúng tôi và cái họ đã trải qua. Nhưng tôi vẫn tự hào những gì mình làm: “Chí ít là chúng tôi biết biến đống nôn của người khác thành nhận thức của mình!”

Thật ra mà nói, chỉ vì hai chữ tiếng Anh mà quyết định thứ hạng một con người là vô lý. Tôi biết, có những bạn trẻ sức dài vai rộng, tiếng Anh bắn như gió, nhưng hai mươi mấy tuổi đầu vẫn xòe tay xin tiền bố mẹ, xin không đủ lại đi xin ăn những cụ, những ông còn già hơn bố mình. Tất nhiên là bạn biết họ trả bằng gì rồi đấy. Tôi cũng biết, một bà mẹ đơn thân, chỉ bán hủ tiếu, đọc chữ còn không trôi, điều hiếm trong xã hội 100% xóa mù này, nhưng chị ấy đã nhận nuôi cả hai đứa cháu mồ côi mẹ, cha bỏ bê. Tôi nghĩ, thứ hạng một con người dựa trên rất nhiều thứ, lòng tự trọng, tri thức, nhân tâm và thậm chí là tài chính… Biết thêm một ngôn ngữ chưa phân định điều gì cả. Biết tiếng Anh mà chỉ để dùng nó xem phim, nghe nhạc, chơi game hay làm làm tỷ tỷ thứ vô dụng khác, thì cũng có khác gì người không biết.

Nhưng…

Trong Video Cơn cuồng tiếng Anh của thế giới của chương trình TED, tôi cực thích câu nhận xét của Jay Walks: “Your native languages is your life. But with English you can become part of wider conversation.” Ngôn ngữ mẹ đẻ chính là cuộc đời của bạn, nhưng với tiếng Anh bạn có thể tham gia vào các cuộc đối thoại rộng hơn. Bạn nói tiếng Anh tốt, nhưng tiếng Việt không xong, sống trong xã hội Việt Nam, bạn như cây mất gốc, khó mà hòa nhập được. Nhưng nếu bạn chỉ nói tiếng Việt, không nói được tiếng Anh, bạn tự tước đi cơ hội được vươn cao hơn. Bạn không chỉ đánh mất một cơ hội việc làm, bạn còn đánh mất cơ hội hiểu thêm bản chất của nhiều sự việc, đánh mất đi cơ hội thẩm thấu và thể hiện quan điểm của chính mình.

Ngày trước, bản thân tôi phụ thuộc khá nhiều vào Việt Sub. Nhưng sau này, tôi tẽn tò vì cái Việt Sub và cái nguyên bản không khớp nhau. Một cái cổ động tôn giáo, một cái thì dịch thành cổ vũ sự tích cực trong các mối quan hệ. Từ đó, tôi bắt đầu thiếu tin tưởng với những gì mình nhận được. Rất có thể nó che cắt và cố tình hướng theo các mục tiêu cá nhân lắm chứ. Bịp một phần cũng là bịp. Thiếu công cụ thì bản thân chẳng khác gì kẻ mù lòa bị người khác dắt mũi như bò kéo xe chứ?

Mặt khác, bạn hãy để ý trong video Việt Sub của TED, họ dịch “life” là “cuộc sống”, còn “conversation” là “cuộc hội thoại”. Nhưng tôi lại thích dịch là “cuộc đời” và “sự đối thoại” hơn. Tôi cũng thích cách họ dịch “become part of” là “tạo nên”, thay vì “trở thành một phần” khá là máy móc. Nó mang sự bao quát và đề cao người học. Rõ ràng, luôn có sự vênh nhau giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Thiếu một trong hai thứ, bạn mất đi sự nguyên vẹn tuyệt ngon của các ý tưởng. Bạn thấy đấy, tiếng Việt là ngôn ngữ của chúng ta, nó ở với chúng ta từ khi chúng ta tập nói, nó mang đến cảm giác diễn đạt thỏa mãn nhất, hơn bất kỳ ngôn ngữ thứ hai nào khác. Biết tiếng Anh là để dịch nó theo chính con tim mình. Đừng quá phụ thuộc vào lòng tốt của người khác. Họ chia sẻ để mang lại điều tốt đẹp cho bạn, nhưng nếu không tự mình giành lấy, bạn sẽ đánh mất rất nhiều điều thú vị. Hãy tự cảm nhận là nguyên bản nhất!

Cuối cùng, cũng giống như Toán học, Âm nhạc, Lập trình, tiếng Anh cũng là một ngôn ngữ khoa học. Tiếng Anh không chỉ để thúc đẩy giải quyết vấn đề chung của thế giới (như Jay Walks trình bày), nó còn là ngôn ngữ lưu trữ lại nguồn tri thức của thế giới. Cách đây vài tháng, tôi có đọc bài giới thiệu về một trang web chia sẻ nguồn học liệu mở của rất nhiều trường đại học trên thế giới (đáng tiếc là tôi ghost lại máy nên đã mất link, nếu bạn nào có, nghìn lần xin được share lại). Hãy tưởng tượng, được tham gia, được thụ hưởng một nền giáo dục chỉ bọn nhà giàu phải tốn rất nhiều tiền để có, dù vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng cũng đáng để thử lắm, phải không?

Hãy học bằng niềm yêu thích

Theo tôi biết, hiện tại, chi phí để đào tạo tiếng Anh ở mức Ielts 5.0 đảm bảo uy tín là khoảng 40 – 50 triệu. Chi phí ấy chỉ là chi phí để lấy bằng, còn mai một về sau là do người học tự quyết định. 40 – 50 triệu đối với tôi là một chi phí lớn, chưa kể thời gian bỏ ra. Đầu tư ra một số tiền ấy trong khi công việc hiện tại của mình không cần tiếng Anh, tôi e là có sự phí phạm.

Nhưng tôi vẫn cảm thấy khó chịu khi bị xếp là công dân hạng hai. Đặc biệt là khi phải nhận thái độ kẻ cả của những kẻ không ra gì, dùng tiếng Anh để thể hiện sang chảnh; chỉ giỏi ưỡn ẹo, selfie selfish trên facebook, nhưng luôn mồm bảo đàn ông Việt Nam là cục thịt thối. Trong sự mâu thuẫn ấy, tôi chọn theo cách của dượng Tony (thật ra là tôi bắt đầu lâu rồi trước khi được đọc từ dượng), học theo cách mình thích. Buồn thì coi film engsub, siêng thì vào các trang học ngoại ngữ làm bài tập, đi tập tạ thì ngoài nhạc Hoa, thì chèn thêm nhạc Anh. Cảm thấy rảnh rỗi nữa thì chơi game bằng tiếng Anh. Rủng rỉnh tiền trong túi thì mua truyện tranh, truyện tiếu lâm bằng tiếng Anh. Đọc facebook cũng like dần qua các trang tiếng Anh. Cơ bản là tôi luôn cố ép bản thân mình tiếp xúc với tiếng Anh hàng ngày. Tôi nghĩ hiện tại đó là phương án phù hợp với mình nhất.

Mà nói thật, nhiều người cứ nhìn vào các biểu tượng marketing của các trung tâm ngoại ngữ lại ngỡ họ giỏi. Chính một người quen tôi nói, thật ra những bạn đạt điểm cao ấy, một là họ đã tiếp xúc tiếng Anh từ nhỏ, hay có năng khiếu, hai là họ cần mẫn, chứ trung tâm không hỗ trợ nhiều. Họ mà qua trung tâm khác thì họ vẫn được điểm như thế mà thôi. Tiền bạn trả cho trung tâm là cái “ngu phí” cho sự lười, sự chán, sự thụ động của bạn. Sản phẩm kinh doanh thực sự của các trung tâm ngoại ngữ chỉ là giảng viên nước ngoài và các trò “mua vui” cho bạn dễ dàng tiếp thu kiến thức, chứ cái nguồn học liệu cũng chẳng khác bên ngoài là bao. Đặc biệt là Toeic, tự vượt qua cám dỗ bản thân thì tự học cũng được, khi nào cần thi thì học thêm một hai khóa luyện thi là ổn.

Không biết kết quả tự học sẽ ra sao, vì tiếng Anh bây giờ chưa giúp tôi tăng thêm thu nhập, nhưng lần vừa rồi, được tiếp cận và dịch lại một bài viết mà mọi người yêu thích, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Vâng, hãy học bằng sự yêu thích, đó là hiệu quả và kinh tế nhất! Tôi chúc tôi thành công và chúc các bạn sẽ thành công.

Theo Triethocduongpho

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

700 lượt xem