Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Muôn Kiểu Nỗi Khổ Của Sinh Viên Mới Ra Trường

Thời đi học ai cũng mong ra trường thật nhanh để tận hưởng cuộc sống. Nhưng viễn cảnh khi ra trường thường không “màu hồng” diễn ra với đại đa số cử nhân.

Dưới đây là những nỗi khổ muôn đời của sinh viên mới ra trường:

1. Lương bèo bọt

Bất kể bạn có thành tích học tập tốt đến đâu, mới ra trường bạn cũng phải chấp nhận đi làm với mức lương chẳng đủ tiền ăn uống, xăng xe, điện thoại. Nếu ai mà chưa có "gấu" thì cũng xác định luôn là ế dài dài vì việc mời người ấy đi ăn một bữa thôi cũng là điều xa xỉ.

Lí do cho việc lương thấp, đơn giản thôi: Mới ra trường thì làm gì có kinh nghiệm. Nhiều khi phải chấp nhận đi làm không công để lấy kinh nghiệm. 

2. Nguy cơ thất nghiệp cao

Giờ câu cửa miệng của các sinh viên năm 4 là: “Sắp bị thất nghiệp rồi”. Phải công nhận sinh viên bây giờ có óc phán đoán thật. Quả đúng là ra trường sẽ bị thất nghiệp đấy. Nếu không phải là không có việc gì để làm thì cũng là có – quá – nhiều – việc để làm. Nhưng rất tiếc là chẳng có việc gì phù hợp đam mê sở thích hay chuyên môn được đào tạo cả.

3. Hoang mang vì không làm được việc

Thật may mắn cho những ai xin được việc trong thời buổi người người nhà nhà thất nghiệp như thế này. Nhưng mà khoan đã, hình như là công việc này bạn chưa từng được học hay làm thử ở trường. Bạn loay hoay, bạn đổ mồ hôi sôi năng lượng cày quật lại từ đầu. Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản, sẽ có lúc bạn tự ti và chán ngán công việc vô cùng bởi bạn không thể làm tốt nó. Thôi thì cũng đành thừa nhận là giáo dục lý thuyết suông trong nhà trường đã một phần khiến cho bạn khá là vô dụng khi mới đi làm.

101 nỗi khổ của sinh viên mới ra trường

4. Dễ bị bóc lột, lừa đảo

Về khoản bị bóc lột và lừa đảo thì sinh viên mới ra trường có bề dày kinh nghiệm không ai bằng. Một trong những lí do sinh viên ra trường dễ bị bóc lột và lừa đảo đấy là sự nhẹ dạ cả tin quá. Anh chủ mặt có gian gian tí nhưng nói mấy câu ngon ngọt kiểu như: “Em mới ra trường, hãy cống hiến, hãy biết cho đi để được nhận lại”, thế là xiêu lòng, “cho đi tất cả những gì em có và mất hoàn toàn những gì em cho”.

Lời khuyên đơn giản đó là hãy thường xuyên nói chuyện với các anh chị đi trước để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Bạn phải biết chút ít về Luật lao động và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp thì mới có thể bảo vệ quyền lợi của mình được.

5. Ấm ức cảnh vùi dập tài năng

Bạn là thủ khoa ư? Bạn là cán bộ Đoàn xuất sắc ư? Bạn có là ngôi sao sáng trên bầu trời đêm thì cũng chỉ là một cô cậu sinh viên mới ra trường thôi. Khi đi làm, kinh nghiệm và số năm công tác mới là tiêu chí chuẩn mực của năng lực. Nếu bạn háo hức muốn sáng kiến, cách tân thì hãy lựa lựa môi trường mà thể hiện nhé… không là thành nạn nhân thiểu năng nơi công sở đấy.

6. Stress là chuyện thường

Có một điều rất đặc biệt, đấy là kể từ khi ra trường, trên suốt hành trình khẳng định bản thân của mình bạn đã có thêm một người bạn đồng hành mang tên “Stress”. “Stress” luôn bên bạn dù bạn ở bất cứ nơi đâu: lúc đi phỏng vấn hoài năm bảy chỗ, lúc lang thang trên đường sau 2 tuần thử việc đã tự động xin ra, lúc khóc lóc trong nhà vệ sinh vì anh sếp mắng, lúc tự kỷ ngồi một mình trong phòng làm việc lúc 10h đêm,…Tóm lại, stress là chuyện thường. Sinh viên mới ra trường chưa có sức đề kháng với áp lực của cuộc sống đâu nên dễ tổn thương yếu đuối vụn vỡ lắm.

7. Không có nhiều mối quan hệ

Ngoài bố mẹ anh chị em họ hàng ra thì hình như chúng ta cũng chỉ biết mặt thêm mấy người hàng xóm. Đến một nơi xa hoắc làm việc, chả ai thân quen để mà nhờ vả bấu víu. Quan trọng hơn là trong công việc, không có mối quan hệ trong ngành sẽ rất khó để chúng ta được việc. Làm việc này không có chị A giúp, làm việc kia không có anh B đỡ. Thân cô thế cô, cảm nhận sự cô lập và cô độc thẩm thấu dần vào người.

8. Thiếu thốn tình đồng chí

Đã không có bạn mới lại mất đám bạn cũ. Hồi xưa thân nhau như thế, có mỗi một gái xinh đẹp cũng phải giành giật của nhau, thế mà từ hồi ra trường bặt vô âm tín. Đứa lên núi, đứa xuống biển, còn đồng bằng đất chật người đông mà chả thấy một mống chiến hữu nào. Ra trường thì mải kiếm tiền lo kế sinh nhai mà. Chẳng những buồn khổ mà còn thấy tủi thân trách đời.

9. Mất kiểm soát phương hướng

Sợ nhất là những lúc cảm thấy mất kiểm soát vô phương lạc hướng. Mới ra trường có quá nhiều lối đi mà lại không biết đi đâu, đi chỗ này có khi lại tiếc tại sao mình không đi chỗ kia. Đây là thời điểm gõ cửa sự trưởng thành mà cũng day dứt lưu luyến tuổi thơ. Bơ vơ giữa những giá trị đảo lộn của thực tế dễ khiến sinh viên mới ra trường tuột mất bản ngã của chính mình.

Tóm lại, không sao kể hết được nỗi khổ của những tân cử nhân. 1, 2,  năm… và có thể 7, 8 năm bạn mới có thể tìm được công việc mà mình cảm thấy hài lòng, thấy mình dần “ổn định” trong một quỹ đạo… Điều quan trọng, hãy kiên trì, bước từng bước và thành công chắc chắn sẽ mỉm cười với bạn.

(Sưu Tầm)
 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,325 lượt xem