Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sinh Viên Làm Sao Để Phát Triển Toàn Diện?

Khi nói về sai lầm thường gặp của sinh viên ngày mới bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học, người ta có thể liệt kê đến những việc như: dành quá nhiều thời gian xả hơi đầu năm học, lạc trong mơ hồ, không biết bổ sung gì cho bản thân, quen dần với sự tầm thường, quá dễ dãi với bản thân, ngại giao tiếp, sống khép mình, để thời gian trôi đi lãng phí..

Vậy đâu là giải pháp để vượt qua nó và không mắc phải nó? Cùng bình luận một chút về việc lãng phí thời gian, tôi chợt nhớ đến một câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Khi người ta trẻ, người ta nghĩ có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình. Vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúc, những điều mới mẻ nhất sẽ đến trong tương lai. Cũng có thể….. Nhưng người ta đâu biết rằng những gì ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời.” Đó là góc nhìn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về tình yêu và tuổi trẻ. Mượn điểm nhìn ấy, tôi thấy góc nhìn cũng tương tự về thời gian đại học, tuổi trẻ nói chung cũng như tuổi sinh viên nói riêng có lẽ cũng chỉ đến một lần trong đời.

Vì nhiều lý do, tuổi trẻ có thể mắc những sai lầm đó, nhưng nhìn một cách tổng quát, tôi cho rằng: một điều khó hơn cả là nhiều người mới chỉ biết việc học đại học mà chưa xác định được mình học đại học để làm gì? Chưa xác định được định hướng phát triển bản thân như thế nào? Cuộc đời giống như một dòng sông, khi còn trẻ ta bắt đầu trôi từ thượng nguồn chảy xuống, càng lớn lên, dòng sông cuộc đời sẽ đưa ta về những ngã rẽ, có những ngã rẽ đưa ta đến một cuộc sống tốt đẹp, cuộc sống mà ta mong muốn: bình an, hạnh phúc, khỏe mạnh,… nhưng cũng có những ngã rẽ đưa ta đến cuộc sống mà ta không mong muốn: khổ đau, cãi vã, rắc rối….. Chính vì thế nếu như không có SỰ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN, ta đang lựa chọn để cho dòng sông cuộc đời mặc nhiên đưa ta đi. Vậy tìm đâu một lối đi riêng khi bắt đầu hai chữ đại học? Sự định hướng này dựa trên một công thức, gọi là công thức điểm 10 cho sinh viên.

1) Xuất phát điểm: Khi ta tốt nghiệp đại học

Trước hết ta bắt đầu trả lời một câu hỏi sau: “Nếu coi tổng tất cả thành công trong cuộc đời bạn từ khi bạn sinh ra cho đến khi bạn 60 tuổi có tổng điểm là 10 điểm, thì theo bạn khi bạn tốt nghiệp đại học, bạn đã đạt được mấy điểm?”. Suy ngẫm một chút, bạn hãy thử trả lời câu hỏi đó trước khi nhìn đáp án.

Đáp án là từ lúc sinh ra cho đến khi bạn tốt nghiệp đại học, bạn mới chỉ đạt được 1 điểm. “1 điểm ư? vô lý??? Tốt nghiệp đại học, 22 năm cơ mà,  có lẽ phải được 8,9 điểm rồi, hoặc chí ít là cũng phải được 5 điểm rồi, không thể 1 điểm. Thế 9 điểm kia ở đâu”. Có thể bạn sẽ nghĩ vậy. Tôi tin rằng, khi tốt nghiệp đại học, đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Để đo thành công một con người, ta cần ít nhất từ 10-20 năm, không thể nhìn vào một vài năm được. Cũng như thế, cuộc đời bạn khi tốt nghiệp đại học, cứ lấy trung bình là khi đó bạn 22 tuổi. Từ đó đến năm 60 tuổi, cực kì nhiều biến động nối tiếp sau đó.

“Thời đại của thế kỉ XXI là thời đại toàn cầu hóa 3.0, khi mà thế giới đang được làm phẳng, mọi người phải sống trong một thế giới luôn luôn biến động, luôn luôn thay đổi và phải thích nghi với nó.” – Trích sách Thế giới phẳng. Hay như Adam Khoo cũng chia sẻ: “80% số ngành nghề hiện tại sẽ không còn tồn tại sau 5 đến 10 năm. Cũng như có hàng tá nghề nghiệp hiện nay chưa từng tồn tại trong khoảng 5, 10 năm trước”. Thế giới đang bị làm phẳng, ngay cả khi bạn tốt nghiệp đại học, tất cả mới chỉ là bắt đầu.

2) Bắt đầu hành trình: Đi tìm những người thầy ( 2 điểm)

“Người thầy” là một từ đại diện. Ngay từ nhỏ, đó là gia đình, thầy cô. Kiến thức mà người khác đã trải nghiệm và đúc kết ra, sau đó chia sẻ lại, đó là cách mà ta thường học. Sau khi tốt nghiệp, bước ra một biển lớn, lúc đó ta tự lập và tự do hơn nhiều. Như một chú chim phải tự bay trên đôi cánh của mình, việc lựa chọn tiếp xúc với ai, là quyền của mỗi người. Sẽ có những người đặc biệt mà họ hiểu bạn, họ đồng cảm được với bạn, họ biết được điểm mạnh, yếu, con người bạn, và biết được đâu là điều bạn nên làm.

Có một nghiên cứu về Tiger Wood, Michael Jordan, Michael Phelps…. và một loạt nhà vô địch thể thao khác. Họ tìm hiểu đâu là điểm chung dẫn đến thành công tột đỉnh của những con người đó? Họ tài năng hơn? Họ xuất phát điểm tốt hơn? Họ có năng khiếu bẩm sinh? Họ có sự hỗ trợ nhiều hơn? Họ gặp thời thế hơn? Họ may mắn hơn người khác?....Điểm chung, và là điểm quan trọng nhất dẫn đến thành công của họ là họ gặp được những người thầy tốt nhất.

Hãy chủ động kết nối với những “người đặc biệt” ấy, đó có thể là bất kì ai mà bạn quen biết trong cuộc sống của bạn, hãy tìm đến họ, tin tưởng và chia sẻ với họ. Đa phần những người đó đều sẵn sàng giúp đỡ bạn!!! Bạn càng trả học phí lớn, bạn càng nhận được nhiều giá trị. Tuy nhiên, có những người thầy mà khi bạn khởi đầu hành trình của mình, có thể bạn chưa gặp được ngay.

3) Trải nghiệm cuộc sống ( 3 điểm)

Sau mỗi thành công hay thất bại trong cuộc sống, sau mỗi trải nghiệm ta đều thu được một điều gì đó tích lũy cho bản thân mình. Hay nói một cách khác, đó là học từ trải nghiệm. Một điều tất yếu, bạn càng trải nghiệm nhiều, bạn càng học được nhiều. Khi bạn sẵn sàng, và thêm một chút cẩn thận, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những trải nghiệm tốt cho mình. Bạn hoàn toàn có thể học được một triết lí gì đó khi đánh bài, cờ bạc, nhậu nhẹt say xỉn nhiều, lô đề nhiều… nhưng tôi tin là những trải nghiệm đó mất nhiều hơn được, và lành ít dữ nhiều.

Lựa chọn trải nghiệm phù hợp cho bản thân. Học bằng trải nghiệm từ chính cuộc sống hiện tại của bạn, việc học của bạn, công việc bạn làm, tham gia một câu lạc bộ, thực hiện các chuyến đi, làm một dự án, trải nghiệm điều gì đó mới mẻ, xem một bộ phim, đi du lịch, tìm một quán ăn mới và thử nó….. tất cả mọi thứ mà bạn có thể làm, hãy tham gia hết mình cho nó. Liên tục làm mới mình và đưa ra mình khỏi vùng an toàn, làm những thứ mà vốn dĩ trước đây mình ngại làm, đó chính là điều tạo nên sự khác biệt.

4) Góc suy ngẫm, bàn luận về việc đọc và học – 4 điểm còn lại

Việc đọc sách nói riêng và việc đọc nói chung là một thói quen không có với rất nhiều sinh viên, người trẻ. Hay nói chính xác hơn là đọc những sách về phát triển bản thân, kỹ năng mềm, kỹ năng sống và đọc những thông tin cần thiết, những thông tin về định hướng phát triển, công việc, kĩ năng, cuộc sống. Nhiều người đọc nhiều, nhưng lại đọc những thông tin lá cải, đọc nhiều thông tin không hữu ích. Cách để học nhanh nhất, nắm bắt nhiều kiến thức nhất là thông qua VIỆC ĐỌC.

Có người, những gì thuộc về tinh hoa nhất, trải nghiệm cả đời, họ để lại trong một vài cuốn sách, đọc sách là ta học lại kinh nghiệm cả đời họ hàng chục năm để lại. Như thế, ngay từ khi còn trẻ, kinh nghiệm sống của bạn đã được tích lũy hàng trăm năm kinh nghiệm cộng dồn lại từ những người đó chia sẻ lại cho bạn. Không chỉ là đọc sách, có rất nhiều tạp chí hay, rất nhiều trang web, bài viết hay để bạn đọc. Như nhiều người thành công nói để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần 10000h rèn luyện trong lĩnh vực đó, nó tương đương khoảng 5-10 năm, và nếu có sự hỗ trợ của internet bạn hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian thêm được 2-3 năm.

Sức mạnh của thế giới phẳng san bằng tất cả mọi thứ. Lần đầu tiên con người có quyền bình đẳng về tìm hiểu thông tin, đó là một điều cực kì tuyệt vời mà quá trình làm phẳng thế giới mang lại. Vấn đề đặt ra là bạn đã sẵn sàng cho việc đọc, và quan trọng hơn là phải đọc đúng những thứ cần phải đọc?

Tôi sinh ra ở Nam Định, thầy cô hay tự hào nói với chúng tôi Nam Định là đất học. Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám có 82 Bia Tiến sĩ tượng trưng cho tổng cộng 82 khoa thi được tổ chức, trên mỗi tấm bia có khắc tên những người đỗ đạt trong khoa thi đó: tiến sĩ, bảng nhãn, thám hoa… Ngày đi học, thầy giáo tôi nói rằng trong 82 bia tiến sĩ đó thì có đến 28 bia tiến sĩ có đăng tên của sĩ tử người Nam Định, chiếm 34%. Một chút niềm tự hào đó làm tôi nhớ đến nhân vật ấn tượng nhất, đó là trạng nguyên Nguyễn Hiền.

Nguyễn Hiền (1234- 1255) đỗ trạng nguyên khi 12 tuổi. Ông là người làng Dương A, huyện Thượng Hiền phủ Thiên Trường. Ông thi đỗ trạng nguyên khi mới 12 tuổi, trở thành trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam, tại khoa thi tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) thời vua Trần Thái Tông. Vì còn thiếu niên nên vua cho ông về quê 3 năm tu dưỡng, sau ra làm quan đến chức Thượng thư bộ Công. Câu hỏi đặt ra là khi ông 12 tuổi, đối chiếu với công thức điểm 10 cuộc sống trên ta thấy gì? Thứ nhất, ông chưa tốt nghiệp đại học, do đó ông không có 1 điểm làm vốn. Thứ hai, yếu tố người thầy, 12 tuổi thì chắc chắn ông cũng chưa thể tiếp xúc được với nhiều thầy bằng nhiều sĩ tử trưởng thành khác. Thứ ba, yếu tố trải nghiệm cuộc sống, 12 tuổi chắc chắn ông cũng chưa thể trải nghiệm được nhiều so với các sĩ tử mấy chục năm tuổi đời. Vậy tại sao ông lại đỗ được trạng nguyên và lại là trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam? Cũng sẽ là có lý khi nhìn vào yếu tố thứ tư: ĐỌC và TỰ HỌC. Dù là thế nào thì chắc chắn rằng ông cũng phải tự học rất rất nhiều.

Bàn luận sâu hơn về việc đọc!

Có lẽ quan trọng nhất là ta phải trả lời câu hỏi “Tại sao ta lại phải đọc?”. Khi trả lời câu hỏi đó đủ sâu, việc đọc khi đó sẽ là một thói quen cần thiết cho mỗi người để thành công. Và có lẽ trong công thức đó, không phải ngẫu nhiên mà việc đọc được đánh giá là chiếm đến 4 điểm cho thành công của bạn.

Nên đọc gì?

Đâu là thứ nên đọc? Đâu là thứ không nên đọc? Theo tôi là tùy từng công việc của mỗi người sẽ có nhiều xu hướng đọc khác nhau, tuy nhiên sẽ có một số tài liệu được coi là điểm chung nên đọc. Đó là những tự truyện của những người thành công, những cuốn sách truyền cảm hứng, những cuốn sách về kĩ năng, những bài báo cập nhật tình hình xã hội, thông tin, tài liệu định hướng phát triển bản thân, tài liệu chuyên ngành là điều quan trọng nhất cần đọc để trở thành chuyên gia. Đọc cả những tạp chí nổi tiếng, những tạp chí về giới tính, sức khỏe, chuyên ngành… Đọc cả chia sẻ của những người thành công, phải là những câu chuyện thật truyền cảm hứng. Về nguồn để đọc, có hai nguồn chính: những nguồn đọc đã có trong quá khứ, và những nguồn đọc cập nhật hàng ngày trong hiện tại.

5) Câu chuyện mục tiêu và cái giỏ đựng phi tiêu

Một chia sẻ của tỉ phú người Mỹ Brian Tracy:” Liệu những người thành công hơn có phải là những người tài năng và thông minh hơn không?” Những điều đó không phải. Ông ví cuộc sống như là những bảng tên mục tiêu, những người thành công đơn giản là phi những phi tiêu nhiều lần hơn những người khác, và khi phi nhiều thì tỉ lệ trúng cao hơn. Chẳng hạn tôi có 10 phi tiêu trong giỏ trong khi bạn chỉ có 1 thì không quan trọng là tôi và bạn ai thông minh hơn, chắc chắn tỉ lệ trúng đích của tôi sẽ cao hơn bạn vì tôi được phi những 10 lần. Chính việc bạn rèn  luyện, bạn học hỏi, bạn trải nghiệm, bạn phát triển bản thân là lúc bạn đang nạp thêm nhiều phi tiêu vào giỏ của mình. Vậy nên, thành công trong chuẩn bị là sự chuẩn bị tốt nhất cho thành công.

Đừng chờ đợi điều gì nữa, hãy hành động ngay khi còn có thể.

Theo fususu

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,790 lượt xem