Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sinh Viên Và Những Lỗ Hổng To Đùng Sau Khi Tốt Nghiệp Đại Học

Bậc Đại học, có thể nói là một niềm mơ ước với tất cả những học sinh cấp ba đã gần bước đến kỳ thi tốt nghiệp. Con đường học hành của các sĩ tử vẫn cứ thế tiếp diễn và chỉ đến khi cầm trong tay tấm bằng Đại Học với kết quả khả quan, các bạn sinh viên mới bắt đầu tính đến chuyện bồi dưỡng cho những khiếm khuyết của mình.

Bài viết này, tôi chỉ dám đề cập đến một bộ phận của cộng đồng sinh viên hay nôm na là người trẻ tại Việt Nam để thỏa cái gọi là.... tâm huyết.

Tôi nung nấu trong lòng một câu lạc bộ CEO trẻ; mục đích của câu lạc bộ này bắt đầu trang bị kiến thức, kỹ năng, môi trường và cơ hội thực nghiệm cho các bạn sinh viên ngay khi vừa mới bắt đầu bước vào cánh cửa trường đại học; và những cố gắng này của tôi chỉ để đạt được một kết quả vô cùng, vô cùng nhỏ bé ấy là: sự tự chủ, tính độc lập, hiểu biết về môi trường, kinh nghiệm làm việc và kỹ năng làm việc của các bạn được bổ khuyết vừa đủ, để bạn tự tin cầm trên tay tấm bằng đại học và đi xin việc, tìm cho mình những cơ hội tốt hơn với mức lương tốt hơn. Để rồi sau đó, các bạn sẽ quay lại giúp đỡ lớp đàn em trong câu lạc bộ, đưa thế hệ sau của một bộ phận người trẻ tiến đến một điều gì đó lớn hơn cho chính các bạn trước, sau là cho xã hội và nước nhà. 

Cũng nhờ vào đó, tôi được tiếp xúc với rất nhiều, rất nhiều các bạn sinh viên, thuộc nhiều trường Đại học khác trên toàn thành. Việc gặp gỡ, tìm hiểu nguyện vọng, đưa ra lời khuyên, sự tư vấn về những điều các bạn đang muốn được giải đáp đã giúp tôi có được những thống kê cho riêng mình. Và... kết quả thống kê của tôi cũng làm chính tôi cảm thấy bất ngờ.

Những bạn sinh viên và vừa tốt nghiệp đại học mà tôi đã gặp phần lớn chia thành hai dạng: 

Dạng 1: Thực sự tài năng

Có thể nói, điều đáng mừng là tôi gặp được rất nhiều những bạn sinh viên tài năng. Thông qua những hoạt động của Quỹ Văn Hóa Hà Nội với các chương trình như Hãy Cùng Hát Vang, Ngày Hội Quốc Tế Thiếu Nhi hay dự án Hà Nội Đẹp...

Đa phần các bạn đều có kỹ năng tốt, khả năng tư duy và sáng tạo luôn được các bạn mài đến mức sắc bén khi các bạn không bao giờ để bộ não của mình được nghỉ với những ý tưởng, dự án, công việc thiện nguyện và công việc làm thêm. Bên cạnh đó là việc đọc sách, tìm hiểu các thông tin xã hội để nắm bắt cơ hội cho chính bản thân mình. Bản thân tôi, không dám có lời nhận xét với các bạn. Tôi chỉ mong sao các bạn sẽ trở thành một thành viên của câu lạc bộ CEO trẻ để giúp đỡ những bạn chưa được sắc bén như các bạn có những bước đi đầu tiên vững vàng hơn.

Dạng 2: Nghèo

Tôi chỉ muốn cùng một chữ để mô tả các bạn sinh viên dạng 2 này thôi. Đó là chữ "nghèo". Có thể nói các bạn sinh viên dạng này nghèo không chỉ về kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức mà thậm chí các bạn còn nghèo cả trong cách suy nghĩ, sự sáng tạo cho đến năng lượng của chính mình. Và đáng buồn là những bạn được xếp vào dạng 2 này lại chiếm một con số... gấp nhiều lần dạng 1 mà tôi vừa nói ở trên.

Bài viết này, tôi sẽ chỉ ra các bạn nghèo ở điểm nào. Nghèo ở đây không phải là nghèo tiền bạc, mà đơn giản, đó là những gì các bạn đang khiếm khuyết. Những khiếm khuyết đó hoàn toàn có thể bù đắp và sửa chữa nếu như các bạn thực sự thay đổi được lối suy nghĩ của mình. Bài viết chỉ mang tính chất cảnh tỉnh cho một bộ phận các bạn trẻ vừa mới hoặc sắp phải loay hoay trên những bước đi sau khi rời ghế nhà trường.

1. Nghèo năng lượng sống - sức ì quá lớn.

Nôm na là lười. Tôi biết có những bạn sinh viên dành phần lớn thời gian của mình để ngủ, cũng có những bạn trẻ dành phần nhiều thời gian của mình để chơi game. Cũng có những bạn cả ngày nhốt mình trong nhà chỉ vì lười đi, lười gặp, lười giao tiếp...

Không chỉ lười những điều đó, các bạn còn lười cả những điều cơ bản thuộc về việc chăm sóc bản thân mình và những người xung quanh như: Lười tắm, giặt mặc dù ngủ nguyên ngày; lười nấu nướng hay sắm sửa cho môi trường sống của mình, thậm chí lười cả ăn uống... Thêm một điều nữa cho việc nghèo năng lượng sống ấy chính là sức ì quá lớn. Bạn có một kế hoặc cụ thể, một bảng phân công công việc đầy đủ, một lộ trình rõ ràng để đi trong ngày; bạn dậy sớm để chuẩn bị, thế nhưng bạn thấy hơi sớm, ngủ thêm một chút và kết quả là ngủ nguyên ngày; hoặc bạn định sẽ bước ra ngoài làm một việc gì đó, bạn thấy trời còn sớm hơn dự kiến, bạn mở máy tính, online, lướt web, truy cập mạng xã hội, xem phim, chơi game... và rồi bạn ngồi luôn cho đến khi bạn nhận ra rằng cả buổi hoặc cả ngày đã trôi qua....

Các bạn ạ, cho dù các bạn có giỏi đến đâu mà các bạn nghèo năng lượng sống dạng này, chắc chắn các bạn sẽ bước chậm hơn các bạn khác một quãng dài thật dài trên con đường hướng tới tương lai.

2. Thiếu kỹ năng

Không chỉ là những kỹ năng mềm như là: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nắm bắt tâm lý người đối diện, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tổng hợp thông tin... mà còn là cả những kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng làm việc, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý tài chính hay những kỹ năng phục vụ công việc khác...

Không thiếu những bạn trẻ có những lối giao tiếp phải nói là kỳ quặc khi đến nhà bạn trai, bạn gái chơi. Không thiếu những câu phát ngôn được đưa lên hàng hot, trở thành tiếng lóng để ám chỉ điều gì đó được xuất phát từ những người trẻ.

Cũng không thiếu những tình huống dở khóc, dở cười của các gia đình khi không đỡ được với những phát ngôn của những cô cậu từ xa về ăn tết. Các bạn vô tư phát biểu theo cách gọi là "tự do ngôn luận" nhưng lại không biết cách lắng nghe. Các bạn bày tỏ sự thân thiện của mình những lại không hiểu tâm lý người đối diện khiến chính bản thân mình và người đối diện rơi vào tình trạng gượng gạo hoặc không biết xử trí như thế nào.

Đó mới đơn giản là kỹ năng giao tiếp có kèm thêm chút nắm bắt tâm lý. Thế nhưng tệ hơn là đến kỹ năng tự phục vụ bản thân như nấu nướng, giặt giũ, hay những kiến thức về sơ cứu, an toàn, sinh tồn các bạn cũng hoàn toàn bị hổng. Có thể nói, những kỹ năng tôi vừa nêu ra đây còn rất ít để các bạn có thể bước thoải mái trên con đường khó khăn "khởi đầu nan" của mình. Vì vậy, nếu bạn nào có vô tình đọc được những dòng chữ này, xin hãy lập một bảng những kỹ năng mình đã và chưa được trang bị rồi tìm cách đánh dấu hết vào những ô hoàn thiện để bước đi tốt hơn trên con đường của chính các bạn nhé.

3. Nghiện

Mỗi bạn nghiện một kiểu. Nghiện mạng xã hội, nghiện game, nghiện coi phim, nghiện ngủ, nghiện đọc truyện tranh hay kiếm hiệp... Nghiện đến mức có thể quên hết mọi thứ xung quanh để thỏa cơn nghiện. Các bạn yêu qua mạng xã hội - đồng ý là bây giờ hoàn toàn có thể có những kết thúc đẹp, nhưng các bạn yêu mẹ, yêu gia đình, yêu bạn bè cũng qua mạng xã hội. Khi mà đúng ra những ngày của cha, mẹ các bạn phải có mặt ở nhà để trực tiếp thể hiện tình yêu thương, lòng biết ơn của mình thì thay vào đó, các bạn đăng lên một bài viết dài thật dài trên mạng xã hội (mà không chắc mẹ của bạn có đọc được hay không) rồi chờ like, chờ comment.

Hay đơn giản hơn là đăng một câu nhắn nhủ cho cha mẹ của mình rồi ngồi cả ngày reply cho những comment bên dưới. Hoặc một dạng khác, các bạn quên ăn, quên ngủ, quên cả những người xung quanh để chơi, đọc, xem... rồi sau đó khi các bạn bước ra thế giới bên ngoài, mỗi lần gặp một người cần phải nói chuyện, bạn lại chỉ im lặng... Các thể loại nghiện này đã lấy đi của các bạn toàn bộ sự tự tin và đôi khi là cả kỹ năng sử dụng ngôn ngữ sao cho nhuần nhuyễn nhất rồi. Lời khuyên cho các bạn là hãy thử cai nghiện đi, cuộc sống của các bạn sẽ thú vị hơn rất nhiều.

4. Thích ngại

Phải nói là các bạn giống như một cô thiếu nữ thích ngại ngùng; nhưng ngại ở đây là ngại việc, ngại xông pha, ngại bắt đầu, ngại cả tư duy... Các bạn trẻ dạng này có đặc điểm điển hình là chẳng bao giờ có ý kiến trong bất cứ dịp nào cần trưng cầu; không bao giờ phản bác một điều gì được đưa ra, cũng chả mấy khi nhận trách nhiệm gì về mình và đặc biệt, không làm điều gì mà lại là tiên phong cả. Các bạn luôn có đủ lý do để biện minh cho cái việc ngại của mình. Chỉ có điều, các bạn cứ ngại đi... một ngày trôi qua, hai ngày trôi qua rồi một năm, hai năm nữa, lúc đó các bạn đã không thể sửa được mình nữa rồi... Các bạn sẽ lại tiếp tục ngại và các bạn sẽ luôn dậm chân tại chỗ với con đường sự nghiệp của mình cho mà xem.

5. Đói ước mơ, hoài bão, lý tưởng

Kỳ lạ, làm người ai chẳng có ước mơ. Chỉ có điều, các bạn trẻ dạng này thường nghe thấy ước mơ của người khác, suy ngẫm và rồi cũng ước mơ giống vậy. Hoặc, các bạn đặt ra những viễn cảnh, hoài bão, lý tưởng thuộc dạng... siêu tưởng, để rồi bạn chép miệng rằng: Cũng có ước mơ, hoài bão đấy... nhưng mà khó lắm, không làm được. Và cuối cùng, chữ ngại cùng với việc không thể sắp xếp cho mình một kế hoạch cụ thể sẽ biến bạn thành một tay gà mờ chỉ chuyên làm tay sai cho kẻ khác thôi nhé.

6. Sử dụng lý thuyết cóp nhặt

Các bạn tham gia rất nhiều hội thảo, thế nhưng tất cả những gì các bạn có được là bài diễn thuyết mà diễn giả đã nói. Các bạn chưa kịp tìm thêm sách để tham khảo, chưa kịp thực hành nhưng các bạn sử dụng lý thuyết đó để thuyết trình lại cho một đối tượng bất kỳ mà các bạn cảm thấy mình có hứng thú chia sẻ. Tất nhiên, phép lịch sự cho phép bạn nhận được sự lắng nghe từ người đối diện, nhưng đa phần, các bạn sẽ được đánh giá ngầm từ trong suy nghĩ của người đó.

 

Tôi cũng từng gặp không ít các bạn sinh viên viết hồ sơ xin việc với những thông tin sai lệch mà khi tôi phỏng vấn, thông tin sai lệch đó ngay lập tức bị phát hiện. Tôi cũng từng gặp một bạn sinh viên khoa mầm non thao thao bất tuyệt về trẻ em, về phương pháp giảng dạy với một nhà giáo trong vai phụ huynh và khách mời đến tham dự hội thảo... Rất nhiều những trường hợp các bạn trẻ không biết vì sao mình bị đánh giá kém trong mắt người đối diện vì sử dụng những lý thuyết cóp nhặt mà không thông qua quá trình tham khảo thêm và thực hành trước khi chia sẻ này. Và lời khuyên cho các bạn là hãy cẩn trọng khi sử dụng lý thuyết không phải là của mình tìm hiểu và nghiệm ra.

7. Ảo tưởng

Tôi để dành điều này để làm điều cuối cùng trong thống kê bởi đơn giản, ai cũng biết đến đặc điểm này của một bộ phận sinh viên. Các bạn có thể bước chân vào một ngôi trường danh tiếng, có thể tốt nghiệp với tấm bằng giỏi đáng tự hào... nhưng những điều đó chưa đủ để làm nên thành công cho bạn trong công việc. 

Đúng là bạn cần tự tin, cần chứng tỏ bản lĩnh của mình nhưng không phải là bằng mức lương yêu cầu chót vót; không phải là những yêu sách đãi ngộ ngay khi còn đang trong vòng phỏng vấn và khi bạn chưa từng chứng minh được thực lực của bản thân mình.

Các bạn trẻ dạng này cũng có một số bạn đọc rất nhiều sách để trau dồi kiết thức nhưng rốt cuộc lại không hề có thực nghiệm. Chưa thực nghiệm nhưng các bạn lại sử dụng kiến thức đó để nghĩ rằng mình thực sự là đã thành công trong thực nghiệm để rồi tạo ra rất nhiều những kết quả không đáng có trên đoạn đường đầu tiên khó khăn nhất. Lời khuyên cho các bạn đó là: "Khiêm tốn một chút không làm các bạn thiệt thòi đâu".

Hãy thử đọc và tìm cách bổ sung những thiếu sót của chính mình để hoàn thiện hơn cho bản thân. Tôi cũng luôn hy vọng số lượng bạn trẻ thuộc dạng 1 mà tôi khâm phục sẽ ngày càng nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng câu lạc bộ CEO trẻ của chính tôi.

Thân mến!

 

                                                                               Theo Yan

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

347 lượt xem