Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

So Sánh Với Người Khác, Tại Sao Không?

Nếu có ai đó bảo tôi rằng đừng bao giờ so sánh mình với người khác thì xin trả lời ngay rằng tôi chịu. Không so sánh sao được, khi rõ ràng là người ta thông minh, xinh đẹp, tài giỏi hơn mình. Người ta cũng có xuất phát điểm như mình mà giờ đã là thạc sĩ, tiến sĩ  còn mình chỉ có mỗi chữ “sĩ” to tướng trong đầu. Không tủi thân, tủi phận sao được khi thấy người ta tiêu tiền như nước còn mình lúc nào cũng dè sẻn từng đồng, người ta nhà cao cửa rộng, còn mình nhà chật cửa hẹp… Xã hội đi lên mỗi ngày, còn mình cứ dậm chân tại chỗ mãi được ư?

Từ nhỏ đến lớn, từ lớn tới bây giờ, từ hồi nảo hồi nào, chẳng cần ai dạy, tôi đã biết so sánh mình với người khác như một bản năng. Lúc bé thì thấy mình không có nhiều đồ chơi, quà bánh như các bạn. Lúc đi học thì thấy mình không học giỏi bằng đứa bạn thân. Có mỗi cái danh hiệu học sinh giỏi mà cứ chới với mãi. Bao lần khóc thầm ấm ức vì nó chỉ hơn mình tí xíu nhưng tờ giấy khen khác nhau một trời một vực, bố mẹ nhìn vào, người hỉ hả mặt mũi, người cau có, ủ ê. Lớn lên chút nữa thì buồn vì mình có một chiều cao khiêm tốn đến  mức không dám so sánh với ai, đã thế lại có đứa bạn vừa cao vừa xinh lúc nào cũng đi bên cạnh, hu hu… Lúc đi làm thì thấy công việc của mình không sang, không chảnh, không kiếm được nhiều tiền như mọi người.

Ngay lúc này đây, lại thấy bài viết của mình hời hợt, nông cạn làm sao so sánh được với những bạn khác trên Triết Học Đường Phố.

Túm lại một sự thực không thể phủ nhận, bôi đen, hay tô hồng là tôi luôn thua kém mọi người về mọi mặt. Biết rằng so sánh với người khác làm mình tự ti, chán nản, buông xuôi, dễ đánh mất khả năng của mình, thậm chí còn nảy sinh một tâm lý xấu là ghen ghét,  đố kỵ. Nhưng tôi vẫn so sánh…

Vì tôi chỉ là một con người bình thường, không dễ dàng khống chế tình cảm tự nhiên của mình: khi buồn thì khóc, khi vui thì cười, khi thua kém người khác thì đau khổ. Tôi gọi đấy là “nỗi đau khổ có tự trọng”, nó cũng góp phần làm mình phải suy nghĩ, phải hành động để làm một cái gì đấy chứng tỏ bản thân là ai. Nhìn các cô cậu học sinh bây giờ lên bảng không thuộc bài, nhận điểm một, hai vẫn tươi cười hớn hở ra vẻ ta đây không cần gì, tôi thấy sợ quá.

Vì tôi là người tham lam, quá nhiều ham hố. Khi đau thì chỉ ước mình khỏi đau, khi bệnh chỉ ước mình khỏi bệnh nhưng khi khỏe rồi lại ước nhiều điều khác nữa. Phải chăng là con người  thì không bao giờ dừng khát khao, tham vọng có được cái tốt đẹp hơn.

Vì mỗi lần so sánh với người khác là một lần tôi nhìn ra điểm yếu của mình. Nếu không có cái hơn của người khác thì tôi đâu biết mình yếu ở chỗ nào. So sánh  giúp ta biết mình ở đâu trong thế giới này để còn biết đường học hỏi, phấn đấu, hoàn thiện bản thân nhằm theo kịp sự phát triển của xã hội. Nếu chỉ so sánh với mình của ngày hôm qua thôi thì ta rất dễ bằng lòng với những tiến bộ nhỏ nhoi, dễ ru ngủ bản thân với những ước vọng giản đơn. Đành rằng một chút tiến bộ cũng đáng ghi nhận, một ước vọng giản đơn cũng là đáng quý nhưng chúng ta vẫn cần phải nhìn xa hơn chứ.

Một ví dụ hơi khập khiễng về nền kinh tế nước ta chẳng hạn, so với thời mới mở cửa thì đã có những chuyển biến chóng mặt, nhà cửa, xe cộ, hàng hóa nhiều không kể hết, thời bao cấp có nằm mơ cũng không dám hình dung đến. Trong các bản báo  cáo tổng kết cuối năm, thành tựu kinh tế năm sau bao giờ cũng bằng hoặc vượt năm trước. Nếu chỉ nhìn vào đấy đã vội vui sướng ăn mừng, tưởng rằng Việt Nam sắp hóa hổ, hóa rồng ở khu vực thì nhầm to. Vì than ôi, thực tế trong bảng xếp hạng chung của thế giới, ta vẫn là một quốc gia đói nghèo, lạc hậu, khó phát triển. Mình tiến được một bước, có biết đâu ngoài kia họ đã tiến hai, ba bước rồi. Nói như vậy để thấy so sánh cũng có mặt tốt, nó giúp ta biết mình là ai, biết phải đặt mình ở đâu trong mối quan hệ với cái chung, cái tổng thể.

Bạn có bao giờ so sánh mình với người khác không? Nếu câu trả lời là không thì tôi xin bái phục và chả tin tẹo nào. Bởi làm gì có ai thấy bằng lòng tuyệt đối với mình. Người thành công lại so sánh với người thành công hơn mình, người tài giỏi thì so sánh với người taì giỏi hơn nữa, cứ như thế tiếp diễn… Ai mà chẳng có ít nhất một lần trong đời so sánh mình với nguời khác, thèm muốn khát khao được là người khác dù chỉ chốc lát thôi. Suy nghĩ ấy có thể đã định hình sẵn trong đầu hoặc mới thoáng qua, dù sao thì vẫn cứ là so sánh. Nếu cảm xúc so sánh xuất hiện, có nhất thiết phải triệt tiêu nó?

Tôi nghĩ là không. Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào bản thân, để so sánh với người khác. Đừng né tránh nó, cũng đừng quá bi ai về nó. Nếu bạn có tư tưởng cầu thị và biết chắt lọc cái gì đáng để so sánh thì nó sẽ phát huy tác dụng không ngờ, thúc đẩy sự tiến bộ từ chính bên trong con người bạn. Và nữa khi nào thói hờn ghen, đố kỵ thường tình được thay thế bằng cảm xúc ngưỡng mộ, khát khao chân thành thì lúc ấy bạn đã trưởng thành lên một bước rồi đấy.

 

Phương Liên
Theo Triết học đường phố

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

378 lượt xem