Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

"Đừng Chết Ở Tuổi 25 Rồi Đến Năm 70 Tuổi Mới Qua Đời" (Phạm Đăng Duy)

Sau khi ra trường, công ty April được anh Phạm Đăng Duy thành lập và đặt tên dựa vào thời gian bắt đầu công ty là ngày 4 tháng 4 năm 2006. Sau 8 năm hình thành và phát triển, April hiện nay đã có chỗ đứng trên thị trường và là cái tên quen thuộc của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Toshiba, Lactacyd, Haier, Honda, Sapporo, Red Rock, …

Chỉ cần truy cập vào địa chỉ www.april.com.vn, ai cũng có thể nhìn thấy một phong cách đặc trưng của April là những hình ảnh chữ cái được xây dựng trên nền đồ họa 8 bit, đơn giản nhưng rất riêng. Điều đó phần nào đó thể hiện tính cách của người chủ April này. Và quả thật sau cuộc trò chuyện ngắn với anh, cách anh trả lời câu hỏi, cách anh truyền tải thông điệp cũng như cái cách anh giải thích cho chúng tôi hiểu, mọi cái đều rất đơn giản, đơn giản như chính cái cách anh đến với quyết định thành lập công ty April.

Anh nghĩ mình làm được, thì cứ làm thôi

Nếu liệt kê ra tất cả đối tác của April, chắc chắn với một sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ không thể tưởng tượng nổi cái lý do thành lập công ty quá đỗi đơn giản như thế này.

“Duyên cớ đưa anh đến với việc thành lập công ty này hả? Khi mà anh vừa mới ra trường xong thì anh nghĩ mình có thể làm công việc này. Ban đầu April chưa phải là quảng cáo mà chuyên về thiết kế. Anh nghĩ anh làm được thì anh cứ làm thôi. Khi đến năm thứ 5, April phát triển mảng quảng cáo trên kênh Digital và mang tên April Digital. Đến năm thứ 8, April đẩy mạnh mảng chiến lược quảng cáo truyền thông trên các kênh TVC, Print, Digital… với tên mới là April+.”

Mình là ai? Mình tồn tại để làm cái gì? Mình thích gì và mình giỏi cái gì?

“Ngồi trên ghế nhà trường anh học chuyên ngành Multimedia nên anh cũng đã hình dung về ngành nghề mình sẽ làm trong tương lai. Khi ra trường và mở công ty, anh cứ nghĩ là cái gì mình cũng biết. Nhưng sau khi đã bắt đầu làm được một vài tháng anh mới phát hiện mình thực ra không biết gì. Rồi anh lại phải tự học từ đầu và phải đi những bước rất chậm. Có thể nói khi mình lập công ty rồi thì mình phải tiếp tục đi trên con đường mình chọn. Mình khó bước ra vì còn nhiều thứ liên quan lắm.

Các bạn trẻ bây giờ nên xác định cuộc đời càng sớm càng tốt. Anh thấy các bạn sinh viên năm nhất năm hai thì chưa quan tâm đến cuộc đời mình như thế nào, rồi năm ba năm tư lại bắt đầu hoang mang không biết mình sẽ làm gì, mình thích gì. Và thật tế là cả những bạn đi làm một vài năm thì cũng vẫn còn hoang mang về cuộc đời của mình, không biết cái mình chọn có đúng không. Thường thì ngoài tuổi 30 con người ta mới biết chính xác con đường mình chọn như thế nào. Xác định sớm đam mê, sẽ giúp bạn có những kinh nghiệm sống có ích và làm cho bạn đỡ tốn thời gian hơn.

Ai cũng bảo đi làm phải có đam mê, nhưng đam mê là gì? Có khi vô công ty rồi, sếp mới bảo là: “Em làm việc phải có đam mê, không đam mê thì không đi tới đâu đâu”. Nhưng chẵng lẽ lúc đó lại cố gắng mê công việc của mình? Điều này nó hơi ngược.
Trước tiên, để xác định đam mê của mình thì mình phải suy nghĩ là mình là ai, mình tồn tại để làm gì, mình thích cái gì và mình giỏi cái gì. Sau đó xác mục tiêu của mình, rồi mới chọn công việc mình vừa yêu thích vừa phù hợp với mục tiêu. Chọn đại một công việc nào đó để làm nếu may mắn thì chọn đúng cái mình yêu thích, nhưng nếu không đúng thì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian.

Ví dụ như ở công ty anh có một bạn rất mê lập trình. Anh hỏi bạn ấy: “Buổi tối em thường làm gì?” – “Buổi tối em lập trình”, “Cuối tuần em làm cái gì?” – “Cuối tuần này em lập trình”, “Thế ngày nghỉ em làm gì?” – “Ngày nghỉ em cũng lập trình”. Thoạt đầu nghe thì có vẻ bạn này không được bình thường, nhưng thực ra bạn đó đang làm với chính đam mê của bản thân. Mình nghĩ là bạn ấy đang bận làm lập trình nhưng thực ra bạn ấy đang “chơi” với công việc chứ đâu phải đang “làm” việc. Cái đó chính là cái đam mê và bạn đó biết bạn đó là ai, bạn đó tồn tại để làm gì, bạn đó thích cái gì và giỏi cái gì.”

dang duy

Thành công là khái niệm mang tính tương đối và thay đổi theo thời gian.

“Nếu nói về thành công thì anh không dám nhận là mình thành công. Anh vẫn đang đi trên con đường ấy thôi. Anh thấy có nhiều khái niệm về thành công lắm. Ví dụ khi các bạn đang đi học thành công là được điểm cao rồi tốt nghiệp, khi các bạn đang đi làm thành công nghĩa là mình có được công việc tốt, lương cao hoặc làm ở một công ty lớn. Các bạn trên 30 thì thành công là có gia đình, có con cái, con cái học tập thông minh, rồi khi về già là có sức khỏe. Định nghĩ về thành công mang tính tương đối và thay đổi theo thời gian. Cũng có nhiều người định nghĩa thành công  như một vợ hai con ba tầng bốn bánh gì đó. Nhưng với anh, thành công không phải những thứ gì mình đạt được, mà là những gì mình tạo ra và mang lại giá trị cho người khác. Thành công hay thành đạt nếu mình lấy vật chất để làm mục tiêu thì sẽ không còn đúng nữa.”

Nhiều người đã chết năm 25 tuổi nhưng đến năm 70 tuổi mới qua đời

“Đó là tình trạng các bạn trẻ bây giờ. Họ cứ lầm lũi lầm lũi đi con đường mình không thích. Họ không dám thay đổi, họ ngại thay đổi. Ra trường làm một năm, hai năm họ không yêu thích công việc mình làm nhưng họ không dám bỏ từ bỏ để rồi 25 tuổi họ chỉ làm việc như một cái máy, không có đam mê, không có hoài bão lý tưởng. Họ chết từ những năm 25 tuổi và chờ cho đến khi thực sự lìa đời vào năm 70 tuổi. Còn những người họ làm với đam mê của họ thì họ sống cuộc sống thoải mái và cười cho đến lúc họ ra đi.”

Nhưng có một người qua đời năm 56 tuổi nhưng còn lâu mới chết

Tôi có nghe nói một câu “ Bạn chỉ thực sự chết khi người cuối cùng biết đến bạn chết đi”. Vì thế khi người chủ của April này nói đến đây tôi mới thật sự thấu hiểu. Nếu có đam mê hãy theo đuổi nó, và nếu bạn có được thành công để muôn đời sau phải nhớ đến thì bạn sẽ không bao giờ chết.

April +
“Có một người qua đời năm 56 tuổi nhưng còn lâu mới chết. Em biết ai hông? Đó là Steve Jobs của hãng Apple đó. Ông đã chết cách đây vài năm ở tuổi 56 nhưng những thứ ông để lại thì không ai có thể quên được.”

Cứ làm đi, đừng có sợ. Chỉ mình có thể thay đổi mình thôi. Phải biết mình thiếu cái gì. Phải chịu trách nhiệm cho cái mình làm.

Anh tin rằng thay đổi phải đến từ bản thân của mỗi người vì mình là tác phẩm của chính mình. Nếu mình muốn tiến bộ thì mình phải tự thay đổi mình thôi chứ không có ai giúp cho mình hết. Trong công ty anh luôn khuyến khích mọi người đưa ra những ý tưởng mới, những điều mới để cùng nhau thực hiện. Khi nhận dự án mới, ai cũng bảo khó quá sao làm, nhưng một năm sau ngó lại thấy dễ ẹt. Nên nếu được nhắn với các bạn trẻ thì anh muốn nói là Cứ làm đi, đừng có sợ. Không làm thì sẽ không bao giờ biết đâu.

Có những lúc anh gặp khó khăn và thấy sao còn quá nhiều cái mình phải làm mà mình làm chưa tới đâu. Nhưng lúc đó anh mới chợt nhận ra rằng đó mới là điều tốt, vì ít nhất anh biết mình đang còn thiếu cái gì. Nếu mình không biết mình còn thiếu cái gì thì cuộc đời còn bi kịch hơn vì mình không thể tiến bộ được.
Nếu mình gặp một việc khó thì trước tiên bản thân phải cố gắng, nếu làm vẫn không được thì chắc chắn sẽ có ai đó ngoài kia làm được. Và mình phải tìm cách để người đó cùng hợp tác với mình, cùng làm việc với mình.”

Cống hiến cho xã hội không phải chỉ tiền bạc

dang duy1

“Cống hiến cho xã hội không phải chỉ làm từ thiện. Ngày xưa khi điện thoại di động chưa phổ biến, Viettel tạo ra mạng điện thoại di động với mong muốn ai cũng có một cái điện thoại để dùng. Họ đã làm được. Khi ai cũng có điện thoại giá rẻ để sử dụng thì họ lại muốn ai cũng có khả năng tiếp cận với Internet. Và họ cũng làm được. Đó là cách họ phục vụ xã hội: dùng sản phẩm, dịch vụ để mang lại giá trị tốt cho xã hội.

Với April, anh xây dựng có ba giá trị cốt lõi. Môt là sự sáng tạo nguyên bản. Sáng tạo là do mình nghĩ ra. Khi mình tạo ra sản phẩm của mình thì phải dùng kĩ năng kiến thức của mình làm ra thật tốt. Thứ hai là sự tín thực. Mình phải tin vào những điều đúng, phải tạo dựng lòng tin ở khách hàng, hứa thì phải làm, không làm thì không hứa, không bao giờ được lừa dối khách hàng. Giá trị thứ ba là luôn hướng đến tương lai. Để ra một chiến dịch quảng cáo thành công minh phải suy nghĩ xa hơn người tiêu dùng, sẵn sàng thay đổi để phù hợp với thế giới luôn xoay chuyển xung quanh. Sản phẩm dịch vụ mình làm ra tốt thì đã là cống hiến tốt nhất cho xã hội rồi.”

Thái độ là cái quan trọng nhất.

Trong công việc, theo mô hình ASK (Attitude – Thái Độ, Skill – Kĩ năng, Knowledge – Kiến thức) thì thái độ là điều quan trọng nhất.

Thái độ của mình là chủ động thì mình sẽ làm được. Nếu không chủ động mà luôn chờ đợi người khác giúp đỡ mình thì mình sẽ không tiến bộ được. Đừng lo ngại mình thiếu kĩ năng và kiến thức. Không ai vừa mới sinh ra đời đã có kinh nghiệm cả, tất cả đều phải làm qua rồi mới có kinh nghiệm. Nếu không có thái độ đúng thì kĩ năng và kiến thức cũng sẽ không mang bạn đi xa được.
Nếu mình làm việc trong 2-3 năm mà cảm thấy mình không có thêm kiến thức hay kĩ năng thì mình phải suy nghĩ lại xem đây có phải là công việc phù hợp với mình không, mình có thật sự thích không và mình có nên tiếp tục nó hay không. Bởi vì khi anh đánh giá, ngay cả một bạn có 5 năm kinh nghiệm nhưng trong 5 năm đó bạn ấy làm đi làm lại những việc của những năm đầu tiên thì nói là 5 năm thôi nhưng thực tế vẫn chỉ có 1 năm kinh nghiệm.

Nếu có thể nhắn gửi thông điệp cho người trẻ thì anh mong rằng các bạn trẻ nên dành thời gian suy nghĩ về cuộc đời của mình, mình là ai, mình thích cái gì và mình giỏi cách gì. Từ đó tìm kiếm được đam mê của chính mình càng sớm càng tốt.”

(theo AIESEC Việt Nam)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Các Cá nhân, CLB Giới trẻ, Doanh Nghiệp, Tổ Chức có thể gửi tới hòm thư YBOX tại trang facebook.com/ybox.vn để được duyệt và đăng tin tuyển dụng, sự kiện, chia sẻ, kỹ năng ...MIỄN PHÍ!

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

722 lượt xem