Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nguyễn Thuỳ Liên: "Hãy Hành Động Để Biến Mong Muốn Thành Hiện Thực"

Ở tuổi 27, tài năng và xinh đẹp, Nguyễn Thùy Liên đã liên tục thành lập 3 doanh nghiệp MaxB, ZenLeader và ProSales. Trải qua nhiều giai đoạn, nhiều biến cố, cứ sau mỗi lần như thế, chị lại nhận ra mình phải làm nhiều thêm và sâu thêm. Để đến bây giờ, Thùy Liên đã nhận ra, cái quan trọng nhất trong tất cả những gì mình làm luôn xuất phát từ tinh thần trách nhiệm. 

Những chặng đường rất dài

Hồi còn sinh viên chị đi làm thêm rồi, cũng có sinh hoạt Đoàn Hội, rồi biết đi xin tài trợ. Những nhà tài trợ thấy cách làm việc của mình thì họ thấy thích thú và tin tưởng, nên đến lúc chị đang làm khóa luận sắp ra trường, chị may mắn được họ mời về làm giám đốc kinh doanh cho một công ty mới thành lập. Công ty mới thành lập thì chẳng có gì ngoài cái bàn với cái phòng, chị phải sắp xếp từ đầu. Nó cực kỳ khó khăn và rắc rối, vì chị chưa bao giờ làm công việc bán hàng thực tế. Nhưng chị cứ làm thôi, cứ mày mò mà làm.

Công ty đó là về công nghệ thông tin, chị cứ mày mò đến 4, 5 tháng sau thì cũng có một cái hợp đồng, đến tháng thứ 8 thì thêm 1 hợp đồng nữa. Nhưng lúc đó thì công ty quyết định ngưng lại vì hướng phát triển lâu dài từ đầu họ không có, không có lợi thế cạnh tranh, tiền đổ ra thì nhiều.

Có một vấn đề là công ty lúc mới thành lập thì không có uy tín gì nhiều, quá trình chị bán hàng chị toàn lấy uy tín của mình ra bán, dù đó là những khách hàng lạ, mình xây dựng nên, nhưng mình cũng lấy uy tín của mình ra mình cam kết cho họ dịch vụ hài lòng họ nhưng công ty ngưng thì sao mà hài lòng. Rồi chị mới cùng những người bạn của của mình tiếp tục dựng nên công ty để làm tiếp. Nó chỉ đơn giản là mình thể hiện trách nhiệm của mình trong việc mình làm. Tôi nói với anh tôi làm được thì tôi phải làm được.

Chị mở công ty ra, làm về xây dựng website. Sau khi xây dựng xong cũng một vài người biết đến, giới thiệu khách hàng cho chị. Những khách hàng lúc đó, logo của họ chưa đẹp, không đạt chuẩn. Chị không thích nên khuyên họ làm lại. Chị đề xuất ra và mời người về làm thì họ thấy hay. Từ đó chị bén duyên với ngành thương hiệu.

Rồi chị chuyển công ty từ MaxB từ xây dựng website sang xây dựng thương hiệu. Quá trình đó cũng rất ngẫu hứng, tùy duyên. Chỉ là mình thấy cái gì tốt hơn, mình nên làm hơn thì làm. Chị cũng làm khoảng 3 năm, lượng khách hàng đến cũng không quá nhiều, nhưng nó rất đều, tốc độ tăng trưởng doanh số lợi nhuận tăng đều, gần như 10 khách hàng thì hết 9 khách hàng là do khách hàng cũ giới thiệu. Chị thấy hướng đi của mình chắc chắn.

Trải qua nhiều trường hợp làm việc với khách hàng, chị thấy những gì mình đang làm gọi là thương hiệu thật ra chỉ là vỏ của thương hiệu, chứ nó không phải là thương hiệu. Nếu một thương hiệu chỉ có cái vỏ thôi thì nó không thể nào tồn tại được. Chị mới quyết định không tiếp tục con đường hiện tại nữa. Chị muốn làm gì đó nó mang lại giá trị thật sự hơn công việc mình đang làm. Dĩ nhiên công việc nào cũng có giá trị của nó nhưng công việc nào mình thấy nhiều hơn thì mình thích làm hơn, mình cứ vươn tới cái hoàn hảo hơn.

“Tôi tư vấn được, tôi làm được”.

Trước khi thành lập công ty 2 năm thì chị có bị stress, bị mất định hướng trong cuộc sống, công việc mà không biết giải quyết sao hết. Chị tìm đến lớp học về quản lý cảm xúc, rồi gắn bó với thầy. Học tới 2 năm thì chị chia sẻ trăn trở về công việc với thầy, thầy cho chị giải pháp thế nào là xây dựng thương hiệu, con người phải đi từ giá trị thật, có định hướng phát triển bền vững, thì mới tạo được tổ chức phát triển bền vững được. Chị nhận ra chương trình mình học trước giờ tạo ra được những con người như vậy và quyết tâm đưa chính chương trình mình học vào giải pháp xây dụng thương hiệu.

Lúc đó, chị thì quá trẻ, đưa một giải pháp như vậy cho khách hàng thì họ hầu như không tin tưởng. Mình lại chưa phải là người thành công và giải pháp cũng chưa có bài học thành công nào cả. Giải pháp lại tốn nhiều thời gian lâu dài, nhưng nếu chuyển ngay sang con đường đó thì mình lại không đủ tài chính để theo duổi nó. Nên chị mới tạm ngưng ước mơ đó lại. Rồi mình quyết định tạo ra chính mình là nhân chứng sống cho giải pháp đó. Chị mới lập nên ProSales, rồi nhân viên hồi xưa cũng ra tự lập công ty, để rồi những gì mình muốn áp dụng cho khách hàng thì mình ứng dụng cho công ty của mình, để nó trở thành bài học thành công “Tôi tư vấn được, tôi làm được”.

ProSales bắt đầu triển khai chương trình Lãnh đạo bản thân đó, vẽ lại chân dung người bán hàng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có đội ngũ mạnh hướng về sự phát triển bền vững. Từ đó, mình mới áp vỏ thương hiệu vào, thì người và áo mới vừa nhau.

Sản phẩm vô hình

Khởi nghiệp đã khó, ngành của chị còn khó hơn, vì mình bán những thứ rất là vô hình. Đó là dịch vụ tư vấn và đào tạo, phương pháp đào tạo còn lạ, họ chưa thấy nên họ không hình dung được, họ nhầm sang cái khác. Không có bài học thành công, không có tiền, không có chiến lược, nhưng cái gì có lợi cho khách hàng thì mình làm. Dĩ nhiên mình không phải là người hoàn hảo, mình cũng mắc sai lầm, nhưng mình thấy nó có thể gây tổn hại là ngừng ngay, xin lỗi khách hàng. Lúc nào cũng phải cải tiến liên tục để vươn tới sự hoàn hảo và nó đòi hỏi mình phải giữ vững giá trị cốt lõi trong quá trình kinh doanh, nếu giá trị mình theo là giá trị trách nhiệm, giá trị thật, thì mình không thỏa hiệp với giá trị đó trong bất kỳ tình huống nào, mình không lấy tiền đánh đổi giá trị. Vì vậy mà công ty đi qua được thung lũng của khởi nghiệp và dần đi lên

Ban đầu ProSales định vị chân dung là “Đào tạo bán hàng” với mong muốn những người bán hàng mang lại giá trị thật cho khách hàng chứ không phải đi lừa lọc, ép mua. Sau đó nó bị loãng định vị, làm người khác hiểu nhầm sang các dịch vụ bán hàng khác. Và chị cũng thấy nếu chỉ đào tạo bán hàng thôi thì cũng quá nhỏ bé với những gì chương trình mang lại. Sau đó chị có trò chuyện, khảo sát với khách hàng để biết được mình đã đem lại gì cho họ. Và cái mình đem lại cho họ là bản lĩnh, và tinh thần có trách nhiệm với chính bản thân mình, với những gì mình đang làm, với cuộc sống, công việc. Từ đó, công ty chuyển định vị sang “đánh thức trách nhiệm bản thân” là đào tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc. Đổi tên từ “ProSales” sang “ProSelf”.

Tuy đổi định vị nhưng hướng đi của công ty không bao giờ thay đổi. Trước giờ, mình vẫn mang sứ mệnh “đem đến sự hạnh phúc cho con người thông qua đánh thức trách nhiệm của họ”. Nhưng ban đầu mình bảo tôi đào tạo trách nhiệm cho bạn, nhưng họ nghĩ tôi làm gì thiếu trách nhiệm mà phải đào tạo. Vì nếu mình đem cái mình thực sự làm ra mà nói ra thì họ không có nhu cầu mua, không mua thì làm sao thực hiện được sứ mệnh. Vì vậy mà sau này mình thực sự làm cái gì thì mình cứ nói, biết đâu trong thị trường cũng có người tìm kiếm nó.

Muốn phát triển bền vững phải có trách nhiệm.

3 năm đầu tiên chị như đi tìm hiểu thị trường. Mình đi ra va chạm, ra trận để đánh, để tìm hiểu, để biết được là trách nhiệm chính là cái thị trường khao khát. Từ ngay đưa sang định vị trách nhiệm thì cũng thu hút lượng khách hàng mới đến nhanh hơn, mình biết được trong xã hội nhiều tổ chức cũng rất quan tâm đến vấn đề trách nghiệm. Lúc đó vui lắm, vì trước giờ chị cứ nghĩ sẽ ít người quan tâm.

Những gì công ty và chị đang làm hiện tại là đánh thức trách nhiệm của cộng đồng thông qua chính học viên của mình, những khách hàng, đối tác của mình. Không chỉ nhân viên trách nhiệm với bản thân, mà những doanh nghiệp chị đang làm việc phải là những doanh nghiệp có trách nhiệm với những gì mình đang làm, trách nhiệm trong việc bán hàng với khách hàng. Nói về sản phầm thì phải nói về cả ưu điểm lẫn nhược điểm, và nói ra gì phải giải trình được, thuyết minh được. Có trách nhiệm với những gì cung cấp cho khách hàng, cái gì có lợi thì cung cấp, không có lợi thì không cung cấp, mặc dù khách hàng có yêu cầu mua thì cũng không bán. Có trách nhiệm với đội ngũ nhân sự về môi trường làm việc, về phúc lợi, không được có khái niệm bóc lột, thống trị, mà phải tạo được môi trường cho họ được phát triển, họ được cống hiến, như một người chủ, họ thấy được quyền con người khi được làm tại công ty.

Trách nhiệm còn thể hiện qua việc biến công ty thanh trường học. Ở đó, nhân viên phát triển bản thân, về mặt tâm hồn, bản lĩnh sống sẽ ngày càng được nâng lên, họ cảm nhận được thành công và hạnh phúc trong chính bản thân mình. Còn trách nhiệm với cộng đồng thì mình không bán những sản phẩm gây hại cho cộng đồng, không đưa quy trình sản xuất gây hại, không vi phạm vấn đề bình đẳng giới, không tuyên truyền chiến dịch marketing gây tác động xấu đến xã hội.

Muốn phát triển bền vững phải có trách nhiệm. Mấu chốt xuất phát từ trách nhiệm với sự phát triển của mình, bản thân mình đã, rồi hãy trách nhiệm với cái gì đó lớn lao hơn.

Ranh giới khó khăn luôn thường trực. Thời điểm ban đầu nó chỉ có chủ trương chứ chẳng có định hướng chiến lược, tiền bạc, khách hàng thành công cũng không có. Lúc nào cũng trong tình trạng ngày hôm nay sống, nhưng tháng sau có thể chết. Nhiều lúc tiền trong ngân quỹ chỉ còn sống được chừng 20 mấy ngày. Lúc nào cũng ngàn cân treo sợi tóc. Cơ hội đến nhiều nhưng phải cân nhắc giữa việc phục vụ mà vẫn giữ được giá trị của mình. Chị và những thành viên trong công ty luôn “thà chết chứ không đổi giá trị”, mình mà đánh đổi nó là mình đánh đổi con người mình. Cứ tin như thế nên cứ gần hết tiền là tiền nó đến, sau 3 năm thì cũng vững tin hơn vì khách hàng trung thành đông hơn.

Ngày xưa, chị khá cảm tính, thấy mình thích làm gì là làm. Mình thấy làm việc đó vui thì làm, không thì thôi. Nhưng một khi đã nhận thì làm hết mình, đã muốn thì phải làm cho xong, làm xong rồi thi tìm kiếm cái mới. Mình có thể đánh đổi ước muốn cho thực tế, nhưng lúc nào cũng phải hết mình với thực tế đó

Hãy biết lắng nghe chính mình

Mình sống cho mình hay cho xã hội lúc nào nó cũng liên kết với nhau. Chỉ là tùy theo nhận thức của mỗi người, họ có thể thấy được sợi dây liên kết ở đó hoặc chưa. Nên nhiều người còn phải suy nghĩ mình sống cho mình được hay không, hay sống vì xã hội mà quên mình. Còn riêng chị thì mình sống tốt cho mình là tốt cho xã hội rồi, còn nếu mình chưa hoàn thiện mình, mà mình đi lo giải quyết việc xã hội mà làm không tốt thì cũng gánh nặng của xã hội thôi.

Thực ra, ai cũng làm điều có lợi cho mình hết, nếu thấy có hại thì không làm. Nhưng tùy vào nhận thức và tầm nhìn của mình mở xa ra tới đâu thì mối ảnh hưởng của mình với môi trường xung quanh nó tỉ lệ thuận. Hãy luôn suy nghĩ theo hướng phát triển như thế nào thì có lợi cho mình. Những điều đó giúp cho mình có sự bình an về nội tâm, có trí tuệ sáng suốt hơn, còn nếu làm gì sai thì trong lòng cũng áy náy vì mình bị tổn hại, rồi đè nén. Quan trọng là phải biết lắng nghe chính mình, nếu trong lòng còn gì lăn tăn thì phải điều chỉnh lại ngay.
Thành công bền vững chính là thành công phải đem lại giá trị cho bản thân mình và người khác. Lợi ích thật sự là lợi ích đem lại sự thật. Phải hướng về bản chất của sự thật. Thành công bền vững không thể xây dựng dựa trên sự tưởng tượng, ảo tượng mà phải nhận thức hướng về sự thật.

Bản thân mỗi người đều có 1 con ếch dưới đáy giếng. Nhưng nếu mình biết hướng về sự thật, biết cố nhảy thoát ra thì thành công sẽ tới. Còn nếu chối bỏ sự thật thì sẽ không thể đi đến được.

Hầu như Việt nam rất nhiều tiềm năng: năng lực lãnh đạo, trí tuệ hạnh phúc, lớn lao, thông minh, khả năng phát triển vấn đề của người Việt rất giỏi. Phát hiện ra nhiều vấn đề cần giải quyết, nhiều sáng kiến. Nhưng mình chỉ dừng lại ở việc phát hiện. Xã hội có quá nhiều vấn đề nhưng không ai nhận trách nhiệm giải quyết nó mà cứ đẩy cho người khác. Nếu mình nhận ra và giải quyết được vấn đề nào trong đó thì cứ làm. Còn không làm được thì cũng đừng ném đá, thì mình cũng chỉ làm khoảng cách con người còn xa nhau hơn.

Thuy Lien 2

Chị không thích câu “một cánh én không làm nên mùa xuân”, vậy nếu còn chỉ một mình thì không làm được gì cả sao?. Thà vẫn là một cánh én cứ bay hết mình, bay tới đâu hay tới đó. Đừng đợi một đàn én tới thì mới bay vào mà làm nên mùa xuân thì nó sẽ chẳng bao giờ tới đâu.

(Sưu Tầm)

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,477 lượt xem