Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Kỹ Năng Ghi Chép Bài Giảng Ở Đại Học

Ghi chép bài giảng (note-taking skill) là kỹ năng giúp bạn lưu lại những ý trong bài giảng của giáo viên trên giảng đường để làm cơ sở học, làm bài và ôn tập khi ở nhà. 

Ghi chép bài một cách hiệu quả sẽ giúp sinh viên có thêm tài liệu để tham khảo khi tự học và nắm được các ý chính của tiết học một cách mạch lạc. Đây là một kỹ năng rất quan trọng bạn cần phải luyện tập thường xuyên để đảm bảo bắt kịp bài giảng khi đi du học.

Biết chọn lọc 

Điều đầu tiên cần nhớ khi ghi chép bài là không phải mọi câu từ của giáo viên đều cần bạn ghi lại một cách máy móc. Bạn cần biết chọn lọc những ý quan trọng để ghi lại bởi bạn sẽ không bao giờ đủ thời gian để chép kịp tốc độ giảng bài của giáo viên. Tùy thuộc vào thời gian cho phép và tốc độ ghi chép của bạn mà bạn có thể lựa chọn ít hoặc nhiều ý để ghi lại. Khi lựa chọn cần ưu tiên những điểm chính trong bài, có thể là các khái niệm, cũng có thể là phần giải thích, phân tích hay các ví dụ.

Bạn cần nhanh chóng đánh giá đâu là điểm quan trọng cần ghi chép. Có thể dựa vào ngôn ngữ giảng bài của giáo viên để nhận diện các ý, ví dụ như khi giáo viên sử dụng các từ nối thì các ý sau đó sẽ có vai trò ra sao, mối liên hệ với nhau thế nào trong bài học hay những ý quan trọng đôi khi giáo viên sẽ nhắc đi nhắc lại nhiều lần hoặc giải thích cặn kẽ hơn. Bạn cần hết sức nhanh nhạy để chọn lọc, tránh trường hợp lúng túng làm mất thời gian trong giờ. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn có thể đọc trước nội dung bài học trước khi lên lớp trong các sách tham khảo hoặc tài liệu được cung cấp để có nắm được sơ qua về bài học, sau đó khi lên lớp bạn sẽ nhanh chóng hiểu bài hơn để chọn lọc các ý quan trọng cho việc ghi chép.

Trình bày khoa học và có hệ thống

Bên cạnh đó việc hệ thống các ý một cách khoa học cũng đóng vai trò quan trọng. Ở đây các từ nối mà giáo viên dùng sẽ giúp ích nhiều để bạn hệ thống bài ghi, như mối quan hệ nguyên nhân, kết quả hay chỉ là đơn thuần liệt kê các điểm chính hay là bài so sánh đối chiếu… Nắm được cấu trúc hệ thống bài học, bạn có thể từ đó lựa chọn cách trình bày phù hợp, tiết kiệm thời gian và dễ đọc hơn. Ví dụ như với các bài so sánh có thể kẻ bảng, các phần liệt kê có thể dùng gạch đầu dòng, chia đề mục hệ thống theo các ý lớn nhỏ. Nên tránh cách ghi bài thành những đoạn dài triền miên không rõ ràng, như vậy sẽ rất khó cho bạn khi đọc lại ở nhà. 

Trình bày bài có hệ thống sẽ giúp việc ghi chép hiệu quả hơn nhiều, hơn nữa sẽ tiết kiệm thời gian khi bạn tìm kiếm kiến thức trong đó. Tuy nhiên cũng nên chú ý lựa chọn cách trình bày nào dễ hiểu đối với bạn nhất bởi tùy từng người quen thuộc với những cách trình bày bài khác nhau. 

Cách trình bày dễ hiểu nhất với bạn chính là sự lựa chọn khoa học nhất. Một mẹo nhỏ khi trình bày bài ghi đó là sử dụng các từ viết tắt hay các ký hiệu để tiết kiệm thời gian, tuy nhiên một lần nữa bạn chỉ nên sử dụng những từ viết tắt và ký hiệu mà chắc chắn bạn sẽ hiểu được sau khi về nhà, tránh những trường hợp chính bạn cũng không rõ các ký hiệu mình viết lúc vội là thay cho từ gì, ý gì.

Luôn theo kịp tốc độ của bài giảng

Các bài giảng của các giáo viên trên giảng đường đại học nước ngoài không bao giờ dừng lại để bạn có đủ thời gian ghi chép như mong muốn. Vì vậy chỉ cần bạn mải ghi một ý dài nào đó cũng rất dễ bỏ lỡ những ý quan trọng tiếp theo. Một kỹ năng quan trọng trong ghi chép bài là đảm bảo luôn theo kịp bài giảng. Điều này đôi khi làm bạn phải bỏ qua các ý nhỏ, phải bỏ dở phần đang ghi để có thể bắt kịp giáo viên. 

Tuyệt đối không để mình tắc trong một ý nào đó dang dở vì bạn sẽ bỏ lỡ nhiều điểm quan trọng sau đó. Bạn cần chủ động bỏ qua phần chưa hoàn thành được và chuyển ngay sang ghi phần giảng bài tiếp theo của giáo viên. Bởi lẽ chỉ cần bạn lỡ 1 ý, có thể kéo theo rất nhiều nội dung sau đó, làm bạn mất tự tin và giảm hiệu quả việc ghi chép bài của bạn.

 

Biên tập từ Dantri

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,964 lượt xem