Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tất Tần Tật Kinh Nghiệm Săn Một Học Bổng – Cứ Đi Rồi Sẽ Đến!

Trước đây, đi du học đối với mình chỉ là một khái niệm xa vời, chẳng thể nào với tay nỗi. Mình hay đọc báo và thấy các anh chị được học bổng này học bổng nọ làm mình cảm thấy vô cùng khâm phục. Lúc đó đối với mình ra trường với tấm bằng kỹ sư và một chỗ làm việc tốt là đủ. Nhưng đến một ngày vào năm thứ 2 đại học, mình tình cờ tham dự hội thảo du học do Nuffic tổ chứ, đó là hội thảo đầu tiên mà mình tham dự, xem những đoạn phim giới thiệu về đất nước Hà Lan và châu Âu đã làm mình say mê đến nỗi mình quên cả tiết học (đành trốn tiết). Có lẽ nhờ vậy mà mọi suy nghĩ cũng như kế hoạch của mình bắt đầu thay đổi. Mình cố gắng trong 2 năm tiếp theo phải cải thiện GPA, chăm học anh văn hơn, tham gia một số extra-curricular activities. May mắn cũng đến với mình khi năm cuối mình được khoa chọn tham gia international project tuy ngắn hạn (8 tháng, nhưng cũng có cái mình viết trong CV). Sau 2 năm mình đã hoàn thành đúng mục tiêu đề ra, mình tốt nghiệp với vị trí thủ khoa của khoa và điều khá quan trọng khác là mình đã “ngắm” được những thầy, cô có thể cho mình những LoR tốt. Lúc này mình đã có thể chú ý đến những học bổng phù hợp với khả năng của mình và quan trong nhất là không khắt khe chuyện kinh nghiệm như HSP, Erasmus Mundus, Vlir-uos, học bổng trường Ghent, ALA và Endeavour. Việc chuẩn bị giấy tờ apply học bổng cũng là một quá trình gian nan, mình đã làm quen rất nhiều anh chị để học hỏi kinh nghiệm, tránh bỡ ngỡ khi chuẩn bị hồ sơ.

CV

Nếu các bạn có ý định apply sang EU thì mình recommend các bạn sử dụng mẫu Europass vì theo mình thì nó khá thoáng, gọn, dễ nhìn, đẹp mắt và chuyên nghiệp.

LoM

Theo mình các bạn nên state các ý sau:
– Đầu thư nên nói ngắn gọn bạn sẽ apply học bổng này, ngành này ở trường này, blah blah.
– Chỉ ra lúc còn ở đại học bạn đã học được những gì, nó đã giúp ích gì cho bạn trong công việc chẳng hạn. Nguyên nhân vì sao bạn dự định học chương trình master nào đó trong thời gian sắp tới.
– Nói rõ hơn về chương trình bạn dự định học sẽ thể hiện bạn là người có tìm hiểu và có hoạch định rõ ràng. Có thể chỉ rõ hơn là trong chường trình học có những môn nào có thể giúp ích cho công việc của bạn, cung cấp kiến thức để bạn có thể nghiên cứu sâu hơn về mảng đề tài nào đó… Nếu có thể các bạn cũng nên tìm hiểu trong lab của trường bạn đang apply có giáo sư đang làm về đề tài mà các bạn quan tâm và dự định sẽ theo làm khi được học tại trường. Mình recommend các bạn mail trực tiếp cho ông/ bà giáo sư đó, thể hiện mình có quan tâm đến đề tài của họ, có thể họ sẽ cung cấp 1 số thông tin về đề tài để các bạn có thể viết trong LoM. Đây là một kinh nghiệm hay mình học được từ anh Triết (HSPer 2008 và 2010).
– Chỉ rõ kế hoạch trong tương lai của bạn sau khi hoàn thành khóa học và tiêu chí của các học bổng là bạn sẽ đóng góp gì cho đất nước, con người ở quê hương bạn khi bạn trở về và ở quê hương của họ khi bạn sang học tại đất nước của họ (cái này bên ADS và Endeavour có hỏi, và mình nghĩ bạn cũng có thể áp dụng cho các loại học bổng khác). Đừng nên nói những kế hoạch quá cao siêu mà các bạn không bao giờ có thể với tới mà hãy nói những kế hoạch gần gũi hơn, thực tế hơn mà họ nghĩ bạn có thể làm được.
– Cuối cùng, để kết lại các bạn nên khẳng định I strongly believe that I have adequate competence… để họ có thể thấy rõ quyết tâm cao độ của bạn khi tham gia học bổng này.
– Khi viết LoM là các bạn nên tìm hiểu tiêu chí của từng loại học bổng để có thể modify cho thật sự phù hợp.
– Điều quan trọng là khi viết xong bạn nên nhờ một vài anh chị có kinh nghiệm trong việc apply học bổng để sửa bài cho bạn.
– Phía trên là những gì được gọi là kinh nghiệm của bản thân mình trong quá trình viết LoM, các bạn có thể thêm bớt để có một LoM hoàn chỉnh của chính các bạn.

LoR

Tùy theo từng loại học bổng sẽ yêu cầu các bạn làm theo form có sẵn hay thuộc dạng viết tự do nhưng có điểm chung là đều đòi hỏi những lời nhận xét thực tế về năng lực, thái độ học tập, làm việc… của các bạn. Việc chọn ai viết cho các bạn và viết như thế nào cũng là những vấn đề cần phải bàn đến ^^
– Chọn người viết?
Khi chọn người viết sẽ dựa vào các tiêu chí như người đó biết rõ bạn mức độ nào, chức vị của người đó ra sao, những người đó có mối quan hệ gì với bên trường bạn apply hay không (cái này đúng và chính xác với học bổng Vlir)… Với mình, mình đã chọn cán bộ hướng dẫn (tiến sĩ, người mà trước đây từng học trường và học bổng mình đang apply…), thầy trưởng khoa (phó giáo sư, từng là cố vấn của mình trong 2 năm, có quan hệ khá là tốt với các giáo sư bên đó), một cô dạy mình một số môn học (đang làm PhD tại trường), một cô giám đốc dự án người Na Uy mà mình đã từng tham gia như đề cập ở trên.
– Viết như thế nào?
Đa số các bạn đều biết LoM là do sinh viên VN mình tự viết rồi nhờ thầy cô ký sau, nhưng chỉ có cô người nước ngoài là tự viết rồi scan gửi qua mail đồng thời gửi luôn bản hard qua post cho mình luôn (người nước ngoài có khác nhỉ, enthusiastic và thoughtful). Trong lúc tham gia dự án này mình có nói rõ với cô ấy là mình muốn apply học bổng và nhờ cô ấy viết LoR cho mình, cô ấy nhiệt tình thế đấy.
Cán bộ hướng dẫn: đa số là những nhận xét khá chi tiết về khả năng nghiên cứu, thái độ làm việc, khả năng sáng tạo, giải quyết các tình huống khó khăn như thế nào,… nên nêu ví dụ rõ ràng để người đọc có thể hình dung về con người của bạn chứ không phải bằng những lời phù phiếm. Ngoài ra, trong lúc giảng dạy ở lớp bạn là người thế nào, năng động, có những suy nghĩ sáng tạo,… Vì cô của mình là alumni của học bổng này nên có thể khẳng định được em này có đủ khả năng theo học…blah blah
Trưởng khoa: Thầy từng là cố vấn học tập cũng như trưởng khoa, đồng thời có nhiều mối quan hệ quốc tế nên đây là lý do mình lựa chọn thầy. Qua đó, thầy có thể đánh giá khả năng làm việc trong lớp của mình (vì mình làm lớp trưởng), thái độ học tập, khen thưởng học tập, việc mình được chọn tham gia dự án và mức độ tích cực tham gia hoạt động xã hội như thế nào.
Cán bộ giảng dạy: Cô là người dạy mình 3 môn ở đại học nên có thể đánh giá khả năng trong lớp của mình, đồng thời cô đang làm PhD tại trường mình đang apply nên có thể nhận xét thêm về khóa học và môi trường học tập, làm việc thích hợp với mình như thế nào.
Mình có tổng cộng 4 cái LoR, mỗi cái có thế mạnh riêng, không cái nào giống cái nào cả, dàn rộng các thế mạnh ra, tuy nhiên cũng nên có một vài điểm giao nhau nào đó. Ví dụ, cô cán bộ nói chi tiết về khả năng nghiên cứu của mình khi làm luận văn thì thầy trưởng khoa có thể nói thêm rằng em này có thái độ học tập tốt, điển hình là luận văn đạt kết quả tốt hay điểm cao gì đó…
LoR nên cho vào phong bì và xin dấu niêm phong của trường để tạo lòng tin cho người đọc. Các bạn tự tạo cho mình một headed letter, cũng có thể tạo printed watermark (dạng in chìm cho cả trang A4) bằng cái logo của trường cho đẹp và trang trọng hơn.
Ngày tháng trong thư các bạn nhớ thay đổi, nếu không các lá thư có cùng 1 ngày thì kỳ lắm
LoR tạm thời là vậy, nhớ đến đâu thì mình viết ra để chia sẻ với các bạn đến đấy thôi, nếu thiếu sót gì các bạn bổ sung giùm mình nhé.

IELTS/ TOEFL

Các bạn chuẩn bị càng sớm càng tốt vì càng để gần kề deadline thì thiệt thòi sẽ thuộc về các bạn. Vì lo ôn thi IELTS trễ nên mình đã bỏ lỡ một số học bổng của trường và không có thời gian viết bài báo khoa học như cô mình yêu cầu. Mình nghĩ các bạn nên có kết quả IELTS từ tháng 9 hay 10 là tốt nhất.
Vậy là quá trình chuẩn bị cũng xem như xong xuôi, giờ chỉ còn ngắm nghía qua một số chương trình học bổng phù hợp mà thôi. Vì là sinh viên vừa ra trường nên mục tiêu của mình là những học bổng không quá khắt khe về vấn đề kinh nghiệm làm việc.

HSP

Tin buồn là học bổng này đã kết thúc vào năm nay nên các bạn năm sau không còn cơ hội apply cho học bổng này nữa. Đây là học bổng mình thích nhất, nhiều thời gian chuẩn bị nhất, hi vọng nhiều nhất, rớt đau nhất. Tiêu chí của học bổng là dành cho excellent students và mình nghĩ rằng với GPA cao, thủ khoa là mình có cơ hội lớn với học bổng này. Dù vậy, mình chưa bao giờ ỷ y vào điều đó cả vì mình biết rằng ỷ y nhiều sẽ trả giá cao. LoM, CV và LoR cho học bổng HSP mình viết kỹ nhất so với các học bổng còn lại, tính luôn bản thân mình thì có cả thảy 6 người tham gia sửa bài bao gồm những kỳ cựu của học bổng này như chị Thanh Vân, Mai Anh (HSPer 2008), anh Triết (HSPer 2008, 2010), anh Tiên (Belgium), cô giáo dạy anh văn (đang làm PhD tại Bỉ)… mọi người đều sửa rất kỹ, góp ý chân thành… thế nhưng mình đã thực sự fail học bổng này, mình không buồn vì mình fail mà chỉ buồn vì đã phụ lòng của các anh chị và thầy cô đã nhiệt tình giúp đỡ. Qua đó mình thấy rằng GPA cao của những developing country như chúng ta chưa thực sự là một tiêu chí hàng đầu để đánh giá năng lực của sinh viên, trong khi đó học bổng HSP là một học bổng cạnh tranh khốc liệt trên toàn thế giới. Theo bản thân mình rút ra thì bài báo khoa học hay kinh nghiệm tham gia nhiều dự án quốc tế thực sự competitive hơn GPA (đối với developing như chúng ta), là thước đo đánh giá bạn có thực sự có năng lực hay không, có là excellent hay không. Một kinh nghiệm khác của mình là khi còn là sinh viên, các bạn hãy cố gắng tham gia các nghiên cứu khoa học, cố gắng viết 1 hoặc 2 bài báo để bổ sung cho GPA của các bạn (cái này mình thực sự thiếu, trong lúc cắm đầu chạy nước rút để thi IELTS thì mình đã bỏ lỡ 1 bài báo để tham dự một conference có uy tín và mình thực sự hối hận vì điều này).

Erasmus Mundus

Mình tham gia khóa EMBC và mình đã bị loại ngay từ vòng gửi xe chỉ vì khóa này và khóa bên Vlir mình đăng ký cùng 1 trường và trường cho rằng mình vi phạm quy chế nên bảo mình cancel 1 trong 2 chương trình nếu muốn tham gia chương trình còn lại. Và mình đã quyết định cancel khóa EMBC vì nghĩ mình có cơ hội hơn với Vlir (mình đã quyết định đúng nên giờ có thể ngồi đây viết những dòng tâm sự này). Các bạn những năm sau nên chú ý điểm này để tránh uổng phí công sức, tiền bạc và tránh ngậm bồ hòn nữa, hehe.

Học bổng trường Ghent

Như đã nói ở trên, deadline cho học bổng này là 23/12 và mình đã bỏ lỡ chỉ vì thi IELTS muộn.

VLIR-UOS

Theo tiền lệ thì học bổng này yêu cầu 2 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, cách đây 2 năm thì yêu cầu này không còn nữa mà được xem là competitive factor, ít người biết được thông tin này, ngay cả thầy cô trường mình. Ở đây có 1 tip khá hay khi tham gia học bổng này là các bạn nên tìm kiếm ở khoa bạn những thầy, cô là alumni của Vlir và nhờ họ support như cán bộ hướng dẫn mình, và người có mối quan hệ tốt bên đó như thầy trưởng khoa của mình. Đối với những bạn apply năm đầu chưa được học bổng thì mình recommend các bạn tiếp tục chiến đấu vào năm sau, khi ấy state trong LoM là tôi từng rớt học bổng này nhưng vẫn tiếp tục vì tôi thực sự thích nó, cơ hội năm sau vì thế cũng sẽ cao hơn, chính giáo sư bên VUB cũng nói vậy… chẳng hạn như một chị được IPMB của trường mình.

Học bổng trường Wageningen (ABF)

Thực ra đây là học bổng cùa Alumni, deadline là 16/4. Học bổng này dành 5 suất full coverage cho sinh viên mới vào. Năm nay có 3 người VN được lọt vào 29 người cuối cùng. Được Vlir nên mình đã cancel, không tham gia nữa. Hai bạn còn lại cũng đã lọt vào 12 người cuối. Hiện nay chỉ còn 1 bạn đợi kết quả vào tháng 6 vì có 1 bạn vừa cancel do được học bổng Erasia action 2 tại Đức.

ALA, Endeavour

Hai học bổng này mình cũng có ý định tham gia, cũng có tìm hiểu nhưng vì vừa được Vlir nên mình đành kết thúc cuộc phiêu lưu săn học bổng tại đây.

Để kết lại bài viết mình mong rằng các bạn hãy luôn tự tin và giữ vững bản lĩnh của mình trong quá trình apply học bổng. Bạn chưa được học bổng có thể bạn không phù hợp với học bổng này nhưng lại phù hợp với học bổng khác. Con đường đi tìm học bổng rất dài và gian nan, mong rằng các bạn sinh viên Việt Nam luôn giữ vững niềm tin để biến ước mơ du học của mình trở thành hiện thực.

 

Thông tin thêm về hppdphong77: Tốt nghiệp trường ĐH Cần Thơ, apply thành công VLIR-OUS.

Các bạn có thể xem profile chi tiết của Phong ở post Profile EUVN 2011.

Theo scholarshipplanet

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

145 lượt xem