Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Đồng Đội - Yếu Tố Then Chốt Để Khởi Nghiệp Thành Công

Từng trải qua 3 dự án start-up không thành công, Nguyễn Đức Hải vẫn đang kiên trì hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong mình, để nó ngày càng trở nên mạnh mẽ. Hải thậm chí còn khá tự hào khi kể về những thất bại của mình, bởi với anh, đó là sự bảo chứng cho kinh nghiệm, trải nghiệm giúp anh có được thành công.

 

Nguyễn Đức Hải là nhà sáng lập Mạng lưới kết nối vay tài chính LoanVi.com - mô hình cho vay P2P đầu tiên ở Việt Nam vừa được Chính phủ Chile lựa chọn là 1 trong 90 start-up toàn cầu sẽ phát triển tại nước này và Nam Mỹ.

Dự án này nhằm kết nối các cá nhân chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng đến nhà đầu tư, vừa có lợi cho người vay vừa giúp nhà đầu tư có lợi nhuận ổn định. LoanVi.com cũng là cơ hội để các start-up tiếp cận được nguồn vốn, thực hiện các dự án.

Đồng thời anh cũng là thành viên của Tổ chức kiến tạo toàn cầu Global Shapers (một sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - World Economic Forum), đồng sáng lập tổ chức Startup.vn - một chương trình chuyên hỗ trợ những dự án khởi nghiệp tại Việt Nam.

Từ những kinh nghiệm trong các dự án của mình cũng như có nhiều điều kiện tiếp xúc với các nhà sáng lập, chủ đầu tư, Nguyễn Hải hiểu rõ những khó khăn, thuận lợi của các start-up tại Việt Nam và có những lời khuyên giúp các bạn trẻ đang nuôi ý tưởng và ước mơ khởi nghiệp có được định hướng và những bài học đúng đắn để thành công.

Start-up bùng nổ ở Việt Nam

* Là một người hoạt động tích cực trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, anh đánh giá thế nào về môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam?

- Sau 5 năm theo dõi, tôi thấy các start-up ở Việt Nam cả 2 mảng công nghệ và phi công nghệ (mở quán cà phê, shop quần áo…) đều phát triển nhanh, mạnh về cả chất và lượng.

Các bạn trẻ tiếp cận với nhiều bạn bè quốc tế, làm việc và hợp tác với người nước ngoài nên có nhiều cơ hội phát triển kỹ năng, kiến thức và hun đúc tinh thần start-up mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam cũng ngày càng được Chính phủ Việt Nam và nước ngoài quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn, tăng cường các gói viện trợ và tài trợ.

* Theo anh, các start - up ở Việt Nam có thể gặp những khó khăn gì?

- Có 3 hạn chế lớn nhất khi khởi nghiệp ở Việt Nam:

Thứ nhất, Việt Nam chưa có hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh. Các dự án khởi nghiệp phải trải qua các nấc thang: ý tưởng, vườn ươm doanh nghiệp, thu hút đầu tư cá nhân/quỹ nhỏ và quỹ đầu tư mạo hiểm/quỹ lớn. Hiện nước ta thiếu hẳn sự quan tâm của quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như các nấc thang vẫn chưa liên kết được, khiến nhiều start-up cạn vốn dẫn đến thất bại.

Thứ hai, chúng ta chưa tạo được văn hóa khởi nghiệp. Singapore hay Israel với hạn chế nước nhỏ, ít tài nguyên đã xác định tập trung đầu tư vào lĩnh vực start-up để bán mô hình ra các thị trường nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam với nhiều điều kiện thuận lợi hơn dẫn đến dàn trải và thiếu tập trung, khiến start-up không phải là “yếu tố sống còn” của kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, văn hóa sợ thất bại. Người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng xem thất bại là "điểm trừ" nên không mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình. Ngược lại, các nước phương Tây xem thất bại là "điểm cộng", là sự bảo chứng cho việc bản thân có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm.

Cuộc phỏng vấn giữa tôi với các nhà đầu tư người Mỹ cho dự án LoanVi.com tập trung rất nhiều vào những thất bại ở 3 dự án trước. Họ muốn biết tôi rút được kinh nghiệm gì và có lặp lại sai lầm đó hay không. Tôi nghĩ, đó cũng là lý do Mỹ và các nước châu Âu sở hữu rất nhiều tỷ phú. Do đó, muốn hiện thực hóa được ước mơ khởi nghiệp, các start-up phải dẹp bỏ được nỗi ám ảnh này.

* Thực tế, start-up đang trở thành một trào lưu tại Việt Nam, tuy nhiên, không nhiều những start-up thành công. Ngoài những khó khăn ban đầu và chung như trên, theo anh đâu là nguyên nhân?

- Theo tôi, khái niệm “Start-up” và “Start a business” đang bị nhầm lẫn và khiến các bạn dễ nản chí, bỏ ngang những dự án của mình.

Trong quyển Lean Start-up, tác giả Eric Ries đã định nghĩa: Start-up là tìm ra mô hình kinh doanh mới, chưa từng tồn tại, có tốc độ tăng trưởng trong 3-5 năm. Còn small-business là mô hinh kinh doanh đã có sẵn (như mở quán cà phê, nhà hàng…), có tốc độ tăng trưởng khá chậm nhưng lại kiếm lợi nhuận ngay lập tức.

Vì sự nhầm lẫn này mà nhiều bạn trẻ bắt đầu một dự án kinh doanh hoàn toàn mới với đòi hỏi nó sinh lợi nhuận ngay. Điều này là không thể. Để start-up, các bạn cần chuẩn bị tinh thần để chịu gian khổ, hy sinh, làm việc không lương trong nhiều năm.

Muốn thành công cần có người đồng hành lý tưởng

* Nhiều bạn trẻ thắc mắc, liệu họ có thể khởi nghiệp mà không cần nhà đầu tư (NĐT) không. Theo anh, vai trò NĐT như thế nào đối với các start-up?

- Theo tôi, không có NĐT thì không có start-up, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Bạn không có bí quyết, không thể độc quyền vì mọi thứ được sao chép rất nhanh. Do đó, một công ty công nghệ thành công là nhờ dịch vụ tốt hơn, thu hút được nhiều khách hàng hơn. Những điều đó đều cần nguồn vốn dồi dào.

* Như vậy, anh có thể chia sẻ làm thế nào để thuyết phục NĐT quyết định rót vốn vào một dự án?

- Nhà đầu tư sẵn sàng mạo hiểm để rót vốn khi bạn chứng minh được dự án có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Đồng thời, bạn cũng cần nghiên cứu xem mô hình đó thành công ở những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc chưa rồi hãy mang nó áp dụng ở thị trường mới nổi như Việt Nam, Đông Nam Á. Sự kiểm chứng đó giúp bạn chứng minh rằng bạn có nhiều cơ hội thành công hơn và là cơ sở để nhà đầu tư xem xét rót vốn.

* LoanVi.com là mô hình cho vay P2P đầu tiên tại Việt Nam. Theo anh, yếu tố “đầu tiên” có phải là lợi thế để giúp một start-up thành công?

- Mô hình của LoanVi.com xuất hiện lần đầu tại Anh và rất phổ biến tại một số nước khác. Vì thế, tôi không phải là người khai phá thị trường cho vay tín chấp, mà chỉ là người đầu tiên xây dựng nó tại Việt Nam.

Tôi nghĩ yếu tố “đầu tiên” không hẳn là lợi thế cho một start-up, cũng không phải là một niềm tự hào. Ví dụ, Hi5! là mô hình mạng xã hội đầu tiên nhưng rơi vào quên lãng và Facebook “sinh sau đẻ muôn” nhưng rất thành công nhờ vận hành hiệu quả, tìm kiếm khách hàng tốt, hoàn thiện sản phẩm… Start-up cũng giống một đường đua, không quan trọng ai “xuất phát” đầu tiên mà quan trọng là ai “đi” nhanh hơn.

* Vậy anh cho rằng những yếu tố nào giúp tạo nên start-up thành công?

- Theo tôi, khi có 3 yếu tố này, các bạn sẽ có nhiều cơ hội khởi nghiệp thành công: Cộng sự, mô hình, vốn. Trong đó, cộng sự là yếu tố quan trọng nhất. Cộng sự là những người bổ sung các kỹ năng cho nhau, chấp nhận hy sinh 2 - 3 năm làm việc không lương, không đi chơi cuối tuần, ăn bụi..., nói chung là hết lòng cùng nhau xây dựng start-up.

Với tôi, tìm cộng sự như tìm người bạn đời, rất khác với việc bạn thuê nhân viên làm việc cho mình. Nó đòi hỏi sự chia sẻ và hy sinh, tinh thần trách nhiệm rất cao. Trong dự án trước đây, tôi có 3 cộng sự. Chúng tôi đã hỗ trợ nhau rất nhiều theo từng lĩnh vực thế mạnh của mình. Chúng tôi đã cam kết gắn bó với nhau 2 năm để khởi nghiệp và không có lợi nhuận. Hay những nhà đồng sáng lập của tôi hiện nay cũng phải chấp nhận nhiều thiệt thòi và rủi ro khi tham gia khởi nghiệp. Tóm lại, cộng sự tốt là yếu tố then chốt để có thể khởi nghiệp thành công.

* Ý của anh là cộng sự quan trọng hơn cả ý tưởng?

- Đúng vậy! Bạn nghĩ ra một ý tưởng hay, nhưng nó sẽ bị sao chép rất nhanh. Dần dần người ta cũng không thể xác định ý tưởng đó của ai mà chỉ quan tâm ai là người thực hiện ý tưởng đó tốt nhất. Muốn làm điều đó, bạn cần những cộng sự tuyệt vời chứ không chỉ cần ý tưởng tốt.

* Vậy anh có thể chia sẻ kinh nghiệm làm sao để có thể tìm được những cộng sự tốt như vậy?

- Để tìm cộng sự tốt, bạn cần gặp gỡ thật nhiều người, trò chuyện, tham gia các sự kiện với tinh thần cởi mở, học hỏi. Trong những hoàn cảnh như thế, những người cùng chí hướng sẽ gặp nhau, hoặc bạn sẽ nhận được những chỉ dẫn, giới thiệu để tìm được người đồng hành của mình.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

230 lượt xem