Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Làm Quen Với Việc Trở Thành Ông Chủ

Việc thay đổi từ cuộc sống ổn định của một nhân viên toàn thời gian để trở thành một  doanh nhân đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy, điều mà rất nhiều người không để tâm đến.

Để trở thành một doanh nhân thành công, có một ý tưởng tuyệt vời và các mối quan hệ cần thiết thôi chưa đủ (mặc dù cả hai đều giúp ích). Việc thay đổi từ cuộc sống ổn định của một nhân viên toàn thời gian sang thế giới chưa thể lường trước được của các doanh nhân đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy, điều mà rất nhiều người không để tâm đến. Trong thực tế, một số thói quen tốt bạn đã rèn dũa khi còn làm nhân viên tốt chưa chắc đã hữu ích khi bạn bước vào giới doanh nhân.

Theo Cục Quản lý Doanh Nghiệp Nhỏ của Mỹ (Small Business Administration), chỉ có một nửa số doanh nghiệp trụ được đến năm thứ năm. Đổi mới tư duy sẽ có thể giúp bạn không rơi vào nhóm những người thất bại đó. Dưới đây là bảy lời khuyên để bạn vượt qua giai đoạn chuyển đổi để bước vào giới doanh nhân:

1. Học cách nói không

Khi còn là nhân viên trong một công ty lớn, có thể bạn đã quá quen với việc nói "có" với bất kỳ lời yêu cầu nào đưa ra. Bởi "có" thể hiện bạn là một nhân viên được việc cũng như một thành viên tích cực trong đội, và thái độ "dám làm" đó có thể sẽ giúp bạn ghi điểm với quản lý. Tuy nhiên, trong vai trò một doanh nhân, cách này sẽ không giúp bạn đi xa được. Trước tiên, với lịch làm việc dày đặc, việc nói đồng ý và làm tất cả mọi thứ là không thể. Nhưng quan trọng hơn, là một doanh nhân, bạn cần biết lập ra chương trình làm việc chứ không phải chạy theo mong muốn của người khác. Ngoại trừ những công việc quan trọng cần ưu tiên, hãy quen dần với việc nói "không".

2. Đừng quá cầu toàn

Có lẽ sếp trước đây của bạn luôn đòi hỏi sự hoàn hảo tối đa trong mỗi dự án. Hoặc dự án chỉ có thể bắt đầu chạy sau những chuỗi ngày họp hành chỉnh sửa dường như vô tận. Điều này có thể hợp với một công ty lớn, nhưng là một doanh nghiệp hoặc công ty khởi động nhỏ, bạn sẽ không có đủ nguồn lực để biến cái gì đó trở nên "hoàn hảo" và dù sao đi chăng nữa, sự hoàn hảo là bất khả thi.

Trong vai trò một doanh nhân, sự cầu toàn của bạn sẽ trở thành gánh nặng. Bạn càng mất thời gian chỉnh sửa sao cho từng chi tiết phải thật hoàn hảo, doanh nghiệp của bạn sẽ càng tiến chậm hơn. Tập trung vào những gì có tác động lớn, được ưu tiên và hãy chấp nhận chất lượng của những thứ khác ở mức 80% (đôi khi ít hơn). Facebook hiểu rõ điều này nên đã có một poster nổi tiếng viết rằng: "Cứ hoàn thành công việc là tốt rồi, cho dù nó có hoàn hảo hay không."

3. Đừng ngại làm việc chăm chỉ trong nhiều giờ

Nhiều người cho rằng trở thành doanh nhân là một việc nhàn hạ: đi làm ít hơn 8 tiếng một ngày, gọi cho nhân viên từ Hồng Công, Singapore... Cứ cho cả hai liên tưởng này có thể đúng, nhưng một doanh nhân điển hình thường phải làm việc nhiều giờ hơn so với một nhân viên làm công ăn lương. Một số dịp, bạn có thể phải làm việc từ 9 giờ sáng đến nửa đêm thay vì 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Đây là lý do tại sao việc bạn yêu thích công việc là vô cùng quan trọng. Và hãy nhớ rằng bạn đang làm việc để xây dựng ước mơ của riêng bạn, không phải của người khác. Bạn sẽ chẳng bao giờ muốn tốn nhiều thời gian cho giấc mơ của người khác đâu.

4. Sẵn sàng xắn tay vào mọi việc

Ở vị trí của một nhân viên trong công ty, khi máy chủ ngừng hoạt động thợ sẽ được gọi đến. Và bạn cũng chẳng cần phải lo lắng xem liệu đã có ai hút bụi sàn nhà hay tưới cây hay chưa. Tuy nhiên, khi có công ty của riêng mình, bạn sẽ đã phải kiêm rất nhiều vai trò khác nhau ... từ việc hỗ trợ kỹ thuật, bán hàng, marketing, rồi đến kế toán, thậm chí cả quét dọn. Với thực tế này, bạn sẽ phải nhún mình. Trước khi mở công ty riêng, hãy tự hỏi liệu bạn sẽ cảm thấy thoải mái với những công việc trên hay không, kể cả những việc kém hấp dẫn hơn thế.

5. Biết cách đương đầu với sự cô lập về mặt xã hội

Khi làm việc tại một công ty lớn, có thể bạn không ngừng phàn nàn về đồng nghiệp và quản lý của mình. Thế nhưng, một khi đã từ bỏ công việc toàn thời gian, có thể bạn sẽ ngạc nhiên vì nhận thức được tầm quan trọng của mọi người trong các phòng ban khác nhau.

Những tuần đầu tiên làm việc một mình có thể là một cú sốc, đặc biệt nếu bạn làm việc ở nhà. Hãy làm những gì có thể để chống lại sự cô lập xã hội này. Giữ liên lạc với các đồng nghiệp cũ. Làm việc tại một quán cà phê trong vài giờ. Tìm một văn phòng hoặc không gian làm việc chung và tham dự thật nhiều sự kiện ở địa phương để giao thiệp với mọi người.

6. Tuân thủ lịch làm việc

Phần lớn công việc dự án của bạn có độc lập? Chẳng có lịch tiến độ cố định nào vì bạn khởi nghiệp từ con số không? Khi bạn chuyển sang tự làm chủ, hãy cố gắng giữ tiến độ hiện tại nhiều nhất có thể.  

Tự làm chủ không có nghĩa là bạn có thể vứt chiếc đồng hồ báo thức đi hoặc dành bốn tiếng để ăn trưa. Một lịch làm việc ít nhiều sẽ giúp bạn trở nên có kỷ luật và làm việc hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lựa chọn tự làm chủ bởi họ đang quá mệt mỏi với lịch làm việc nghiêm ngặt và độc đoán của giới kinh doanh. Vì vậy, không cần thiết phải tạo ra một lịch làm việc căng như vậy trong công ty của bạn. Nếu cần chút thời gian vào buổi chiều để chăm sóc con cái, dắt chó đi bộ, hoặc đi ra ngoài trong ngày nắng đẹp, hãy cứ làm đi. Chỉ bạn mới có thể quyết định lịch làm việc nào là tốt nhất cho việc kinh doanh và cuộc sống của mình.

7. Lập quỹ cho việc làm doanh nhân

Mặc dù thành công của một doanh nhân thường có gốc rễ ở lối tư duy, nhưng cũng có một số thứ mang tính thực tế cần tính đến. Chỉ một từ thôi ... đó là tiền mặt. Từ một nhân viên làm công ăn lương của công ty, giờ đây bạn sẽ phải nghĩ xem lần tới thu nhập của mình sẽ đến từ đâu. Nếu có thể, trước khi rời bỏ công việc của mình, hãy trích từ chi tiêu của 3 đến 6 tháng để có một số tiền làm vốn (số tiền này có thể nhiều hơn, tùy thuộc vào tính chất của doanh nghiệp bạn đang tạo dựng). Việc có một khoản tiền dự phòng sẽ cho phép bạn tập trung năng lượng vào việc thành lập công ty mới , thay vì phải lo lắng về việc làm thế nào để trả các hóa đơn.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

180 lượt xem