Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Kinh Nghiệm Xin Việc Ngành Kế Toán

Khi mới ra trường chắc hẳn nhiều bạn trẻ sẽ gặp khó khăn trong quá trình xin việc, nhất là những ngành có đòi hỏi cao như kế toán. Sau đây là câu chuyện tuyển dụng kế toán của một doanh nghiệp. Hãy đọc và rút kinh nghiệm cho bản thân nhé!

Là sinh viên mới ra trường, chắc hẳn ai cũng phải ráo riết tìm cho mình một công việc phù hợp. Trừ một số ít bạn đã được gia đình đảm bảo sẵn một công việc tốt còn lại hầu hết những sinh viên mới ra trường đều phải lang thang đi tìm việc với một chồng hồ sơ xin việc được rải khắp nơi. Có những bạn thì được nhận vào ngay từ công ty đầu tiên trong vòng phỏng vấn đầu tiên nhưng có bạn đi rất nhiều công ty, phỏng vấn rất nhiều lần nhưng vẫn bị từ chối? Trong các yếu tố quyết định thành bại của cuộc phỏng vấn thì năng lực là một phần quan trọng, tuy nhiên một phần không nhỏ nữa đó là “kinh nghiệm xin việc”.

Vậy “Kinh nghiệm xin việc” là gì? Đó chính là những kỹ năng để các bạn có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Mỗi nhà tuyển dụng sẽ có những đặc điểm yêu cầu công việc khác nhau với mỗi ứng viên tuy nhiên đa số họ đều có tâm lý chung. Ở đây, tôi xin kể cho các bạn một câu chuyện về một buổi phỏng vấn tuyển kế toán viên mà tôi có dịp được tham gia.

Thông thường, vị trí kế toán sẽ phải có ít nhất 2 vòng tuyển (trừ vòng tuyển hồ sơ). Sau khi loại bỏ những hồ sơ không theo tiêu chí đề ra của công ty (ví dụ: bằng tốt nghiệp trung cấp, yêu cầu mức lương quá lớn…) thì công ty sẽ gọi điện mời các ứng viên tới tham gia vòng tuyển đầu tiên –  vòng tuyển nghiệp vụ. Ở vòng này thường thì kế toán trưởng sẽ đưa ra một vài nghiệp vụ mà công ty thường xuyên phát sinh sau đó yêu cầu các ứng viên định khoản hoặc giải quyết các tình huống được đưa ra. Vòng này không phải quá khó, mục đích chính là kiểm tra khả năng nghiệp vụ của các ứng viên. Ở vòng này, chỉ cần các bạn nắm chắc kiến thức đã được học không phải nhất thiết có kinh nghiệm mới có thể thực hiện được. Mỗi một công ty có một cách làm khác nhau nên ở vòng này rất khó để đưa ra được hướng giải quyết theo đúng cách mà công ty đó vẫn thường làm dù cho bạn là người có nhiều kinh nghiệm đi chăng nữa. Sau khi xem xét, công ty chọn ra 5 ứng viên có bài làm tốt nhất để vào vòng phỏng vấn.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là một cô bé khá xinh xắn, bước vào chào và cười rất tươi. Chúng tôi cũng cảm thấy hoàn toàn dễ chịu. Câu đầu tiên bao giờ chúng tôi (và hầu hết các doanh nghiệp khác) cũng mời ứng viên giới thiệu về mình. Cô bé nói là mình mới vưa tốt nghiệp, đã đi làm cho một công ty và hiện nay vừa đỗ cao học về kế toán. Chúng tôi hỏi: “ Em đã làm cho công ty kia được bao lâu và hiện nay em đi học thì làm việc thế nào”. Cô bé đó vừa cười tươi vừa trả lời: “Em làm được 2 tháng” , hiện nay em đi học vào buổi tối nên ban ngày có thể đi làm được. Tiếp theo, chúng tôi hỏi em có thấy gì bất hợp lý trong một sổ kế toán tiền mặt mà chúng tôi đưa cho em không? Em nhìn và cười, em bảo cũng không thấy gì bất hợp lý. Sau đó, chúng tôi hỏi tiếp về nghiệp vụ lại thấy em cười. Thế là chúng tôi cũng đành cười và cảm ơn, mời em ra về.

Người thứ hai thì ngược lại với cô bé đầu tiên, có vẻ khá là bất cần, bước vào phòng không một lời chào hỏi, không cười, không căng thẳng. Em nói em có 5 năm kinh nghiệm trong nghề kế toán. Chúng tôi hỏi câu gì, em trả lời câu đó, cụt lủn. Chúng tôi không hiểu một người như vậy có thể thích hợp với công việc kế toán cần một người có tính nhẫn nại hay không. Thế là nhận thấy ở em có những điểm không phù hợp lắm với vị trí này thế nên thôi chúng tôi mời em ra về.

Người thứ ba là một cô gái khá bình thường, không một chút ấn tượng. Cô ấy cũng đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm nhưng trong một lĩnh vực hoàn toàn khác với kế toán – chức vụ chúng tôi cần tuyển dụng. Khi được hỏi về cách giải quyết công việc cô ấy khá lúng túng, rõ ràng kinh nghiệm của cô ấy ở công ty cũ không phải là điều mà chúng tôi cần.
Người thứ tư là người mang lại cho chúng tôi cảm giác phù hợp nhất trong những người đã từng gặp. Cô ấy đã có kinh nghiệm 4 năm trong cùng lĩnh vực này. Cô ấy đã làm kế toán viên cho một công ty khá nổi tiếng, cô ấy thực sự rất có năng lực khi những câu hỏi chúng tôi đặt ra đều được cô đáp rất chính xác rành mạch và hợp lý. Cô ấy tự tin và hết sức thoải mái. Tuy nhiên,khi chúng tôi đặt vấn đề : “Tại sao em lại chuyển công ty?” thì cô ấy trả lời “Vì em muốn có một mức lương cao hơn”. Cô ấy cần một mức lương là 5 triệu đồng trong khi chúng tôi chỉ dự định trả lương cho kế toán là 2 triệu đồng. Điều này khiến cho chúng tôi phải suy nghĩ khá nhiều.

Người cuối cùng chúng tôi gặp là một người có kinh nghiệm làm việc không nhiều và tệ hơn nữa cô ấy là người có số điểm thấp nhất trong vòng thi nghiệp vụ. Chúng tôi có hỏi ngay cô ấy “Em có biết là em có số điểm thấp nhất không”. Cô ấy nói: “Em biết em nghĩ phần mà mình bị mất điểm là phần về tài sản cố định. Thật ra phần này em không chắc lắm, thêm vào đó, thường kế toán trưởng làm phần này nên thật lòng là một kế toán viên, em cũng không vững lắm”. Câu trả lời không ngập ngừng khiến chúng tôi khá ấn tượng vì em biết rất rõ về mình và cũng biết rất rõ về yêu cầu của đề thi. Bản thân trong công ty tôi thì phần về tài sản cố định đúng là công việc dành cho kế toán trưởng.Trong quá trình trò chuyện, em cho chúng tôi thấy em là một người có tính cách phù hợp với nghề kế toán như cẩn thận, kiên trì, rõ ràng và trung thực. Khi hỏi đến mức lương, em nói đề nghị mức lương 2,5 triệu. Khi chúng tôi đặt vấn đề thỏa thuận mức lương thấp hơn thì em kiên quyết trả lời là “Không, vì đây là mức lương mới đủ cho cuộc sống của em và cũng là mức lương chung trên thị trường lao động”.

Sau buổi phóng vấn chúng tôi họp và quyết định lựa chọn ứng viên cuối cùng vào vị trí kế toán công ty. Bởi lẽ cô ấy đáp ứng được:

- Sự tự tin hoàn toàn phù hợp
- Bằng cấp vừa đủ
- Thái độ tích cực, yêu thích công việc và mong muốn được làm việc
- Tính cách phù hợp với công việc
- Thật sự biết rõ về mình (Nhiều công ty họ còn cho bạn tự nói về điểm mạnh, điểm yếu của mình).
Tôi hy vọng với câu chuyện nhỏ này, các bạn có thể có một chút “kinh nghiệm xin việc” và dễ dàng thành công trong công cuộc tìm kiếm công việc lý tưởng của mình.

 

                                                                                                        Nguồn: Sưu tầm.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

424 lượt xem