Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[HCM] Cà Phê Văn Học Remarque Và Tiểu Thuyết “Một Thời Để Yêu, Một Thời Để Chết”

Hết hạn

CÀ PHÊ THỨ BẢY

THƯ MỜI

CÀ PHÊ VĂN HỌC

Anh chị và các bạn thân mến!

Vào 9h sáng thứ bảy ngày 04/04/2015,

tại SALON VĂN HÓA quán CÀ PHÊ THỨ BẢY,

Lầu 1,19B Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TPHCM

sẽ diễn ra buổi cà phê CÀ PHÊ VĂN HỌC

Chủ đề: Remarque và cuốn tiểu thuyết

 “ Một thời để yêu, một thời để chết”

phục vụ chương trình Salon Điện Ảnh buổi tối (19h cùng ngày)

giới thiệu bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên

Diễn giả: NV Nhật Chiêu

Chủ trì: Dương Thụ

Rất mong anh chị và các bạn đến tham dự.

Hân hạnh được đón tiếp

GĐ CPTB

Dương Thụ

------------------------------------------------------------------

LỜI DẪN:

VÀI NÉT VỀ E.M.REMARQUE

& TIỂU THUYẾT “MỘT THỜI ĐỂ YÊU,

MỘT THỜI ĐỂ CHẾT »

Erich Maria Remarque VVVVARIAr

Erich Maria Remarque là nhà văn Đức kiệt xuất, tác giả của những cuốn tiểu thuyết được đánh giá là "hay nhất viết về hai cuộc đại chiến thế giới". Từng bị nhà cầm quyền ở chính quốc tiêu huỷ tác phẩm và truy đuổi, ngay từ năm 1933, Remarque đã phải sống cuộc sống lưu vong.

Theo một thống kê sơ bộ, tại châu Âu, hơn chục triệu ấn bản tác phẩm của Remarque đã đến tay bạn đọc. Tiểu thuyết "Phía Tây không có gì lạ" của ông hiện đã được dịch ra 50 thứ tiếng. Người yêu mến Ramerque rất đa dạng. Tổng thống Nga Madvedev gần đây cũng tiết lộ là một fan hâm mộ của ông...

Ông tên thật là Erich Paul Remarque, sinh năm 1898 trong một gia đình theo dòng Công giáo La Mã tại Onasbruck, một thành phố thuộc tỉnh Westphalia nằm ở miền Tây nước Đức. Từ nhỏ, Remarque luôn ngưỡng mộ người mẹ - bà Anna Maria, trong khi lại tỏ ra xa lánh người cha - ông Peter Remarque. Ông Peter Remarque bình sinh chỉ là một người thợ đóng sách nghèo. Sự vất vả, túng bấn của gia đình đã khiến cậu bé Remarque mới hơn mười tuổi phải tự kiếm sống bằng việc dạy kèm piano. Và cậu luôn phải làm việc cật lực để bù vào những khoản thù lao mà hầu như tháng nào cậu cũng phải xin ứng trước. Dấu ấn những năm tháng cơ cực sau này đã được nhà văn ghi lại trong nhiều tác phẩm của ông.

Vì gia đình thường xuyên thay đổi chỗ ở nên có thời kỳ, Remarque phải học một lúc hai trường cấp hai và sau đó là trường dự bị Công giáo Catholic Praparande.

 

Erich Maria Remarque

Tháng 11/1916, khi đang là sinh viên năm thứ ba của Trường Sư phạm Onasbruck's Lehresminar, Remarque bị gọi quân dịch để tham gia vào cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Tháng 6/1917, Remarque được điều động đến một đơn vị công binh ở mặt trận phía Tây. Tại đây, người lính trẻ đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm và vô nghĩa lý của đồng đội. Mặc dù rất dũng cảm và tích cực tham gia công tác cứu thương, song chính từ cái chết của người đồng đội Troske (bị thương vì dính mảnh lựu đạn, mặc dù đã được Remarque đưa về tuyến sau an toàn nhưng lại chết vì không được ai chăm sóc) đã khiến nhà văn tương lai thực sự bị sốc. Remarque tiếp tục ứng cứu đồng đội cho tới khi chính mình cũng bị thương vì mảnh đạn. Suốt hai năm 1917- 1918, Remarque phải nằm tại Bệnh viện St-Vincenz ở Duisburg để chữa vết thương. Tại đây, tin người mẹ hiền thục của mình qua đời càng khiến tâm trạng nhà văn tương lai thêm nặng nề.

Remarque chưa kịp trở lại mặt trận thì cuộc đại chiến kết thúc. Dù chưa trực tiếp đối mặt với quân đội đối phương song chiến tranh đã dạy cho người lính trẻ một bài học cay đắng về cái gọi là "chủ nghĩa yêu nước" ở một xã hội mà sinh mạng con người hoàn toàn bị coi rẻ. Đây cũng là thời kỳ nước Đức lâm vào khủng hoảng cả về kinh tế, chính trị, xã hội.

Từ giường bệnh trở lại đời thường, Remaque làm đủ nghề để mưu sinh. Lúc thì biểu diễn đàn organ ở một nhà thương điên, khi thì lại trở thành nhân viên của một công ty sản xuất bia mộ. Rồi ông tham gia viết phê bình sân khấu, thậm chí viết quảng cáo cho một hãng sản xuất ôtô. Năm 1925, ông được tuyển vào làm biên tập cho tạp chí Sport im Bild ở Berlin.

Ramaque bắt đầu sự nghiệp viết lách với vai trò phóng viên thể thao. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông ra đời vào năm 1920, với tên tác giả là Erich Remark. Cuốn sách bị thiên hạ đón nhận một cách hết sức ghẻ lạnh khiến sau đó, tác giả phải xấu hổ bỏ cả bút danh - vốn là tên của cụ nội. Cuốn tiểu thuyết bị cho là văn phong báo chí khô khan, nội dung tầm thường và đầy định kiến.

Ngày 31/1/1929, ở tuổi 31, Remarque bất ngờ trở nên nổi tiếng khi Nhà xuất bản Propylaeen cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết "Phía Tây không có gì lạ" - một cái tên sách khá lạnh lùng của ông. Ở cuốn tiểu thuyết này, tác giả chính thức ký bút danh Erich Maria Remarque (để tỏ lòng tưởng nhớ người mẹ thân thương, tác giả đổi tên kép Erich Paul của mình thành Erich Maria).

Giờ đây, cuốn tiểu thuyết đã được xếp trong danh sách những tác phẩm văn học Đức ăn khách nhất thế giới, với lượng phát hành đã lên tới 20 triệu cuốn, in bằng 50 thứ tiếng. Song không phải ai cũng biết rằng, ban đầu, cuốn sách từng bị một nhà xuất bản từ chối. Cuốn sách có nội dung phản chiến mạnh. Với việc để cho nhân vật chính của sách - anh lính trẻ Paul Baeumer, sau những ngày tháng hãi hùng trên chiến trường đã ngã xuống, kèm đó là lời cuối sách có vẻ "dửng dưng", "bình thản" của tác giả: "Anh ta chết tháng mười, năm 1918, trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh, đến nỗi bản báo cáo quân đội chỉ ghi vắn tắt một dòng: Phía Tây không có gì lạ", tác phẩm của Remarque đã có sức tố cáo mạnh mẽ sự vô nhân tính của chiến tranh.

Vừa ra đời, "Phía Tây không có gì lạ" đã gây chấn động nước Đức, một nước có hàng triệu người tham chiến hiện vẫn chịu di chứng cả tinh thần và thể xác từ cuộc chiến tranh khủng khiếp. Nhiều người ca ngợi cuốn tiểu thuyết là "bản di chúc của tất cả những người đã ngã xuống trên chiến trường". Nhà văn Leonhard Frank quả quyết, một tác phẩm như vậy "trăm năm mới xuất hiện một lần". Còn Henry Louis Mencken - nhà phê bình nổi tiếng đương thời thì khẳng định: "Không nghi ngờ gì nữa, đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất về cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất".

Ngay trong năm xuất bản đầu tiên, tiểu thuyết "Phía Tây không có gì lạ" đã phát hành được hơn triệu bản ở Đức. Tại Anh, Mỹ, sách còn bán chạy hơn. Cuốn tiểu thuyết càng trở nên phổ biến nhờ bộ phim do người Mỹ dựng (từng được giải Oscar) với Lew Ayres và Lewis Wolheim đóng vai chính. Trong lịch sử điện ảnh, đây là một trong những bộ phim nói đầu tiên (trước đó chỉ là phim câm) và hiện vẫn được xếp vào danh sách những phim kinh điển về đề tài chiến tranh. Tới năm 1932, "Phía Tây không có gì lạ" đã được dịch ra 29 thứ tiếng. Từ một anh nhà báo quèn không mấy người biết, Erich Maria Remaque đã trở thành nhà văn tên tuổi lừng lẫy khắp thế giới.

Tuy nhiên, tại Đức, Remarque đã phải hứng chịu sự công kích và các âm mưu bôi nhọ của phái Quốc xã. Đặc biệt, khi bộ phim "Phía Tây không có gì lạ" được chiếu ở Berlin, Goebbels, người phụ trách công tác tuyên truyền của Đức Quốc xã đã lệnh cho lực lượng "Thanh niên Hitler" xông thẳng vào rạp, ném những bình hơi thối cùng những con chuột bạch và hét lên: "Nước Đức hãy thức tỉnh". Bộ phim bị cấm năm 1931. Năm 1933, Hitler chính thức lên nắm quyền. Remaque bị buộc phải rời nước Đức và sách của ông bị thiêu rụi trong cuộc đốt sách đáng hổ thẹn diễn ra vào năm đó.

Năm 1933, chính quyền Quốc xã quyết định tịch thu tài khoản của Remarque ở Berlin với lý do "để bù vào tiền thuế". Tuy nhiên, trước đó Remarque đã bí mật chuyển hầu hết tiền và số tranh theo trường phái Ấn tượng của mình sang Thuỵ Sĩ.

Đầu mùa hè 1935, Remarque tham dự hội nghị những nhà văn lưu vong tổ chức tại thủ đô nước Pháp, và ông chọn đây là nơi định cư. Tại Paris, Remarque đã làm quen và có mối tình nổi đình đám với minh tinh màn bạc Marlène Dietrich.

Khi cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai sắp nổ ra, Remarque quyết định chuyển sang sống ở New York (Mỹ). Từ năm 1939 đến 1942, Remarque sống tại kinh đô điện ảnh Hollywood. Trong thời gian Remaque bị tước quyền công dân Đức, 3 cuốn sách của ông lần lượt được dựng thành phim ở Mỹ và có lúc, người ta gọi ông là "Vua của Hollywood". Bạn bè của ông rất nhiều người là đạo diễn, diễn viên. Ngoài Marlene Dietrich còn có Greta Garbo, Charles Chaplin...

Mệt mỏi vì những "phù hoa giả tạo" của Hollywood, một thời gian sau, Remarque lại chuyển về sống ở New York. Tên tuổi ông càng trở nên nổi tiếng khi - vào năm 1957, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết "Thời gian để sống và thời gian để chết" (được coi là cuốn sách hay nhất viết về cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai) của ông được công chiếu.

Những năm cuối đời, Remarque sống tại Porto Ronco, Thuỵ Sĩ, trong ngôi biệt thự cạnh hồ Magiore với nhiều cổ vật quý giá mà ông mua được.

Về đời tư, đầu những năm 1920, Ramerque gặp gỡ và kết hôn với Jutta Zambona - "một phụ nữ cao ráo, thon thả, xinh đẹp và sành điệu như người mẫu". Năm năm sau, cuộc sống vợ chồng đổ vỡ do cả hai đều có tình ý riêng ngoài hôn nhân. Năm 1938, họ bất ngờ tái hôn để rồi sau đó sống ly thân và tới năm 1951 thì vĩnh viễn chia tay.

Năm 1958, ở tuổi 60, Remarque kết hôn với diễn viên Paulette Goddard, vợ cũ của Vua hề Charles Chaplin sau 18 năm quan hệ không chính thức. Họ sống bên nhau tới ngày Remarque qua đời (25/9/1970) tại Locarno, Thuỵ Sĩ

      * Tác phẩm:

-         Flotsam (1941)

-         Arch of Triumph (1946)

-         The Black Obelisk (1957)

-         The Night in Lisbon (1962)

-         Im Westen nichts Neues

-         All Quiet on the Western Front

-         Der Weg Zurück

------------------------------------------------------------------

 Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết

Tình yêu giữa thời chiến, đây là câu chuyện muôn đời xảy ra muôn lần trên lịch sử muôn năm của muôn triệu con người. Nhưng đọc Một Thời Để yêu và Một Thời Để Chết của Erich Maria Remarque, chúng ta mới thấy rằng có một thời tình yêu và chiến tranh lại trở thành những đề tài sáo cũ và lỗi thời, mà cũng có một thời tình yêu và chiến tranh lại trở thành những tiếng gọi thầm thì và những tiếng thống thiết đồng vọng lên hơi thở không ngừng của trái tim. Remarque đưa mình vào một buổi chiều phiêu lãng có mây nhẹ bay qua trên đống gạch vụn điêu tàn của một nền văn minh giẫy chết. Remarque không làm văn chương; chất thơ phớt nhẹ vào quyển tiểu thuyết của ông như một chút nước mát từ đồi cao rơi xuống mặt đất cháy đen của thời chinh chiến...

Ra đi và trở về. Ra đi trong trầm uất và trở về trong liều lĩnh rạo rực. Sống rạo rực và chết như khói bay lên trời. Một Thời Để Yêu và Một Thời Để Chết. Yêu một lần và chết một lần. Chỉ một lần. Remarque trao tặng chúng ta một thời để yêu và một thời để chết. Từ mặt trận ở Nga, Graber trở về nghỉ phép ở quê hương, chàng đã chờ đợi hai năm rồi mới được dịp may bất ngờ này. Về tới quê nhà, chàng không còn thấy, không còn nhìn ra mái nhà xưa nữa, bom đạn đã làm tan nát tất cả; cha mẹ chàng mất tích, chàng bơ phờ tìm kiếm hành tung của cha mẹ, nhưng rồi tình cờ gặp Elisabeth Kruse, họ yêu nhau, yêu nhau đến độ cao cuối cùng của phong vũ biểu, vì họ biết rằng mọi sự chỉ đến có một lần thôi...

Graber lại trở ra mặt trận, để rồi sau cùng bị bắn chết, lúc chàng mở cửa tù cho tội nhân trốn thoát. Lòng nhân đạo của chàng đã bắn chàng chết; chàng  muốn giải thoát cho tù nhân và chính tù nhân được trả tự do đã quay ngược lại chĩa súng bắn vào chàng. Câu chuyện chấm dứt bằng một câu đơn giản: " và đôi mắt chàng đóng khép lại ", thế mà chúng ta có cảm tưởng rằng câu nói ấy về sự đóng khép của một vũ trụ nào đó, một vũ trụ mà : "một cụm mây bay chậm qua bầu trời, những con chim kêu ríu rít trong những cội phong già. Một con bướm xanh lơ lảo đảo từ đoá hoa này đến đoá hoa khác và bay lượn trên những hố lạc đạn. Một chập sau đó, một con bướm khác bay tiếp theo với con bướm xanh kia. Hai con bướm vui đùa với nhau và săn duổi nhau. Tiếng ì ầm ngoài mặt trận vang động lớn dần. Hai con bướm giao cấu  nhau và bay cao lên chậm chạp trong không khí ấm và sáng. Graber nằm ngủ ".

Erich Maria Remaque, nhà văn Đức sinh năm 1898, bị thương năm lần tại mặt trận, sống ở Mỹ trong thời đại chiến 1939-1945, đồng thời sống ở Pháp và Thuỵ Sĩ. Ông là một tiểu thuyết gia nổi danh của văn học Đức, nhiều tác phẩm của ông bán chạy nhất trong thời hậu chiến. Những quyển tiểu thuyết của ông đều nói lên sự tàn phá của nền văn minh Tây phương, của chiến tranh và hận thù. Tình yêu và tình thương vẫn là đề tài muôn thuở mà ông không bao giờ viết lên với những tiết nhịp dễ dãi của thứ văn chương lãng mạn hời hợt. Tính cách lãng mạn trữ tình của Remarque là một đoá hoa mọc lên từ máu và bùn. Đọc Remarque, chúng ta cảm thấy niềm tin vào cuộc đời vẫn còn đó, rạng rỡ như một cơn lửa chiều.

Chúng ta khó quên một đoạn trong Một Thời Để yêu và Một Thời Để Chết"Không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng.

Nên chứ, nếu không cứu vớt những giác mộng thì cứu vớt gì bây giờ?

Cứu vớt Niềm tin. Còn những giấc mộng thì tự chúng sẽ hồi sinh lại.

Giấc mộng này đi qua, nhưng giấc mộng khác sẽ đến và sống lại. Chỉ có Niềm tin là đáng nuôi dưỡng khi bóng tối vây phủ trên giấc mộng loài người ".

Hết hạn

597 lượt xem