Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Lễ Khởi Động Dự Án Green Seeds - Chủ Đề “Phong Tục Tập Quán Trên Thế Giới”

Hết hạn

Lễ khởi động với chủ đề “Phong tục tập quán trên thế giới” diễn ra vào lúc 14h ngày 28/2 tại trường THCS Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội chính là “ngọn gió” đầu tiên đưa những “cánh bồ công anh” của “Green Seeds” bay đến những miền đất mới. Hãy cùng YBOX.VN tham gia chương trình ý nghĩa này qua những dòng chia sẻ xúc động bên dưới nhé!

“Trẻ em nông thôn vẫn còn thiệt thòi”

 Đó là nhận định mà Chương trình nghiên cứu quốc tế về đói nghèo trẻ em tại VN đưa ra khi hoàn thành giai đoạn 1 (2002- 2004) của dự án “Những cuộc đời trẻ thơ”.

Hiện nay, mặc dù khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đang dần được thu hẹp, đặc biệt là công tác phổ cập giáo dục đang được đẩy mạnh, nhưng cuộc sống ở nông thôn, nhất là đối với trẻ em, vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề giáo dục, cụ thể hơn là việc dạy và học tiếng anh. Theo khảo sát gần đây về điểm kiểm tra tiếng anh tại 1 số trường học, những con số “biết nói” đã phản ánh rằng chỉ hơn 50% trẻ em nông thôn đạt kết quả trên trung bình, con số này đối với trẻ em thành thị là xấp xỉ 90%. Sự chênh lệch lớn này là một thực trạng đáng lo ngại khi xã hội ngày càng hội nhập, phát triển, nhất là khi mốc thời gian hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đến gần.

Theo phân tích của TS.Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, điều làm cho các em thích nhất ở trường học là “có thầy cô giáo và các bạn” (42%) và “các bài học” (25%). Con số này đối với trẻ em thành thị là 56% và 39%. Điều đáng mừng là ham thích học tập giữa trẻ em nông thôn và thành thị là khá tương đồng. Như vậy, kết quả học tập nói chung và kết quả học tiếng anh nói riêng của trẻ em giữa 2 nơi có sự chênh lệch không phải vì các em không thích hay không thể tiếp thu mà bởi điều kiện học tập, sử dụng kiến thức tiếng anh của học sinh nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế.

Những trải nghiệm đầu tiên:

Tôi – một đứa học sinh sống giữa lòng thành phố, lần học cách nhà xa nhất chỉ tầm 10km – lần đầu tiên chuyển 2 tuyến xe bus, rồi đi xe khách cùng các thành viên dự án “Green Seeds – Gieo hạt mầm, nuôi ước mơ” về đến THCS Phương Trung (Thanh Oai – Hà Nội) – nơi chúng tôi sẽ gắn bó cùng các em học sinh trong mấy tháng tới với mong muốn đưa tiếng anh đến gần với các em vùng nông thôn.

Lần đầu một mình trải nghiệm quãng đường khá dài, hồi hộp, lo lắng liệu có đi nhầm đường, có bị người xấu bắt cóc không, nhưng rồi lại cười xòa cái sự thắc mắc “ngớ ngẩn” của mình, thẩn thơ nghĩ đến chặng đường và mục đích trước mắt. Con đường đưa tôi đến trường THCS Phương Trung không quá đẹp, bằng phẳng khiến tôi chợt giật mình: đã cùng một thành phố rồi, cách nhau vài chục km thôi, nhưng điều kiện sống vẫn còn chênh lệch nhiều quá, hóa ra những bạn học sinh ở các tỉnh khác đã phải di chuyển những con đường thậm chí còn dài và mệt hơn thế để đến với bến bờ kiến thức, trong điều kiện tốt hơn.

Những em học sinh trường THCS Phương Trung (Thanh Oai – Hà Nội)

Gặp các em rồi, những nụ cười giòn tan dưới cái nắng dịu nhẹ đã xua tan chút ít mệt nhọc trên đường di chuyển. Tiếng nói cười, hò reo, những tờ báo Hoa Học Trò, những cái nhìn đầy lạ lẫm như thúc giục, hối hả tôi nhanh chóng tham gia công việc, cùng những thành viên “Ban chuyên môn” bắt đầu tiết đầu tiên. Từ những lo lắng “chị sợ các em ấy không thích”, “làm thế nào bây giờ nhỉ”,…gương mặt mỗi tình nguyện viên dự án như “giãn ra”, thoải mái và “sung” hơn rất nhiều nhờ sự ham học của các em học sinh. Các em chăm chú và nhiệt tình quá! Tiết học kết thúc, các em vội đăng kí tham gia học tập khiến tất cả mọi người đều vừa buồn cười, vừa cảm động. Tiết học đầu tiên của Green Seedscùng các em học sinh đã kết thúc vui vẻ như vậy đấy.

Các tình nguyện viên cùng giáo viên trường THCS Phương Trung triển khai lại công việc trước giờ lên lớp

Các tình nguyện viên tiếp nhận lớp học

Các em học sinh hào hứng đăng kí tham gia dự án.

Anh Nguyễn Đình Tùng (Giảng viên khoa tiếng anh - Đại học Hà Nội) – hiện đang là một tình nguyện viên của dự án – tâm sự: “Anh đã giảng dạy cho “người lớn” được 3 năm rồi, lần đầu tiên anh tham gia dự án tình nguyện giảng dạy tiếng anh cho trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng nông thôn Việt Nam. Đây thật sự là trải nghiệm vô cùng mới mẻ, thú vị khiến anh thực sự rất kì vọng sẽ giúp ích thật nhiều cho dự án cũng như các em học sinh ở vùng nông thôn.”

Những hạt mầm hãy cùng “Green Seeds” lớn lên:

Hiểu rõ những thực trạng đáng lo ngại trên, dự ánGreen Seeds – Gieo hạt mầm, nuôi ước mơ” đã ra đời với mong muốn mang đến cơ hội học tập tiếng anh và phát triển cá tính cho học sinh ở vùng nông thôn, những vùng còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện học tập. Chúng tôi tin rằng giáo dục tiếng anh không chỉ là giáo dục ngôn ngữ mà còn là cánh cửa đưa các em ra thế giới bên ngoài rộng lớn hơn, cá tính hơn để các em có cơ hội bộc lộ, nuôi dưỡng những khả năng tiềm ẩn trong mình.

Bên cạnh đó, giáo dục Việt Nam vốn còn nặng về lý thuyết và đang “chập chững” từng bước đổi mới phương pháp dạy và học sao cho hiệu quả, gần gũi hơn. Hiểu được điều này, Green Seeds muốn góp sức mình vào việc thay đổi cách dạy và học sao cho thật dễ hiểu, gần gũi với các em học sinh, để “Mỗi ngày đi học là một ngày vui”. Ngoài ra, dự án cũng mang đến cơ hội trao đồi, khám phá bản thân, thử sức trong lĩnh vực giáo dục cho các bạn sinh viên muốn trở thành những người lái đò truyền cảm hứng trong tương lai với các sự kiện, chương trình như “Đôi bạn cùng tiến”, “Câu chuyện của em”, “Em sẽ là ai trong năm 2030”…

Với những mong muốn và mục đích thiết thực cùng đội ngũ tình nguyện viên nhiệt huyết, dự án “Green Seeds” cam kết đưa tiếng anh đến gần hơn với các em học sinh vùng nông thôn, giúp các em phát triển đầy đủ các kĩ năng cả trong học tập lẫn cuộc sống.

Chúng tôi tin rằng bình đẳng trong giáo dục là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Vì vậy, chúng tôi ví công việc của mình như những đóa bồ công anh – nhẹ nhàng và lan tỏa. Chỉ một bông hoa bé nhỏ, nhưng khi được gió mang đi, nó sẽ để lại dấu ấn ở khắp mọi nẻo đường.

       

Hết hạn

218 lượt xem