Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[A Crazy Mind] 5 Cách Để Rèn Luyện Trí Tuệ Cảm Xúc Của Bạn

Công việc là một phi hành gia có lẽ là công việc khó nhất trên hành tinh này. Mười trên hàng ngàn đơn ứng tuyển, NASA chỉ lựa chọn khoảng 6 người mỗi thập kỉ. Quá trình ứng tuyển cũng vô cùng nghiêm ngặt và đòi hỏi vô cùng cao. Bạn phải có chuyên môn vô cùng sâu rộng trong ngành khoa học và kĩ thuật. Bạn phải là một đứa thật “đỉnh" để có thể đủ điều kiện. Bạn phải có ít nhất 1,000 tiếng kinh nghiệm từng làm phi công. Bạn phải khoẻ mạnh và vô cùng mạnh mẽ về mặt thể chất. Và trên cả, bạn phải là một đứa vô cùng thông minh.


Lisa Nowak từng có tất cả những yêu cầu trên. Cô có bằng thạc sĩ ngành Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ và từng học khoá cao học ngành Vật lý Thiên văn tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương hơn 5 năm. Và trong năm 1996, cô là 1 trong ít những người may mắn được lựa chọn làm phi hành gia.


Rõ ràng mà  nói, cô ta thông minh khủng khiếp. Nhưng trong năm 2007, sau khi phát hiện ra người yêu mình đang cặp kè với người phụ nữ khác, Lisa lái xe liên tù tì trong 15 tiếng, cuốn tã, đi từ Houston tới Orlando, chỉ để đối mặt với người tình mới của bạn trai mình tại chỗ đỗ xe ở sân bay. Lisa chất đầy xe dây rút, bình xịt hơi cay và những túi rác to bự và có kế hoạch mơ-hồ-nhưng-không-thật-sự-nghĩ-sâu-sát là bắt cóc cô ả kia. Nhưng trước khi Lisa có thể kéo được cô gái kia ra khỏi xe, Lisa lên cơn hoảng loạn, kết quả là cô ấy bị áp giải về đồn ngay sau đó.


***


Trí tuệ cảm xúc là một lĩnh vực mà các nhà nghiên cứu đề cập trong suốt những năm 1980 và 1990 để giải thích vì sao những người thông minh như Lisa thường làm những điều vô cùng, vô cùng ngốc nghếch. Cuộc tranh luận cho thấy cũng như trí thông minh (IQ) là cách để đo lường khả  năng xử lý thông tin và đưa ra những quyết định sáng suốt, thì trí tuệ cảm xúc là khả năng xử lý xúc cảm - cả của người khác và của chính mình - và rồi đưa ra những quyết định sáng suốt.


Một số người có chỉ số IQ vô cùng cao nhưng lại có chỉ số EQ thấp - hãy nghĩ tới cảnh một giáo sư lập dị người mà không thể đi một đôi tất cùng màu hoặc không thấy việc tắm có tác dụng gì. Hay có những người có chỉ số EQ vô cùng cao nhưng chỉ số IQ của họ lại thấp - hãy nghĩ tới trường hợp một người bán hàng rong người không thể đánh vần tên mình nhưng một cách nào đó vẫn có thể thuyết phục bạn giúp đỡ anh ta vô điều kiện.


Các nhà tâm lý học người nghiên cứu trí tuệ xúc cảm đôi khi cho rằng chỉ số EQ thực tế còn quan trọng hơn cả chỉ số thông minh. Kể cả lời kết luận này có đúng thì cũng gây thật nhiều tranh cãi và, nếu không muốn nói là đã nhận về một tá phản hồi kiểu “cái quái gì cơ?”. Đối với một số cá nhân, đo lường trí tuệ cảm xúc thật sự khó khăn, chưa kể đến là bất khả thi. Bởi phần lớn những chỉ tiêu đo lường đều mang tính chủ quan.


Nhưng cũng vì trí tuệ cảm xúc không ổn định như chỉ số thông minh. IQ khó mà có thể thay đổi. Nhưng EQ đôi khi được đầu tư phát triển thì nó lại tăng lên như là cơ bắp bự lên khi tập luyện hay kĩ năng khi được tập trung quan sát lại phát triển, chúng được ví như bông hoa nhỏ xinh được tưới đẫm trong khu vườn ngớ ngẩn của bạn vậy.


Vậy nên, đơn giản mà nói, không cần biết bạn thông minh đến thế nào, điều đó chẳng liên quan gì đâu. Hãy gắn kết những vấn đề ngu ngốc kia vào. Phát triển trí tuệ cảm xúc để giúp bạn không biến thành con mẹ dở hơi như Lisa đã từng.

Đây là 5 cách để thực hiện chúng.


  1. Tập luyện khả năng tự nhận thức


Cũng như tất cả những thứ khác liên quan tới cảm xúc, bạn không thể khá lên được đến khi bạn xác định chúng thật sự là cái quái gì. Khi bạn thiếu đi sự nhận thức, cố gắng kiểm soát xúc cảm của mình sẽ tự như là ngồi trên một chiếc thuyền bé tí mà không có tay chèo chênh vênh giữa đại dương cảm xúc của bạn, hoàn toàn trôi dạt theo dòng chảy của bất kì điều gì đang xảy ra ngay lúc này. Bạn không có nhận thức được là mình đang đi đâu và làm thế nào để đến đó. Và tất cả những điều bạn có thể làm là gào thét, mắng mỏ để xin sự cầu cứu.

Sự nhận thức bao gồm cả sự thấu hiểu bản thân và hành xử của bạn theo 3 bậc: 1) điều bạn đang làm; 2) Cảm giác của bạn về điều đó, và 3) đoạn khó khăn nhất, cố gắng nhìn nhận điều bạn không hiểu rõ về bản thân.


  • Biết được mình đang làm gì. Bạn có thể sẽ nghĩ điều này khá là đơn giản và dễ hiểu, nhưng sự thật là trong thế kỉ 21, phần lớn chúng ta đều không biết chúng ta đang làm cái quái gì trong nửa thời gian trong ngày. Chúng ta tự bật chế độ lái tự động - kiểm tra thư điện tử, tin nhắn với bạn thân, lướt Instagram, xem Youtube, lại kiểm tra thư điện tử, nhắn tin cho bạn thân, vân vân...


    Loại bỏ những thứ nhiễu đó trong cuộc đời bạn - như là, bạn biết rồi đấy, thi thoảng tắt đi cái điện thoại chết tiệt và sống cùng thế giới xung quanh bạn là bước đầu khá ổn để tăng nhận thức của bản thân. Tìm kiếm những không gian yên tĩnh và vắng vẻ, khi đang tiềm tàng những nỗi sợ hãi không tên, thường cần thiết cho sức khoẻ tinh thần của ta. Những hình thức của sự xao nhãng bao gồm công việc, TV, thuốc gây nghiện, trò chơi điện tử, thêu thùa, “anh hùng bàn phím" trên mạng, vân vân..


    Lên lịch trong ngày có thể giúp bạn tránh xa những điều đó. Hãy bắt đầu buổi sáng đi làm mà không có âm nhạc hay bản nghe nào cả. Chỉ tập trung nghĩ về cuộc sống của mình. Nghĩ về cảm xúc của bạn. Để dành 10 phút mỗi sáng để thiền. Xoá những ứng dụng xã hội ra khỏi điện thoại của bạn 1 tuần. Bạn sẽ thường bị ngạc nhiên bởi những điều xảy đến với bạn đó.


    Chúng ta sử dụng những sự xao nhãng này để tránh cảm xúc không thoải mái, và việc loại bỏ sự nhiễu ấy và tập trung vào cảm giác của mình khi không có chúng có thể thi thoảng lộ ra những thứ tồi tệ đáng sợ. Nhưng loại bỏ những sự nhiễu ấy là cần thiết bởi chúng có thể thúc ta lên một tầm cao mới.




  • Biết mình đang cảm thấy gì. Lúc đầu, một khi bạn thật sự để ý tới cảm xúc của mình, nó sẽ làm bạn hoảng sợ. Bạn có thể nhận ra bạn thường thật ra hay buồn hoặc bạn là kiểu người cáu kỉnh với tất cả mọi người trong cuộc sống. Bạn cũng có thể nhận ra rằng có rất nhiều sự lo lắng bồn chồn đang xảy ra trong đầu bạn, và cái sự “nghiện dùng điện thoại” kia lại thật ra là cách để liên tục giúp bạn trở nên tê liệt với nó và xao nhãng bản thân khỏi những lo lắng đó.


    Điều quan trọng tại lúc này là không được phán xét cái cảm xúc đang trỗi dậy đó. Bạn sẽ có xu hướng muốn nói những thứ như kiểu, “Oái! Lại lo lắng! Điều quái gì đang xảy ra với tôi vậy!” nhưng việc đó chỉ làm mọi thứ tệ hơn thôi. Dù cảm xúc trồi lên ấy có lí do thực tế để có mặt ở đó, kể cả bạn không nhớ lí do là gì. Bạn cùng đừng quá khó khăn với bản thân mình như vậy.


  • Hiểu rõ những vấn đề trong cảm xúc của mình. Một khi bạn nhận ra tất cả những thứ uỷ mị, khó chịu mà bạn đang chịu đựng, bạn sẽ bắt đầu chạm tới cái điểm mà ở đó cái sự điên rồ nho nhỏ của bạn đang trú ngụ. Ví dụ, tôi dễ bị cảm động khi bị chen ngang vào chuyện gì đó. Tôi dễ lên cơn tức giận vô lý khi đang cố gắng nói chuyện và cái người tôi đang nói chuyện cùng lại xao nhãng với câu chuyện của tôi. Tôi đặc biệt khó chịu với điều đó. Và trong khi thi thoảng họ là người cư xử thô lỗ, thi thoảng những thứ dở hơi vẫn xảy ra và tôi cuối cùng lại trông như một thằng dở người bởi vì tôi không thể chịu đựng tiếp diễn thêm 2 giây nào nữa mà mỗi câu nói của tôi đều không được tôn trọng. Đó là một trong những đặc điểm  cảm xúc không mấy bình thường của tôi. Và chỉ khi có nhận thức về nó tôi mới có thể phản ứng lại chúng.


Bây giờ, chỉ có nhận thức về vấn đề của mình thôi là không thể đủ được. Bản thân ta cũng phải có khả năng kiểm soát cả cảm xúc nữa.


2. Rèn luyện khả năng điều tiết cảm xúc




Những người tin rằng cảm xúc là thứ tuyệt vời nhất trong cuộc sống này thường tìm kiếm các cách để kiểm soát cảm xúc của mình. Nhưng bạn chẳng thể làm được điều đó. Bạn chỉ có thể phản ứng/tương tác lại với chúng thôi.

Cảm xúc thường chỉ là các dấu hiệu báo hiệu cho ta nên tập trung vào điều gì đó. Chúng ta sau đó có thể quyết định “cái điều gì đó" có thật sự đáng quan trọng và lựa chọn một chuỗi các hành động tốt nhất sau đó để giải quyết chúng hay không.

Không hề có cảm xúc nào được coi là “tốt" hay “xấu" - chỉ có những phản ứng “tốt" hay “xấu" đối với cảm xúc của mình thôi.

 

Sự tức giận có thể là cảm xúc gây hại nếu như bạn hiểu theo cách không đáng có và làm tổn thương người khác hoặc chính bản thân bạn khi phản ứng chúng. Nhưng nó có thể là cảm xúc tốt nếu bạn sử dụng nó để giải quyết những thứ phi lý và/hoặc bảo vệ bản thân bạn hay người khác.


Niềm vui có thể là một cảm xúc tuyệt vời khi bạn chia sẻ điều đó với người bạn yêu thương lúc có điều gì đó tốt xảy ra. Nhưng nó đồng thời có thể là một cảm xúc đáng sợ nếu nó nảy sinh từ việc làm tổn thương người khác.

Điều này cho thấy đây là cách kiểm soát cảm xúc của mình: nhận ra điều bạn đang cảm nhận thấy, quyết định liệu đó là cảm xúc phù hợp trong trường hợp này, và phản ứng theo.


Điểm chính bao quát tất cả những điều này là nói về khả năng điều phối cảm xúc của mình theo cái cách mà các nhà tâm lý học gọi là “hành vi có mục đích" - hoặc là cái điều mà tôi thường thích gọi ngắn gọn là “liên kết những thứ vô nghĩa lại với nhau"


3. Học cách tự tạo động lực

Bạn có bao giờ chìm đắm hoàn toàn vào một hoạt động nào đó chưa? Giống như khi bạn bắt đầu làm một việc để rồi bị cuốn vào nó, và cho đến khi bạn thoát ra khỏi cái trạng thái gần như là thôi miên mà mình vô tình bị rơi vào đó thì mới nhận ra là đã 3 tiếng đồng hồ trôi qua rồi, thế nhưng cảm giác như chỉ vừa làm có 15 phút thôi.

Điều này thường xảy ra với tôi khi tôi viết lách. Đó là lúc tôi mất đi cảm giác về thời gian và những dòng thác cảm xúc được sắp đặt tinh tế đổ ào xuống khi những ý tưởng nảy sinh trong tôi và tôi cứ thế viết chúng lên giấy. Tôi cảm thấy có một sự pha trộn giữa cảm xúc mê hoặc và sự bùng nổ của hoocmon dopamine khi tôi vừa nghĩ ra được một câu văn hay, một câu bông đùa thú ví hoặc bằng cách nào đó diễn đạt được ý mình một cách mạch lạc mà không gặp quá nhiều khó khăn.

Tôi yêu thích cảm giác này, và khi đã đạt được nó, nó lại trở thành động lực thúc đẩy tôi viết tiếp.

Nhưng cần chú ý một điều quan trọng rằng: tôi không đợi cảm xúc bùng nổ đó đến rồi mới bắt đầu viết.

Tôi bắt đầu viết, cứ viết và viết đến khi cái cảm xúc đó xuất hiện, thúc đẩy tôi viết tiếp, và cứ mỗi lần xuất hiện như vậy, cảm xúc đó lại ngày một mạnh mẽ hơn, và tôi lại càng có động lực hơn.

Đây là cái mà tôi gọi là “Do Something Principle” (tạm dịch: quy luật Bắt tay vào làm) và nó có lẽ là một trong những bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả nhất mà tôi từng biết. Quy luật này nói rằng hành động không phải chỉ là hiệu ứng của động lực, mà nó còn là nguồn gốc của động lực.

Hầu hết mọi người đều tìm nguồn cảm hứng trước rồi lấy đó làm động lực để thực hiện một hành động lớn lao và mang tính cách mạng, thay đổi con người và cuộc đời họ. Họ cố gắng tích tụ thật nhiều năng lượng tích cực từ bất kỳ nguồn cảm hứng nào tìm được để đi đến hành động trong suốt 1 tuần lễ liền. Nhưng sang tuần tiếp theo, họ cạn kiệt cảm hứng và quay lại chu trình cũ, với một phương pháp tạo động lực khác.

Nhưng tôi làm theo một cách hoàn toàn ngược lại với cách trên. Khi tôi cảm thấy cần có động lực để làm gì đó, tôi bắt tay vào thực hiện một việc bất kỳ, việc đó có thể chẳng dính dáng gì với vệc mà tôi cần hoàn thành. Và sau đó, hành động của tôi sinh ra động lực, động lực đấy lại thúc đẩy tôi hành động.

Khi tôi cảm thấy không có hứng viết lách, tôi tự nhủ với bản thân rằng giờ cứ soạn dàn ý thôi. Và mỗi khi làm thế, tôi thường nghĩ ra được một ý tưởng hay ho mà trước khi bắt đầu tôi chưa hề nghĩ đến, và tôi muốn thêm nó vào bài viết. Thế là tôi bắt đầu viết nó xuống giấy, rồi ý tưởng cứ thế phát triển.

Trước khi tôi kịp nhận ra, tôi đã viết được nửa bản thảo và thậm chí còn chẳng dừng bút một lần.

Ý tôi muốn nói là, để sử dụng cảm xúc hiệu quả và làm việc có năng suất hơn thì bạn cần phải bắt tay vào hành động.

Nếu bạn thấy chán và chẳng có hứng làm việc, thì hãy làm gì đó khác. Vẽ doodle, học một khóa lập trình miễn phí trên mạng, nói chuyện với người lạ, học một nhạc cụ, thử học một thứ gì mới mẻ trong một môn học cự kỳ khó, tham gia tình nguyện cộng đồng, nhảy múa, dựng kệ sách, làm thơ. Hãy chú ý tới cảm xúc của bạn trước, trong và sau khi làm việc đó, và hãy sử dụng cảm xúc đó để định hướng cho hành động tiếp theo của mình.

Và hãy nhớ rằng không phải chỉ có cảm xúc “tích cực” mới có thể tạo động lực cho bạn. Đôi khi tôi cảm thấy bất lực và cực kỳ khó chịu vì không thể diễn đạt được ý tưởng của mình. Đôi khi tôi lo rằng những gì mình viết sẽ không thể chạm được tới độc giả. Nhưng dù nguyên nhân là gì, thì những cảm xúc đó thường chỉ thúc đẩy tôi viết nhiều hơn. Tôi thích thử thách bản thân với những việc hơi ngoài tầm với của mình.

4. Nhận diện được cảm xúc của người khác để xây dựng mối quan hệ lành mạnh

Những gì mà chúng ta đã nói trên đây xoay quanh việc nhận biết và định hướng các cảm xúc của bản thân. Nhưng mục đích cao nhất của việc phát triển trí tuệ cảm xúc nên hướng tới việc nuôi dưỡng những mối quan hệ lành mạnh trong cuộc sống.

Và một mối quan hệ lành mạnh – mối quan hệ lãng mạn, quan hệ gia đình, quan hệ bạn bè – bắt đầu từ việc nhận diện và tôn trọng những nhu cầu cảm xúc của đổi phương.



Bạn có thể làm điều này bằng cách kết nối và thấu cảm với người khác. Bằng cách lắng nghe người khác và chia sẻ về bản thân một cách chân thành với họ - bằng những sự nhạy cảm (vulnerability).

Để thấu cảm với một người, bạn không nhất thiết phải hoàn toàn hiểu hết con người của họ. Thay vào đó, bạn chỉ cần chấp nhận con người đó. Học cách xem trọng sự tồn tại của họ và đối xử với họ bằng thiện ý, không vụ lợi. Nhìn nhận nỗi đau của họ như nỗi đau của bản thân mình – những nỗi đau có chọn lọc.

Những mối quan hệ là nơi mà những cảm xúc được định hình rõ hơn. Chúng lôi kéo sự chú ý của chúng ta từ bản thân ra ngoài thế giới xung quanh. Chúng giúp ta nhận ra rằng mình là một phần trong một thứ rộng lớn và phức tạp hơn thế giới nội tâm của bản thân.

Và mối quan hệ là phương tiện giúp chúng ta xác định những giá trị của mình.

5. Đưa giá trị vào các cảm xúc của bạn

Khi cuốn sách của Daniel Goleman được phát hành vào những năm 90, khái niệm “trí thông minh cảm xúc” đã gây nên một tiếng vang lớn trong Tâm lý học và các lĩnh vực có liên quan. Các CEOs và nhà quản lý tập trung vào loại trí tuệ này để tạo động lực cho người lao động. Các nhà tham vấn cố gắng thúc đẩy sự nhận thức cảm xúc nhiều hơn ở thân chủ để giúp họ quản lý cuộc sống tốt hơn. Những bậc phụ huynh được khuyên rằng nên nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc ở trẻ như một hành trang để chúng bước vào một thế giới định hướng cảm xúc.

Dù vậy, có nhiều người đã bỏ lỡ mất điều quan trọng nhất. Và đó chính là: trí tuệ cảm xúc sẽ vô nghĩa nếu không có sự định hướng của những giá trị tốt đẹp.

Bạn có thể có được một CEO có trí tuệ cảm xúc cao nhất hành tinh, nhưng cô ta lại sử dụng năng lực của mình để thúc đẩy người lao động bán những sản phẩm được làm ra dựa trên sự bóc lột đối với những người nghèo khổ hoặc sự tàn phá môi trường thiên nhiên, lúc này thông minh về mặt cảm xúc có còn là một phẩm chất tốt?

Một người cha có thể dạy cho con trai mình về trí tuệ cảm xúc, nhưng lại không dạy con về những giá trị như lòng trung thực hay sự tôn trọng, ông ta đã có thể biến đứa con trở thành một người xấu xa tàn bạo – nhưng lại am hiểu về cách sử dụng trí tuệ cảm xúc của mình! (vậy thì thật nguy hiểm)

Những kẻ lừa đảo có trí tuệ cảm xúc rất cao. Họ có sự thấu hiểu khá tốt đối với cảm xúc con người – của bản thân và cả người khác. Nhưng họ lại dùng những thông tin đó để thao túng, lợi dụng người khác vì những lợi ích cá nhân. Họ ưu tiên bản thân trên mọi người và thậm chí bằng sự trả giá của người khác. Và chuyện sẽ trở nên rất tệ khi con người xem nhẹ những giá trị khác ngoài bản thân mình.

Lisa Nowak, với trí thông minh và trình độ chuyên môn cao, đã không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân và tin vào những giá trị sai. Chính bởi vì thế, cô ấy đã để cảm xúc dẫn dắt và thực hiện những hành vi khiến bản thân phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Chúng ta luôn lựa chọn những gì phù hợp với giá trị của bản thân, dù chúng ta có nhận biết được những giá trị đó hay không. Và cảm xúc của chúng ta cũng mang màu sắc của những giá trị, thông qua việc thúc đẩy hành vi của ta (hướng tới việc đạt được giá trị đó)

Vậy nên để sống một cuộc sống mà bạn thực sự mong muốn, đầu tiên bạn phải nhận thức rõ về những giá trị của mình, vì đó là nơi mà năng lượng cảm xúc của chúng ta sẽ hướng tới.

Và biết được những giá trị mình thực sự ưu tiên là gì có lẽ là một trong những kỹ năng trí tuệ cảm xúc mà bạn có thể phát triển.


[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]


Dịch: Lyo, Dương Võ

Biên tập: Ngọc

Nguồn: markmanson.net


(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,482 lượt xem