Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Book] Điểm Sách, “Bà Dalloway,” Một London Của Nữ Giới

Virginia Woolf từng khệnh khạng tuyên bố trong bài luận năm 1923 “Ông Bennet và Bà Brown” rằng, “Vào khoảng tháng 12 năm 1910, nhân vật đã thay đổi.” Tham vọng muốn ném bỏ những tuýp người điển hình của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ thứ 19, nơi ngoại hình tới nơi ở đều được miêu tả chi tiết nhưng riêng tâm trí hay ý thức thì lại bỏ mặc, Woolf, cùng nhiều nhà văn khác như James Joyce, Marcel Proust, William Faulkner, tạo ra một cuộc cách mạng văn chương, một “cuộc xoay chuyển vào bên trong,” nơi những suy nghĩ và hồi ức của nhân vật được đặt lên hàng đầu. Người đọc không còn tiếp xúc với một hiện thực như là nó vốn có, mà là liên tiếp những sóng suy nghĩ tràn qua tâm trí nhân vật, nơi tất cả sự ổn định và duy nhất về không gian cũng như thời gian đều bị phá vỡ. “Bà Dalloway” của Virginia Woolf là một minh chứng cho lối viết trên.
[...] tháp Big Ben đổ chuông... Kia rồi! Nó đã trầm trầm vang dội (trang 17)


Phát triển từ hai truyện ngắn “Bà Dalloway trên phố Bond” và “Ngài thủ tướng”, tiểu thuyết ra đời năm 1925 này không chỉ là minh họa cho những lập ngôn của Woolf mà còn là sản phẩm giúp nữ tác gia cạnh tranh với các nhà văn nam lớn nơi bà triển khai những chủ đề lớn và những nỗi ám ảnh thuộc chủ nghĩa hiện đại: thành phố và tiểu thuyết đô thị như một hình thức sáng tác; phụ nữ với tư cách một “flaneur”; chiến tranh và việc hiểu nó trong bối cảnh hậu chiến, (một đề tài phổ biến của Woolf, ở cả “Jacob’s Room” và “Tới ngọn hải đăng,”); thời gian và cái chết; thế giới ý thức và vô thức của con người. Ảnh hưởng mạnh mẽ bởi “Ulysses” của James Joyce, nơi các nhân vật lang thang một ngày tháng Sáu ấm áp ở thành phố Dublin, Woolf cho Clarissa Dalloway, Peter Walsh, Septimus Smith cùng một loạt các nhân vật khác đi bộ trong thành phố London vào một ngày thứ Tư tháng Sáu năm năm sau khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 1 kết thúc. London, thành phố văn chương từng được khai thác đậm nét ở những trang viết của Charles Dickens, đã trở thành sàn diễn, và còn hơn thế nữa, cho các luồng hồi ức tuôn trào, không chỉ ở nhân vật chính, mà còn ở tất cả các nhân vật, từ người hàng xóm của Clarissa, tới người dạy học cho con gái bà cô Kilman, những nhân vật cỏn con thường bị lờ đi trong các tiểu thuyết hiện thực. “Bà Dalloway” được coi là tiểu thuyết dòng ý thức điển hình, nơi Woolf xóa nhòa giữa tường thuật ý nghĩ một cách trực tiếp và gián tiếp, nơi thành phố liên tục cung cấp các điểm kích thích để suy nghĩ của nhân vật được thúc đẩy, nơi câu chuyện trong một ngày của một tiểu thuyết gần như không có cốt truyện mà chỉ là những dòng hồi ức xa xăm, những ám ảnh hiện tại, những dằn vặt về tương lai.
bà đã mơ gì khi nhìn vào cửa sổ tiệm sách của Hatchard? (trang 25)


Câu mở đầu của “Bà Dalloway” trở thành một trong những câu nổi tiếng bậc nhất trong thế giới văn chương với người phụ nữ nghĩ mình sẽ tự đi mua hoa trang trí cho bữa tiệc tối hôm đó mà có cả thủ tướng Anh đến dự. Là một người vợ của một nhân vật chính trị trong nội các, Clarissa nổi tiếng là người tổ chức các bữa tiệc hoàn hảo, và lần theo bước chân bà, người đọc lần lượt được chiêm ngưỡng cả London hiện tại và đồng thời với nó, những nét đổ đầy câu chuyện cũng dần dần xuất hiện: một thanh tân Clarissa từng từ chối không lấy Peter Walsh dù chàng yêu nàng say sắm, cũng nàng thiếu nữ ấy từng có một nụ hôn đồng tính với một Sally nổi loạn, hào sảng, đầy nhiệt huyết, nhưng rồi lại quyết định chọn Richard Dalloway làm chồng vì tính cách ổn định của ông và ông cho bà khoảng cách. Quá khứ hiện ra từng lớp một, đặt song song với hiện tại, nơi bà Dalloway khó chịu với cô gia sư ở tầng lớp dưới và sự xa lánh của đứa con gái Elizabeth, nơi bệnh tình của bà, cũng như cuộc đời của những người quen trong giới thượng lưu điểm nét trong tâm trí. Trên cái nền London ấy, Woolf dàn xếp cho các nhân vật xa lạ gặp gỡ và cùng chung nhau những trải nghiệm trong một không gian đô thị của thời hiện đại giai đoạn hậu chiến nhưng đồng thời cũng tạo lập những dấu ấn riêng của từng nhân vật. London trở thành không gian nơi nhân vật nam Peter Walsh, vừa trở về từ Ấn Độ, chán nản với hiện tại và những mối tình thất bại, tiến hành một cuộc săn đuổi cái đẹp, suốt nửa tiếng đồng hồ, khi ông bám đuôi một cô gái trên phố. Một mô típ rất phổ biến trong văn học phương tây: nơi đàn ông biến đàn bà thành cái đẹp, thành vật thể được tính dục hóa qua cái nhìn. Một London khác trở thành địa bàn cho cô gái trẻ Elizabeth thám hiểm, nơi cô bước ra khỏi vùng an toàn mà khám phá những điều mới mẻ xung quanh, nơi cô âm mưu theo đuổi những suy nghĩ riêng dưới sự chỉ dẫn của cô gia sư đầy tinh thần đấu tranh giai cấp. London lại hóa mình thành những dồn dập hiểm nguy cho người lính giải ngũ Septimus, là nơi anh bị bủa vây với các tiếng ồn và con người và ảo ảnh từ cõi chết trở về, và chính là nơi anh kết liễu đời mình.
Khi viết “Bà Dalloway,” Woolf dự tính tác phẩm sẽ là một “nghiên cứu về sự mất trí và tự sát; thế giới lần lượt được kẻ tỉnh và người điên nhìn nhận.” Tiểu thuyết của bà vì thế tập trung vào hai câu chuyện lớn, tưởng chừng không liên quan gì tới nhau, một của Clarissa, một của Septimus. Mối dây thực tế duy nhất liên hệ họ là London, nơi họ cùng sải những bước chân trong một buổi sáng mùa hè dễ chịu, là chữ toffee được máy bay vẽ trên nền trời. Nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy cả hai chia sẻ nhiều hơn ta tưởng: một Clarissa bề ngoài tươi vui, xã giao, hòa đồng, là người tổ chức các bữa tiệc để đem mọi người lại với nhau, nhưng thẳm sâu bên trong thì cô độc và cảm thấy bị xa lánh với chồng và con, nơi một cá nhân bị ám ảnh bởi thời gian, cái chết, quá khứ, những lựa chọn thời thanh xuân. Còn Septimus, một người lính sót sót sau chiến tranh, một người được các bác sĩ chẩn đoán là hoàn toàn bình thường, lại luôn nghe thấy các giọng nói, và thấy ảo ảnh: anh nhìn thấy Evans đồng đội cũ đã chết nay lại quay về. Bị rối loạn stress sau sang chấn, Septimus như một người điên đi giữa kinh thành London, hoàn toàn tách biệt với tất cả mọi người và trở thành kẻ kỳ dị trong mắt người khác, kể cả vợ mình. Hai câu chuyện chạy song song với nhau, đặt bên cạnh nhau, hé lộ cho người đọc lằn ranh mong manh giữa nhận định của chúng ta, về sự điên. Chỉ đến giây phút gần cuối truyện, khi Clarissa nghe được tin cái chết của Septimus, thì dường như hai dòng tự sự này mới trở nên hợp nhất. Nhưng ngay cả chi tiết này cũng đem lại đầy rẫy những lý giải không hồi đáp: liệu có phải Woolf đã đặt ra đối lập giữa một cái chết tàn khốc của thân phận con người nhỏ bé phục vụ cho chiến tranh, với một xã hội xa hoa giả dối nơi những con người ở tầng lớp trên được vui chơi vui vẻ còn người chiến đấu vì hòa bình thì lại lao qua cửa sổ vào hàng rào mà chết? liệu cái chết của anh có phải là vì đấu tranh cho một nền văn minh nơi những con người kia là đại diện. Pericles Lewis, một chuyên gia về chủ nghĩa hiện đại, rất đúng đắn khi cho rằng Woolf đã đặt ra một cái nhìn nghi ngờ về cái nền văn minh ấy, khi để cho những con người tinh hoa được tiếp tục ăn chơi tiệc tùng, còn lại để cho những số phận thấp cổ bé họng kia phải lìa đời. Là người đã phải chịu căn bệnh thần kinh trong suốt nhiều năm và kết thúc bằng một cuộc tự sát bằng cách nhồi đá vào túi, từng đi gặp rất nhiều bác sĩ, Woolf đã nào nhặn chính kinh nghiệm cá nhân thực tế của mình để mô tả người điên Septimus, để chất vất những chẩn đoán lạnh lùng và tàn nhẫn như “suy sụp tinh thần,” những quyết định dễ dàng và nhanh chóng của y học mà bỏ lỡ những chấn thương nặng nề không dễ gì bắt nghĩa được đang tàn phá con người giai đoạn hậu chiến. Ý nghĩ về cái chết ở Clarissa dường như được thực hiện bởi Septimus, nơi bà đột nhiên đồng cảm và ca ngợi anh đã lắng đọng hạnh phúc lại trong chính tay mình bằng hành động tự sát.
nhưng lạ lùng biết bao, khi bước vào công viên; sự thinh lặng; màn sương mù; tiếng lao xao; những con vịt hạnh phúc đang bơi chậm rãi (trang 19)


Người đọc lần theo bước chân Clarissa trong một cuộc đi dạo ngắn từ nhà bà qua phố Victoria Street to Big Ben, qua công viên St. James Park, tới Piccadilly, tới Arlington Street & Piccadilly, qua tiệm sách Hatchard’s Bookstore, và cuối cùng tới tiệm hoa trên phố Bond Street. London xuất hiện như một thành phố thực với những địa điểm nổi tiếng, cụ thể (và chính ở đây Woolf đã học tập Joyce ở kỹ thuật liệt kê các danh từ riêng chỉ nơi chốn để tạo lập đường đi của nhân vật). Trong “Bà Dalloway”, người đọc không chỉ bắt gặp một nhân vật đang lang thang trên các con phố ở London, mà còn biết đích xác nhân vật ấy đang vào cửa hàng nào, đang đi qua công viên nào, đang băng qua con phố nào. London được đặt liền kề với những suy nghĩ trong tâm trí Clarissa: Chuông đồng hồ Big Ben không đổ một cách khách quan mà nó đổ với một cú khựng đứng trong cơ thể bà. Công viên St. James được phóng chiếu trong tâm trí độc giả bằng những danh từ tên riêng có thật nhưng đi liền với chúng là cảm xúc của nhân vật: về cái tĩnh lặng, cái tiếng âm âm vang vang, sự lạ kỳ. Woolf hòa trộn một cách nhịp nhàng không gian bên ngoài và bên trong. Trong tâm trí Clarissa, buổi sáng ở London và buổi sáng của Bourton đặt song song nhau và bà đã bóp méo chúng khiến chúng trở nên đồng điệu, nhịp nhàng, giống nhau: cả hai đều tinh khiết, lặng im. Buổi sáng ở London vì vậy mà đầy rẫy những hình ảnh của quá khứ: là cảnh miền quê nơi khói cuộn lên từ những ngọn cây còn bọn quạ thì uốn lượn. Toàn bộ thành phố như được bọc trong một lớp lụa không khí buổi sáng xanh nhờ xam xám của những ngày xưa cũ. Thành phố trở thành mảnh đất nơi Clarissa đi đi về về giữa hiện tại và quá khứ, giữa một chữ chủ nhân hoàn hảo nơi đô thị bà Dalloway với một thiếu nữ Clarissa của thời thanh tân nơi Bourton quê mùa.
Phố Bond mê mặc bà; phố Bond vào buổi sớm mai của mùa này; những lá cờ đang tung bay; những cửa hiệu (trang 27)


London trở thành một không gian chứa đầy nhựa sống cung cấp hơi thở nồng nhiệt cho bà Dalloway, là nơi biến đổi bà thành một nhân vật nữ đầu tiên trong thế giới văn học được dạo chơi không gian đô thị. Thoát ra khỏi không gian riêng tư và nội trợ nơi bà là một bà vợ nội trợ dù của giới thượng lưu, Clarissa biến mình thành một cá nhân độc lập trong cuộc đi dạo nơi công cộng: London trở thành một địa bàn của nữ giới nơi bà trở thành chủ nhân của cái nhìn, cái thành phố có khả năng biến bà thành một kẻ bộ hành khỏe mạnh, tạo cho bà một tâm trạng hứng khởi và lành mạnh, một đối lập tương đối rõ ràng với Clarissa nội trợ với cơ thể bệnh tật yếu đuối ở nhà luôn cần sự chú ý của chồng cũng như người khác để cảm thấy tự tin. Không còn là vật thể của cái nhìn nam giới, bà trở thành chủ thể, giành lại London và đô thị cho giới nữ. Sở dĩ được như vậy, là vốn bởi London là nguồn cảm hứng bất tận, là nỗi ám ảnh cho văn chương của Woolf, là địa bàn cho các nhân vật của bà phiêu lưu và phát triển.Trong một lá thư gửi cho người bạn Ethel Smyth vào năm 1941, Woolf tâm sự London trong tâm trí bà Chaucer, Shakespeare và Dickens. Bằng tác phẩm “Bà Dalloway,” Woolf đã đưa phụ nữ vào không gian thành phố, giành lại cho phụ nữ một vị trí trong đô thị nơi vốn bị lấn át bởi các nhà văn nam. London không chỉ là góc của các nhân vật và tác giả nam giới, mà còn là lối đi về của Clarissa Dalloway.

Tác giả:  Z Nguyễn

"Có nhàn mới đọc được sách [...] Có nhàn mới viết được sách" (Trương, U Mộng Ảnh, 91)

Link bài gốc: http://bit.ly/2NPRguH

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

274 lượt xem