Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Book] “Một Chốn Xa Xôi Kinh Dị Nào Đó": Joseph Conard Và Ý Nghĩa Ở Ngoài Hạt Lạc

F.R. Leavis, phê bình gia nổi tiếng người Anh hồi đầu thế kỷ 20, khẳng định có 4 nhà văn thuộc về Truyền thống Vĩ đại của văn chương Anh, gồm 2 gái, Jane Austen, George Eliot, và 2 giai, Henry James, Joseph Conrad.

Hiếm ai tưởng tượng người viết bằng ngôn ngữ thứ 3 như Conrad lại có thể được coi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong văn chương Anh: Conrad, kẻ cả đời cố gắng phấn đấu trở thành nhà văn Anh, nhưng khi chết, trong bài điếu văn, Virginia Woolf lại coi ông là một vị khách; Conrad, người luôn coi tiếng Anh vĩnh viễn là một thứ ngôn ngữ lạ (một ngoại ngữ); Conrad, kẻ khốn khổ khốn nạn vì viết, căm ghét việc việc, và coi mình còn khổ hơn cả Sisyphus vần hòn đá lên đỉnh núi; Conrad, kẻ lưu đày vĩnh viễn, ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, người Ba Lan sống ở Anh, viết bằng thứ ngôn ngữ không phải mẹ đẻ, và chưa bao giờ cảm thấy dễ chịu và thoải mái trong thứ ngôn ngữ ấy. 
Vậy mà, hiếm có nhà văn nào, với một truyện vừa nào được phân tích và diễn giải nhiều như “Giữa lòng tăm tối” của ông. Số lượng các bài luận, các sách phê bình, nghiên cứu viết về nó, chắc chả kém cạnh gì “Hóa thân” của Franz Kafka. Không đến nỗi phải chú giải nhiều như James Joyce, không đến nỗi hành cho độc giả vật ra như Marcel Proust, ngắn gọn, vỏn vẹn khoảng 37k từ, được viết bằng một thứ tiếng Anh thấm đẫm quang huy và tú lệ, một thứ ngôn ngữ thơ mộng tới nỗi Conrad được coi là tiểu thuyết gia kiêm nhà thơ vĩ đại của ngôn từ, “Giữa lòng tăm tối”, ra đời từ hai thế kỷ trước, năm 1899, ra đời vào giai đoạn giữa sự nghiệp viết văn của Conrad và được coi là giai đoạn đỉnh cao với nhiều tác phẩm xuất sắc, vẫn tiếp tục tạo công ăn việc làm cho biết bao thế hệ nhà nghiên cứu. 
Sở dĩ như vậy là vì: “Giữa lòng tăm tối,” như chính tên gọi đầy mơ hồ của nó, là một văn bản bí hiểm tạo ra một vùng tăm tối về ngữ nghĩa, bủa vây độc giả, đẩy chúng ta vào hành trình dò dẫm truy tìm và lý giải ý nghĩa cuối cùng. “Giữa lòng tăm tối” là một vũng lầy bao chứa một tập hợp vô vàn những chỉ dấu, những ký hiệu, biểu tượng… mà mỗi yếu tố ấy, lại khoát tay mà chỉ tới vô vàn ý nghĩa, biểu trưng… khác nhau.

Độc giả ngày nay thật khó đọc truyện vừa này của Conrad, mà không liên hệ ngay và luôn tới những lời phê phán chủ nghĩa thực dân, tới hiện thực bị phơi bày và sự tố cáo gay gắt tội ác của đế quốc Bỉ ở Lục địa đen Congo. Chúng ta không thể đọc Conrad mà tách rời ông khỏi yếu tố “màu da”, “chủng tộc”, kể từ sau lời buộc tội của Chinua Achebe, rằng Conrad là kẻ phân biệt chủng tộc, rằng châu Phi chỉ làm nền, như một thứ “khác” trong con mắt nhìn của dân châu Âu da trắng.

Hẳn nhiên, thực dân, đế quốc, man di, mọi rợ, tội ác, diệt chủng, khai thác, tận diệt… tất cả những thứ này đều là thành tố tạo nên “Giữa lòng tăm tối,” một điều không ai có thể lờ đi khi đọc Conrad nữa. Nhưng cuốn du hành của Marlow, lên thượng nguồn sông, để tìm Kurtz, sâu trong lục địa Congo, được kể lại từ những trải nghiệm mắt thấy tai nghe của chính Conrad khi còn làm thủy thủ, hàm chứa vô vàn những ý nghĩa khác nữa. Đó là hành trình nội tâm cũng đồng thời là hành trình thám hiểm thế giới của Marlow. Đó cũng là hành trình tìm hiểu và phân định giữa cái thiện và ác. Và, nó còn là hành trình của chính Conrad, khi dùng ngôn ngữ, một thứ trung gian, để tìm cách khắc họa và tái hiện hiện thực, dù có thành công hay không.

“Một chốn xa xôi kinh dị nào đó”: Một vùng đất không thể định danh

“Giữa lòng tăm tối” là chuyện nằm trong chuyện, bắt đầu bằng hình ảnh con thuyền Nellie đậu trên sông Thames, chờ xuôi dòng. Trên con thuyền ấy có một nhân vật trứ danh của Conrad, chàng thủy thủ Charlie Marlow (người kể chuyện cũng trong “Youth,” “Lord Jim,” và cả “Chance”), và “Giữa lòng tăm tối” chính là câu chuyện Marlow kể lại cho các bạn trên thuyền, một hành trình đi vào giữa lòng tăm tối. Câu chuyện của “Giữa lòng tăm tối” thực ra cực kỳ đơn giản: Marlow, từ nhỏ ham phiêu lưu khám phá, bị lục địa đen với con sông Congo như con rắn dụ hoặc, quyết sang đến vùng đất đó bằng được, chạy vạy xin việc và cuối cùng làm cho Công ty của Bỉ, và được phân công nhiệm vụ đi ngược dòng sông để tìm đưa một Đại diện xuất sắc tên là Kurtz đang bị ốm trở về lục địa. Marlow đã chứng kiến hiện thực tăm tối của cảnh khai thác ngà voi, của cầm tù nô lệ dã man của thực dân Bỉ ở Congo. Đến khi đưa được Kurtz lên thuyền về thì vì quá ốm yếu trên đường đi ông này đã chết, và cuộc gặp gỡ giữa Marlow với vùng đất cũng như Marlow với Kurtz đã tác động ghê gớm lên nhân sinh qua của người kể chuyện. 
Nhưng quá trình đọc “Giữa lòng tăm tối” của độc giả, có lẽ, không giản dị và xuôi chèo mát mái như vậy. Ở đây, ngay lập tức, ta có được một sự tương đương: quá trình ta dò dẫm đi vào lòng tăm tối của vùng đất ấy, cũng chính là quá trình độc giả dò dẫm đi trong văn bản của Conrad.

Châu Phi hay Congo, hay cả Lục địa đen: đầu tiên và trên hết, là những cái tên ta suy luận ra từ ngoài văn bản của “Giữa lòng tăm tối.” Marlow và cả các nhân vật chưa bao giờ nhắc đến một địa danh nào gắn liền với vùng đất ấy, trong toàn thể câu chuyện. Trong khi độc giả bắt gặp những miêu tả chi tiết, cụ thể, dằng dặc tính từ, về con sông, về rừng già âm u, về sương mù, về con người, nhưng tuyệt đối chưa một lần trong “Giữa lòng tăm tối”, ta có thể định danh được nơi chốn mà nhân vật đang dấn thân vào.

Ngay từ khi mở đầu, Marlow chỉ tâm sự về cái vùng đất quyến rũ anh, “những hay còn một chỗ - nói sao nhỉ, lớn nhất, trống vắng nhất, mà tôi vẫn đau đáu nghĩ về… nó đã trở thành một vùng tăm tối” (trang 18). Khi gặp ông bác sĩ đo sọ, ông ta gọi vùng đất ấy, “Có dịp ra ngoài đó” ( trang 28); bà dì của Conrad, cũng phiếm chỉ về con người của vùng đất ấy, “cải cách hàng triệu kẻ man di khỏi kiếp đời mọi rợ” (trang 29). Và khi đến nơi, độc giả cũng chỉ nhận được các mốc nơi chốn, dịch trạm, trạm trung tâm, trạm nội mà không hề được cung cấp một tên riêng nào về những nơi mà nhân vật đi qua. Danh từ riêng, như một thứ để định danh, để làm dấu chỉ cho vùng đất ấy, bị khước từ trong “Giữa lòng tăm tối.”

“Giữa lòng tăm tối”, chính vì thế, phủ một lớp mơ hồ đầu tiên và bao trùm toàn bộ văn bản: nó đẩy độc giả vào tình thế của, đóng vai trò và cảm nhận như, chính người kể chuyện và người nghe chuyện kể trực tiếp (trên con thuyền Nellie), mà những biện pháp nghệ thuật tôi sẽ giải thích ở sau, chỉ càng củng cố thêm việc đó.

“Vùng âm trầm u ám nọ” và “Một lăng tẩm tô vôi”

Conrad đã huy động đến 27 lần từ “darkness” – tăm tối, trong truyện dài này của mình. Và đặc biệt cụm “Heart of Darkness” được biến thể 3 lần, và dùng lại nguyên vẹn 1 lần: “the heart of an impenetrable darkness,” “the heart of a conquering darkness,” “the heart of an immense darkness.”

Việc lặp đi lặp lại cái hình ảnh tăm tối của vùng đất ấy, để chỉ rõ thách thách thấu hiểu và giải nghĩa nó, để nhấn mạnh cái vùng đất ma thiêng nước độc ấy, lồ lộ rõ trong văn bản. Cái vùng đất đầy rẫy những phong tục tập quán của những man di mọi rợ, của nơi trái đất trở về với hoang sơ. Cái vùng đất ấy là nơi thỏa mãn ham muốn phiêu lưu và thống trị của người châu Âu da trắng. Cái vùng đất ấy là nơi một con người da trắng, Kurtz, trở thành thủ lĩnh của các bộ tộc da đen. Trên một tầng nghĩa khác, người đọc dễ dàng nhận ra, chính trái tim Kurtz, chính con người Kurtz, cũng là một vùng tăm tối nọ. Tôi sẽ trở lại vấn đề này ở phần sau.

Các lớp ý nghĩa đặt song song như vậy, là một đặc điểm phổ biến về mặt ý nghĩa của “Giữa lòng tăm tối”. Tuy nhiên, còn có ba địa danh có thể đặt song song với nhau, và cùng nhau, tạo nên một “vùng tăm tối” có sức vọng âm vang đặc biệt: đó chính là đế quốc Anh, đế quốc Bỉ, và Lục địa đen châu Phi.

Bối cảnh câu chuyện của Marlow, khi họ ngồi trên con thuyền và ngày tàn đổ sụp xuống đầu họ. Conrad đã dùng liên tiếp 5 lần từ “brooding” để miêu tả cái cảnh hoàng hôn đang xuống trên đế quốc Anh, nơi được coi là mặt trời không bao giờ lặn.

“Bầu trời trên Gravesend tăm tối, còn phía xa dường như vẫn ngưng tụ thành một quầng u ám thảm sầu, âm trầm bất động trùm lên đô thành lớn nhất và vĩ đại nhất trên trái đất,” (trang 6), “giữa vùng âm trầm u ám nọ,” (trang 6), “chỉ riêng vùng ảm đạm phía tây, vẫn vũ trên thượng lưu, là mỗi lúc một thêm u ám,” (trang 7-8), “quầng u ám đang vần vũ trên một vùng người” (trang 8), “một vầng âm trầm u ám trong ánh tịch dương” (trang 10).

Chúng ta ngay lập tức bắt gặp hai hình ảnh song song: Anh-Phi, chỉ để rồi ngay lập tức, Marlow khẳng định điều đó, “Nơi đây…. cũng từng là một trong những chốn tối tăm trên trái đất,” (trang 11).

Dẫu khinh bỉ ghê gớm cái ý đồ tượng trưng, ẩn dụ trong văn chương, Conrad đã vô tình, hoặc đầy hữu ý, cài cắm cái ý tưởng: đế quốc Anh vào cái lúc ngày tàn của hiện tại này, đế quốc Anh của một thời xa xưa kia, cùng đều là vùng đất tăm tối, dẫu có bao khai sáng, dẫu có bao văn minh, bởi cách hành xử nhân danh những điều tốt đẹp mà khai thác những vùng đất khác, bởi những tội ác mà chính vùng đất được cho là sáng rực rỡ này thực hiện ở châu Phi. Câu hỏi đặt ra là: đâu mới đích thực là một vùng tăm tối?

Conrad tiếp tục triển khai mối liên hệ giữa vùng đất thuộc địa và vùng đất thực dân, khi cho Marlow đến thủ đô của Bỉ để nhận việc. đến một khu phố hoang phế, vào một tòa nhà tối đen giữa các ngôi nhà đồ sộ với cửa che rèm, có hai bà già ngồi đan len như hai nữ thần số mệnh canh cửa. Cái nơi Marlow nhận việc ấy, chẳng khác gì là một trung tâm của bóng tối. Và chính ở cái thành phố nơi có trụ sở chính của thương hội ấy, Marlow đã gọi là, “một lăng tẩm tô vôi”. Đây là một cụm từ trong Kinh thánh:

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình ! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Matthew 23:27)

Vậy là ngay từ những trang đầu tiên, trước khi cả Marlow bắt đầu hành trình và bắt đầu kể lại hành trình, độc giả đã được dúi vào tay, những ẩn dụ cài cắm: nước Anh, một vùng tăm tối âm u, nước Bỉ, một lăng tẩm bên ngoài trắng trẻo đẹp đẽ nhưng bên trong là chết chóc và ô uế, để rồi văn bản dần dần chứng thực cho cái ẩn dụ tạo sẵn từ đầu đó. Thực dân Bỉ, vua Leopold II, với những tuyên bố khai sáng cho thuộc địa, cứu rỗi man di, với cái vẻ ngoài đầy nhân bản, nhưng thực chất lại tiến hành khai thác thuộc địa dã man bằng mọi cách, đày đọa, giết chóc, tất cả vì lợi nhuận. Nước Bỉ của cái thương hội mà Marlow làm việc cho đó, có khác gì một vùng đen kịt nơi cái ác ngự trị, để đối lập với một vùng đen kịt châu Phi nơi Marlow đang chuẩn bị tiến tới.

Trong “Giữa lòng tăm tối” có sự tương phản gay gắt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa văn minh và dã man. Nhưng Conrad cũng khéo léo lật ngược những mâu thuẫn này, như chính giáo sư Robert Crawford đã chỉ ra: Những kẻ đem văn minh với cho châu Phi man rợ hóa ra lại còn man rợ hơn cả, khi được giải phóng khỏi mọi ràng buộc về mặt đạo đức, đã nhân danh văn minh mà gây ra những tội ác diệt chủng, phi đạo đức. Nước Anh nơi mặt trời không bao giờ lặn, nơi ánh sáng luôn ngự trị, lại từng là và ngay cả bây giờ nữa, cũng là nguồn gốc của bóng tối bao trùm. Con đường ngược lên thượng lưu sông, là con đường đi vào tăm tối hay chính phương Tây là nơi đem tăm tối vào lục địa này?

“Kurtz, Kurtz cái mẹ gì” – Những hành trình song song

Cái hành trình đi vào giữa lòng tăm tối ấy của Marlow, để tìm Kurtz, là một hành trình song song, bởi nó cũng chính là một hành trình khai sáng cho chính bản thân anh. Giữa những bạt ngàn gốc cây hùng vĩ, khi men theo con sông mà lội ngược dòng, như chính Marlow nghĩ, “ì ạch bơi ngược dòng, là con tàu hơi nước nhỏ bé lem luốc, như một con bọ cánh cứng bậm bạch bò giữa hai hàng cột chất ngất…với tôi nó bò về phía Kurtz” (83-4).

Vậy Kurtz là ai? “Giữa lòng tăm tối”, hết lần này, tới lượt khác, đều cố cung cấp cho độc giả biết về cái nhân vật bí hiểm này. 
Là người kể chuyện, Marlow được coi là một trong những nhân vật nói nhiều nhất trong văn chương, ấy vậy mà trong “Giữa lòng tăm tối”, ở cái hành trình ấy, Marlow là kẻ nghe nhiều hơn nói, để rồi sau này đóng vai trò ngược lại với các bạn của mình trên thuyền Nellie. Marlow liên tiếp được nghe về Kurtz, được mọi người đả động đến Kurtz, đầu tiên là từ tên Kế toán trưởng của công ty, kế đó là viên Giám đốc, kế đó là tên tông đồ người Nga của Kurtz.

Kurtz, như vậy, hiển hiện trong Marlow, dần dần, trở thành một nỗi ám ảnh, một khát khao tìm kiếm, một đam mê mong gặp gỡ. Kurtz, như vậy, có khác gì chính vùng đất tăm tối, mà Marlow đang lần mò bò tới?

Độc giả được cho những thông tin gì về cái ông Kurtz: Một đại diện hạng nhất, một nhân vật xuất chúng, trạm trưởng trạm nội, Một thiên tài toàn năng, “đó là một thiên tài, sứ giả của lòng từ bi, khoa học, tiến bộ… để dẫn đắt sự nghiệp được châu âu giao phó, một trí tuệ siêu việt, tình thương bao la, và toàn tâm toàn ý vì lý tưởng” (trang 60), “kẻ xuất đạo mang theo một hệ giá trị đạo đức nào đó,” nhà hùng biện, nhà lý tưởng, kẻ điên, thủ lĩnh man di… Marlow liên tục thu thập được các thông tin dội lại về Kurtz, cho đến phút cuối cùng của truyện, ngay khi Kurtz đã chết đi, thì Marlow vẫn nhận được tín hiệu cần giải mã về con người này, qua vị hôn thê của y ở châu Âu, qua người anh họ của y, kẻ gọi Kurtz là “nhạc công xuất sắc.”

Hành trình của Marlow, vì vậy, như tôi đã nói ở trên, đầu tiên là hành trình cố định danh Châu Phi và Lục địa đen, và đồng thời, là hành trình cố đưa ra định nghĩa về Kurtz. Bập bõm mà bò đi trong rừng nguyên sơ, để bị hiện thực tàn nhẫn của cả thiên nhiên và con người cái vùng đất ấy ập tới không kiểm soát, khó bề lý giải, Marlow cũng quơ quàng mà đi giữa những huyền thoại về Kurtz, con người lý tưởng và sản phẩm của châu Âu, con người đã hóa điên mà biến mình thành một vị như Chúa trời, chỉ để mà, “cố gắng giải mã Kurtz” (trang 118).

Quá trình thu thập thông tin của Marlow, rút cục, cũng đến cái lúc mà Marlow được gặp con người thật, nhưng ngay cả sự gặp gỡ giữa Marlow và Kurtz, lại tiếp tục đẩy độc giả vào rối trí. Ốm đau bệnh tật, bị khiêng đi trên cáng, Kurtz trong thực tế, lẩy bà lẩy bẩy, chỉ có giọng nói là còn sức mê hoặc, mà làm rúng động Marlow. Con người trong huyền thoại ấy hiện thân giờ đây là một kẻ ốm dở chết dở, nhưng vẫn tìm cách bò trong đêm tối về phía những tiếng trống u u. Con người lý tưởng của mọi đảng tự phong cho mình chức thủ lĩnh ấy thực ra lại không cung cấp gì nhiều lắm thông tin cho Marlow để anh giải mã. Marlow chỉ bắt gặp cái thực thể thân tàn ma dại, với cái giọng nói trầm trầm sâu thẳm khiến anh kinh ngạc, và từ đó độc giả được nghe diễn giải của Marlow về Kurtz chứ không phải là thực tế của Kurtz được trình bày trên văn bản. Có một khoảng trống hoác ra trên văn bản “Giữa lòng tăm tối”, và chính vì thế, độc giả bị đẩy tiếp vào một vùng tăm tối về ngữ nghĩa: bởi những gì thực tế mà Marlow gặp Kurtz, cũng tiếp tục chỉ là âm vọng, là suy diễn, là những tiếng rên, “Ngà của ta,” “Hôn thê của ta,”… hơn là một thực thể mà từ đó ta có thể lý giải trực tiếp được.

Kurtz, như vậy, cho đến tận cùng, là một nhân vật vô cùng bí hiểm: ông ta là đại diện cho cái ác, hay vượt lên mọi thiện ác? Liệu Kurtz có phải là hình tượng chống lại một sự phán xét về mặt đạo đức, bởi Kurtz vượt lên mọi tàn bạo dã man man rợ, ông ta chính là sự man rợ? Marlow đã đưa ra biện giải của mình: Kurtz là kẻ bất phàm, là kẻ phi nhân, phi trần thế. Y đã vẫy vùng vượt thoát khỏi trần gian, vượt qua bên kia của bờ ác, hiện thân của nỗi khinh bỉ những kẻ vô đạo đức, đạo đức giả. Trong khi cả nước Bỉ, cả châu Âu, góp phần làm nên Kurtz, và họ vẫn duy trì cái vẻ trắng trẻo sạch sẽ bề ngoài như tô vôi mà che đậy xương người và ô uế tội lỗi bên trong, họ là đại diện xuất sắc cho đạo đức giả, cho nhân danh văn minh mà thực thi tội ác, Kurtz vượt lên tất cả bọn họ. Kurtz biến thành kẻ ác lồ lộ và không hề che giấu mình là kẻ ác. Kurtz là kẻ dám sống vì lý tưởng và đi đến tận cùng với lý tưởng của mình, Kurtz đã dám phê phán chính mình và phán xét cái ác, và dám phán xét cuộc đời. “Y có cái để nói. Y đã nói… Y đã đúc kết. Y đã phán xét” (trang 169). Một hành xử của kẻ bất phàm, khi nhận ra “nỗi kinh hoàng, nỗi kinh hoàng” trong tất cả.

Gặp gỡ Kurtz, nhanh chóng thiết lập một mối tình thân ở ngoài đó, Kurtz đã soi sáng cho Marlow trong vùng tăm tối, và nhờ thế mà Marlow hiểu ra châu Âu, hiểu được Kurtz, chủ nghĩa thực dân đế quốc. Cái vẻ ngoài mà người dân của thủ đô lục địa vẫn duy trì, và cái sự thật mà anh khám phá ra, chúng đối lập với nhau, khoảng trống giữa chúng khiến cho Marlow khó lòng mà dung hòa nổi.

Như chính Conrad đã từng có lần nói với Edward Garnett, ‘‘Trước chuyến đi tới Công, tôi chỉ là một con thú.” Chuyến đi ấy đã biến đổi Conrad vĩnh viễn, và tác động lên Marlow cũng là như vậy: đó là hành trình đi vào tận cùng tăm tối, để hiểu ra tăm tối, và để biết được những gì ẩn sâu trong ấy. Đó là hành trình giải mã Kurtz, cũng là giải mã châu Âu, cũng chính là hành trình tìm kiếm bản ngã của chính mình.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, khi được hỏi có phải ông ngồi một chỗ mà nghiền ngẫm vào những câu chuyện sông nước biển khơi không, Conrad đã trả lời, hẳn nhiên là ông nghiền ngẫm, nhưng không phải là các sự kiện, mà là cách các sự kiện tác động như thế nào lên nhân vật. Những hành trình song song diễn ra liên tục trong “Giữa lòng tăm tối”, và đó chính là cách để Conrad triển khai nó đã biến nhân vật của ông thoát khỏi cái định kiến của một con thú như thế nào.

Khi Ý nghĩa Nằm ngoài Hạt lạc: Những mơ hồ ẩn chứa trong “Giữa lòng tăm tối”

Vậy, châu Phi có phải là cái nền, cái bối cảnh thuần túy cho người da trắng khai phá và coi người da đen là kẻ man di mọi rợ, như lời kết tội của Chinua Abeche hay không? Những miêu tả, những cách cố tìm hiểu, những hiện thực bóc trần, rõ ràng trong “Giữa lòng tăm tối” có lẽ là câu trả lời rõ rành rành cho Chinua Abeche. Hậu quả của một cách đọc tối giản, đơn phương, một chiều của Chinua, chính là thứ khiến ông kết án Conrad. “Giữa lòng tăm tối” là một tác phẩm mở ra hàng trường diễn giải, với tính chất đa nghĩa, với sự mù mờ lan tràn trong văn bản.

Như chính lời Conrad trong một lá thư gửi cho Barrett H. Clark vào năm 1918, ông coi “tác phẩm nghệ thuật hiếm khi bị giới hạn vào một nghĩa duy nhất bao trùm tất cả, và không nhất thiết phải hướng tới những kết luận rõ ràng.” Lời khẳng định ấy, được ông động tới, ngay từ những trang đầu của “Giữa lòng tăm tối”

“Chuyện của dân đi biển có một sự giản đơn trực diện, toàn bộ ý nghĩa của nó chỉ gói gọn trong một cái vỏ lạc vỡ… Nhưng Marlow không phải dân đi biển điển hình…. Và với gã, ý nghĩa của sự kiện không nằm trong hạt lạc, mà ở ngoài, bao quanh sự tích phát sinh ra nó…” (trang 12). Conrad qua nhân vật Marlow không nhắm tới một ý nghĩa đơn nhất có thể bóc tách ra như nhân một loại quả, như chính Pericles Lewisđã chỉ ra, mà những lý giải câu chuyện ông đặt vào tay độc giả, để họ cùng tiến hành những chuyến đi diễn giải, hệt như nhân vật trong truyện,

Sự mơ hồ của “Giữa lòng tăm tối” như tôi đã nhắc ở trên, là những nỗ lực nhằm định danh, nhằm xác định, châu Phi, Kurtz, và cả bản thể của Marlow, mà không phải bao giờ cũng đem lại kết quả. Châu Phi rút cục không hề được định danh, cho đến cuối cùng nó vẫn là một vùng tăm tối khôn cùng, như chính nước Anh vào dòng cuối cùng của truyện. Ở “Giữa lòng tăm tối” luôn có sự chảy xiết giữa hai thế lực, một truy tìm, một lẩn trốn, hai thế lực tưởng như mâu thuẫn, nhưng lại luôn quấn chặt lấy nhau.

Ngay từ tựa đề, như chính Ian Watt, nhà nghiên cứu hàng đầu về Conrad đã chỉ ra, sự mâu thuẫn, một trạng thái đầy “oxymoron” ngay ở trong tên truyện, gây ra những bối rối ở người đọc. “Heart of Darkness”: sao một nơi không phải sinh thể như “darkness” – tăm tối, lại có thể có được bộ phận của sinh thể là “Heart” – trái tim, của sự sống và cảm giác? Nơi nào là “trái tim” của một vùng vô tận không định danh không định lượng như “tăm tối”? Liệu đây có thể là “trái tim” chứa đầy tăm tối” hay lại là “trái tim” của “một vùng tăm tối”.

Độc giả hoàn toàn không thể bóc ra một hạt lạc ý nghĩa duy nhất ở ngay tên của tác phẩm, và câu chuyện của “Giữa lòng tăm tối” trải ra trước mắt chúng ta cũng là một câu chuyện cho những thử phép tư biện, của những lý giải dựa vào hàng loạt thông tin mà Conrad bung ra trên văn bản. Trái tim ấy không chỉ là của châu Phi, mà còn là của Kurtz, và trên một mức độ nào đó là của cả Marlow. Vùng đất ấy là Lục địa đen, là Bỉ, là Anh, là thế giới con người. Và mọi hành trình sẽ là hành trình mò mẫm, để tìm hiểu, cái gọi là thực tại. (Khi có dịp tôi sẽ trở lại với vấn đề này, để phân tích tại sao ngôn ngữ của “Giữa lòng tăm tối” được coi là cực kỳ lạ lẫm, và là cách để Conrad triển khai ý tưởng ngôn ngữ nhiều khi không phản ánh được thực tại. Và chính vì thứ ngôn ngữ lạ lùng, bị coi không phải tiếng Anh của người Anh viết của Conrad, mà F.R.Leavis đã càm ràm trong cuốn sách “Truyền thống vĩ đại,” về việc Conrad khăng khăng sử dụng quá nhiều tính từ, làm cho văn chương của ông trở nên ngượng ngùng, trúc trắc, khó đọc, với hàng loạt, vô phương, và bất khả, “inscrutable”, “inconceivable”, “unspeakable”, “implacable”, ‘inexorable’. Quả thế, ngôn từ của “Giữa lòng tăm tối,” là một thứ ngôn ngữ trá ngụy thách thức sự đọc hiểu của độc giả).

Giải mã chậm (Delayed Decoding): Chủ nghĩa ấn tượng

Charlie Marlow là một trong những sáng tạo về nghệ thuật kể chuyện của Conrad, một người kể chuyện lai tạp, vừa có khả năng chiêm nghiệm từ góc độ dày dặn tuổi đời sau này, vừa có góc kể trực tiếp của cái tôi khi còn trẻ. Và “Giữa lòng tăm tối” là nơi mà Marlow cung cấp cho độc giả cả cái yếu tố trực tiếp khi giáp mặt với hiện thực, cả những nhận xét thâm trầm của một kẻ đã có trải nghiệm và suy ngẫm.
Một trong những sáng tạo độc đáo của Conrad, để tạo ra cảm giác trực tiếp trải nghiệm hiện thực, qua lời kể của Marlow, do chính Ian Watt đặt tên, đó là biện pháp “Giải mã chậm.” Nói nôm na, Conrad bằng giọng văn đẫm chất của hội họa ấn tượng: cung cấp các chi tiết thuộc trực tiếp về thị và thính giác trước cho độc giả, đặt anh ta vào vị trí của nhân vật, cùng trải qua hiện thực trước khi kịp nhận thức được hiện thực. 
Bằng cách đó, người đọc được đẩy vào vai trò của chính nhân vật, và mọi hiện thực trở nên tươi mới lạ lùng. Tất cả những lý giải, chỉ đến sau đó, khi ta hiểu ra, khi ta tập hợp được đầy đủ thông tin. Nhưng ở “Giữa lòng tăm tối”, độc giả cũng ý thức được rằng, không bao giờ có được cái gọi là đầy đủ thông tin, mọi quá trình lý giải đều là tạm thời, đều luôn trong trạng thái tiến triển.

Conrad, trong lời mở đầu của “The Nigger of the “Narcissus” đã khẳng định một thủ pháp văn chương, mà sau này được liên tục trích dẫn, và được coi là tuyên ngôn của chủ nghĩa ấn tượng trong văn học, đó là nghệ thuật tạo ra nhờ vào ấn tượng được chuyển tải qua cảm giác. Chính vì thế, “Giữa lòng tăm tối,” từng bước, từng bước một, đẩy người đọc vào cái vị trí trải nghiệm thực tiễn, bằng giác quan, trước khi có sự can thiệp của lý trí, trước khi mọi lý giải được hình thành. Một trong những đoạn điển hình cho thủ pháp ấy, là khi con thuyền ngược dòng sắp đến trạm của Kurtz, gặp phải một làn củi:

“Cùng lúc, gã đốt lò, đứng dưới và cũng trong tầm mắt tôi, thụp xuống sau lò và hụp đầu né tránh. Tôi kinh ngạc. ngay sau đó, tôi phải nhanh chóng nhìn ra sông vì giữa luồng nước có củi dạt. Que, một trận mưa que, bay tung tóe: chúng lao vù vù qua mũi tôi, rơi dưới chân tôi, cắm lên tường buồng lái sau lưng tôi. Lúc này mặt nước, bò sông, và rừng cây, tất cả đều lặng im – lặng im tuyệt đối… Tên, trời ơi! Con tàu đang hứng một trận mưa tên!” (trang 106-107)

Thoạt tiên Marlow tuyệt nhiên không hiểu chuyện gì xảy ra trong trường đoạn này. Trong sương mù, một lực lượng mang đầy tính biểu tượng cho việc bị che mờ khỏi nhận thức rõ ràng, họ bị một trận mưa que bủa vây. Đối với Marlow, và cả độc giả, đó là trận mưa qua cho tới lúc cuối cùng Marlow nhận ra được “Con tàu đang hứng một trận mưa tên”. Đây chính là cách Conrad đưa độc giả vào cái vùng đất tăm tối đó, đầu tiên trên hết, bằng trải nghiệm nguyên chất, vô nhiễm.

Cái thủ pháp giải mã chậm của chủ nghĩa ấn tượng của Conrad, như một cách cho độc giả biết rằng, ta không bao giờ biết được và hiểu trọn vẹn được thực tại. Quá trình tri nhận thực tại, tìm hiểu về thực tại, truy đuổi tri thức, sẽ mãi mãi là một quá trình đang diễn ra, một quá trình mà ta chỉ có thể có những đánh giá không toàn diện về nó.

Và nếu tinh ý, chúng ta nhận ra, phải chăng biện pháp “giải mã chậm” này bao trùm toàn bộ câu chuyện của Marlow, chẳng phải chúng ta cũng vồ vập vào vùng tăm tối, vào vùng người chết dưới gốc cây, vào những tiếng nổ núi phá đá làm đường, vào sương mù dày đặc, vào những huyền thoại về Kurtz, trước khi kịp hiểu ra tất cả chuyện này đích thực là gì, và có ý nghĩa như thế nào ư?

Truy vấn hiện tại phải chăng, như chính lời Conrad, “nhiệm vụ mà tôi cố gắng làm được, bằng sức mạnh của ngôn ngữ viết là khiến cho bạn nghe thấy, khiến cho bạn cảm thấy – trước tất cả, chính là khiến cho bạn nhìn thấy. Và đó chính là tất cả, không còn gì hơn nữa.” Nhìn thấy và trải nghiệm, để từ đó tìm ra lời biện giải cho chính mình, một biện giải giữa vô vàn các biện giải, trong truy vấnvề hiện thực, về tri thức, đó có lẽ chính là cách mà Conrad nhắm tới trong văn chương của mình.


- Conrad ơi, Vĩnh biệt - liệt mịa tay rồi - 


 



Tác giả:  Z Nguyễn

"Có nhàn mới đọc được sách [...] Có nhàn mới viết được sách" (Trương, U Mộng Ảnh, 91)

Link bài gốc: http://bit.ly/2Jlzwnj

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

143 lượt xem