Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Hãy Chăm Sóc Mẹ”: Ôi Yêu Thương, Chừng Nào Còn Có Thể Yêu Thương!

“Chị có nhớ có lần chị đã bảo em kể cho chị nghe những chuyện về mẹ mà chỉ mình em biết không? Em đã nói là em không biết gì về mẹ cả. Tất cả những gì em biết là mẹ đang mất tích. Cho đến bây giờ vẫn vậy. Đặc biệt em không biết sức mạnh của mẹ từ đâu mà ra. Thử nghĩ mà xem. Những việc mà người khác không làm được thì mẹ đều tự mình làm cả. Em cho rằng vì thế mà mẹ ngày một cạn kiệt đi. Cuối cùng mẹ trở thành con người không tìm nổi nhà của bất kỳ đứa con nào của mình.”

Hãy chăm sóc mẹ ra mắt vào năm 2009, trở thành một điểm sáng chói của văn học Hàn Quốc và  khẳng định vị trí Shin Kyung-sook, tác giả của cuốn tiểu thuyết này, như một hiện tượng văn học châu Á. Không chỉ thành công ở thị trường Hàn Quốc, tác phẩm này còn được giới phê bình đánh giá cao, nổi tiếng vang xa khắp các nước châu Á và được xuất bản tại 19 nước, trong đó có Mỹ. Với Hãy chăm sóc mẹ, Shin Kyung-sook trở thành nhà văn châu Á nổi bật nhất năm 2009. Điều gì đã làm một tác phẩm thành công đến thế?

“Mẹ bị lạc đã một tuần.” Cuốn tiểu thuyết đã bắt đầu như thế. Một câu tường thuật ngắn gọn và đơn giản. Câu tường thuật đã để lại cho người đọc bao nhiêu ám ảnh và nao lòng. Mẹ đã bị lạc ở đâu? Mẹ là người  như thế nào? Tại sao mẹ lại bị lạc? Và những người con đã làm gì khi mẹ chúng bị lạc?

“Mẹ bị lạc đã một tuần.” Những người con tìm mọi cách đi tìm mẹ. Họ mang theo trong người những hồi ức riêng tư, những câu chuyện về mẹ mà chỉ mình họ biết. Dòng hồi ức vừa cảm động, vừa chếnh choáng ấy thay phiên nhau dẫn dắt người đọc vào một hành trình khám phá những góc khuất sâu thẳm trong trái tim mỗi nhân vật. Bên cạnh đó, người đọc còn có thể khám phá những góc khuất của một nền văn hóa nổi tiếng bằng câu chuyện về sự chuyển dịch của xã hội Hàn Quốc qua các thế hệ.

Những người con đi tìm mẹ. Họ mang theo mình những hồi ức riêng. Họ kể nhau nghe những hồi ức về mẹ. Đi kèm với những kí ức về mẹ, đôi khi họ cũng tự hỏi: Mẹ có hạnh phúc khi làm mẹ không? Ước mơ của mẹ là gì? Mẹ có thích ở trong bếp không? Ở với mẹ một khoảng thời gian lâu như thế, chúng ta có thực sự hiểu mẹ hay không? Họ chia sẻ và lắng nghe những điều lần đầu họ được nghe về mẹ.

Mẹ bị lạc…

Câu chuyện bắt đầu bằng một khung cảnh hỗn loạn của một gia đình vừa có người thân bị lạc. Người đó không ai khác lại chính là mẹ, là vợ, là bà.

Cả nhà tập trung ở nhà người anh cả Hyung Chol để bàn cách tìm mẹ. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, mọi người quyết định soạn tờ rơi để đi phát ở nơi có người nhìn thấy mẹ lần cuối cùng.

Tên: Park So-nyo.

Ngày sinh: 24 tháng 7 năm 1938 (69 tuổi).

Hình dáng: Tóc muối tiêu ngắn, gò má cao, khi đi lạc mặc áo sơ mi màu xanh da trời, áo khoác trắng, áo xếp nếp màu be.

Địa điểm đi lạc: Ga tàu điện ngầm Seoul.

Nhưng… Lần đầu tiên người con gái thứ, người là một nhà văn và chịu trách nhiệm soạn tờ rơi ấy được nghe thấy “rằng mẹ sinh năm 1936. Mặc dù trên giấy tờ đều ghi năm 1938 nhưng thực tế mẹ sinh năm 1936.” Bố bảo ngày xưa tất cả mọi người đều làm như thế. Có những đứa trẻ sinh ra chưa đầy một trăm ngày đã chết, vì vậy người ta thường nuôi con vài ba tuổi rồi mới làm khai sinh. Cô nghe những lòng này, lòng tự hỏi không biết ngày sinh của mẹ có thật sự là 24 tháng 7 hay không.

Vì sinh nhật bố trước sinh nhật mẹ một tháng. Vì số  lần anh chị em cô về thăm bố mẹ vào ngày sinh nhật thưa dần. Vì bữa tiệc gia đình ấm cúng trong ngày sinh nhật của bố mẹ được thay bằng những bữa ăn nhà hàng thịnh soạn. Để cho tiện, mẹ gợi ý nên tổ chức sinh nhật mẹ cùng với sinh nhật bố. Ban đầu anh chị em cô còn phản đối. Nhưng dần mọi người đều tặng quà cho mẹ vào ngày sinh nhật bố, còn sinh nhật của mẹ cũng cứ thế lặng lẽ trôi qua.

Người ta có thể lật lại hồi ức được bao xa? Hồi ức về mẹ thì sao?

Từ khi nghe tin mẹ mất tích, cô không thể tập trung suy nghĩ được gì cả. Những kí ức cô đã lãng quên từ lâu bỗng nhiên trỗi dậy. Lộn xộn, không theo một trật tự nào cả. Và nỗi ân hận cứ bám theo từng kí ức. Đó là kí ức về chiếc váy xếp nếp có đai và đường diềm mẹ muốn cô mặc. Cô đã nói không. Để rồi nhiều năm sau lại thấy hối hận “Mình lẽ ra nên mặc thử cái váy đó.” Đó là kí ức về mẹ những ngày bé, mẹ luôn nhắc cô phải chịu khó học hành mới có thể bước vào thế giới tốt hơn. Đó là một người mẹ đau đớn vì  phải chịu đựng sự hành hạ của cơn đau đầu cô chứng kiến khi về nhà bất chợt. Đó là một người mẹ hạnh phúc khi cô biết đọc, biết viết. Đó là một người mẹ mạnh mẽ đã đấu tranh gắt gỏng với bố để cô tiếp tục được học cấp hai. Đó là kí ức về người cô gọi là mẹ nức nở gọi bác trai “Anh ơi! Anh ơi!”. Với cô mẹ lúc nào cũng là mẹ. Cô chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ cũng từng chập chững những bước đầu tiên, mẹ cũng lên ba, rồi mười hai rồi hai mươi tuổi. Phải rất lâu sau này cô mới dần nhận thức được rằng “trong sâu thẳm trái tim mẹ vẫn ấp ủ tình cảm y hệt như tình cảm của cô dành cho các anh em trai mình và rằng mẹ cũng có một thời thơ ấu.”

Trên hành trình đi tìm mẹ ấy, giống như cô, người anh cả Hyong-chol cũng mang theo cả hồi ức và ân hận. Những nơi họ đi tìm mẹ, những người họ đã gặp trên đường tìm mẹ, những lời kể họ được nghe, tất cả đều gợi lên những kỉ niệm về mẹ. Đó là ủy ban phường ở khu Yong San, nơi anh thi đỗ kì thi công chức và có công việc đầu tiên. Anh nhìn vào căn phòng trực đêm, nơi mà ba mươi năm về trước anh đắp chung chăn ngủ bên cạnh người mẹ đã vội vội vàng vàng bắt chuyến tàu hỏa lên Seoul để mang tấm bằng tốt  nghiệp cho cậu con trai hai mươi tuổi của mình. Đó là lần đầu tiên trong đời mẹ đi tàu. Anh là đứa con đầu tiên của mẹ. Đó cũng không phải là việc duy nhất anh khiến mẹ được làm lần đầu tiên trong đời. Mẹ đã bảo thế trong cái đêm ngủ cùng anh ở căn phòng trực đêm chật hẹp ấy.


Con là đứa con đầu tiên của mẹ. Đây không phải là việc duy nhất con khiến mẹ được làm lần đầu tiên. Tất cả những điều con làm đều là một thế giới đầy mới mẻ với mẹ. Con đã khiến mẹ được làm mọi việc lần đầu tiên. Con là đứa con đầu tiên làm bụng mẹ căng tròn lên, cũng là đứa con đầu tiên mẹ cho bú. Lúc sinh con ra, mẹ cũng trạc tuổi con bây giờ. Khi mẹ nhìn thấy khuôn mặt đỏ hỏn đẫm mồ hôi với đôi mắt con nhắm tịt của con, lần đầu tiên… người ta thường nói rằng khi có đứa con đầu tiên họ thấy vừa ngạc nhiên vừa hạnh phúc, nhưng mẹ không nghĩ thế, mẹ lại thấy buồn. Mình vừa mới sinh một đứa con thật sao? Mình sẽ phải làm gì đây?Mẹ thấy lo sợ đến mức ban đầu mẹ không dám chạm vào những ngón tay nhỏ xíu cuộn lại của con.

Đi kèm với kí ức là những ân hận và tức giận. Họ day dứt mãi về cái ngày mà bị lạc ở ga tàu điện ngầm. Mình đã làm gì khi mẹ rớt lại trên sân ga tàu điện ngầm cùng những người xa lạ, không lên được chuyến tàu cùng với bố? Cô hối hận vì không nghe lời  mẹ, vì những lần cáu gắt dập điện thoại của mẹ, vì đã dùng giọng điệu công việc để trả lời mẹ những câu hỏi cô không thích. Anh hối hận, vì những lời anh tự hứa với bản thân về mẹ năm nào đã phai nhạt, vì không biết từ lúc nào, anh chỉ sống cho bản thân mình, hầu như quên bẵng mẹ. Họ nổi khùng, cộc cằn với nhau, họ giận chính mình vì đã không đón mẹ vào cái ngày định mệnh ấy, vì không thể làm gì để tìm ra mẹ.

Cuộc đời của mẹ…

Mẹ kết hôn với bố khi chỉ mới mười bảy tuổi, dù hai người chưa hề biết mặt nhau. Hôn sự của họ là do hai gia đình quyết định vì hai người có “số tử vi rất hợp”. Họ lấy nhau rồi sinh  con đẻ cái. Nhưng mẹ là người nuôi các con nhiều hơn cả. Vì bố là người không bao giờ muốn làm nghề nông ở làng và kết thúc cuộc đời mình ở đó. Nên bố “bỏ nhà ra đi bất cứ khi nào ông muốn và chỉ trở về nhà lúc ông thích.” Thậm chí, có lúc bố còn dẫn về nhà một người phụ nữ có làn da trắng hồng, cơ thể thơm ngát. Mẹ không được chăm sóc chu đáo sau sinh dẫn đến cả đời bị bệnh tiêu chảy hành hạ. Mẹ còn phải chịu hàm oan của người đời, bị người chị chồng đóng vai trò như mẹ chồng chì chiết.

Mẹ sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh loạn lạc, thế nhưng mẹ không mang tư tưởng của những người cùng thời. Mẹ giận mẹ bà vì không cho mẹ học hành đàng hoàng. Trái với suy nghĩ trọng nam khinh nữ của thế hệ đó, mẹ quan niệm là con gái thì càng phải cố gắng học hành mới có thể sống trong một thế giới tốt hơn.

Mẹ lặng lẽ làm hết mọi việc trong gia đình, từ việc đồng áng, nấu ăn, dọn dẹp đến chăm sóc các con trưởng thành. Mẹ chuẩn bị chu đáo cho mọi ngày lễ dù ngày đông giá rét. Không hề than vãn, không đòi hỏi gì cho bản thân.

Mẹ không biết đọc. Nhưng bằng một cách nào đó mẹ có thể “đọc” và “viết” thư cho con trai, người đang học tại thành thị. Mẹ nửa đêm tìm đường lên Seoul đưa bằng được cho con trai tấm bằng trung học mà con rất cần. Mẹ không biết đọc. Nhưng mẹ có thể “đọc” tất cả số sách mà cô con giá thứ đã viết.

Mẹ đã làm đủ nghề để kiếm tiền, từ nuôi tằm, làm mạch nha đến giúp người ta làm đậu phụ. Nhưng với mẹ cách tốt nhất để có tiền là không tiêu tiền. Thậm chí mẹ còn bán những đồ không dùng nữa để lấy tiền. Một người phụ nữ tiết kiệm như thế lại sẵn lòng mua cho đứa con gái bất cứ món đồ nào nó thích.

Làm việc luôn tay luôn chân như thế, liệu mẹ có thích công việc mẹ làm hay không? Chắc mẹ chẳng có thời gian để nghĩ nhiều như thế.

- Mẹ ơi mẹ có thích ở trong bếp không?

- Mẹ không nghĩ tới chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu cơm cho các con ăn rồi còn đi học. Làm sao mà ta có thể chỉ làm những việc mà mình thích được chứ. Có nhiều việc ta phải làm cho dù ta thích hay không. … Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mà mình không thích đây?


Bí mật của mẹ…

Hóa ra mẹ cũng có những bí mật riêng tư. Rằng mẹ đã nhiều lần đập bể nắp chum. Vì “Công việc bếp núc không có điểm đầu cũng không có điểm kết thúc. Ta ăn sáng rồi ăn trưa rồi ăn tối rồi khi trời sáng thì lại ăn sáng… Mỗi lúc cảm thấy gian bếp như nhà tù, mẹ lại đi ra sân sau nhặt cái nắp chum nào sứt sẹo nhất lên rồi dùng hết sức ném bộp vào tường.”  Vì “tiếng vỡ của nắp chum trở thành liều thuốc cho mẹ. Mẹ cảm thấy như được tự do.” Bí mật về nỗi lo sợ hết lương thực, không biết lấy gì cho các con ăn khi cái ống bơ đong gạo chạm xuống tận đáy vại. Thế nhưng đấy lại là những tháng ngày hạnh phúc nhất của mẹ.

Có một bí mật mà mẹ không nói với cô con gái út. Rằng cô còn  có một người anh trai. Người anh đã chết yểu từ trong bụng mẹ. Người chôn cất cho đứa bé không may mắn đó lại chẳng phải bố  mà là người đàn ông ấy. Hóa ra tuổi trẻ của mẹ, ngoài bố, còn tồn tại một người đàn ông, người gợi mẹ về những năm tháng tuổi trẻ. “Khi sống trong những năm tháng trẻ trung ấy tôi chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện mình đang rất trẻ, nhưng giờ đây khi nghĩ về lần đầu tiên gặp ông, tôi vẫn có thể nhớ gương mặt thanh xuân của mình.” Người đàn ông đó lần đầu gặp mẹ đã toan lừa mẹ lấy cái chậu lương thực của cả nhà. Rồi giữa hai người hình thành mối nhân duyên không thể gọi tên.

 “Ông là bí mật của cuộc đời tôi. Ông đã tồn tại trong cuộc đời tôi, một sự hiện diện mà bất kì ai quen biết tôi cũng chẳng tài nào đoán ra. Mặc dù không ai biết ông đã tồn tại trong cuộc đời tôi, nhưng ông chính là người mang bè lũ đến mọi con nước lớn để giúp tôi vượt qua thác lũ an toàn. Tôi đã rất vui vì có ông. Tôi đến để nói với ông rằng tôi đi qua được cuộc đời mình là bởi tôi có thể tìm đến với ông những lúc lo âu chứ không phải những khi hạnh phúc.”

Và bí mật cuối cùng của mẹ. Lời nói tha thiết mẹ dành cho mẹ của mình. Rằng “Mẹ có biết không. Con cũng luôn cần mẹ trong suốt cuộc đời mình.”


 Chúng ta hiểu mẹ bao nhiêu?

Dù chúng ta cứ nói là hoàn cảnh sống của mẹ khiến mẹ chỉ có thể nghĩ về chúng ta đi nữa, sao chúng ta có thể nghĩ về mẹ ở cương vị một người mẹ suốt cả cuộc đời như thế cơ chứ? Dù đã làm mẹ, em vẫn có rất nhiều mơ ước của riêng mình và vẫn nhớ không sót một chuyện gì về thời thơ ấu, thời niên thiếu cũng như thời thiếu nữ của mình, thế nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta chỉ luôn nghĩ về mẹ như là một người mẹ mà thôi? Mẹ đã không có cơ hội theo đuổi những ước mơ của mình, luôn phải một thân một mình đối diện với mọi sự bạc đãi của thời đại, đói nghèo và khốn khổ và mẹ không thể làm được gì cho số phận buồn thương của mình ngoài gánh chịu nó và vượt qua nó, sử dụng tối đa mọi khả năng của bản thân để sống hết cuộc đời, dâng hiến toàn bộ thể xác và tâm hồn mình cho cuộc đời ấy. Tại sao em chưa từng mảy may nghĩ tới những ước mơ của mẹ?

Lời kết

Bằng giọng văn tha thiết, Hãy chăm sóc mẹ truyền đi một thông điệp rất cụ thể: "Đừng để yêu thương trở thành nỗi tiếc nuối. Hãy chăm sóc mẹ khi còn cơ hội!"


Tác giả: Vân Nguyễn - Bookademy
---------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

463 lượt xem