Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[DU HỌC] ACT, SAT Hay Thi Cả 2?

“Không quan trọng bạn sống ở phía bên nào của hàng rào, điều quan trọng là bạn phải thử sang bờ bên kia. Bạn sẽ không thể tiến bộ nếu không đưa ra sự chọn cho bản thân mình.” 

Jim Rohn -

 

So sánh thông tin giữa ACT và SAT

ACT 

• Đơn vị tổ chức: ACT 
• Điểm tối đa: 36 
• Điểm tối thiểu các trường yêu cầu: Tùy trường nhưng hồ sơ tốt thì cần điểm ACT từ 32 trở lên. 
• Cách thức thi: Trên giấy (sẽ thay đổi thành thi trên máy tính vào tháng 9 năm 2018) 
• Những nước sử dụng: Mỹ, Canada, Singapore 
• Cách thức đăng ký thi: Trên trang web của ACT 
• Tiền đăng ký thi: Khoảng 2,500,000 VND cho kỳ thi không có bài luận và 2,800,000 cho kỳ thi có bài luận 
• Tiền gửi điểm trực tiếp cho đại học: 13 USD / một đợt thi / trường (~300,000 VND) 
• Số đợt thi 1 năm: 6 lần 
• Thời điểm thi: Tháng 9, 10, 12, 2, 4, 6 

SAT 

• Đơn vị tổ chức: College Board 
• Điểm tối đa: 1600 
• Điểm tối thiểu các trường yêu cầu: Tùy trường nhưng để cạnh tranh các trường đứng đầu thì cần từ 1450 trở lên. 
• Cách thức thi: Trên giấy 
• Những nước sử dụng: Mỹ, Canada, Singapore, Bắc Âu 
• Cách thức đăng ký thi: Trên trang web của College Board 
• Tiền đăng ký thi: Khoảng 2,500,000 VND cho kỳ thi không có bài luận và 2,800,000 cho kỳ thi có bài luận 
• Tiền gửi điểm trực tiếp cho đại học: 13 USD / nhiều đợt thi / trường (~300,000 VND) 
• Số đợt thi 1 năm: 4 lần 
• Thời điểm thi: Tháng 10, 12, 3, 5 
 (Nguồn: Trang web của SAT và ACT) 

Ồ, nếu thế thì mình thi SAT vẫn có lợi hơn chứ đúng không? Với 13 USD mình có thể gửi điểm của nhiều đợt thi cho 1 trường trong khi ACT thì mỗi đợt thi mình cần phải gửi riêng? 

Chính xác, khi gửi điểm ACT bạn sẽ phải tốn tiền nhiều hơn so với SAT. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lý do khiến chúng ta cần xem xét thi cả ACT và SAT. 

Tại sao? 

Đương nhiên là vì kiếm tiền. 

Thi mà cũng kiếm ra tiền? 

Được chứ, tiền ở đây chính học bổng. Do các trường đại học Mỹ xét ACT và SAT tương đương nhau, bạn có thể thi cả 2 rồi đem ra so sánh, nếu điểm ACT cao hơn thì nộp ACT và ngược lại. Mà đương nhiên là điểm càng cao thì học bổng càng nhiều rồi! Ví dụ, nếu bạn tăng điểm ACT từ 30 lên tới 32 hoặc SAT từ 1400 lên 1480 thì khi bạn nộp cho đại học Miami University (Ohio), học bổng của bạn sẽ tăng khoảng 5,000 tới 7,000 USD cho 1 năm, tương đương gần 120 – 150 triệu VND / năm mà bạn tiết kiệm cho bố mẹ đấy. 


Thế mình có thể thi tối đa bao nhiêu lần? 

Trên lý thuyết thì bạn muốn thi bao nhiêu lần cũng được. Tuy nhiên như bạn biết, số đợt thi của ACT hoặc của SAT chỉ giới hạn khoảng từ 4 tới 6 lần / năm, trong đó có những đợt thi vào tháng 12, tháng 4 hoặc tháng 5 thường rơi vào đợt thi cuối kỳ trong trường. Ngoài ra, đợt thi vào tháng 10 hoặc tháng 3 lại có thể rơi vào đợt kiểm tra giữa kỳ. Tính ra số đợt thi mà bạn chuẩn bị tốt về mặt tinh thần chắc chỉ có khoảng 2 tới 3 đợt / năm cho mỗi kỳ thi thôi.   

Tuy nhiên mình có nghe nói là thi nhiều sẽ bị trường đánh giá thấp? 

Đấy, lại một suy nghĩ “ngày xửa ngày xưa” mà nhiều phụ huynh và các bạn học sinh vẫn nhầm tưởng. Trên thực tế, dù bạn có thi bao nhiêu đợt đi nữa thì khi gửi điểm, bạn hoàn toàn có thể chọn điểm cao nhất để gửi cho trường. Ví dụ bạn thi ACT 4 lần nhưng 2 lần đạt điểm tốt thì bạn chỉ cần gửi điểm của 2 lần thi đó thôi. Trường cũng sẽ chẳng thể biết (và cũng không bận tâm) việc bạn đã thi bao nhiêu lần cả. Ngoài ra, phần lớn các trường đều có chính sách cộng điểm cao nhất từng phần (superscore) cho mỗi đợt thi nên việc bạn thi nhiều lần là hoàn toàn có lợi. 

Superscore là gì? 

Giả dụ như bạn thi SAT đợt tháng 10 với điểm toán 750 cùng điểm đọc và ngữ pháp 600. Như vậy, tổng điểm đợt thi đó là của bạn là 1350 - không quá thấp nhưng cũng chưa tốt. Đến đợt thi tháng 1, điểm toán của bạn giảm còn 650 do sai ẩu, nhưng vì điểm đọc và ngữ pháp lại đạt 700 nhờ... ông bà phù hộ nên tổng điểm vẫn là 1350. Tuy nhiên khi bạn gửi 2 điểm này đi, các trường có chính sách superscore sẽ lấy điểm cao nhất phần toán (750 đợt tháng 10) cộng với điểm cao nhất phần đọc (700 đợt tháng 1) để ra tổng điểm SAT của bạn là 1450 - hoàn toàn đủ để cạnh tranh nhiều học bổng. ACT cũng tương tự như thế. 

Thành ra với chính sách này, bạn càng cần phải đi thi nhiều lần, biết đâu một giây phút xuất thần sẽ giúp điểm của bạn cải thiện đáng kể. 

Đúng rồi, mình sẽ cúng ông bà đêm trước ngày thi để ông bà phù hộ… 

… Cái đó thì mình không chắc, nhưng dù có may mắn hay không thì bạn vẫn phải cố gắng làm từ 30 tới 40 đề thi thật trước khi thi đó nha! 

Nhiều thế cơ á, vậy cụ thể mình phải chuẩn bị ra sao cho ACT và SAT đây? 

Bắt đầu trước với ACT nào: 

Điểm ACT được tính bằng trung bình cộng của bốn phần là ngữ pháp, toán, đọc và khoa học (điểm mỗi phần tối đa là 36). Nếu bạn tính nộp những trường đứng đầu thì nên đặt mục tiêu từ 32 điểm trở lên nhé! 

Thứ nhất là phần ngữ pháp. Bạn có thể tìm kiếm trên Google và YouTube danh sách kiến thức ngữ pháp cho ACT. Phần này thường chỉ yêu cầu bạn sửa vài dạng lỗi sai lặp đi lặp lại nên làm nhiều đề thì sẽ quen tay ngay thôi. Tuy nhiên, vì chỉ có 45 phút để trả lời 75 câu hỏi nên phải ôn thật kĩ để tránh áp lực thời gian nhé! Một bí quyết nhỏ trong ACT là với các câu sửa ngữ pháp, đáp án ngắn gọn nhất có thể đến 90% là câu đúng đấy! Nói chung, đây là phần để gỡ điểm nên hãy cố gắng sai dưới 5 câu để lấy từ 33 tới 36 điểm phần này. 

Thứ hai là phần toán. Phần này sẽ kiểm tra kiến thức toán cấp 3 ở Việt Nam, vì thế khó khăn của bạn chỉ là học từ vựng để hiểu câu hỏi là gì. Các bạn có thể tìm kiếm kiến thức toán của ACT trên Google hay YouTube để đọc sơ qua một lần và học thuộc những từ tiếng Anh cơ bản cho toán như hệ số góc (slope), số âm, dương (negative, positive numbers), hình vuông, chữ nhật (square, rectangle),… Quan trọng hơn vẫn là phải tự làm nhiều đề để quen với dạng bài cũng như áp lực thời gian (60 câu hỏi trong vòng 60 phút). Vì được dùng máy tính nên các bạn có thể giải ra ngay hoặc… thế ngược đáp án vào câu hỏi, và đừng lo lắng quá vì chỉ có 2-3 câu thật sự khó trong bài thôi. Tuy nhiên, bởi bạn là học sinh châu Á nên phần toán này chỉ được sai tối đa 1, 2 câu thôi để còn lấy 35 hoặc 36 điểm nhé! 

Thứ ba là phần đọc. Đây được xem là phần khó nhất, không phải vì câu hỏi khó mà là vì bạn chỉ có 35 phút để làm hết 40 câu. Chính vì thế để có thể làm hết thì bạn nên tìm đọc về những chủ đề như chính trị, văn hóa và lịch sử Mỹ. Một số chủ đề phổ biến như bình đẳng giới tính, phân biệt chủng tộc hoặc hệ thống chính trị nước Mỹ là những chủ đề xã hội mà nhiều bạn học sinh ở Việt Nam chưa bao giờ đọc qua. Một gợi ý nhỏ cho phần này đó là nếu bạn không làm kịp giờ thì nhớ điền đại đáp án chứ đừng bỏ trống câu nào, ACT không trừ điểm những câu sai nên bạn cứ vô tư nhé! Ngoài ra, bạn có thể dùng phương pháp loại trừ những câu trả lời không liên quan để chọn câu đúng để tiết kiệm thời gian nữa. Nói chung, mục tiêu của bạn là sai từ 10 câu trở xuống để có thể lấy điểm từ 28 trở lên. 

Phần cuối cùng của ACT là phần khoa học. Đây là phần mà nếu nhìn vào sẽ rất khó khăn cho nhiều học sinh Việt Nam. Phần này cũng có 40 câu hỏi và làm trong vòng 35 phút. Để làm tốt phần này, có một lời khuyên hơi ngược đời chính là đừng đọc phần kiến thức trong câu hỏi mà chỉ nên tập trung vào hiểu các bảng biểu / đồ thị được cung cấp trong bài thôi. Sau đó, bạn nhảy ngay vào trả lời câu hỏi và tập trung suy luận logic dựa trên thông tin có trong bài chứ đừng cố gắng hiểu lý do tại sao, sẽ tiết kiệm được phần lớn thời gian mà còn tránh bị đánh lạc hướng nữa đó! 


Này, thế mình làm sao kiếm đề để mà làm? 

Theo luật quốc tế thì bạn không được phép sử dụng những đề thi cũ có trên mạng mà chỉ được dùng đề thi miễn phí mà ACT cung cấp. Tuy nhiên chỉ cần bạn tìm kiếm trên Google một chút là có thể ra ngay nhiều đề thi cũ của ACT từ năm 1996 cho tới năm 2017. Việc sử dụng những đề đó hay không là tùy thuộc vào cách nhìn nhận vấn đề của bạn. Ở Việt Nam thì rất nhiều trung tâm không hề được sử dụng những bài thi này nhưng họ vẫn in ầm ầm ra để làm thôi. Tùy bạn à. 

Ủa, mình nghe nói ACT có thi viết nữa mà, bạn nói luôn về phần viết đi? 

À, phần viết của ACT thì bạn cứ áp dụng cấu trúc mà bạn làm cho phần viết bài 2 của đề thi IELTS. Đề bài sẽ bao gồm một vấn đề xã hội cùng 3 ý kiến khác nhau, từ đó yêu cầu bạn phân tích và đưa dẫn chứng cho quan điểm của cả 3 ý đó cộng với quan điểm cá nhân bạn. Ngoài ra vì phần viết thường không được các trường quá chú trọng nên trên thang điểm tối đa 12, chỉ cần trên trung bình thì bạn sẽ không phải thi lại nữa. 

- Rồi, mình hiểu ACT rồi, thế còn SAT thì sao? 

Na ná với ACT, SAT cũng có 4 phần nhưng với thứ tự và nội dung khác biệt: phần đầu tiên là đọc, sau đó tới ngữ pháp và 2 phần cuối cùng là toán. Với phần đọc và ngữ pháp, điểm mỗi phần là 400 để tính tổng được 800. 2 phần toán cuối cùng lần lượt là không dùng máy tính và được dùng máy tính, tổng điểm cũng là 800 luôn. Cộng tất cả lại thì điểm cao nhất của kỳ thi này là 1600. Nếu bạn nhắm tới những trường có thứ hạng cao thì hãy chuẩn bị sẵn sàng để lấy SAT 1450 trở lên nhé. 

Với phần đọc đầu tiên, bạn sẽ phải giải quyết 52 câu hỏi trong 65 phút. Những chủ đề trong phần đọc của SAT cũng tương tự như trong ACT, tuy nhiên cách hỏi sẽ hơi khác một chút. Tương tự, bạn có thể áp dụng phương pháp loại trừ những câu trả lời sai thay vì tìm câu hỏi đúng nhất.  

Ngoài ra, trong mỗi bài đọc sẽ có ít nhất 2 câu hỏi mà câu sau cung cấp dẫn chứng cho câu trước. Trước khi nhảy vào trả lời thì bạn nên nhóm những câu hỏi này lại để làm cho hiệu quả. Ví dụ như câu 6 và 7 có liên quan thì bạn đọc kỹ câu hỏi trong câu 6, bạn đọc đáp án trong câu 7 để tìm câu trả lời phù hợp, sau đó mới quay lại câu 6 để trả lời. Nhìn chung phần này bạn chỉ nên sai dưới 10 câu để lấy trên 300 điểm nhé. 

Tiếp theo là phần ngữ pháp với 44 câu hỏi trong vòng 35 phút. Tương tự như ACT, bạn có thể tra cứu danh sách kiến thức ngữ pháp của SAT qua mạng, học thuộc lòng rồi làm đề nhiều để chọn cho đúng. Bạn chú ý nên chỉ sai ít hơn 5 câu để lấy từ 350 tới 400 điểm phần này. 

Cuối cùng là 2 phần toán. Để đạt điểm tổng tốt thì bạn nên cố gắng không sai câu nào để đạt trọn vẹn 800 luôn, vì đề bài cũng chỉ là kiến thức lớp 10 và 11 thôi.  Vì thế cách ôn tập cũng giống như ACT: bạn ôn kiến thức cơ bản bằng tiếng Anh rồi lao đầu vào làm càng nhiều đề càng tốt. Phần không dùng máy tính có 20 câu và bạn có 25 phút để làm. Phần dùng máy tính có 38 câu làm trong 55 phút. Nhìn chung áp lực thời gian trong phần toán của SAT sẽ không bằng với ACT. Tuy nhiên các câu hỏi sẽ có những cái bẫy nho nhỏ, nên nếu không cẩn thận sẽ rất dễ mất điểm oan uổng. 

Về đề thi thật của SAT, College Board cung cấp 8 đề miễn phí có thể tải từ trang web. Ngoài ra nếu bạn muốn những đề thi cũ của SAT thì bạn có thể tìm kiếm ở một vài trang web bên Trung Quốc. Đương nhiên, đây đều là những đề không được phép sử dụng lại. Vì thế nếu bạn tìm được đề nào để tự làm thì cứ giữ mà làm nhé. Nhiều trung tâm cũng làm như vậy thôi. 

Ngoài ra, có một trang web có nhiều kiến thức tổng quát chính là Khan Academy. Bạn có thể xem mọi kiến thức về bài thi ACT và SAT trên đây. 

Hiểu rồi, nói chung là làm đề thi “chui” và làm càng nhiều càng tốt. Thế mình phải làm bao nhiêu đề ấy nhỉ? 

Tầm 30 tới 40 đề trước khi thi là bạn có thể được ít nhất 30 cho ACT hoặc 1350 cho SAT. Bạn cần xác định nếu tự học thì sẽ mất từ 6 tháng tới 1 năm thì mới làm hết các đề đấy. Ngoài ra vì lịch thi của ACT / SAT chỉ giới hạn trong khoảng 4 tới 6 lần / năm nên cứ đăng ký thi càng sớm càng tốt để tránh hết chỗ nhé. 

Ôi, ôn thi ACT và SAT mệt quá nhỉ. Thế nếu thi xong thì mình có thể nộp hồ sơ chưa? 

Chưa đâu, chúng ta chỉ mới đi được nửa con đường chuẩn bị thôi. Chúng ta còn hoạt động ngoại khóa nữa. 

Hoạt động ngoại khóa ấy hả? Ủa, mình có phải lấy chứng nhận tham gia hoạt động không? 

Đương nhiên là… KHÔNG rồi. Khi bạn điền hồ sơ trên Common App thì bạn sẽ liệt kê những hoạt động ngoại khóa đã tham gia và không cần gửi bất kỳ giấy chứng nhận. 

- Như thế thì làm sao trường biết mình có thật sự làm hay không? Mình bịa ra thì sao? 

Đấy chính là điểm hay của các trường đại học Mỹ: họ sẽ mặc định tin tưởng rằng bạn luôn trung thực trong quá trình điền hồ sơ. Tuy nhiên, thường các trường sẽ yêu cầu bạn viết một bài luận phụ về hoạt động bạn tham gia. Thông qua bài luận đó, nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về tính trung thực trong hồ sơ, họ sẽ từ chối bạn ngay trong một nốt nhạc. 

Nghiêm trọng thế cơ à! 

Đúng rồi, thành ra bạn không cần phải lấy chứng chỉ gì cho hoạt động ngoại khóa đâu, nhưng sẽ cần chú ý những điểm sau khi thực hiện hoạt động ngoại khóa nhé. 


[ PHẦN CHIA SẺ ]

Trương Huỳnh Hạ - Beloit College khóa 2022 

Sau 12 năm học tiếng Anh chỉ để… qua môn, các bài thi chuẩn hóa nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất trong quá trình nộp hồ sơ của mình. Ở tình thế “không có gì để mất” khi quyết định du học vào cuối năm 12, mình đăng kí tất cả các kì ACT và SAT có thể, từ đó cũng tích được kha khá kinh nghiệm cũng như kỉ niệm (dẫu ngọt bùi thì ít mà đắng cay thì nhiều). 

Trước tiên là SAT. Sau khi hoàn thành IELTS, mình còn đúng 4 tuần để chuẩn bị cho kì SAT đầu tiên vào tháng 5. Nhận thấy bạn bè ôn SAT cả năm trời vẫn chật vật thi 2 - 3 lần, mình cũng chẳng biết làm gì ngoài nhắm mắt đưa chân và nhủ thầm “đằng nào cũng tiêu, thôi cứ ráng hết sức rồi tới đâu thì tới.” Với tâm thế đó, mình lao đầu vào giải đề thay vì học từ căn bản lên, phần vì biết học từ từ sẽ không kịp, phần vì muốn kiểm tra năng lực bản thân để còn chuẩn bị tâm lý khi thi thật. Thành thật mà nói thì thời gian đó chính xác là 4 tuần chăm chỉ nhất cuộc đời mình khi “cắm rễ” ở lớp tận 6 ngày một tuần, mỗi ngày 4 đến 12 tiếng để chinh phục… tất cả các đề SAT thầy có. Quá trình ôn luyện khắc nghiệt đó không chỉ giúp mình quen với dạng bài hơn mà còn xác định được điểm mạnh - yếu của bản thân: một học sinh châu Á “lỗi gene” luôn gục ngã trước phần toán nhưng lại say mê phần đọc hiểu. 

Thế nhưng các bạn biết đấy, trên đời này chuyện quái gì cũng có thể xảy ra được. Bước vào phòng thi với phần đọc hiểu đầu tiên, mình bàng hoàng nhận ra có cái gì “sai sai” đang xảy đến với cuộc đời mình… Đau bụng! Vâng, chỉ với 2 từ không thể lãng xẹt hơn đó, mình thi đọc trong 30 phút và nhận điểm 1340 cho lần thi đầu (620 phần đọc hiểu và 720 phần toán). Thật ra với xuất phát điểm ban đầu thì kết quả đó cũng không quá tệ, và mình nghĩ giai đoạn giải đề “hùng hục” đã đóng một vai trò rất quan trọng trong sự tiến bộ của mình. Bằng chứng là với đợt thi thứ 2 vào tháng 10, dù đi thi với một thể trạng khỏe mạnh, tinh thần thoải mái và vốn tiếng Anh tốt hơn hẳn, mình cũng chỉ nhận điểm 1380 thôi – chẳng cải thiện bao nhiêu vì đã mải viết luận mà quên luôn chuyện ôn bài. 

Tiếp theo là ACT – bài thi sóng gió mình chinh phục tận 3 lần nhưng rồi quyết định… không nộp điểm. Ấn tượng đầu tiên của mình về ACT là phần đọc hiểu đơn giản hơn SAT rất nhiều, các câu hỏi cũng không quá lắt léo. Tương tự với phần ngữ pháp, ACT chỉ hỏi những vấn đề lặp đi lặp lại nên giải chừng 10 đề là mình tự tin bỏ qua luôn. Yên chí, mình quyết định dành thời gian “cày” toán và khoa học – 2 phần chỉ nhìn thôi cũng khiến mình khóc không thành tiếng. Đau khổ hơn nữa, khi giải lại các đề ACT cũ, mình phát hiện ra có khá nhiều kiến thức toán mình chưa từng học trong chương trình cấp 3 hoặc chỉ được học vào cuối năm 12 – thời gian mình bỏ bê bài vở vì đã được tuyển thẳng đại học. Khoa học còn kinh khủng hơn với những biểu đồ chi chít số liệu, và dù đã được an ủi là không cần hiểu kiến thức đâu nhưng phân tích bao nhiêu đó số trong thời gian 35 phút cũng thật là không tưởng với khả năng tập trung ngắn hạn của mình rồi. “Thôi tới đâu thì tới” – một lần nữa mình bưng nguyên tâm thế đó vào phòng thi. 

Và cũng một lần nữa, cuộc đời này thật sự trớ trêu lắm các bạn ạ! Nhận kết quả lần thi đầu trên tay, mình không tin được vào mắt mình khi phần đọc hiểu tự tin nhất lại chỉ có… 22/36, trong khi môn toán “kinh hoàng” thì tròn 36/36 luôn. Với điểm ngữ pháp 28 và khoa học 23, mình khá là hài lòng với tổng điểm 27 và quyết tâm nâng điểm đọc trong kì thi tới. Nhận thức được hậu quả của sự chủ quan, lần thi thứ 2 mình tập trung vào bài đọc nhiều hơn vì đề dễ là một chuyện, còn phải chinh phục áp lực thời gian nữa. Kết quả, mình nhận được 30/36 điểm phần đọc trong lần thi này – khá là cao với một học sinh châu Á không có gốc chuyên Anh như mình. Nhưng rồi thì rào cản vẫn còn đó – môn khoa học “không đội trời chung” vẫn lì lợm nằm ở số 23. Vậy là mình lại xách cặp đi thi với mong muốn superscore bằng cách nâng điểm khoa học và ngữ pháp. 

Nhưng lần này thì mình không thành công. Cứ như định mệnh trêu ngươi ấy, dù đã dồn hết sức vào làm bài và chỉ học mỗi hai phần đó thôi, điểm ngữ pháp mình giữ nguyên còn khoa học cũng chỉ nâng lên được… 25. Với điểm số đó, superscore mình sẽ đạt 30 – tương đương 1400 SAT – cũng đã cao hơn điểm SAT hiện tại của mình. Tuy nhiên, do ACT có chính sách trả phí riêng cho việc gửi điểm của từng đợt thi, mà muốn superscore thì phải gửi đến 3 đợt điểm, mình đã vì… tiếc tiền mà ngậm ngùi chọn SAT. Mình không khuyên các bạn làm theo mình đâu vì quyết định đó cũng xuất phát từ hoàn cảnh nữa: SAT mình thấp hơn không nhiều lắm và mình cố gắng tự lo vấn đề tài chính trong lúc nộp hồ sơ. Nếu điều kiện cho phép, mình nghĩ các bạn vẫn nên đầu tư cho các chi phí này, vì điểm số là một phần cực kì quan trọng trong quá trình tuyển sinh của các trường đại học đó. 

Chốt lại, mình cũng chẳng có lời khuyên nào để giúp các bạn đạt 1600 SAT hay 36 ACT trong một sớm một chiều cả (vì mình cũng có đạt được đâu). Thay vào đó, mình hy vọng chia sẻ của bản thân có thể giúp các bạn hiểu rõ tầm quan trọng của nỗ lực chăm chỉ và yếu tố may mắn trong phòng thi, từ đó cố gắng hết sức mình nhưng không quá áp lực hay hụt hẫng khi kết quả không như ý. Chúc các bạn luôn vững vàng trên con đường của mình!

Nhóm tác giả: Cựu học sinh VELA khóa 2017 và 2018 

Dự án sách "Chinh Phục Đường Bay"

- Dự Án sách Chinh Phục Đường Bay gồm 13 bạn đã vượt qua mùa apply đại học Mỹ và đã / chuẩn bị nhập học tại 12 trường đại học khác nhau. Đều là cựu học sinh của trung tâm VELA.

- Quyển sách này ra đời với mục tiêu: phổ biến thông tin nhằm giúp tất cả mọi người được tiếp cận cơ hội du học với chi phí thấp nhất cùng hiệu quả cao nhất. Bài gốc: - Sách "Chinh Phục Đường Bay" - Phần 1 - Khởi Động - Chương 4 - ACT, SAT Hay Thi Cả 2?

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

256 lượt xem