Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[DU HỌC] Có Nên Chờ 1 Năm (Gap Year) Hay Không?

“Đi trải nghiệm giúp con người trở nên khiêm tốn, bạn sẽ thấy nơi bạn ở thật nhỏ bé trên thế giới này.” 

- Gustave Flaubert -

 

- Mình nghe nói về việc nghỉ một năm (gap year), mà gap year là gì thế? 

Thế này nhé, thường thì các bạn lớp 12 sẽ nộp hồ sơ vào tháng 10 của học kì 1 lớp 12 để sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ bắt đầu đại học. Tuy nhiên, một số bạn khác do chưa chuẩn bị kịp các kỳ thi chuẩn hóa hoặc vì lý do gì đó sẽ dời đợt nộp hồ sơ lại đến năm sau. Tức là nếu bạn tốt nghiệp tháng 5 năm 2018 thì phải đến tháng 9 năm 2019 bạn mới đi học, hơn 1 năm trời và do đó được gọi là gap year. Thậm chí có nhiều bạn có tới 2 năm gap year thay vì 1 năm. 

Mình nghe nói việc nghỉ một năm sẽ giúp tăng khả năng vào những trường tốt. Thậm chí các trường đại học còn mong muốn học sinh có 1 năm gap year? 

Đúng rồi, thường các học sinh sẽ tận dụng thời gian 1 năm gap year để đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, đi làm việc toàn thời gian để định hướng công việc, đi du lịch để khám phá bản thân, hoặc trải nghiệm nhiều thứ khác nhau để tìm đam mê. Nói chung chính vì như thế mà các học sinh có thời gian nghỉ trong hồ sơ thường được xem là trưởng thành và chín chắn hơn trong suy nghĩ và hành động. Điều này cũng đúng cho các bạn ở Việt Nam, nếu bạn gap year thì sẽ có thêm thời gian học IELTS, ACT / SAT, đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, và xác định được rõ hơn mình muốn làm gì trong tương lai. Tuy vậy, có vài vấn đề mà việc thực hiện gap year gặp nhiều khó khăn ở Việt Nam. 

Đầu tiên là với những bạn nam. Vì đất nước chúng ta yêu cầu nghĩa vụ quân sự 2 năm, thành ra một bạn nam phải ít nhất đậu đại học, đăng ký học đại học trong năm gap year thì mới có thể được miễn nghĩa vụ năm đó. Nếu thi rớt thì bạn sẽ phải đi nghĩa vụ và không thể hoàn thành hồ sơ. 


Ngoài ra, nếu bạn nghỉ một năm thì áp lực của bạn còn lớn hơn nhiều so với các em lớp 11 lên 12. Lý do vì bạn không chỉ phải thi học kỳ 2 năm lớp 12 mà còn phải ôn thi tốt nghiệp để xét điểm đại học. Bạn sẽ phải vừa ôn thi, vừa làm bài luận, thi các kỳ thi chuẩn hóa, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vì khi tháng 6 bạn thi tốt nghiệp xong thì tháng 10 bạn cũng đã phải hoàn tất hồ sơ luôn rồi. Vì thế nói là nghỉ 1 năm nhưng thời gian của bạn thực sự không nhiều. Đương nhiên nếu bạn đã có giải quốc gia, được tuyển thẳng đại học thì đó lại là một câu chuyện khác.  

Hơn thế nữa, điểm trung bình ACT / SAT của các em năm sau thường cao hơn các anh chị năm trước, thậm chí các hoạt động ngoại khóa còn ấn tượng hơn. Ngoài ra điều kiện hỗ trợ tài chính của các trường cũng sẽ thay đổi hàng năm. 

Vì thế, nếu bạn quyết định nghỉ một năm thì bạn cần xác định là mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn. 

Cuối cùng, khi hoàn tất hồ sơ vào tháng 10 rồi thì bạn vẫn phải lên kế hoạch cụ thể cho hoạt động trong năm nghỉ đó để bổ sung hồ sơ cho các trường. Thông thường các trường sẽ hỏi bạn qua bài luận hoặc phỏng vấn về việc bạn đang và sẽ làm trong năm để đánh giá cả một năm nghỉ đó. 

Ôi sao phức tạp thế? 

Đấy, thành ra đơn giản là nếu bạn đi được thì cứ đi đi, đừng suy nghĩ lăn tăn gì cả. Cứ nộp hồ sơ đầu lớp 12, chỉ khi nào kết quả không như mình mong muốn thì lúc đó hãy suy nghĩ tới việc nghỉ 1 năm nhé. 

- Hiểu rồi, thôi, quay lại việc chuẩn bị hồ sơ đi, mình cần phải bắt đầu từ đâu? 

Đầu tiên là bạn phải chọn 20 trường. 


PHẦN CHIA SẺ ]

Nhữ Hoàng Khánh Huy – Drexel University khóa 2021 

Mình nhập học tại Drexel University khi đã 21 tuổi - nếu so sánh với các bạn từ Việt Nam khác là trễ đến 3 năm. Tuy nhiên, nếu các bạn hỏi mình có nên dành 1 năm gap year không thì trừ khi hoàn cảnh hoặc khả năng bắt buộc, lời khuyên của mình là không nên. 

Hồi cấp 3 khi học chuyên toán ở một trường chuyên của tỉnh, khái niệm du học đối với mình mơ hồ và mông lung lắm: không có người hướng dẫn, không có ai chỉ đường, cũng chẳng thấy ai trong số bạn bè xung quanh được học bổng du học cả. Hơn nữa gia đình mình cũng không định hướng cho con đi du học, đúng hơn là không đủ khả năng và hiểu biết về du học. Ba mẹ mình chỉ nghĩ “nhất y, nhì dược, tạm được công an” đại loại thế thôi, nên luôn muốn mình phải đậu đại học và đi những con đường đó. Quan trọng hơn cả là mình thích toán lý hóa và chưa nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ nên tệ tiếng Anh vô cùng. Hồi đấy đến tiếng Anh cơ bản mình còn học không xong, phải đi xin làm bài kiểm tra thêm để đủ điểm học sinh giỏi, mất mặt lắm. Vậy nên trong mắt mình lúc ấy, đi du học là điều không thể. 

Mãi đến đầu năm 2 đại học, khoảng giữa tháng 10 năm 2016, tình cờ mình có cơ hội nói chuyện lần đầu tiên với Thầy. Lúc đó ngoài bằng IELTS ra mình chẳng còn gì khác: SAT không, bài luận cũng không, thư giới thiệu cũng không. Trong khoảng thời gian 2 tháng tiếp theo mình học và làm việc tới 14, 15 tiếng 1 ngày vì phải cân bằng cả việc học ở trường đại học, việc học SAT, ACT, cả chuẩn bị hồ sơ và còn việc làm thêm nữa. Với mình, để có thể nộp kịp Regular Decision vào cuối tháng 1 năm sau đó đã là tốt lắm rồi. Vậy mới nói, trừ khi hoàn cảnh bắt buộc, gap year là điều không nên. 

Một số bạn cho rằng khi dành một năm gap year sẽ biết rõ được bản thân mình muốn học ngành gì và làm gì hơn. Điều này không sai, nhưng các bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu nó khi đã nhập học. Theo hệ thống giáo dục Mỹ, năm nhất các bạn đều sẽ học những môn General Education (Đại cương) và được tự do chuyển qua lại giữa các ngành. Mình biết một bạn người Hàn Quốc chuyển từ kiến trúc sang kế toán năm vừa rồi, và thực sự có rất nhiều người tìm ra sở thích của bản thân sau năm 1 như vậy. Còn nữa, đừng nghĩ rằng khi gap year là sẽ có nhiều thời gian. Các bạn còn phải thi đại học nữa, mà thi đại học thì mệt vô cùng - mình thi 2 lần rồi mình biết rất rõ.  

Ngoài ra, chính sách các trường mỗi năm mỗi khác - năm nay họ cho học bổng cao nhưng chưa chắc năm sau vẫn sẽ như vậy. Ví dụ như trước năm mình nộp, Temple cho rất nhiều học bổng nhưng lại cắt đi rất nhiều ở năm sau đó. Ngoài ra khi nộp hồ sơ và có kết quả sớm, nếu tốt thì các bạn không cần lo lắng về áp lực thi đại học nữa, chỉ cần thi tốt nghiệp là được rồi. (Mà làm gì có ai lại rớt được tốt nghiệp đâu!) Còn nếu kết quả không tốt, khi ấy bạn nghĩ tới chuyện gap year cũng chưa muộn. 

Tất nhiên, nhập học chậm hơn vài năm so với học sinh cùng khóa mang lại cho mình nhiều kinh nghiệm sống và tương tác với xã hội hơn, suy nghĩ ở tuổi 21 cũng chín chắn và trưởng thành hơn nữa. Mình biết rõ con đường mình đi, đích mình muốn đến là gì. Nhưng nếu được quay lại, mình sẽ cố gắng định hướng từ năm lớp 10 để chuẩn bị và nộp hồ sơ năm 12, đơn giản vì như thế chắn chắn sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Khi vào học đúng tuổi, bạn sẽ có ít áp lực hơn, sẽ có nhiều cơ hội kết bạn và có được tâm lý tích cực tham gia các hoạt động ở trường. 

Trong quá trình đó, từ từ rồi bạn sẽ tích lũy được kinh nghiệm sống cho bản thân, thay vì phải vội vàng mong tốt nghiệp như mình vì đã lớn. 

Chúc các bạn tìm được con đường đúng đắn nhất cho bản thân mình! 



Trương Tấn Sang – DePauw University khóa 2021 

ĐƯỢC GÌ SAU NĂM GAP YEAR? 

Tháng 12… 

Điểm SAT của mình năm nay thấp quá. Mình không cạnh tranh nổi với các bạn vào các trường đứng đầu. Quá nhiều bài tập trong lớp, mình không có thời gian ôn thi lại SAT. Làm sao để giữ được GPA mà vẫn có SAT cao đây? Mình còn chưa kịp thi SAT 2 nữa! Thời gian còn lại quá ít, làm thế nào mình có thể có một bài luận hoàn hảo với vài lá thư giới thiệu tuyệt vời? Ôi, mình cũng chưa có hoạt động ngoại khóa gì nổi trội cả. Làm thế nào đây?  

Hay là…  

Hay là mình nghỉ (gap year) một năm để dành thời gian ôn thi SAT, làm hoạt động ngoại khóa, và chăm chút cho bộ hồ sơ của mình? Bây giờ có lẽ mình nên tập trung vào bài vở trong lớp và tham gia một số hoạt động ngoại khóa rồi sau đó học SAT trong năm gap year. Mình có cả một năm cơ mà, mọi chuyện sẽ ổn thôi. 

Mình quyết định sẽ nghỉ một năm.  

Tháng 1 trôi qua. May quá mình đã tập trung thi học kì tốt. Mình nghĩ GPA 9.1 thì kiểu gì chả tốt hơn 8.8? Thi xong nghỉ Tết. Tranh thủ học SAT. Hết tháng 2. 

Tháng 3 tới với trận mưa kiểm tra 1 tiết. Thôi rồi tập trung học để còn giữ GPA chứ. Tháng 4… Lại là thi học kì. Thi xong hết tháng.  

Chưa kịp thở thì nhận ra còn 20 ngày nữa là thi SAT. Ôn thi túi bụi. Ngày thi tới. Đi thi và làm bài cũng “tàm tạm”. Điểm ra. 14xx. Tăng thêm mấy chục điểm. Không hài lòng lắm. Mình muốn 1560 cơ!  

Lại chưa kịp thở thì nhận ra kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông tới. Cả một đống thứ phải học. Tuy sợ “ra đảo” vì rớt tốt nghiệp, mình vẫn tranh thủ làm nghiên cứu với một giáo sư trong trường đại học Khoa học tự nhiên vì… mình thích thì mình làm thôi.  

Ôn thi tốt nghiệp nhưng vẫn tranh thủ viết luận. Thi tốt nghiệp xong. May quá không rớt. Cảm ơn trời đất. 

Viết luận rồi mới thấy cuộc đời mình không thú vị lắm. Mọi chuyện cứ nhàn nhạt thế nào đó chứ không có hồi hộp như phim Mỹ hay đau khổ như phim Hàn. Vặn vẹo mãi ra được cái ý tưởng cũng được được. Sửa đi sửa lại. Cũng không hay lắm. Đổi ý tưởng. Viết mỗi bài là mất cả tuần chứ không ý vì sửa tới sửa lui mà. Cuối cùng cũng ra được cái bài “được được.” Viết bài luận xong rồi mình xin thư giới thiệu mà có thầy cô nào chịu viết đâu. Mất thêm cả 2 tuần chuẩn bị 3 lá thư giới thiệu. Ôi còn resume, Common App nữa chứ. Mình quyết định thi lại SAT lần nữa tháng 10. Cuối cùng vẫn 14xx. Thôi cố lắm rồi mình quyết định dùng điểm này nộp luôn. 

Các em lớp 12 năm nay giỏi quá. Điểm cao hơn trung bình năm ngoái nhiều. Còn quá trời hoạt động ngoại khóa nữa. Mình nghỉ một năm nhưng mà hồ sơ cũng không khác gì các em ấy cả. Mặc dù hồ sơ của mình năm nay tốt hơn của mình năm ngoái, nhưng mặt bằng chung là học sinh năm nay cũng giỏi hơn. 

Thành ra tự nhiên mình nghĩ cả một năm gap year cũng không làm mình cạnh tranh hơn bao nhiêu! Nộp hồ sơ, hồi hộp chờ đợi, và rồi cuối cùng mình cũng được nhận. Trường cũng được được. 

Một năm trôi qua, mình có khá lên nhiều, nhưng cả thế giới cũng thế. Một năm trôi qua, mọi thứ vẫn “tàm tạm” được. 



Nguyễn Ngọc Quỳnh – Earlham College khóa 2021 

Do không có điều kiện tiếp cận với các điều kiện đi du học nên mình nghỉ tới tận 3 năm. Mình đi học đại học ở Việt Nam 2 năm và sau đó nghỉ 1 năm để làm hồ sơ đi du học. Mặc dù sau khi nhìn lại những trải nghiệm trong ba năm và sự trưởng thành của con người hiện tại của mình, mình vẫn cảm thấy ba năm gap year này rất xứng đáng và có ý nghĩa, nhưng mình không nghĩ là các bạn nên gap year tới tận ba năm như mình đâu. 

Trong 2 năm học đại học ở Việt Nam, mình đã đi làm thêm ở một số nơi, thử nhiều vị trí công việc, nhờ những trải nghiệm đó mình định hướng rõ ràng hơn về bản thân: mình muốn học ngành gì, mình muốn tìm hiểu về điều gì và mình muốn làm gì. Đồng thời, khi hiểu rõ đam mê của mình, việc lựa chọn lớp học cũng dễ dàng hơn và mình cũng cảm thấy thích học hơn rất nhiều, vì đơn giản là mình đang tìm tòi về những thứ giúp cho đam mê của mình rõ ràng và vững chắc hơn. Tuy nhiên, việc tìm tòi và khám phá bản thân đối với mình không phải cứ gap year thì mới có. Theo mình, nếu ngay từ đầu mình luôn thử thách và chiêm nghiệm bản thân qua các trải nghiệm, tự đặt câu hỏi cho bản thân tại sao mình cảm thấy thích những việc mình đang làm, tại sao mình không thích việc đó, hành động đó, thái độ đó, thì dần dần mình vẫn có thể có những nhận định rõ ràng hơn về bản thân. Đối với cá nhân mình, nếu không có 3 năm gap year, mình không chắc mình sẽ trân trọng trải nghiệm của mình tại thời điểm hiện tại nhiều đến thế. Cũng nhờ mình có nhiều trải nghiệm và chín chắn hơn, nên khi sang học cùng các bạn nhỏ tuổi mình cảm thấy tự tin khi chia sẻ những quan điểm cá nhân, đóng góp trong lớp học cũng như khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. 

Cũng nhờ 3 năm gap year này, mình cảm nhận được tư duy của mình đủ trưởng thành để trở nên khách quan hơn, giống như mọi người hay nói “hòa nhập nhưng không hòa tan,” để khi trở về mình biết quý trọng mảnh đất đang phát triển này. Mình có nghe nhiều chia sẻ từ vài bạn du học sinh khi trở về cảm thấy không hài lòng vì Việt Nam không được như “bên kia" - một suy nghĩ mình không thấy là sai nhưng cá nhân mình thì sẽ không lựa chọn. Trước khi trở về Việt Nam, mình cũng đã rất lo lắng rằng quá nhiều thứ quá khác biệt sẽ khiến mình khó chịu khi trở về, nhưng thực tế thì lại không như vậy. Về nhà, mình cảm thấy vô cùng an yên và quý trọng tất cả mọi thứ. Dù khi đi xe bus cũng có nhiều người không thật sự lịch sự, dù khi giao tiếp mọi người có nhiều định kiến và tiêu chuẩn sống hơn, dù cả khi ăn uống mình thường bị... tiêu chảy hơn nữa, nhưng với mình thì nơi chôn nhau cắt rốn này vẫn rất quen thuộc và vì vậy, thân thương. Những cảm xúc và suy nghĩ trên chính là lí do quan trọng nhất mình thấy biết ơn ba năm gap year đó, có lẽ vì mình vốn quan tâm rất nhiều đến con người và xã hội.  

Chung quy lại, mình cảm thấy việc gap year hay không gap year đều ổn cả. Chính sách của các trường thay đổi là một điều khó lường, có thể năm nay cho nhiều năm sau cho ít, có thể năm nay cho ít năm sau cho nhiều, nên mình nghĩ đây là một thứ không nằm trong kiểm soát của mình. Tuy nhiên một điều chắc chắn là càng ngày cơ hội lấy học bổng cao chắc chắn sẽ càng khó hơn. Cá nhân mình vẫn ủng hộ cố gắng hết sức để đi càng sớm càng tốt, nhưng nếu cảm thấy chưa thật sự hài lòng với kết quả hoặc một số điều kiện chưa cho phép, thì gap year cũng là lựa chọn hoàn toàn ổn. Mình nghĩ mọi thứ đều xứng đáng và góp phần quý giá vào việc xây dựng lên con người trong tương lai của bạn.  

Chúc các bạn chọn được con đường phù hợp nhất!  

* Câu nói tâm đắc của mình: 
 “You can't connect the dots looking forward; you can only connect them looking backward. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future. You have to trust in something - your gut, destiny, life, karma, whatever. This approach has never let me down, and it has made all the difference in my life.” - Steve Jobs 

Nhóm tác giả: Cựu học sinh VELA khóa 2017 và 2018

Dự án sách "Chinh Phục Đường Bay"

- Dự Án sách Chinh Phục Đường Bay gồm 13 bạn đã vượt qua mùa apply đại học Mỹ và đã / chuẩn bị nhập học tại 12 trường đại học khác nhau. Đều là cựu học sinh của trung tâm VELA.

- Quyển sách này ra đời với mục tiêu: phổ biến thông tin nhằm giúp tất cả mọi người được tiếp cận cơ hội du học với chi phí thấp nhất cùng hiệu quả cao nhất. Bài gốc: - Sách "Chinh Phục Đường Bay" - Phần 2 - Tăng Tốc - Chương 9 - Có Nên Chờ 1 Năm (Gap Year) Hay Không?


Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,385 lượt xem