Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[DU HỌC] IELTS Hay TOEFL

“Mỗi sự lựa chọn là tấm ghép hình nhỏ, chúng sẽ ghép nên bức tranh định mệnh cuộc đời bạn.” 

Edwin Markham -

 

So sánh thông tin giữa IELTS và TOEFL. 

IELTS 

• Đơn vị tổ chức: British Council / IDP 
• Điểm tối đa: 9.0 
• Điểm tối thiểu trường yêu cầu: 7.0 
• Cách thức thi: Trên giấy 
• Đăng ký thi: Tại trung tâm hoặc trên trang web British Council / IDP 
• Những nước sử dụng: Anh, Úc, châu Âu, Singapore, Mỹ, Canada 
• Tiền đăng ký thi: 4,750,000 VND 
• Tiền gửi bảng điểm gốc cho đại học:  
o IDP: Miễn phí cho những trường có kết nối với IDP. 
o British Council: 100,000 VND / trường cho những trường có kết nối. 
• Đợt thi: Hàng tuần 

TOEFL 

• Đơn vị tổ chức: ETS 
• Điểm tối đa: 120 
• Điểm tối thiểu trường yêu cầu: 90 (phần lớn các trường đứng đầu đều yêu cầu 100) 
• Cách thức thi: Trên máy tính 
• Đăng ký thi: Trên trang web của ETS 
• Những nước sử dụng: Mỹ, Canada 
• Tiền đăng ký thi: 200 USD (~4,600,000 VND với tỷ giá 23,000 VND = 1 USD) 
• Tiền gửi bảng điểm gốc cho đại học: 19 USD / trường (~430,000 VND với tỷ giá 23,000 VND = 1 USD) 
• Đợt thi: Hàng tuần 

(Nguồn: Trang web của British Council và TOEFL) 

Mình chỉ thích thi cái nào dễ hơn thôi, IELTS hay TOEFL đây? 

Tùy vào “gu” riêng của bạn nữa, tuy nhiên đa phần học sinh Việt Nam cảm thấy IELTS dễ lấy điểm cao hơn đấy. Có lẽ bởi vì IELTS được thi trên giấy, nhất là phần nói thì được nói chuyện với người thật thay vì thu âm vào máy như TOEFL. 

Nhưng phí thi TOEFL có vẻ hợp túi tiền hơn nhỉ? 

Mặc dù tiền đăng ký thi của IELTS đắt hơn nhưng khi bạn gửi điểm trực tiếp cho các trường đại học, bạn sẽ tốn ít tiền hơn. Ví dụ nhé, nếu bạn nộp 20 trường thì với IELTS bạn chỉ mất 2,000,000 VND, còn với TOEFL bạn sẽ mất tới 380 USD tức là gần 8,000,000 VND lận. 

Đắt thế cơ à, nhưng mà mình nghe nhiều người nói các trường ở Mỹ chỉ nhận TOEFL thôi? 

À, đó là chuyện của “ngày xửa ngày xưa” rồi, bây giờ tới 95% các trường đại học ở Mỹ nhận cả IELTS và TOEFL. Đương nhiên vẫn có 1 vài trường hợp ngoại lệ ví dụ như Soka University of America chỉ nhận TOEFL mà không chấp nhận IELTS chẳng hạn. Tuy nhiên bạn cứ yên tâm, với những trường mà trên trang web chỉ đề cập tới TOEFL, bạn hoàn toàn có thể gửi email thương thảo với trường để nhận điểm IELTS. 


Ừ ừ, thế mình cần phải học IELTS trong thời gian bao lâu? 

Với IELTS thì bạn chỉ nên tập trung ôn trong vòng 6 tháng để đi thi lấy 7.0 thôi. 

6 tháng thôi à? Liệu có ngắn quá không? Mà tại sao lại chỉ có 6 tháng thế? 

Là vì chúng ta cần dành hơn 1 năm để ôn ACT và SAT nên IELTS chỉ có 6 tháng thôi. Đương nhiên để lấy 7.0 trong thời gian ngắn như vậy, chúng ta phải “chơi chiêu” cho kỳ thi này. 

Chơi chiêu? 

Đúng rồi, IELTS gồm có 4 phần: nghe, nói, đọc và viết. Mỗi phần tính trên thang điểm 9.0, sau đó cộng điểm 4 phần rồi chia trung bình sẽ ra điểm IELTS. Bạn có thể tập trung cả 4 phần để lấy 7.0 từng phần, nhưng như thế sẽ tốn rất nhiều thời gian. Có một cách đơn giản hơn mà vẫn giúp bạn đạt được mục tiêu: 

● Bước 1: Chỉ tập trung làm phần nghe (Listening) và phần đọc (Reading) để lấy điểm càng cao càng tốt. Do hiện có rất nhiều tài liệu IELTS miễn phí trên mạng, bạn có thể tải về tự làm rồi tự sửa. Đối với phần nghe thì bạn nghe càng nhiều thì sẽ càng quen vì dạng câu hỏi của IELTS không thay đổi. Với phần đọc, cách tốt nhất để đạt điểm cao chính là giải nhiều đề nhằm làm quen với dạng câu hỏi cũng như các từ vựng học thuật. Mục tiêu của bạn là phải lấy điểm 2 phần này mỗi phần từ 7.5 tới 8.0 hoặc cao hơn.

● Bước 2: Với phần viết (Writing), IELTS có 2 bài: 1 bài ngắn phân tích thông tin (20 phút) và 1 bài dài đưa ý kiến (40 phút). Bạn lên mạng tải các bài viết mẫu cho bài ngắn và bài dài rồi sau đó viết tương tự. Bạn chỉ cần chú ý không sai ngữ pháp cơ bản (sai thì, sai chính tả, chia động từ số nhiều số ít) thì bảo đảm ít nhất bạn cũng phải đạt 6.0 tới 6.5 phần viết rồi. Với phần mềm Word và những phần mềm kiểm tra ngữ pháp khác trên mạng, bạn cứ đánh máy rồi chép bài viết của mình lên những trang web đó là có thể kiểm tra ngay lỗi sai, đơn giản lắm! Bạn dành thời gian cho phần viết ít hơn phần nghe và đọc nhé.

● Bước 3: Với phần nói (Speaking), đây là phần bạn khó tự ôn luyện nhất nên cũng là phần bạn không cần quá tập trung. Đương nhiên để chuẩn bị, bạn có thể tham khảo các chủ đề nói trong các đợt thi IELTS trước đây để chuẩn bị trước. Khi vào phòng thi, bạn “câu giờ chém gió” khoảng 15 phút dựa trên những thông tin chuẩn bị sẵn là được rồi. Đương nhiên vì không dành nhiều thời gian nên điểm của bạn có thể chỉ từ 5.5 – 6.0 đến mà thôi.

● Bước 4: … từ từ, hình như không có bước bốn.

Tóm lại, nếu điểm nghe và đọc của bạn là 7.5 và 8.0, điểm viết là 6.5, còn điểm nói là 6.0 thì điểm trung bình của bạn vẫn là 7.0 rồi, hoàn toàn đủ để nộp hồ sơ. Cứ nhớ là càng làm nhiều đề thì càng dễ lấy điểm cao. Mục tiêu của bạn nên làm từ 30 tới 40 đề thật (phần nghe và đọc) trước khi đi thi nhé. 

À, bây giờ thì mình đã hiểu lấy IELTS điểm cao như thế nào. Thế sau 6 tháng học xong thì mình thi lúc nào? 

Tốt nhất là sau khi ôn xong bạn nên thi ngay cho “nóng sốt.” Nếu bạn bắt đầu từ tháng 7 thì bạn có thể đi thi vào trước tết năm sau, tức là tầm cuối tháng 1 - đầu tháng 2 khi bạn vừa bắt đầu học kỳ 2 của lớp 10. 

Mình hiểu rồi, nhưng nếu như mình thấy TOEFL dễ hơn thì sao, mình cần phải chuẩn bị gì? 

… 

Thôi mình hiểu rồi, IELTS vẫn rẻ hơn chứ gì! 

Chính xác, đừng tốn nhiều tiền quá cho cho IELTS hay TOEFL mà hãy dùng tiền đó để đầu tư thi nhiều lần cho ACT và SAT nhé. Ngoài ra còn 1 lợi ích nữa của việc thi IELTS: vì British Council và IDP đều có văn phòng ở Việt Nam nên nếu bạn cần bảng điểm gốc hoặc công chứng bản gốc để miễn thi tốt nghiệp cấp 3 môn tiếng Anh thì bạn có thể dễ dàng làm điều đó. Với TOEFL, bạn sẽ phải yêu cầu gửi điểm TOEFL từ Mỹ về Việt Nam. Bạn có thể phải chờ tới 3, 4 tuần mới nhận được. 

Nhưng thôi, nếu bạn đã lỡ ôn thi TOEFL rồi thì có thể áp dụng những mẹo sau để lấy TOEFL tối thiểu 90 tới 100 nhé: 

● Bước 1: Phần đọc (Reading) và phần nghe (Listening) của TOEFL là dễ lấy điểm nhất. Bạn có thể dễ dàng đạt từ 23 tới 25 điểm nếu bạn chăm chỉ luyện tập. Hiện tại trên mạng cũng có rất nhiều tài liệu và đề thi thử miễn phí giống hoàn toàn với định dạng khi bạn đi thi thật. Các câu trả lời của phần đọc chính là những ý trong bài đọc được viết lại theo một kiểu khác nhưng vẫn giữ lại nội dung (hay còn gọi là paraphrase). Về cả phần nghe lẫn phần đọc, các dạng câu hỏi sẽ không biến tấu nhiều nên các bạn chỉ cần chăm chỉ luyện đề là sẽ “dễ như ăn cháo.”

● Bước 2: Về phần viết (Writing), TOEFL cũng yêu cầu bạn trả lời 2 câu hỏi gồm 1 bài tích hợp (20 phút) và 1 bài độc lập (30 phút). Đối với bài viết tích hợp, bạn có thể học thuộc các cụm từ nối thông dụng hoặc viết sẵn cho mình một dàn ý chung, sau đó thêm vào các ý trả lời câu hỏi khi thi vì phần này chủ yếu là kiểm tra kĩ năng đọc, nghe và trình bày lại ý tưởng thông qua kĩ năng viết. Với bài viết độc lập, bạn có thể làm tương tự với bài tích hợp nhưng lưu ý phần này sẽ thiên về kĩ năng trình bày ý tưởng. Bạn cũng chỉ cần chú ý không sai ngữ pháp cơ bản thì bảo đảm ít nhất cũng đạt 20 điểm phần viết rồi. Các phần mềm sửa lỗi sai, trang web kiểm tra ngữ pháp cũng rất hữu ích khi ôn thi đấy. 

● Bước 3: Với phần nói (Speaking), đây là phần bạn khó tự ôn luyện nhất nên cũng là phần bạn không cần quá tập trung. Để chuẩn bị, cách nhanh và hiệu quả nhất là hãy luyện tập và ghi nhớ các mẫu câu trả lời (templates) bạn tự soạn cho riêng mình dựa trên các tài liệu tham khảo trên mạng. 6 dạng câu hỏi của TOEFL không thay đổi, đặc biệt là 2 câu đầu bạn có thể tham khảo các chủ đề nói của TOEFL cũ, tự viết ra các trả lời và học thuộc lòng các ví dụ/câu mẫu.

● Bước

Không có bước 4 chứ gì, không cần nói, biết rồi. 

Ha ha, sao lại thông minh đột xuất vậy. 

Bớt giỡn, thế sau IELTS hoặc TOEFL thì mình cần chú ý gì nữa? 

Thì tới ACT và SAT thôi. 



[ PHẦN CHIA SẺ ]

Lê Quang Tường Thụy – University of Toronto khóa 2022 

Với bản thân mình thì sau hai lần thi TOEFL, ấn tượng lớn nhất của mình vẫn nằm trọn trong phần Nói (Speaking) với câu hỏi số 1 và số 6. Câu hỏi số 1 được đánh giá là khá dễ khi mình có thể thoải mái nói về một chủ đề mà câu hỏi đưa ra, nhưng vì mình thường nói lan man nên rất dễ nhận điểm thấp. Để ôn tập cho câu hỏi đầu tiên, mình đã tập nói trong 45 giây về bất cứ chủ đề gì mình nghĩ tới: nước mình muốn đi du lịch, đội bóng mà mình thích,... Sau thời gian làm quen, mình nhận ra chỉ nên triển khai khoảng 2 luận điểm vì với 45 giây, mình không đủ thời gian để nói nhiều hơn. Đối với câu hỏi số 6 khi phải tóm tắt lại một bài đọc dài vừa nghe, mình tập ghi chú lại và chắt lọc những thông tin quan trọng. Sau khi chỉ được 20 điểm phần Nói sau đợt thi đầu tiên, mình đã rút kinh nghiệm là dù gặp bất kì trường hợp nào không hiểu nội dung câu hỏi, mình cũng phải giữ bình tĩnh, thoải mái và nói theo sườn ý đã chuẩn bị. Với bài học xương máu đó, ở lần thi thứ 2 mình đã đạt 23 điểm. 

Ở ba phần còn lại (Nghe - Listening, Đọc – Reading và Viết - Writing), tuy không gian nan bằng nhưng mình cũng kịp trải nghiệm nhiều bài học không quên nổi.  

Mắc kẹt trong 2 bài nghe về điêu khắc nghệ thuật và cây ăn thịt, mình “hưởng trọn" một con 24 trong phần Nghe ở đợt thi đầu tiên. Đến đợt thi thứ hai, vững vàng về kĩ năng thì mình lại gặp một tình huống trên trời rơi xuống: phải thi nghe trong lúc người bên cạnh thi nói, và vì nói với máy nên bạn í nói to đến mức làm mình xao nhãng hẳn một phần nghe. May mắn thay, nhờ đã ôn luyện khá siêng năng mà đợt thi này mình cũng đạt 28, đủ để không cần “chinh chiến" thêm lần thứ 3 nữa. 

Với phần Viết, mình nhận ra rằng ngay cả khi bản thân tự tin là đã làm rất tốt, kết quả vẫn có thể… cay đắng như thường (như trong trường hợp của mình là 22). Sau khi có điểm, mình ngồi suy nghĩ lại và nhận ra giọng văn của mình không phù hợp với kiểu viết của TOEFL. Bài viết TOEFL đơn giản hơn dàn ý nghị luận xã hội mà chúng ta được học ở trường rất nhiều, vì vậy nếu viết theo cấu trúc một bài nghị luận Việt Nam, mình sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như không gây được ấn tượng cho người chấm. Rút kinh nghiệm ở lần thi thứ hai, mình đã đọc bài làm mẫu, cố viết giống theo cấu trúc đó và nâng được 3 điểm dù chịu áp lực tâm lý khi máy hỏng ngay lúc tính giờ làm bài viết đầu tiên. Cảm giác lúc đó thật sự khủng hoảng lắm luôn, vì dù bị lỗi kĩ thuật mình vẫn không thể xin thêm giờ làm bài (bởi máy đã tính giờ tự động). Tuy nhiên, mình vẫn kịp dành ra 2-3 phút cuối giờ để kiểm tra lại bài để tránh những lỗi ngữ pháp ngớ ngẩn - một bước tối quan trọng để có một bài viết chỉn chu. 

Nói chung, việc mình chỉ đạt 94 trong đợt thi đầu tiên một phần là do sự chểnh mảng. Mình đã không thật sự lường trước được những khó khăn có thể xảy ra, nhất là ở 2 phần mình tự tin nhất - Nghe và Viết. Sau ngày nhận kết quả, mình làm rất nhiều đề trên phần mềm TPO, TOEFL ETS, và Longman, cũng như tìm đọc thêm lời khuyên làm bài trên mạng cho từng phần, đặc biệt là những phần mình điểm thấp để mong cải thiện. Cuối cùng, may mắn là mình cũng đạt 104 điểm.  

Thế nhưng nhận điểm rồi không có nghĩa là gian nan qua đi đâu. Khó khăn cuối cùng mình muốn nói tới chính là thao tác gửi điểm và nhận điểm để công chứng. Số tiền gửi điểm của TOEFL rất cao, vì thế với một đứa nộp hơn 20 trường bao gồm cả Mỹ và Canada như mình, chi phí là đắt đỏ vô cùng. Hơn thế, khi nộp điểm để miễn thi tốt nghiệp, mình mới phát hiện ra trường yêu cầu công chứng bản điểm gốc chứ không phải bản tải trên mạng thông thường. Vậy là mình đành đăng kí nhận điểm chuyển từ Mỹ về, nhưng chờ hơn 6 tuần vẫn... bặt vô âm tín nên đã trễ hạn nộp hồ sơ.  

Trải qua mọi thiệt thòi, nhưng dẫu có được chọn lại thì mình nghĩ vẫn sẽ thi TOEFL vì cảm thấy bài thi này phù hợp với bản thân hơn. Bất kể bạn lựa chọn cái nào, chúng đều có những lợi thế và bất lợi riêng, điều quan trọng nhất là chúng ta nỗ lực hết mình và không ngừng tin tưởng vào quyết định đó. Thân gửi những bạn đang chọn TOEFL: yên tâm đi, TOEFL không khiến bạn rớt đại học đâu!

Nhóm tác giả: Cựu học sinh VELA khóa 2017 và 2018 

Dự án sách "Chinh Phục Đường Bay"

- Dự Án sách Chinh Phục Đường Bay gồm 13 bạn đã vượt qua mùa apply đại học Mỹ và đã / chuẩn bị nhập học tại 12 trường đại học khác nhau. Đều là cựu học sinh của trung tâm VELA.

- Quyển sách này ra đời với mục tiêu: phổ biến thông tin nhằm giúp tất cả mọi người được tiếp cận cơ hội du học với chi phí thấp nhất cùng hiệu quả cao nhất. Bài gốc: - Sách "Chinh Phục Đường Bay" - Phần 1 - Khởi Động - Chương 3 - IELTS Hay TOEFL

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

285 lượt xem