Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Du lịch] Du lịch Nepal 2018

Thủ đô Kathmandu

Hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tribhuvan, điều đầu tiên mình cố gắng tìm kiếm là những dãy núi hùng vĩ trong truyền thuyết, nhưng khá là vô vọng không biết do hôm ấy thời tiết mây đen che kín cả, hay đơn giản chỉ là BỤI mù. Và khi đã ngồi trong taxi tiến vào trung tâm, mình không nghi ngờ gì hơn với báo cáo của WHO rằng Kathmandu thuộc top 5 trong những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Giao thông của Nepal cũng như Sài Gòn, phải nói là bát nháo hơn cả Sài Gòn, xe gắn máy chiếm phần lớn lưu lượng giao thông và chạy bất chấp (mũ bảo hiểm lúc có lúc không, chạy ngược chiều, lấn làn, tống 3-4, chạy trên lề…..).

Xe buýt cũng rất thông dụng với người dân vì giá cả rẻ nhưng do tình trạng giao thông ùn tắc triền miên nên có khi mơ mãi vẫn chưa đến được nơi cần đến. Và nói về độ nhồi nhét khách trên xe thì Sài Gòn còn phải gọi Kathmandu là ông tổ nghề.

Cũng vì tình trạng nhồi nhét, không chỉ xe buýt nội thành mà thậm chí ngoại thành từ thành phố này đi thành phố khác còn nhồi khủng khiếp hơn (gấp đôi số lượng cho phép) nên tỷ lệ tai nạn ở Nepal cũng khá cao. Bạn có thể check google và liên tục thấy những vụ tai nạn xe buýt thương tâm chết hàng chục người mỗi lần do rơi xuống vực, rơi xuống sông, đâm vào vách núi với đa phần nguyên nhân là Chở Quá Tải.

*** Bạn nào đến Nepal mà muốn đi Lumbini, Pokhara, Mustang mình thật sự recommend đi máy bay nếu có điều kiện. Vì mình ở lâu và muốn thử cho biết nên đi xe khách (xe khách du lịch chứ không phải xe buýt nhà nước nên không nhồi nhét), tuy nhiên, vẫn quá đuối vì đường xá rất xấu, under-construction gần như toàn bộ, xe rất sốc và kéo dài thời gian lên gấp 2-3 lần. Chỉ 150km thôi mà chạy hết 10 tiếng đóoo, kẹt ngay đèo 70′ không nhúc nhích luôn. Nên mình thấy phí thời gian và phí sức vào chuyện di chuyển như vậy cực kỳ không đáng tí nào nha, rất mệt và rất bực***

Ở Nepal không có taxi nhà nước, tadah ^^! Khoảng chục năm trước thì có nhưng về sau taxi tư nhân bùng nổ nên chiếm luôn thị trường. Đa số là người dân tự mua xe về chạy, gắn cái logo “taxi” trên nóc là xong, chạy được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu không phải chia hoa hồng cho ai cả. Điều duy nhất bạn cần làm là trả giá, trả giá và trả giá, các bác tài luôn luôn nói giá cao để chờ bạn trả xuống là vừa đủ (họ làm vậy với cả dân địa phương chứ không riêng gì khách du lịch), nhưng đừng ngại đừng sợ, cứ trả thoải mái vì người Nepal hiền lành dễ thương lắm, kiểu thuận mua vừa bán chứ không phải kiểu uống ly đậu nành giá 70k, khách chê mắc không trả rồi chủ chém chớt đâu.

Được một cái là biển báo cấm bóp còi khi không cần thiết khắp mọi nơi trong Nepal nên người dân cũng hạn chế phần nào, đa số xe tải có tiếng còi riêng nghe như giai điệu, thấy dễ chịu và vui tai chứ không bực mình tí nào luôn. Mình thấy ô nhiễm tiếng ồn cũng nguy hiểm không khác gì ô nhiễm không khí, hồi đó ở Sài Gòn mấy lần dừng đèn đỏ mà xe sau cứ bấm đinh tai nhức óc, để làm gì? Làm cái gì? Có được đi đâu mà bấm. Bấm vô tội vạ, bấm long trời lở đất, bấm như trễ 1s thì cuộc đời họ tan nát. Rồi nó làm mọi người mới sáng sớm đã bực mình, ảnh hưởng tới tinh thần, chất lượng công việc, dần dà ảnh hưởng luôn tới chuyện tăng lương tăng chức, đó, ai dám nói tiếng ồn là vô hại.

Ở Kathmandu còn hơn cả Sài Gòn về chuyện bản hiệu nữa, chồng chất lên nhau mà mất khá lâu mình mới dám chắc đó là khách sạn của mình mà bước vào.

Vài địa danh nổi bật ở thủ đô Kathmandu

1/ Đền Pashupatinath (UNESCO)

Là ngôi đền nổi tiếng nhất trong vùng mà bất cứ du khách nào khi đến Nepal cũng muốn cho vào bucket list, là nơi mà sự sống và cái chết chạm mặt, theo một nghĩa đen chính xác, nơi mà người chết được hoả thiêu và tro bụi được thả trôi vào dòng Bagmati vĩnh hằng. Vài tháng trước khi đến Nepal, đây là nơi mà mình muốn đặt chân đến nhất, mình đã google thông tin, hình ảnh, video, nhưng tất cả quá khác với một chiều hoàng hôn mình thực sự ngồi tại đó, tận mắt chứng kiến cảnh đó, nghe cái tiếng cháy tanh tách và ngửi cái mùi rất lạ đó. Mình trở người nhìn xung quanh, trừ những người dân địa phương đã quá quen thuộc với những hình ảnh này ra thì đa số du khách đều bất động, cảm giác như chưa bao giờ thấy cái chết lại gần như thế, nhưng rồi khoảnh khắc chứng kiến cái lễ nghi ấy, lại làm mình nhìn nhận về sự ra đi có phần nhẹ nhàng thanh thản hơn.

Theo như đúng tập tục, chỉ có người nam trong gia đình mới được giao nhiệm vụ châm lửa thiêu xác (họ phải cạo trọc trong vòng 13 ngày, có khẩu phần ăn riêng trong những ngày ấy và quấn vải trắng quanh người khi tiến hành thiêu xác). Trước tiên, người chết sẽ được đặt lên một tấm phảng nghiêng hướng xuống dòng sông Bagmati cho chân chạm nước, như một niềm tin rằng nước sông sẽ rửa sạch tội lỗi trước khi linh hồn họ về với các vị thần, không còn phiền não vương vấn trần gian. Những chiếc lá peepal tree (tiếng Việt không biết là lá gì nhỉ, mình google rồi mà không chắc) được đặt bên trong miệng người chết và lửa cũng sẽ được châm lên từ đó. Sau khoảng 4-5 tiếng thì người nhà sẽ hốt tro tàn và thả xuống dòng sông Bagmati. Dọc bờ sông hôm ấy là 5,6 lễ hoả táng được tiến hành cùng một lúc.

À nhắc đến Nepal cũng không thể quên nhắc đến đội ngủ hùng hậu của khỉ khắp các ngôi đền.

Wishing point: khấn vái đúng cách nha, bạn nhắm mắt lại, chắp tay và đi thẳng, nếu tay bạn đưa trúng vào lỗ thì ước nguyện thành sự thật nhé. Nhìn vậy chứ không khó tí nào luôn, mình làm 3 lần trật cả 3 nhe.

Bò có mọi loại đặc quyền ở đây nhé, có thể đi đứng nằm ngồi thoải mái giữa đường mà không ai dám đụng.

2/ Đền thiêng Swayambhunath/ đền Khỉ (UNESCO)

Ngôi đền linh thiêng bậc nhất nằm trên một ngọn đồi cao có thể thấy toàn cảnh thành phố, phải bước hết 365 bậc thang mới đến được đỉnh. Ở đây Khỉ nhiều vô kể và Khỉ là linh vật của ngôi đền, vì vậy hãy hết sức cẩn thận với bất cứ thứ gì bạn cầm trên tay, đặc biệt không cầm bịch ni lông nhé vì chỉ cần nhìn thấy bịch là Khỉ giựt bất chấp. Bốn mặt của ngọn tháp chính là bốn đôi mắt (Buddha eyes) với ý nghĩa luôn luôn dõi theo dù bất cứ nơi nào. Kiến trúc phần nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng, và rất nhiều các tín đồ Tây Tạng ở ngôi đền này, người Tây Tạng có một nét đẹp không lẫn vào đâu được.

Butter lamp: đèn dầu nè, được nấu đi nấu lại tái sử dụng.

Prayer wheels: mình phải dùng tay xoay theo hướng kim đồng hồ nhé.

Prayer flags: khắp mọi nơi trong đất nước này với năm màu xanh da trời, trắng, đỏ, xanh lá cây, vàng với chữ viết Tây Tạng bên trên.

3/ Boudhanath stupa (UNESCO)

Là một trong những ngôi đền Phật giáo quan trọng nhất nằm ngoài lãnh thổ Tây Tạng, khách hành hương đổ về mỗi ngày để thực hiện nghi lễ đi thiền hành vòng quanh di tích hình vòm này. Ngôi đền nằm ngay vị trí trung tâm của một quảng trường, xung quanh bao bọc bởi hàng chục shop bán đồ lưu niệm nhỏ to không thiếu thứ gì liên quan đến Nepal, Phật giáo hay Tây Tạng, trên những tầng cao hơn là các nhà hàng với view nhìn thẳng ra quảng trường đền, với tiếng gió phần phật của cờ bay, tiếng chim vỗ cánh và tiếng bước chân ta, đang thực gần tới điều linh thiêng.

4/ Patan Dubar Square: quần thể kiến trúc đỉnh cao của người Newar, với các công trình kiến trúc chạm khắc gỗ tinh xảo, tháp chuông lớn cùng với sân quảng trường được lát gạch đỏ đặc trưng.

Nhà Kumari, nơi ở của Kumari Devi hay còn gọi là Nữ thần Sống. Được lựa chọn khi còn là đứa trẻ, các Thánh nữ đồng trinh Kumari được tín đồ sùng đạo coi là hiện thân cho nữ thần Hindu. Các thánh nữ đồng trinh chỉ được phép rời khỏi nơi ở kín đáo của mình khi đến tuổi dậy thì.

Tuy nhiên, chắc không ai là không nhớ đến trận động đất lịch sử 2015 giết chết không biết bao nhiêu người và phá huỷ bao nhiêu đền miếu. Dư chấn vẫn còn mồn một như ngày hôm qua.

5/ Thamel

Giống như Bùi Viện ở Sài Gòn, con phố này nhộn nhịp về đêm với đủ các loại hình dịch vụ, mua sắm, ăn uống, bar pub.

Ảnh ban ngày:

Và ban đêm:

6/ Bhaktapur square (UNESCO)

National art museum, nơi trưng bày hình ảnh và tiểu sử của từng vị vua Nepal qua các thời kỳ. Đương nhiên, đã đứng lại rất lâu khi thấy hình hoàng tử Dipendra, với vụ ám sát hoàng gia đẫm máu năm 2001, mà sự thật chỉ có người dân đất nước này biết, trái ngược hoàn toàn với báo đài thông tin, hay chính là những dòng chữ vu khống được đặt ngay trong bảo tàng này.

Cũng giống như Durbar square, nơi đây tập trung nhiều đền thờ nhưng đã bị sập đổ bởi trận động đất 2015.

Làng gốm nổi tiếng với những sản phẩm handmade tinh tế.

Các món ăn truyền thống Nepal

1/ Momo: nhìn giống như dumpling vậy, có đủ loại nhân để lựa chọn như rau/ thịt gà/ thịt trâu/ phô mai/ thịt cừu.

2/ Bữa cơm phổ biến ở mỗi gia đình

Dal-Bhat-Takari-Achar (canh đậu lăng – cơm – rau cải- đồ chua)

3/ Lassi: giống như ya-ua vậy, rắc thêm nho khô, hạnh nhân lên trên.

4/ Kulfi (du nhập từ Ấn Độ): giống kem que 1000đ hồi nhỏ mình ăn.

5/ Laphin (Tibetan snack): ăn giống như mì quảng sợi vàng, nhân thịt, nước sốt rất cay.




[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả:  Nancy Nguyen

Những ngày 15 tuổi, nằm gác chân trên sân thượng mơ màng được thoát ra khỏi Việt Nam, bằng mọi cách, nhanh nhất có thể. 25 tuổi, cũng nằm gác chân trên sân thượng, khi đã "thoát" ra khỏi Việt Nam hơn 2 năm, làm được những điều mình muốn. Chỉ trái ngược một điều, khát khao được trở về, về với gia đình, với những điều bình dị nhất. Rốt cuộc, niềm vui chưa bao giờ phụ thuộc vào chuyện đi hay ở, thành tích hay tài sản, chưa bao giờ ...

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại  chuyennancyke.wordpress.com

Follow Facebook Authority- Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

419 lượt xem