Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[HƯỚNG NGHIỆP] Việc Mình Không Thích Có Nên Nghỉ

Hôm nay mình chia sẻ về một vài câu hỏi mình nhận được về vấn đề nghỉ việc.

1. Mình có nên nghỉ việc khi chưa có phương án thay thế?

Cá nhân mình sẽ khuyến khích là không nên. Khi nghỉ việc mà chưa có phương án thay thế, bản thân ta dễ bị xì trét bởi vấn đề tìm việc mới – mà xì trét quá thì dễ có những quyết định vội vàng – quyết định vội vàng thì dễ dẫn đến việc lại tiếp tục nhận làm những công việc mà bản thân không thích.

Tuy nhiên đôi khi có những công việc mà ta không thể chịu đựng nổi, không nghỉ không được. Vậy nếu bạn không thể không nghỉ được, hãy chuẩn bị cho bản thân ba điều dưới đây trước khi nghỉ.

Một là, tính toán xem một tháng hiện tại mình tiêu hết khoảng bao nhiêu tiền, mình có đủ tiền tiết kiệm để sống trong 6 tháng tới không?

Hai là, nghĩ về ‘ngày mình sẽ nghỉ’ trong đầu: Đấy là ngày bạn sẽ thông báo việc nghỉ tới sếp. (Nghĩ thôi, đừng nói vội, việc nghĩ về một ngày cố định sẽ giúp bạn đi làm những ngày còn lại ở công ty bớt chán hơn.)

Ba là, tiết kiệm ngay từ bây giờ đi. Khoản gì không cần thiết thì cắt giảm ngay. Đặt mục tiêu tiết kiệm đến con số nào đó đủ sống 6 tháng rồi nghỉ, tìm một công việc mới.

2. Mình có nên nghỉ để đi học cao hơn?

Một vài bạn có lý do nghỉ vì không thấy vui vẻ với công việc hiện tại – và cũng không biết nên làm công việc gì tiếp theo. Vậy nên lựa chọn học thêm văn bằng hai, cao học để ‘trốn’ là một lựa chọn mà rất nhiều bạn nghĩ tới. Vậy nếu bạn ở trong trường hợp này, hãy thử hỏi bản thân một câu mà mình thường rất hay dùng để hỏi khách hàng: “Nếu mình đang làm một công việc mình yêu thích, mình có sẵn sàng nghỉ để đi học không?”.

Nếu câu trả lời là không, bước tiếp theo mà bạn nên làm là tập trung tìm một vị trí công việc tốt hơn, xem công việc đó đòi kĩ năng và kinh nghiệm gì, rồi dành thời gian phát triển những kĩ năng và kinh nghiệm đó. Trong rất nhiều trường hợp, việc quay lại đi học thật ra chỉ là một cách trì hoãn đắt đỏ, thường dẫn đến việc bạn học thêm một bằng nữa chẳng liên quan – và cũng chẳng giúp ích được gì cho công việc.

Nói một cách khác, nếu bạn biết rõ chắc chắn mình muốn học cái gì, có kế hoạch cụ thể sau 2-3 năm học sẽ làm công việc gì, mức lương ra sao – thì hãy đi học. Nếu chỉ đi học vì chán ghét công việc hiện tại, hãy cân nhắc lại.

3. Mình có nên nghỉ việc để làm freelance?


Trước khi bạn quyết định nghỉ công việc 8 tiếng hiện tại để làm một freelancer, hãy tự hỏi bản thân mình: Bạn đang có bao nhiêu người trong mối quan hệ chuyên nghiệp của bản thân? Trong đó có bao nhiêu người có thể trở thành khách hàng của bạn? Bao nhiêu người sẵn sàng trả tiền để bạn làm việc cho họ? Bạn có thể kiếm được bao nhiêu tiền một tháng?

Nếu bạn tính toán một hồi mà thấy số tiền khả năng kiếm được freelance chưa đủ để trả cho các nhu cầu cơ bản như tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền xăng xe, tiền mua đồ dùng cá nhân hàng ngày – hãy xem xét lại. Có thể bạn nên bắt đầu làm thử freelance trước vào buổi tối hoặc cuối tuần, mở rộng danh sách khách hàng tiềm năng ra trước đã. Bản thân mình trải qua một thời gian làm freelancer nên mình hiểu rất rõ, khi còn áp lực phải trả tiền các hóa đơn, chất lượng công việc của ta sẽ bị giảm sút đi rất rất nhiều.

4. Mình có nên nghỉ việc để nhận một công việc lương thấp hơn nhưng trong lĩnh vực mình thích.

Hãy thành thật với bản thân mình trước đã: Ở thời điểm hiện tại, lương là quan trọng nhất với bạn hay là việc học kiến thức kĩ năng, hay là cái gì đó khác? Nếu phải nhận một công việc lương thấp hơn, bạn sẽ phải điều chỉnh lại cuộc sống cá nhân ít (ví dụ như thay vì ăn trưa ở ngoài thì tự nấu cơm) hay điều chỉnh nhiều (chuyển sau một nhà trọ khác nhỏ hơn)?

Tiếp theo, hãy nhìn vào việc phát triển ngắn hạn và dài hạn của công việc mới mà bạn đang có hứng thú. Lộ trình thăng tiến trong công việc đấy có rõ ràng không? Bạn có thấy rõ từng bước phát triển trong công việc đó không? Nếu có, còn chần chừ gì nữa. Tuy nhiên, nếu công việc cũ hiện tại lương 12 triệu mà công việc mới lương có 3 triệu thôi, có lẽ bạn nên cân nhắc thật kĩ.

5. Mình có nên nghỉ việc và đầu quân cho một start-up

Có nhiều bạn cứ nghĩ rằng start-up thì nhiều rủi ro, nhưng thật ra công việc nào cũng có rủi ro cả – chẳng có việc nào là đảm bảo ổn định 100% hết. Cá nhân mình nghĩ, nếu bạn đang ở trong trường hợp này, hãy dành thời gian tìm hiểu kĩ bằng cách nói chuyện với founder, CEO của công ty đó để hiểu hơn về độ quyết tâm, lộ trình dài hơi của công ty họ.

Các công ty start-up đồng nghĩa với việc công việc ta phải làm là nhiều hơn, nhưng con đường thăng tiến có thể ngắn và nhanh hơn. Điều đó đồng nghĩa là bạn có thể học các kĩ năng mới nhanh hơn, và được tin tưởng nhiều hơn so với công việc hiện tại. Ví dụ khi bạn mới vào là một thực tập sinh, 6 tháng sau có thể bạn đã là quản lý một bộ phận nào đó rồi.

Nếu bạn là mẫu người sẵn lòng bỏ ra thời gian cuối tuần, thời gian buổi tối để bù đắp làm thêm những công việc hỗ trợ cho công ty, là người sẵn sàng ưa thách thức, việc đầu quân cho một start-up cũng là một lựa chọn không tồi.

6. Mình có nên nghỉ việc và gap-year, đi du lịch khắp nơi?


Nếu bạn chưa có vướng bận gì, chưa có gia đình, người yêu, con cái, bố mẹ già cần chăm sóc – đây là thời điểm không thể tuyệt vời hơn để nghỉ việc để đi du lịch. Nếu bạn đã có một kế hoạch rõ ràng như gap trong bao lâu, 6 tháng hay 1 năm, có khoản tiền tiết kiệm vừa đủ, nắm rõ các quy trình về việc săn vé rẻ, thuê nhà rẻ và có kế hoạch rõ ràng khi gap-year về sẽ làm gì, nghỉ việc và đi du lịch thôi.

Để giúp cho việc quay lại làm việc sau khi nghỉ thuận tiện hơn, bạn cũng nên chuẩn bị một xíu. Ví dụ, trước khi nghỉ hãy cố gắng hoàn thành dự án, tìm người thay thế nếu cần để giúp cho công ty. Dù sao để tạo tiếng tốt sau này còn làm ăn nữa. Nếu bạn yêu thích công việc hiện tại và có mối quan hệ tốt với sếp, thử đề đạt với sếp về việc nghỉ ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng sau đó quay lại tiếp tục làm, liệu có cơ hội không?

Cuối cùng, nếu thời gian gap của bạn chuẩn bị kết thúc, bạn nên bắt đầu gửi mail cho những người trong network của mình và bắt đầu dành thời gian networking, tìm việc dần dần, để lúc quay lại tìm việc bớt bị bỡ ngỡ hơn.

 

Nghỉ việc hay không là một câu hỏi rất khó và là một lựa chọn rất khó khăn, hi vọng một vài chia sẻ cá nhân ở trên của bản thân mình sẽ giúp bạn quyết định tốt hơn.

Nếu bạn nào cần tư vấn về lộ trình nghề nghiệp, cách viết hồ sơ và chuẩn bị phỏng vấn, có thể đăng ký tư vấn tại đây.

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu

AUTHORITY ]

Tác giả: Lê Tuấn Anh   

           

Description: Lê Tuấn Anh - Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp. - Blogger hướng nghiệp tại

anhtuanle.com. - Tác giả sách "Nhắm mắt bắt được việc"

Link bài gốc: Việc mình không thích có nên nghỉ?

Tham khảo các bài viết khác của tác giả tại: anhtuanle

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ tác tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

203 lượt xem