Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Quan Điểm Sống] Những Giai Điệu Hạnh Phúc


Những người nghệ sỹ hát rong có thể thấy rất nhiều ở các thành phố lớn. Họ có khi sôi nổi, có khi lặng lẽ với cuộc mưu sinh của mình. Có khi họ là những người trẻ yêu nghệ thuật và cũng yêu cả du lịch, họ muốn kết hợp cả hai vào trong chuyến hành trình của mình. Hát rong ở tất cả các thành phố mình tới, ở tạm bợ trong những dorm rẻ tiền và ăn sandwich và hát để trang trải qua ngày.




Những giai điệu đẹp giữa lòng Paris – Pháp
Tôi vẫn nhớ Jacob và Sue – một cặp bạn trẻ người Ý và Mỹ gặp nhau ở Budapest vào tuổi 18 và bắt đầu hành trình hát rong của mình trên khắp các thành phố ở Âu Châu. Họ hát vang trời, đầy phóng khoáng giữa một góc phố thốc gió của một thành phố tấp nập miệng luôn cười rất tươi. Họ thường ở lại mỗi thành phố khoảng 1 tuần. Một tuần là đủ cho vừa vặn những trải nghiệm những gương mặt người mỗi ngày nơi tấp nập người qua lại.

Có lúc, tôi ngồi với Jacob và Sue trước khi họ rời đi sau khi đã thấm lạnh với quảng trường đầy gió. Ngày mai, cả hai sẽ rời đi Brastislava, họ lại lòng vòng thành phố, xem điểm nào đắc địa rồi lại sẵn sàng cho chuyến du lịch rong ca của mình. Tôi tự dưng nghĩ, đó là một trải nghiệm rất hay khi ta được nhìn nhiều, rất nhiều những gương mặt của thành phố ta đến. Những ánh mắt sẽ nói rất nhiều cảm xúc: tò mò, hiếu kì, cảm thông, hờ hững, đủ cả và quan trọng người nghệ sỹ hát rong sẽ tảng lờ mọi thứ dù có khi họ cũng đau. Đau vì những ánh mắt có khi sắc lẹm và đầy nghi kị của nhiều người lướt qua. Nhưng rồi có lẽ người nghệ sỹ sẽ nghĩ ít lại, ít phức tạp hơn để lạc quan hơn.




Cũng có lúc tôi nghĩ những người nghệ sỹ này hạnh phúc vì họ đơn giản hơn trong suy nghĩ hoặc cũng có khi họ để suy nghĩ của mình ở một nơi khác “lành” hơn. Như chàng trai ôm guitar chuyên trị những bản nhạc của The Beatles đứng hát ở trước bức tường phản chiến Beatles ở Praha. Bức tường sơn xanh đỏ và vẽ vời với đủ các danh ngôn, biểu tượng phản chiến. Dưới chân anh, một hộp đàn guitar để mở, vài đồng bạc lẻ và hàng chữ nguệch ngoạc: “Tôi muốn có đủ tiền để sửa chiếc máy thời gian trở lại những năm 60s” – một thông điệp “dễ thương” đầy ước lệ và xúc cảm. Nó ít nhất làm cho người nghe dù là tình cờ ngang qua cũng chợt mỉm cười hạnh phúc – hạnh phúc vì thứ “giản dị siêu thực” mà cậu chàng với gương mặt non choẹt này theo đuổi. Người ta không bao giờ từ chối lắng nghe những câu chuyện hư cấu – nó vô thưởng vô phạt, nó không làm hại ai, ai cũng có thứ mục đích riêng để theo đuổi, miễn là động cơ của nó đẹp thì người theo đuổi hay người lắng nghe đều có lý do đẹp để mỉm cười. Tôi nghĩ như vậy, hay ít nhất âm nhạc và nụ cười của họ làm tôi nghĩ như vậy.

Chicago là một thành phố đầy âm nhạc. Khi dòng di dân vĩ đại của những công nhân lao động nghèo từ miền Nam đến với thành phố này đã mang theo jazz, blue và gospel truyền thống tới đây và kết quả là âm nhạc đã trở thành một phần hơi thở của thành phố gió này. Các lễ hội âm nhạc diễn ra quanh năm, các quán bar mở hàng đêm đem các giai điệu tung tăng khắp thành phố. Và ở dưới các ga tàu điện ngầm các nghệ sỹ đường phố cũng có sân khấu của riêng mình và khán giả của riêng mình. Khán giả ở ga tàu điện ngầm dành thời gian không quá 5 phút cho một màn biểu diễn. Nó giống như kiểu ngừng “vài phút cho quảng cáo” giữa một show diễn cuộc đời nhiều khi cần khoảng nghỉ. Người ta xuống ga trước khi trồi lên mặt đấn để hầm hập bon chen thì dừng lại để nhún nhảy một chút, để âm nhạc làm thứ doping tinh thần bơm vào máu để có thêm năng lượng. Những nghệ sỹ ở Chicago phần đông là người di dân, người nhập cư, hay người da đen. Họ hát để mưu sinh dù rằng cuộc mưu sinh cũng khá chật vật khi ở thành phố càng lớn, càng “Mỹ” thì người ta càng hờ hững hơn. Và tôi có khi cũng vậy…



Ga tàu xanh (Blue line) và thời gian giãn cách của tàu cũng dài hơn. Nên sẽ có lúc bạn sẽ thấy mình một mình lọt thỏm giữa ga tàu vắng lặng. Tôi xuống ga vào đúng khoảnh khắc như vậy. Giữa một sân ga không một bóng người, tiếng đàn violong phóng khoáng nhảy nhót tí tách tươi vui không chút âu lo. Tôi phải đi một  đoạn để thấy người trình diễn ngồi khuất sau hàng cột và hoá ra là đàn cò (erhu) chứ không phải violon. Người nghệ sĩ nhìn ra xa xăm có cảm giác như đang kéo đàn cho chính mình và không gian khoáng đạt dù ở dưới lòng đất xung quanh mình. Bà có lẽ đã ngấp nghé 70, mớ tóc cắt ngắn đã bạc trắng, một gương mặt Á Đông khó đoán được là từ đâu. Bên cạnh bà là một cái máy cát xét để bật băng nhạc nền để kéo trên nền nhạc. Âm nhạc kỳ lạ thật, nó dẫn dụ người ta đi nhiều và đi xa hơn ta tưởng. Nó làm đôi chân muốn nhún nhảy và nụ cười tự nhiên nhoẻn ra trên môi lúc nào không hay. Tự nhiên quên hết mọi lo âu, bài vở, những thứ còn dang dở chưa xong, những muộn phiền vô cớ và uể oải đeo bám từ đầu ngày. Ta thấy trái tim mình nhảy múa không cần lý do, không cần bất kỳ lí do cho niềm hân hoan bất chợt ở thành phố lạ. Tôi dừng lại để lắng nghe thật lâu, tiến lại tặng người nghệ sỹ ít tiền. Bà hiền từ cúi đầu và khe khẽ nói “Danke”*

Ở một thành phố trên đất Mỹ, một nghệ sỹ già rong ca gốc Á trình diễn một nhạc cụ Á Đông một bản nhạc giao hưởng Âu Châu và cảm ơn bằng tiếng Đức. Đó có lẽ là thứ giai điệu đẹp và kỳ lạ nhất mà ta có thể được nghe. Đẹp bởi nó là sự hân hoan tình cờ và hạnh phúc giữa  những tấp nập phố thị hàng ngày. Tôi bước tiếp, nhanh hơn, rộn ràng hơn như thể đang tung tăng cùng thứ giai điệu rộn ràng đang rảo bước cùng mình. Giai điệu hạnh phúc ở thành phố lạ…
* Danke : Cảm ơn bằng tiếng Đức


Tác giả: Thắng Lê
- Nhà sản xuất sáng tạo và chuyên gia truyền thông của VTV7 Đài truyền hình Việt Nam.

- Quan điểm sống: “Tôi là người luôn đặt hành trình cuộc đời mình trước những thử nghiệm mới” Tôi tin rằng mình càng mở to mắt để đi, trải nghiệm thế giới thì mình càng giàu có. Tôi tin vào sức mạnh của trí tưởng tượng, sự sáng tạo và sự kết nối của con người trong thế giới này.

Xem thêm các bài viết khác của tác giả tại: tadale.com


Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

255 lượt xem