Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Review Phim] Những Người Viết Huyền Thoại

Đây không phải là bài cảm nhận phim đầu tiên của tôi, nhưng tôi hài lòng vì mình đã viết nó lên blog như bài cảm nhận phim đầu tiên ở trang này. Thật tiếc vì tôi đăng bài này quá trễ, hi vọng các bạn nếu cảm thấy bài viết này làm các bạn muốn xem phim thì đừng trách tại tôi đăng trễ, tôi cũng hi vọng tìm ra cách nào đó để được xem lại phim này.
Quả là một món ăn "lạ" độc đáo giữa mâm tiệc phim mùa sắp tết, một thứ gồ ghề, thô ráp mà đẹp đến rung người
Tôi biết đến phim qua những bài viết cảm nhận chưa đầy sự ngạc nhiên của giới phê bình, những người đã trước tôi được nếm vị bất ngờ trước sự bi tráng và lung linh của một phim tài trợ. Một món lạ nổi bậc lên trong thể loại phim tài trợ tuyên truyền. Cùng với sự thán phục đó là nỗi tiếc nuối khi phim không được công chiếu rộng rãi. Qua đó họ cũng nêu lên một nghịch lí là số tiền ít ỏi cho quảng bá của phim so với con số khổng lồ của các phim thị trường khác như lí giải cho sự không phổ biến của phim. Cuối cùng thì phim cung ra rạp, một standee cũng hiên ngang khói lửa đứng giữa những bộ phim nước ngoài khác ở một rạp hiện đại nhất. Dưới con mắt của một sinh viên truyền thông, rất có thể những bài viết trên kia cùng "sự nuối tiếc" là những bước dọn đường cho phim này từ tủ lưu trữ như các phim tuyên truyền tài trợ khác được ra rạp.
Với những ấn tượng đầu tiên đó, sự ủng hộ cho những tác phẩm phim việt và lí do riêng từ truyền thống gia đình, tôi quyết định mua vé Những người viết huyền thoại. Ngày khuyến mãi, dịp đổi tên tặng vé của rạp, vé còn siêu rẻ, nhưng rạp thì chỉ có 2 vé của chúng tôi, có vẻ không có nhiều người cùng chia sẽ những lí do như trên với tôi, phim chiến tranh đã không còn sức hút nữa. Và quyết định đó đã làm cho tôi khó chịu. Bởi vì nó làm hỏng kế hoạch nhân dịp khuyến mãi coi thật nhiều phim của tôi, vì đây thuộc loại tác phẩm mà xem xong người ta cần thời gian để nhâm nhi và suy ngẫm về cảm xúc và ý nghĩa trong đó.

Tôi không viết về chất điện ảnh của phim, đó là việc những nhà phê bình đã làm rồi, và làm rất hay, cá nhân thôi không nhiều hiểu biết và trải nghiệm để phân tích như họ, dù rằng tôi cũng không hoàn toàn đồng cảm lắm với họ ( cái gì họ thích tôi đồng ý, cái họ chưa thích, tôi thấy cũng được mà)

Xin nếu ra vài điểm làm phim nổi bậc lên giữa những phim khác. Thứ nhất là nhịp phim, không hề có mô típ giới thiệu vấn đề đều đều rồi đẩy lên cao trào trước khi kết, phim gần như .. toàn là cao trào, có lẽ, điều này mới đúng về cuộc chiến tranh cam go này, nhất là trong bối cảnh tại một cung đường hiểm ác trên huyết mạch trường sơn, chứ sự tàn ác của chiến tranh đâu phải là một thử thách chờ nhân vật anh hùng đi tu luyện rồi về giải quyết được, chiến tranh là tai hoạ đe doạ tính mạng con người mỗi giây mỗi phút, mà thần chết trong hình hài trái bom hay viên đạn luôn chực chờ xung quanh mỗi con người nhỏ nhoi giữa giờ phút khói lữa này.

Ngay từ cách giới thiệu chủ đề về xăng dầu, cũng được dựng hoành tráng khói lửa và hi sinh, kết hợp với phong cách đọc bằng một giọng bắc trầm ấm như đặc sản phim tuyên truyền, dù nhà phê bình kia không thích, riêng tôi thấy cũng rất thú vị, nó gợi tôi nhớ về những tác phẩm chiến tranh khác từ thời trắng đen, từ những tập phim chiến tranh của Liên Xô cũ, một chút gợi nhớ mang màu hoài cổ hơn là sự nhàm chám. 

Cảnh tiếp theo tôi thấy hơi thắc mắc chút khi đồng chí chỉ huy từ miền nam trán còn quấn băng trắng rất quyết liệt và có phần sổ sàng ngay trong bàn họp với hậu phương, mà ở đây cũng ngầm hiểu là cấp tướng đang ngồi. Đạo diễn cũng khéo léo luồn vào một tí thời sự ngày nay khi nhắc đến vấn nạn tham nhũng ăn chặn ngay trong câu bức xúc của vị chỉ huy miền nam với hậu phương. Cũng đúng kiểu các tay tướng miền nam quyết liệt mạnh bạo, trong khi người bắc có phần từ tốn hơn trong nhiệm vụ thống nhất. 
 (Có một đoạn tôi đọc được trên wiki, rằng lúc Mỹ nhảy vào và lập ra miền nam cộng hòa, lúc đó miền Bắc Cộng Sản có hai luồng ý kiến: một là theo Trung Quốc, quyết tâm giải phóng và thống nhất đất nước, ý kiến này được những cán bộ từ thực địa miền nam ủng hộ, họ hiểu thực tế ác liệt và dã man thế nào cho dân, cho quân ta ở miền Nam nên chỉ có một con đường là đánh. Ý kiến thứ hai được các cán bộ miền Bắc ủng hộ là chung sống giữa hai nước, ý kiến này từ Liên Xô khi Stalin chấp nhận rằng có thể chung sống giữa các nước không cùng tư tưởng chính trị, tất nhiên 2 luồng ý kiến này không chia rẽ nội bộ ban lãnh đạo của miền Bắc chúng ta và cuối cùng thì chúng ta đã đánh và giải phóng)


Đoạn thứ hai ở nhà tướng Dinh ngày ra trận, tác giả đã gợi cho tôi một cảm giác rất thân quen về một Hà Nội xưa của thời đạn khói, một miền bắc đậm truyền thống dù thật sự tôi chưa từng đặt chân ra bắc thời kì đó bao giờ. Đôi khi người ta có cảm giác rất thân quen về một nơi nào mà mình biết chắc rằng chưa từng đặt chân đến. Thật châm biếm, gần đây tôi có dịp thăm Hà Nội lần đầu tiên, nhưng lại là một Hà Nội khác, đó không phải là Hà Nội tôi cảm thấy thân quen, Hà Nội những người nói giọng bắc cũng khác, khác với những bộ phim tôi xem trên truyền hình quốc gia hồi nhỏ, và càng khác hơn trong phim này, làng quê miền bắc của những người lính cộng sản. Điểm nhấn của tinh thần dân tộc và truyền thống đấu tranh được diễn tả rất hay trong cảnh khẩn cầu của vị tướng lúc cúng tổ tiên ngày sắp ra trận, "việc nước chưa yên, xin gia tổ cho khất tội không nhanh khói đều đặn". Đó chính là tinh thần của ngày ấy, mọi người đều lấy mục tiêu thống nhất đất nước để phấn đấu. (Có một đoạn tôi đọc được đâu đó quên rồi, nói rằng trước khi giải phóng, có một trận đánh ác liệt, quân miền nam bao vây và ép quân miền bắc trong một khu rừng suốt mấy tuần, nhưng họ vẫn không thể nào khuất phục được, những người lính miền nam khi đó diễn tả cuộc chiến ấy bằng sự kinh ngạc và khó tin, có người đã phân tích rằng, bởi vì chính sách tuyên truyền của hai miền khác nhau: miền bắc nhấn mạnh mục tiêu thống nhất đất nước, dù khó khăn gian khổ dù hi sinh cũng không màn, trong khi miền nam lấy hình ảnh anh lính lãng mạn phong trần ra tuyển quân, nên những người lính khi ra chiến trường đối mặt khắc nghiệt có phần không thích nghi được) 

Chuyện tình của anh lính giao liên và cô văn công xinh đẹp, chuyện tình của hai người hà nội xa quê, của anh lính can trường nơi hiểm địa và cô gái tươi xinh mà cũng không kém phần rắn rỏi, chuyện tình đep như lá rừng trôi giữa dòng suối thu, nhưng chuyện tình cũng bi thương bởi đạn bom nhuộm đỏ đọng suối mơ. Cái cách hai người ngại ngần và e ấp trong tình cảm, tuy bị nhà phê bình kia không thích vì đã quá quen thuộc, riêng tôi... vẫn thấy hay quá chừng. Cũng nhắc luôn cái hài hước của đạo diễn khi cho cảnh chia tay quyến luyến diễn ra trước cả tiểu đoàn cũng làm nhẹ bớt đi sự căng thẳng lửa bom. Cái sự ngại ngùng làm tôi nhớ đến một người nga xô viết cũ từng bức xúc trước thời đại tư bản hiện thời:
"Tôi đã từng  gặp những người lính ngại ngùng không dám cầm tay người yêu, dù cũng chính họ là những người can đảm nhất trước bom đạn và cái chết."

Cảnh hành động đấu dao thì nhà phê bình đã đánh giá rằng nó thể hiện được phẩm chất hành động của đạo diễn, tôi hoàn toàn đồng tình rằng đây là một cảnh hay, bổ sung sự chuyên nghiệp để tạo điểm nhấn cho khúc cao trào. Nhà phê bình cho rằng nhân vật lính lôi hổ không được khắc hoạ rõ nét, k có câu chuyện làm cho cuộc đấu thiếu cảm xúc, điều đó cũng đúng nhưng sẽ hợn lí hơn trong một phim khai thác một mảng cắt về số phận con người trong cuộc chiến thôi, thêm ở đây e sẽ dư. Dù sau thì đạo diễn cũng đã phần nào tạo đất diễn cho linh lôi hổ bởi màn đấu dao ngang ngửa với nhân vật chính, và cú ra đòn quặp cổ thoát thân đẹp mắt ngay sau khi anh 'trợ li mắt cận' của tướng Dinh chế giễu: "tưởng lính lôi hổ tụi mày dữ lắm". Cũng chính anh trợ lí này "khoe" tụi này cũng là lính chiến trường với nhân vật nghĩa ngay tại cung đường của anh. Nếu hài hước một tí về anh này, có thể lấy ra chi tiết anh này anh hùng: thủ trưởng đừng đi, để em' xung phong ra cứu hai chị em nhỏ trong trận bom, thế nhưng cuối cũng tướng Dinh vẫn là người phải ra tay. Thực tế thì bom dữ vậy té cũng hợp lí, nhưng phải chăng đạo diễn có ngụ ý gì ở đây với hình ảnh anh trợ lý mắt cận này đây.?

Chê ảnh dữ vậy chứ tôi cũng mắt cận đây nên không phải là tôi kì thị mắt kính đâu nhé.
Nói về hai chị em nhỏ, hình ảnh trẻ em trong phim ảnh hay trong cuộc chiến đều là ẩn ý về tương lai. Và tương lai ở đây thật sự có nhiều điều để bàn. Câu chuyện của hai em bé là chuyện cha mẹ bị bom đạn cướp đi, nhưng các em vẫn sống với sự bao bọc của lực lượng và của một gia đình khác, Việt Nam chúng ta cũng đau thương mất mát, nhưng cũng lớn lên và tồn tại nhờ sự giúp đỡ của anh em bè bạn quốc tế, hay là thế hệ này cũng tồn tại và lơn mạnh sau chiến tranh. Sự ngây thơ của bé Hùng là một điều tuyệt vời để phân tích những ngụ ý xung quanh em, đỉnh cao là cú châm độc đáo khi đạo diễn để bé Hùng hồn nhiên đứng đái cạnh trái bom khủng khiếp!! Hãy nói về sự xuất hiện của hai em, trên đường làng, bên bệ pháo tự vệ. Sao không làm bài mà ra đây, em muốn học bắn, cũng như lúc con trai thứ của tướng Dinh nói với mẹ chuyện ra chiến trường: học hành để sau, chuyện nước nhà đang nguy biến, cũng như câu thú tội của tướng Dinh trước bàn thờ: việc nước đang nguy, xin thứ lỗi chúng con không khói hương đầy đủ. Rõ ràng, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước đã nhiều lần được khẳng định trong sử sách của người Việt là không phải bàn cãi. Trước vận nguy là lúc người Việt thể hiện giỏi nhất. Chiến tranh quả là một lí do cao cả và vĩ đại để "xếp bút nghiêm đi cầm súng", vì vậy nếu có ai ỷ có học vị hay tuổi trẻ mà xem thường những người lính dám xả thân vì nghĩa lớn thì thật chỉ đáng bị vả vào mặt. Nhưng cũng phải nói thêm, chiến tranh đã qua gần 40 năm (hoặc 20) trên đất nước này rồi, viện cớ chiến tranh e không còn cao cả và vĩ đại nữa.!!!
Hãy trở lại với hai em bé, ai cũng nói  tuổi thơ là tuổi đẹp nhất với những kỉ niệm rong chơi và không phải lo nghĩ, nhưng đối với hai em bé này, đối với thế hệ này thì lại khác, họ không có tuổi thơ yên bình, tuổi thơ của họ là bom dội, là lửa khói, là đau thương mất mát. Cá nhân tôi thấy những bạn trẻ đăng những món đồ của quá khứ rồi dùng vô tội vạ cụm "tuổi thơ dữ dội" thật sự là một sự lãng phí và xúc phạm vô cùng khi đem so sánh với thế hệ của hai em bé này. Hình ảnh hai em bé trên bệ pháo gợi lên nhiều điều. Một là những ý kiến chống lại tư tưởng "chiến tranh nhân dân" của Việt Nam ( học từ "ai đó"), họ lên án việc sử dụng "tinh thần dân tộc" để kêu gọi là đem những thành phần khác của nhân dân vào chiến tranh- nơi theo họ là cuộc chiến của chỉ những người lính. Ngược lại, phản bác lại ý trên sẽ phải nói: tại sao mà hai em bé k dc vui chơi mà phải học bắn pháo, tại chính bom đạn tàn phá và xâm lược mới là tội ác gây ra cảnh tượng đau lòng này. Những hình ảnh về trẻ em dễ gợi lên cảm xúc cho đông đảo mọi người, cũng như tấm ảnh huyền thoại Em bé nê pan' năm xưa cùng với tấm ảnh về vụ hành xử trên đường phố sài gòn đã dậy sóng dư luận và phong trào phản chiến của người mỹ yêu tự do năm xưa, góp phần k nhỏ vào cục diên cuộc chiến.
Cuối cùng, lúc hai em được nhận nuôi, bé Hùng lại ngô nghê hỏi: nhà cô có pháo cao xạ không cô' tại 'cháu muốn bắn máy bay' để lại sự băn khoăn cho bà mẹ và cho cả khán giả, tướng Dinh tự hào vì 'thế hệ thứ hai' đã biết theo ông cầm súng, nhưng bây giờ, chẳng lẽ thất cả với thế hệ thứ ba cũng chỉ là cầm súng đánh giặc như các bé Mây gào lên bằng giọng con nít 'tao giết mày' khi xả loạt đạn lên chiếc máy bay ném bom tàn ác để trả thù cho cha mẹ và các cô dân quân trên bệ pháo. Hôm nay, hơn 40 năm sau thời điểm của phim, chúng ta đã thấy thế hệ này làm được những gì, đất nước cũng đã đổi thay và phát triển, nhưng dường như chiến tranh vẫn còn là một vết thương quá lớn đối với chúng ta.? Đừng quên rằng, loạt đạn súng máy mà Mây bắn, là của Tướng Dinh đứng kế bên nạp cho, thay vì ông đứng vào bóp cò.

Tôi sinh ra thời sau đổi mới, thậm chí là chẳng biết bao cấp chứ đừng nói chi là chiến tranh máu lữa. Chiến tranh với tôi chỉ là thành tích anh hùng và địa vị của truyền thống gia đình mà thôi. Thế nhưng chiến tranh cũng có những ấn tượng khó phai trong lòng tôi. Đối với tôi người dơi người nhện không phải anh hùng, ngay từ trước khi nhìn đó như những tác phẩm điện ảnh, tôi cũng chỉ xem như những tư liệu để làm phong phú thêm trí tưởng tượng thôi, vì tôi đã lớn lên với nhũng người hùng thật sự, những chiến binh cộng sản đã kinh qua khói lửa chiến tranh và hân hoan ngày thống nhất.

Nếu được chọn, tôi muốn sinh ra trong thời chiến để làm một người lính cộng sản duy vật biện chứng, sống chiến đấu và chết với một lý tưởng, thay vì phải loay hoay đi tìm như bây giờ, tôi phải làm gì đây.? Truyền thống gia đình này là truyền thống cộng sản hay truyền thống cách mạng.?

Chiến tranh, mất mát, chủ nghĩa anh hùng trong phim như là một sự bù đắp cho sự thiếu thốn góc nhìn việt nam trên cục diện chúng ta đang bị bao vây bởi tư tưởng phương tây, chủ nghĩa đế quốc văn hoá đang bao vây lấy chúng ta và cần những cú đánh trả, dù chỉ để thoả mãn tâm lí dân tộc mà thôi. Điều đó làm phim trở nên đặc biệt, không chỉ bởi 'do người Việt', mà con bởi 'mang tư tưởng Việt', vì đa số những phim Việt hiện nay đều ảnh hưởng bởi nước ngoài, trong khi, với lịch sử hào hùng, chúng ta có một nguồn nguyên liệu quý giá cho điện ảnh.

 

--------

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY ]

Tác giả: Nguyễn Thế Hùng

Chốn blog quạnh hiu giữa thời mạng xã hội phồn hoa náo nhiệt.

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại:  Blog của Cò

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,767 lượt xem