Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Tại Sao Bộ Não Chuộng Sách Giấy Hơn?

Một trong những đoạn phim Youtube lan truyền rất nhanh và làm người ta phấn khích nhất hồi hai năm trước, với phần mở đầu bình thường vô cùng: một bé gái một tuổi chơi với iPad, lướt ngón tay dọc ngang màn hình cảm ứng và đẩy các nhóm biểu tượng qua lại trên màn hình. Ở những cảnh tiếp theo đó, cô bé có vẻ như đang khum bàn tay lại, túm túm gì đó và ấn vào những trang giấy của mấy tờ tạp chí như thể chúng là những màn hình. Đoạn phim còn xoáy vào những cử chỉ đó bằng cách tua lại và chiếu cận cảnh vào.

Đối với cha của đứa bé, thì đoạn phim đó – A Magazine Is an iPad that Does Not Work– là bằng chứng cho sự chuyển dời thế hệ. Trong đoạn mô tả kèm theo, ông viết, “Những cuốn tạp chí giờ đây vô dụng và không thể hiểu được, đối với cư dân số (digital native)” – tức là, đối với những người đã tương tác với những công nghệ số từ lúc còn rất nhỏ, khi mà xung quanh họ lúc đó không chỉ có sách và tạp chí bằng giấy mà còn có điện thoại thông minh (smartphone), Kindle và iPad.

Cho dù bé gái đó có thực sự kì vọng những cuốn tạp chí phải hành xử như một chiếc iPad hay không, thì đoạn phim cũng làm ta chú ý đến một vấn đề vô cùng thực tế: Chính xác làm thế nào mà công nghệ chúng ta dùng để đọc có thể thay đổi cách đọc của chúng ta?

Ít nhất kể từ thập niên 1980, các nhà nghiên cứu tâm lí học, kĩ thuật máy tính, và khoa học thư viện và thông tin đã công bố hơn 100 nghiên cứu khám phá những khác biệt ở cách đọc trên sách giấy và cách đọc trên màn hình. Trước năm 1992, hầu hết các thí nghiệm đều kết luận rằng khi người ta đọc truyện và đọc báo ở màn hình thì họ đọc chậm hơn và ghi nhớ thông tin ít hơn. Tuy vậy, khi độ phân giải của màn ình của tất cả các loại thiết bị trở nên sắc nét hơn, thì một loạt những khám phá theo nhiều chiều hướng khác nhau bắt đầu xuất hiện. Những khảo sát gần đây cho thấy rằng mặc dù hầu hết mọi người đều chuộng dùng giấy hơn – đặc biệt khi họ cần tập trung trong thời gian dài – nhưng những thái độ đó đang thay đổi khi máy tính bảng và công nghệ đọc sách điện tử được cải thiện dần và khi mà chuyện đọc những văn bản số để tìm dữ kiện và để giải trí đang trở nên ngày càng phổ biến hơn. Ở Mĩ, e-book hiện nay chiếm hơn 20 phần trăm tổng số sách được bán cho công chúng.

Mặc cho loại công nghệ phổ thông thân thiện người dùng ngày càng phát triển, nhưng hầu hết các nghiên cứu được công bố kể từ đầu thập niên 1990 đều xác nhận những kết luận trước đó: giấy vẫn chiếm ưu thế so với màn hình như một phương tiện đọc sách báo. Cùng với những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, những cuộc bỏ phiếu và những báo cáo người tiêu dùng đều chỉ ra rằng các thiết bị số ngăn người ta định vị những đoạn văn bản dài một cách hiệu quả, điều này có thể làm ngăn trở chút ít trong việc đọc hiểu. So với giấy, màn hình cũng có thể làm cạn kiệt nguồn tài nguyên trí óc của chúng ta trong lúc đọc và làm ta khó ghi nhớ hơn những gì mình đọc được sau khi đọc xong. Bất kể họ có nhận ra điều đó hay không, người ta vẫn thường tiếp cận máy tính và máy tính bảng với tinh thần ít hướng đến chuyện học hơn so với lúc tiếp cận sách giấy. Và máy đọc sách không tái dựng lại được một số trải nghiệm theo cảm giác có được lúc đọc sách giấy, và một số người thấy bất an khi thiếu vắng những cảm nghiệm đó.

Có tính nhục thể (physicality) trong chuyện đọc,” theo lời nhà khoa học thần kinh tri nhận Maryanne Wolf thuộc trường Tufs University, “có lẽ còn hơn điều ta muốn nghĩ về khi ta loạng choạng bắt đầu việc đọc theo công nghệ số – khi chúng ta tiến về trước mà có lẽ ngẫm nghĩ quá ít. Tôi muốn giữ nguyên hình thức xưa cũ ổn nhất này nhưng vẫn biết được khi nào sẽ dùng hình thức mới.

Những phong cảnh văn bản

 Để hiểu được làm thế nào chuyện đọc trên giấy khác với đọc trên màn hình, ta cần lời giải thích về cách não bộ con người diễn giải ngôn ngữ viết. Mặc dù các mẫu tự và từ ngữ là những biểu tượng đại diện cho âm thanh và ý tưởng, nhưng bộ não cũng xem chúng như những đối tượng vật chất. Như Wolf giải thích trong cuốn sách năm 2007 của bà Proust and the Squid, những hệ thống mạch não bộ của chúng ta bẩm sinh không dành cho việc đọc, bởi vì chúng ta không sáng chế ra chữ viết mãi cho đến giai đoạn gần đây trong lịch sử tiến hoá loài người, khoảng thiên niên kỉ thứ tư trước Công nguyên. Do vậy ở thời ấu thơ, bộ não tự chế ra một loại mạch não bộ mới hoàn toàn dành cho việc đọc bằng cách đan kết lại nhiều dải mô thần kinh khác nhau vốn được dùng cho những khả năng khác, như nói, phối hợp vận động và thị giác.

Một số vùng não bộ được tái cơ cấu này chuyên về việc nhận dạng đối tượng: chúng giúp ta phân biệt tức thời quả táo so với quả cam, chẳng hạn vậy, dựa trên những đặc điểm khác nhau của chúng, tuy vậy vẫn phân loại cả hai quả đó vào loại trái cây. Tương tự, khi chúng ta học cách đọc và viết, chúng ta bắt đầu nhận dạng các mẫu tự bằng những sắp xếp đặc thù của các đường nét, đường cong và những khoảng trống – một quá trình học theo cảm giác cần đến cả mắt lẫn bàn tay. Trong nghiên cứu gần đây của Karin James ở trường Indiana University Bloomington, những mạch não bộ dùng cho việc đọc của trẻ năm tuổi hoạt động liên tục lúc chúng dùng tay tập viết các mẫu tự nhưng không phải lúc dùng bàn phím gõ các mẫu tự. Và khi người ta đọc chữ thảo hoặc các kí tự phức tạp, chẳng hạn chữ kanji của Nhật, thì bộ não quả thực có trải qua xuyên suốt những loại hoạt động của việc viết, cho dù bàn tay trống trơn.

Ngoài việc xem những mẫu tự riêng lẻ như những đối tượng vật chất, bộ não con người còn tri giác văn bản theo một khối toàn thể như một loại phong cảnh vật lí vậy.

 Khi đọc, ta tạo dựng văn bản đó thành một biểu tượng trong trí óc.

 Bản chất chính xác của những biểu tượng như thế vẫn chưa rõ, nhưng một số nhà nghiên cứu nghĩ rằng chúng tương tự như những loại bản đồ trong trí óc vốn được tạo ra để hình dung nên địa hình – như đồi núi hay những con đường mòn – và để hình dung nên những khoảng không gian vật lí, chẳng hạn như những căn hộ và những văn phòng. Cả trong những lời truyền miệng lẫn trong những nghiên cứu được công bố, người ta tường trình lại rằng khi cố gắng định vị một đoạn văn cụ thể nào đó trong sách, họ thường nhớ xem nó xuất hiện ở đâu trong văn bản đó. Ta có thể hồi tưởng lại rằng trước khi bắt đầu leo lên đồi xuyên qua khu rừng, mình đã băng ngang qua căn nhà nông trại màu đỏ ở gần đầu con đường mòn; cũng giống vậy, ta có thể nhớ về chuyện anh chàng Darcy khước từ Elizabeth Bennett ở buổi khiêu vũ, ta nhớ mình đọc được đoạn đó ở góc trái bên dưới của trang sách bên trái nằm tại một trong những chương đầu tiên cuốn Pride and Prejudice của Jane Austen.

 


 Trong hầu hết trường hợp, sách giấy thể hiện được những chi tiết địa hình hiển nhiên hơn văn bản trên màn hình. Một cuốn sách giấy khi mở ra, nó trình hiện cho độc giả thấy hai địa hạt được phân định rõ ràng – hai trang giấy bên trái và bên phải – và cho thấy tổng cộng tám góc để theo đó độc giả có thể định hướng mình. Bạn có thể tập trung vào một trang giấy đơn nhất trong quyển sách giấy mà không mất đi nhận thức về toàn bộ văn bản. Bạn thậm chí có thể cảm nhận được độ dày của những trang giấy mình đang đọc bằng tay này, còn tay kia cảm nhận được độ dày của những trang khác mà bạn chưa đọc tới. Việc lật trang trong quyển sách giấy giống như việc để lại những dấu chân liên tiếp trên con đường mòn – có một nhịp điệu ở việc làm này và có một bản ghi hữu hình cho biết ta đã đi được bao xa. Toàn bộ những đặc điểm này không chỉ làm cho văn bản trong quyển sách giấy dễ dàng định hướng được, mà chúng còn làm ta dễ dàng hình thành ra tấm bản đồ mạch lạc trong trí óc về văn bản đó.

Ngược lại, hầu hết các thiết bị số đã can thiệp vào sự định hướng trực giác trong một văn bản và ngăn trở người ta hình thành tấm bản đồ vẽ nên chuyến hành trình trong tâm trí họ. Một độc giả của văn bản số có thể cuộn nhanh qua dòng chữ liền mạch, ấn vào để xem tiếp trang kế vào một thời điểm nào đó hoặc dùng chức năng tìm kiếm để định vị tức thời một cụm từ cụ thể nào đó – nhưng thật khó để xem bất kì đoạn văn nào trong bối cảnh toàn bộ văn bản. Thử so sánh tương tự , hãy hình dung nếu Google Maps cho phép người ta có thể định hướng đường sá theo từng con đường, cũng như có thể nhảy tới bất kì địa chỉ cụ thể nào, nhưng lại không cho họ thu lại hình ảnh để xem một khu phố, một thành phố hoặc một đất nước nào đó. Cũng giống vậy, việc nhìn lướt qua thanh cuộn trên màn hình sẽ đem lại cảm giác về vị trí mơ hồ hơn hẳn so với việc cảm nhận sức nặng của những trang giấy đã đọc và chưa đọc. Và mặc dù những máy đọc sách và máy tính bảng mô phỏng được việc phân trang, nhưng những trang sách hiện ra lại quá phù du. Một khi đọc xong, những trang sách đó biến mất. Thay vì tự mình cuốc bộ trên con đường mòn, bạn quan sát những cái cây, những hòn đá và những đám rêu trôi qua trong thoáng chốc, không để lại dấu vết cảm giác nào của những thứ đã hiện ra trước đó và không dễ dàng gì để thấy những gì nằm phía trước.

“Cảm giác ngầm ẩn về chỗ bạn đang dừng trong một quyển sách vật chất là cảm giác quan trọng hơn chúng ta nghĩ,” theo Abigail J. Sellen thuộc trung tâm Microsoft Research Cambridge ở Anh, đồng tác giả cuốn sách năm 2001 The Myth of the Paperless Office“Chỉ khi bạn có một cuốn e-book bạn sẽ bắt đầu nhớ quyển sách giấy.

 Tôi không nghĩ các nhà sản xuất e-book đã suy nghĩ tường tận về cách bạn có thể hình dung ra chỗ bạn dừng trong cuốn sách.

 Việc đọc thấu đáo

 Ít nhất có vài nghiên cứu cho thấy rằng màn hình thỉnh thoảng làm suy yếu khả năng lĩnh hội chính xác vì chúng làm hỏng đi cảm giác của người ta về vị trí trong văn bản. Trong một nghiên cứu hồi tháng Một năm 2013 của Anne Mangen thuộc trường University of Stavanger ở Norway và những đồng nghiệp, họ cho 72 học sinh lớp 10 học một văn bản trần thuật và một văn bản nghị luận. Phân nửa số học sinh đọc trên giấy, nửa còn lại đọc bằng file PDF trên máy tính. Sau đó, các học sinh phải hoàn thành những bài kiểm tra đọc hiểu, trong lúc kiểm tra họ được quyền xem tài liệu. Những học sinh nào đọc văn bản trên máy tính thì có kết quả tệ hơn chút, phần lớn nguyên do là vì mỗi lần muốn dò tài liệu họ phải cuộn con chuột hoặc phải nhấp vào một phần văn bản trong nhiều file PDF, trong khi học sinh nào đọc sách giấy thì có được toàn bộ các văn bản trong tay mình và có thể nhanh chóng chuyển từ trang này sang trang khác. “Sự dễ dàng bạn có được khi phát hiện phần khởi đầu, kết thúc, và phát hiện mọi thứ ở khoảng giữa và cái nối kết liên tục với đường đi của bạn, với tiến triển của bạn trong văn bản, chính sự dễ dàng đó ở chừng mực nhất định có thể đòi hỏi ít tài nguyên tri nhận hơn,” Mangen nói. “Bạn có nhiều khoảng trống hơn cho việc lĩnh hội.”

Những nhà nghiên cứu khác đồng ý rằng việc đọc trên màn hình có thể làm ta khó lĩnh hội thông tin hơn bởi vì nó đòi hỏi nỗ lực trí óc nhiều hơn và thậm chí làm thể chất mệt mỏi hơn nhiều so với việc đọc trên giấy. Mực điện tử (e-ink) phản chiếu lại ánh sáng bao quanh (ambient light) y như mực trên sách giấy, nhưng màn hình máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng lại chiếu ánh sáng trực tiếp vào mặt người dùng. LCD ngày nay chắc chắn êm dịu với mắt hơn loại màn hình trước nó, loại CRT, nhưng nếu đọc lâu trên những màn hình sáng loáng, tự chiếu sáng này thì ta có thể mỏi mắt, nhức đầu và thị lực mờ đi. Trong một thí nghiệm của Erik Wästlund, khi đó thuộc trường Đại học Karlstad ở Thuỵ Điển, thì những người nào làm bài kiểm tra đọc hiểu trên màn hình máy tính sẽ đạt điểm thấp hơn và có mức độ căng thẳng và mệt mỏi cao hơn những người làm trên giấy.

Trong một loạt thí nghiệm liên quan nhau của Wästlund, 82 tình nguyện viên hoàn thành cùng một bài kiểm tra đọc hiểu trên máy tính, một số làm trên văn bản được đánh số trang và số khác làm trên văn bản liên tục không đánh số trang. Sau đó, các nhà nghiên cứu đánh giá sự tập trung và trí nhớ vận hành (working memory) của học viên – một tập hợp các năng lực trí óc cho phép con người tạm thời lưu trữ và kiểm soát thông tin trong đầu mình. Những tình nguyện viên phải nhanh chóng đóng một loạt những cửa sổ nhảy lên trên màn hình, chẳng hạn vậy, hoặc phải ghi nhớ những con số nhấp nháy trên màn hình. Giống như những năng lực tri nhận khác, trí nhớ vận hành là nguồn tài nguyên hữu hạn vốn sẽ cạn dần trong lúc sử dụng.

Mặc dù những người ở hai nhóm đều đạt kết quả tốt như nhau, nhưng những người nào phải cuộn con chuột lướt nhanh đoạn văn bản liên tục thì có kết quả tệ hơn ở những bài kiểm tra về sự tập trung và trí nhớ vận hành. Wästlund nghĩ rằng việc cuộn lên xuống – vốn đòi hỏi độc giả phải tập trung có ý thức vào cả văn bản và vào cách thức di chuyển văn bản – sẽ rút cạn nguồn tài nguyên trí óc hơn so với việc bấm chuyển trang, vốn là động tác đơn giản và mang tính tự động hơn.

 Ta càng dành nhiều sự tập trung vào chuyện di chuyển suốt đoạn văn bản, thì ta càng có ít sự tập trung cần thiết để hiểu văn bản đó.

 Một nghiên cứu năm 2004 tiến hành ở trường University of Central Florida cũng đi tới những kết luận tương tự.

Một tập hợp các nghiên cứu gần đây nhấn mạnh rằng ngoài chuyện màn hình có thể bòn rút sự tập trung nhiều hơn so với giấy, người ta không phải lúc nào cũng phải nỗ lực trí óc nhiều như thế đối với màn hình ngay từ ban đầu. Dựa trên khảo sát chi tiết năm 2005 thực hiện trên 113 người ở bắc California, Ziming Liu của trường San Jose State University kết luận rằng những người đọc trên màn hình thực hiện được nhiều lối tắt – họ bỏ nhiều thời gian hơn cho việc tìm kiếm, lướt qua và bắt lấy những từ khoá nếu so với những người đọc trên giấy và nhiều khả năng chỉ đọc mỗi tài liệu chỉ một lần.

Khi đọc trên màn hình, người ta dường như ít có xu hướng tham gia vào cái mà các nhà tâm lí học gọi là sự điều tiết siêu tri nhận về việc học (metacognitive learning regulation) – thiết lập những mục tiêu cụ thể, đọc lại những phần khó và kiểm tra xem ta đã hiểu được bao nhiêu trong lúc đọc. Trong một thí nghiệm năm 2011 ở Technion-Israel Institute of Technology, các sinh viên thực hiện trên máy tính hoặc trên giấy những bài kiểm tra trắc nghiệm về những đoạn văn nghị luận. Các nhà nghiên cứu cho phép phân nửa số sinh viên chỉ có thời gian học bảy phút ít ỏi; nửa còn lại có thể xem tài liệu trong khoảng thời gian tuỳ ý. Khi phải chịu áp lực đọc nhanh, những sinh viên dùng máy tính và giấy đều đạt kết quả như nhau. Tuy nhiên, khi phải tự quản lí thời gian học, thì ai dùng giấy sẽ có điểm cao hơn 10 phần trăm. Có thể những sinh viên dùng tài liệu giấy sẽ tiếp cận bài kiểm tra với một thái độ học tập nhiều hơn những sinh viên đọc trên màn hình và họ có thể điều khiển sự tập trung và trí nhớ vận hành của mình hiệu quả hơn.

Thậm chí khi các nghiên cứu chỉ tìm ra được vài khác biệt của việc đọc hiểu giữa màn hình và giấy, những độc giả của màn hình không thể nhớ nhiều thông tin hơn khi về lâu về dài. Trong một nghiên cứu năm 2003, Kate Garland, khi đó thuộc trường University of Leicester ở Anh, và đội ngũ của bà đã yêu cầu 50 sinh viên đại học Anh quốc đọc những tài liệu của một khoá kinh tế học nhập môn trên máy tính hoặc bằng sách có gáy lò xo. Sau 20 phút đọc, Garland và đồng nghiệp kiểm tra các sinh viên. Những sinh viên này đạt số điểm bằng nhau cho dù dùng phương tiện nào nhưng lại khác nhau ở cách họ ghi nhớ thông tin.

Các nhà tâm lí học phân biệt giữa việc nhớ thứ gì đó – một hình thức tương đối yếu ớt của trí nhớ trong đó người ta hồi tưởng lại một mẩu thông tin, cùng với những chi tiết bối cảnh, chẳng hạn như địa điểm và thời điểm họ biết được thông tin đó – và việc biết thứ gì đó: một hình thức mạnh mẽ hơn của trí nhớ xác định chắc chắn rằng thứ gì đó là đúng. Trong lúc làm kiểm tra, những tình nguyện viên của Garland đánh dấu câu trả lời của mình và đánh dấu cả việc họ “nhớ” hay “biết” câu trả lời đó. Những sinh viên nào đọc tài liệu trên màn hình thì dựa nhiều vào việc nhớ hơn là biết, trong khi những sinh viên đọc trên giấy thì phụ thuộc vào cả hai hình thức đó của trí nhớ. Garland và đồng nghiệp nghĩ rằng những sinh viên nào đọc trên giấy sẽ học được sâu hơn và nhanh hơn; họ không phải bỏ nhiều thời giờ tìm kiếm trong tâm trí mình những thông tin từ văn bản – thường thì họ biết luôn câu trả lời.

Có lẽ việc đọc hiểu giữa giấy và màn hình sẽ bớt khác nhau khi thái độ của mọi người cứ tiếp tục thay đổi. Có lẽ ngôi sao nhí trong đoạn phim A Magazine Is an iPad That Does Not Work khi lớn lên sẽ không có khuynh hướng phần nào chống lại màn hình, vốn là thứ dường như hay lẩn trốn những thế hệ già hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng việc dùng màn hình thay thế giấy ngay từ thuở bé lại tạo ra những bất lợi mà ta chắc hẳn không thể rũ bỏ đi dễ dàng được. Một nghiên cứu năm 2012 tại Trung tâm Joan Ganz Cooney ở New York thực hiện trên 32 cặp gồm phụ huynh và một đứa con từ ba đến sáu tuổi. Bọn trẻ nhớ nhiều chi tiết trong những truyện chúng đọc trên giấy so với những truyện đọc bằng e-book có thêm tính năng hoạt hình tương tác, những đoạn phim và những trò chơi. Những tiếng chuông và tiếng còi làm phân tán sự tập trung của bọn trẻ khỏi câu chuyện và hướng đến chính các thiết bị. Trong một khảo sát tiếp theo đó tiến hành trên 1226 phụ huynh, phần lớn tường trình lại rằng lúc đọc sách cùng nhau thì họ và con họ chuộng sách in hơn là e-book.

Người ta thu được những kết quả gần như tương đồng sau hai nghiên cứu, được công bố ở số tháng Chín [2013] tờ Mind, Brain, and Education, của Julia Parrish-Morris, hiện thuộc trường University of Pennsylvania, và những đồng nghiệp của bà. Khi đọc sách giấy cho trẻ ba đến năm tuổi, các bậc phụ huynh thường liên hệ câu chuyện với cuộc sống của trẻ. Nhưng khi đọc một cuốn sách điện tử với các hiệu ứng âm thanh, các bậc phụ huynh thường phải ngắt quãng việc “đọc sách theo kiểu đối thoại” như thường lệ để ngăn đứa trẻ đừng nghịch mấy cái nút và mất dấu câu chuyện. Những xao lãng như vậy cuối cùng làm mấy đứa trẻ ba tuổi không hiểu được thậm chí cả ý chính trong những câu chuyện, còn tất cả những đứa trẻ theo dõi câu chuyện trên sách giấy thì ổn hết.

Nghiên cứu sơ bộ như thế về các độc giả nhỏ tuổi đã nhấn mạnh đến một phẩm tính của giấy, vốn là thế mạnh lớn nhất với vai trò là một phương tiện dùng để đọc sách: tính giản dị của nó. Phải thừa nhận là các văn bản số đem đến nhiều thuận lợi rõ ràng ở nhiều tình huống khác nhau. Khi ta nghiên cứu trong một thời hạn nhất định, nếu ta có thể truy cập nhanh chóng vào hàng trăm tài liệu trên mạng vốn có thể tìm kiếm theo từ khoá, thì sự tiện lợi như thế vượt trội hơn những lợi ích trong việc lĩnh hội và ghi nhớ xuất hiện cùng với việc có thể định vị một cách nghiêm túc và lướt nhanh qua nhiều cuốn sách giấy trong cùng một lúc ở thư viện. Và đối với những người có thị lực kém, việc có thể điều chỉnh kích cỡ chữ và độ tương phản sắc nét trên màn hình LCD quả là điều tuyệt diệu.

Tuy vậy, giấy không như màn hình, hiếm khi thu hút sự chú ý hướng đến chính nó hoặc chuyển sự tập trung ra khỏi văn bản.

 Bởi tính đơn giản, giấy là “một điểm tĩnh tại, một cái neo giữ của ý thức,”

 như William Powers viết trong bài luận năm 2006 “Hamlet’s Blackberry: Why Paper Is Eternal”. Nhiều người thường cho biết rằng khi họ thật sự muốn tập trung vào văn bản, họ đọc nó trên giấy. Trong một khảo sát năm 2011 đối với các sinh viên trường Đại học Quốc gia Đài-loan, phần lớn đều cho biết họ đọc lướt vài đoạn văn của một bài viết trên mạng trước khi in ra toàn bộ văn bản để đọc kĩ hơn. Và trong một khảo sát năm 2003 tại trường Universidad Nacional Autónoma ở Mexico, gần 80 phần trăm trong só 687 sinh viên chuộng cách đọc trên giấy hơn là trên màn hình, để có thể “hiểu văn bản thật rõ”.

Bên ngoài những suy xét thực dụng, thì cách mà chúng ta cảm nhận về một quyển sách giấy hoặc một máy đọc sách – và cái cách nó tạo cảm giác trên tay ta – cũng quyết định việc liệu ta sẽ mua một quyển sách đắt hàng bằng bìa cứng ở một hiệu sách địa phương hay là tải nó từ Amazon. Những khảo sát và báo cáo về người tiêu dùng cho thấy rằng những khía cạnh về giác quan của chuyện đọc trên giấy là vấn đề quan trọng đối với con người hơn những gì ta có thể nghĩ đến: cảm nhận về giấy và mực; sự lựa chọn dùng những ngón tay lướt qua hoặc gấp lại một trang sách; âm thanh riêng biệt của trang sách phát ra khi được lật qua.

Cho đến nay những văn bản số không tái dựng được đầy đủ những cảm giác đó. Sách giấy còn có một kích cỡ, hình dáng và sức nặng mà ta có thể nhận biết được tức thời. Chúng ta có thể đề cập đến ấn bản bìa cứng cuốn Chiến tranh và hoà bình của Lev Tolstoy như một “tập sách nặng kí” hoặc nói đến cuốn Heart of Darkness bìa mềm của Joseph Conrad như một “quyển sách mảnh mai”. Ngược lại, mặc dù một văn bản số vẫn thể hiện được độ dài thông qua thanh cuộn lên xuống, nhưng nó không mang hìng dáng hay độ dày rõ ràng trước mắt. Một chiếc máy đọc sách bao giờ cũng nặng nhiêu đó, bất kể bạn đang đọc kiệt tác của Marcel Proust hoặc đang đọc một trong những truyện ngắn của Ernest Hemingway. Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những khác nhau này tạo ra cái gọi là sự bất hài hoà về xúc giác (haptic dissonance)khiến cho một số người không muốn dùng máy đọc sách.



Để cải thiện sự không thích hợp về mặt giác quan này, nhiều nhà thiết kế đã nhọc công làm cho việc trải nghiệm máy đọc sách hay máy tính bảng càng gần với việc đọc trên giấy càng tốt. Mực điện tử (e-ink) giống với loại mực hoá học bình thường, và thiết kế giản đơn của màn hình Kindle trông giống trang sách giấy đến kinh ngạc. Tương tự, những ứng dụng iBook của Apple cố gắng mô phỏng cách lật trang giống như thật. Gần đây những động thái như vậy mang chất thẩm mĩ nhiều hơn là thực dụng. E-book vẫn còn ngăn người ta không thể lướt nhanh tới trước theo ý thích hoặc không thể dễ dàng giở lại chương vừa rồi được khi mà một câu chữ nào đấy hiện ra trong trí nhớ về một chỗ nào đấy họ đã đọc trước đó.

Một số nhà sáng tạo công nghệ số không tự giới hạn mình ở việc bắt chước sách giấy. Thay vào đó họ làm cho việc đọc trên màn hình tiến hoá thành một thứ hoàn toàn khác. Việc cuộn con chuột không phải là cách lí tưởng để định hướng một văn bản dài và đậm đặc chi tiết như cuốn Moby Dick của Herman Melville, nhưng những tờ như New York TimesWashington PostESPN và những trang truyền thông khác đã tạo ra những bài viết đẹp đẽ, trực quan cao vốn không thể hiện diện ở bản in bởi vì họ hoà lẫn văn bản với những đoạn phim và những đoạn phim có chèn âm thanh và phụ thuộc hoàn toàn vào việc cuộn lên xuống nhằm tạo ra một trải nghiệm mang tính điện ảnh. Robin Sloan đi tiên phong ở mảng tiểu luận ấn ngón (tap essay), vốn dựa trên việc tương tác vật lí để tạo nên nhịp văn và giọng văn, vén mở ra những từ mới, những câu và những hình ảnh mới chỉ khi người ta ấn vào màn hình cảm ứng của điện thoại hoặc của máy tính bảng. Và một số cây bút ghép đôi với những lập trình viên máy tính để tạo ra những loại văn bản hư cấu và phi hư cấu phức tạp hơn bao giờ hết, trong đó những chọn lựa của ta sẽ quyết định những gì mình đọc, nghe và thấy được tiếp theo.

Khi cần đọc thật chú tâm những bài viết dài với những câu chữ không hoa mĩ, thì giấy và mực có thể vẫn đem lại thuận lợi cho người đọc. Nhưng văn bản trơn không là cách duy nhất để đọc.

 Nguồn: Tramdoc.vn (Read Station)

-----------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

311 lượt xem