Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Chọn Sai Ngành, Lối Đi Nào Cho Sinh Viên?

Sự lựa chọn của bố mẹ hay của chính bạn?       


Kì thi Đại học gõ cửa vào năm chúng ta mười tám tuổi. Tất nhiên, chúng ta đều đã lựa chọn cho mình một ngôi trường mơ ước, một ngành học yêu thích trước tuổi mười tám lạ kì. Tôi nói tuổi-mười-tám-lạ-kỳ, đó là bởi có rất nhiều, rất nhiều học sinh Việt Nam hiện nay đứng trước bước ngoặt lớn của dòng chảy cuộc đời trong trạng thái lơ ngơ như một chú cừu non. Đa số các em đều không được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng để hiểu rõ về ngành nghề các em đã chọn, để biết rằng bản thân có yêu thích và phù hợp với công việc đó không. Có những em học Đại học đơn giản vì “Các bạn em cũng đi học”, vì “Bố mẹ em bảo thế”, vì “Ngành này đang hot”,...Các em chẳng biết gì, ấy thế mà đã phải đưa ra một quyết định ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của các em. Thật khó khăn biết chừng nào! Có rất nhiều người cho rằng trượt Đại học là điều đáng buồn và đáng lo ngại nhất, nhưng thực tế, có những học sinh đỗ Đại học cũng chẳng hề vui vẻ gì, ngược lại các em còn mắc vào mớ bòng bong hỗn độn vì không biết nên tiếp tục hay dừng lại. Sẽ rất khó khăn nhưng hãy bình tĩnh đối mặt, chuyện gì cũng có cách mà.


Tôi-một cô sinh viên Đại học Y Hà Nội, bước chân vào trường y vì bố mẹ tôi khuyên thế. Không phải tôi không có niềm yêu thích của riêng mình mà chỉ vì tôi quá yếu đuối và sợ hãi tương lai. Ngay từ năm lớp mười một, tôi đã lần mò tất cả các nguồn thông tin, làm đủ mọi trắc nghiệm tính cách nghề nghiệp trên mạng, hỏi ý kiến các anh chị trong các trường Đại học, trong ngành mà tôi tìm hiểu. Cuối cùng, tôi quyết định mình sẽ thi vào một ngành kĩ thuật ở một trường Đại học có tiếng tại Hà Nội. Tôi chưa hề được trải nghiệm về ngành nghề đó nhưng qua những gì tự tìm hiểu được, tôi cảm thấy tính cách và khả năng của bản thân rất phù hợp với ngành này. Tôi tìm thêm các trường Đại học khác đào tạo ngành đó nhưng với điểm đầu vào thấp hơn để đặt thêm nguyện vọng. Vào tháng Ba của năm học lớp mười hai, chúng tôi-những cô cậu mười tám tuổi ngoài học ra chẳng biết làm gì khác, rục rịch làm hồ sơ thi Đại học. Có nhiều bạn được gia đình định hướng từ trước, có nhiều bạn có niềm đam mê riêng của mình, cũng có nhiều bạn đến thời điểm ấy mới tá hỏa tìm xem ngành nào đang hot, ngành nào phù hợp với bản thân. Quãng thời gian đó là những ngày căng thẳng với lịch ôn thi dày đặc trên lớp, với sự lựa chọn tư vấn của người thân và của chính bản thân mình. Nhưng, với quy chế thi và xét tuyển Đại học mới, chúng tôi được phép sửa lại nguyện vọng và thứ tự các nguyện vọng sau khi biết điểm thi. Chính quãng thời gian này đã thay đổi hoàn toàn quyết định của tôi trước đây. Với điểm thi khối B khá cao, bố mẹ khuyên tôi lựa chọn ngành y. Có lẽ công cuộc chọn nghề của tôi hơi loằng ngoằng. Trước năm lớp mười một, tôi dự định sẽ học y như bố mẹ định hướng trước đó. Nhưng vì tình trạng học tập của tôi ngày càng sa sút mà trường y thì luôn lấy điểm cao, tôi lo sợ bản thân không thể thi đỗ, cộng thêm việc tôi đọc được nhiều bài báo nói về nỗi khổ của bác sĩ, rất nhiều đặc điểm nghề nghiệp của ngành này không phù hợp với tôi nên tôi đã chọn ngành khác sau một quá trình tìm hiểu. Tất cả những nguyện vọng của tôi đăng kí vào tháng ba năm đó đều chẳng liên quan gì đến ngành y, ấy vậy mà bốn tháng sau, mọi sự thay đổi hoàn toàn. Khi biết được điểm thi của tôi có khả năng đậu ngành y, bố mẹ khuyên tôi nên học ngành này vì tương lai rộng mở, bền vững. Mặc dù bố mẹ nói sẽ cho tôi tùy thích chọn ngành học nhưng ban đầu chỉ là khuyên, sau đó là ép buộc gián tiếp. Có quá nhiều lí do bố mẹ đưa ra cộng thêm sự hiểu biết hạn hẹp của mình, sự lo sợ về tương lai mờ mịt, tôi không đủ dũng cảm để đấu tranh lựa chọn ngành học mà mình thấy phù hợp. Cuối cùng, tôi ngồi ở giảng đường Đại học Y Hà Nội với nỗi chán chường vô bờ bến.


Bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn

Có một điều kì lạ là tôi chẳng suy nghĩ đến việc thi lại Đại học, cũng chẳng có cảm giác tiếc nuối hối hận gì. Chỉ đơn giản, tôi tôn trọng quyết định của chính mình. Tôi luôn nghĩ mọi thứ đến đều phù hợp với mình, và nếu đã không chọn thứ mình yêu thì hãy yêu thứ mình chọn. Tôi chưa yêu ngành y, chưa thật sự hứng thú với những gì mình đang được dạy nhưng tôi cũng chẳng ghét bỏ hay bực bội khó chịu gì cả. Có lẽ mọi người nghĩ Đại học Y Hà Nội là một ngôi trường danh tiếng bậc nhất Thủ đô, vào được đó là niềm vinh dự tự hào của bao người, thậm chí có rất nhiều người khao khát mà phải ngậm ngùi học tập ở một ngôi trường khác, chẳng lí gì vào được rồi mà lại muốn ra. Mọi thứ chỉ có giá trị khi bạn khao khát và nỗ lực đạt được nó. Còn tôi, cứ như thể chuột sa chĩnh gạo vậy. Tôi vẫn hay đùa với đám bạn rằng “Dòng đời xô đẩy mình vào y” nhưng thật ra, ngành y là một lựa chọn của tôi, dù thế nào đó cũng là ngành học mà tôi lựa chọn và tôi phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Ngay những buổi học đầu tiên, lớp tôi được tổ chức một buổi hướng nghiệp-điều mà đáng lẽ chúng tôi nên được hưởng từ những năm đầu trung học. Nhưng đến bây giờ vẫn chưa phải là muộn, thầy cô muốn chúng tôi hiểu rõ ngành nghề mình đã chọn để nếu muốn, thay đổi vẫn còn kịp, chúng tôi mới chỉ chập chững vào trường mà quãng đường sáu năm và sau sáu năm để trở thành một bác sĩ thực thụ  thì còn rất dài phía trước. Mọi kiến thức thầy cô cung cấp là một khoảng trời khác xa so với những gì tôi và bố mẹ tôi nghĩ trước đây. Chẳng thể trách được các bậc sinh thành vì họ vốn là những người nông dân chân chất, chỉ biết cố gắng làm lụng dành dụm tiền bạc lo cho con học đến nơi đến chốn. Với thời đại hiện nay dân trí tuy được nâng cao nhiều nhưng không thể san lấp tất cả lỗ hổng kiến thức cho mọi người, và cũng chẳng thể ngăn những người làm cha làm mẹ lo lắng cho con cái mình. Làm sao có thể trách mong ước con mình được sống ấm no hạnh phúc, tương lai sáng lạn?


Như tiến sĩ Lương Hoài Nam có chia sẻ :“Tôi có cảm giác rằng, phần đông người Việt quan tâm đến mục tiêu giáo dục là để con cái sau này có cuộc sống an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền, tốt nhất là được làm quan. Ít ai che giấu mục đích đó. Nó thậm chí còn được bày tỏ, thể hiện như tấm lòng, tình thương của bố mẹ. Con cái thường cũng biết như thế và vui thích với những gì được bố mẹ dành cho.” Quả thật, tôi đã vì một câu “Cá không ăn muối cá ươn” mà chọn ngành mình không thích cho “xong chuyện”. Như mọi đứa trẻ sinh ra ở nông thôn khác, sự tư vấn của bố mẹ là yếu tố hàng đầu để tôi chọn lựa ngành nghề của mình. Tất nhiên, không ai dám chắc tương lai ra sao. Có thể ngành này hiện nay đang hot nhưng vài năm tới sẽ không còn hot nữa, có thể bây giờ chúng ta thích nhưng sau này không thích nữa, cũng có thể ngược lại. Thích và đam mê là hai điều hoàn toàn khác nhau. Thích là cảm giác hứng thú nhất thời, có cũng được không có cũng chẳng sao, còn đam mê lại là một ngọn lửa cháy mãnh liệt, nó sẽ thôi thúc bạn hành động đến cùng. Có lẽ lí do tôi không kiên quyết theo đuổi ngành học kia bởi vì tôi chỉ mới dừng lại ở chữ “thích” chứ không hoàn toàn do bố mẹ ép buộc chọn lựa ngành y. Ngay cả khi có đam mê thì sự tư vấn và ủng hộ của bố mẹ cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc chọn ngành nghề, bởi mọi đứa con đều mong được bố mẹ công nhận và ủng hộ. Sự sát cánh của bố mẹ chắc chắn là cơ sở, là động lực để chúng ta theo đuổi đam mê, sống với những tháng năm tuổi trẻ nhiệt huyết máu lửa. Nhập học rồi, tôi không chán ghét trường học quá, đôi lần đi lang thang giữa lòng thủ đô, bất chợt nhớ đến nụ cười rạng rỡ của mẹ, niềm tự hào hiện rõ trên gương mặt bố và câu nói “Chị vui lắm!” của chị gái khiến tôi thấy vui lây. Dẫu rằng tôi đã chọn ngành mình không mong muốn nhưng khiến cả gia đình vui như thế tâm trạng tôi cũng phấn chấn lên phần nào. Tôi biết, ở trường đại học của tôi có rất nhiều anh chị đi trước mặc dù học đến năm thứ năm, thứ sáu rồi vẫn rẽ ngang sang một con đường hoàn toàn khác và rất nhiều người trong số họ thành công. Những gì họ học được ở trường đại học không hề lãng phí mà còn bổ trợ rất nhiều cho công việc của họ ngay cả khi mọi người thấy hai nghề đó chẳng liên quan gì đến nhau. Hiện nay có rất nhiều người trẻ thành công như thế. Doanh nhân Tạ Minh Tuấn, một trong những người thành công nhất châu Á trước tuổi ba mươi theo đánh giá của Forbes, có lẽ ít người biết rằng anh chọn một ngành học kĩ thuật chẳng liên quan đến kinh doanh và thậm chí anh còn chưa tốt nghiệp đại học, vậy mà anh chia sẻ trong cuốn tự truyện “Trước bình minh luôn là đêm tối” rằng những gì anh học được trong trường đại học giúp ích rất lớn trong quá trình khởi nghiệp tạo dựng thành công của mình. Vậy đấy, ngay cả khi chúng ta không được chọn lựa ngành mình thích ngay từ ban đầu, chưa tìm được đam mê của bản thân khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời thì cũng chẳng có gì phải lo lắng. Sự thành công trên ghế giảng đường không hề tỉ lệ thuận với sự thành công trong cuộc sống. Miễn là chúng ta có thái độ tích cực, chủ động trau dồi kiến thức, cải thiện các kĩ năng mềm cần thiết, không có kiến thức nào là lãng phí. Như một hạt giống nằm im trong lòng đất, hội tụ đủ tinh khí đất trời, chúng ta sẽ trỗi dậy vươn vai đón nắng mai ửng hồng.


Thái độ tạo nên thành công       

Một điều tốt đẹp mà chúng ta có thể bắt gặp trong các trường Đại học đó là có nhiều bạn sinh viên mặc dù ban đầu không chọn ngay ngành mình thích nhưng sau một thời gian học tập và tìm hiểu, các bạn lại yêu thích ngành nghề mình đã chọn và thành công với công việc ấy. Đó là lí do tại sao có rất nhiều người cho rằng “Nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”. Dẫu vậy, nghề chọn người hay người chọn nghề không có câu trả lời làm quy chuẩn cho tất cả mọi người. Mỗi người sẽ có lựa chọn của riêng mình và quan trọng hơn hết, thái độ mới là điều cốt lõi tạo nên hạnh phúc trong cuộc sống này.


Tôi biết, số sinh viên làm đúng ngành nghề mình được học ở trường Đại học là rất ít. Theo thống kê mới nhất do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, 60% sinh viên đang làm trái ngành nghề. Như vậy có nghĩa là có rất nhiều sinh viên chọn sai trường, sai ngành, ngay cả khi các bạn ấy có nghe theo ý kiến của bố mẹ hay không. Tôi không biết mình có thể thay đổi để yêu thích và theo đuổi ngành nghề mà gia đình đã chọn giúp không nhưng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn trên giảng đường, và tương lai vẫn là những áp lực thi cử mệt mỏi. Tôi đã từng bật khóc vì lượng kiến thức “khủng” của ngành y, tôi đã từng lang thang trên các nẻo đường Hà Nội mặc nắng mặc mưa táp vào mặt vì quá chán chường và thất vọng, tôi đã từng muốn từ bỏ mọi thứ nhưng nỗi sợ hãi bám riết lấy tôi, tôi chẳng biết làm gì nếu thôi học. Chắc hẳn rất nhiều người trẻ từng rơi vào khủng hoảng như tôi và mỗi người sẽ có một cách khác nhau để vượt qua. Ngay từ những ngày đầu chân ướt chân ráo vào Đại học, tôi đã được gặp các anh chị khóa trên và được mọi người chia sẻ rất nhiều điều. Trường y có nhiều sinh viên theo học với mong muốn của gia đình, các anh chị từng rơi vào bế tắc và chán chường nhưng họ đã tìm được giải pháp, đó là tham gia các câu lạc bộ, tổ đội nhóm-nơi có những người bạn, người anh, người chị giúp đỡ, chia sẻ và động viên nhau lúc khó khăn. Tôi là một cô nàng hướng nội, không năng nổ tham gia các phong trào, tuy vậy tôi cũng tự tìm được giải pháp cho riêng mình. Đối với tôi đó là ngừng đặt những mục tiêu lớn hay mục tiêu dài hạn, chỉ tập trung vào hoàn thành những công việc nhỏ hằng ngày, cố gắng làm các bài tập và học lí thuyết sau mỗi bài giảng trên lớp, rèn luyện thêm cái kỹ năng mềm . Khi bạn hoàn thành những điều nhỏ thật tốt, bạn sẽ bất ngờ về điều vĩ đại mà bạn đạt được. Giống như việc học một ngôn ngữ mới vậy, mỗi ngày bạn chỉ cần học thêm 5 từ, 10 từ, chẳng mấy chốc mà bạn đã có đủ vốn từ để giao tiếp căn bản. Mỗi người chỉ có 24h 1 ngày, nếu học ngành mình không thích, có thể bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để vượt qua các kì kiểm tra. Áp lực thi cử điểm số là vô cùng lớn, nhưng nhất định bạn hãy dành thời gian làm những việc mình thích, một chút ít thời gian thôi cũng có thể tạo nên hạnh phúc và thành công cho bản thân bạn, như một chất keo hàn gắn vết nứt, bạn sẽ dần bình tâm sau những tổn thương vấp ngã. Có lẽ bạn đã từng nghe đến nguyên lí 80/20-một nguyên lí rất nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, và trong cuộc sống cũng không hề ngoại lệ. Chỉ 20% quỹ thời gian trong cuộc đời bạn tạo nên 80% hạnh phúc. Chỉ 20% thời gian làm việc tạo nên 80% năng suất. Có một chuyên gia từng nói, giá trị của bạn được tạo nên bằng những việc bạn làm trong thời gian rảnh của mình. Tìm cho mình một sở thích, rèn luyện và phát huy sở trường của bản thân, cơ hội chắc chắn sẽ gõ cửa vào một ngày bất ngờ.


Cuối cùng, tôi chỉ muốn nhắn gửi tới những bạn không chọn được đúng ngành mình thích rằng nếu các bạn có đam mê, hãy dũng cảm theo đuổi nó. Còn nếu chưa tìm được đam mê của mình, hãy cố gắng có một tấm bằng Đại học, ngay cả khi đó không phải ngành học bạn thích. Mọi thứ bạn học được đều sẽ là hành trang chắp cánh cho những ước mơ hoài bão của bạn trong tương lai. Biết thêm một chút, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn một chút. Chúc bạn thành công và hạnh phúc với con đường mình đã chọn!



Tác giả: Trần Thoại Mỹ, Đại học Y Hà Nội

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tranthoaimy106 


     --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng củaYBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,030 lượt xem, 987 người xem - 987 điểm