Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Lỗ Hổng Niềm Tin Giữa Hai Thế Hệ

Chúng tôi đủ lớn để tìm lối đi cho riêng mình nhưng vẫn còn non để nói không cần  lời khuyên bảo của các bậc cha chú. Khủng hoảng của người trẻ chúng tôi một phần vì không được người lớn tin và không thể tin họ.

1. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định đi một chuyến dài ngày vào Nam. Đó thực là việc mạo hiểm, vì trong lúc bạn bè cùng trang lứa sốt sắng lo tìm việc làm, tôi lại rong ruổi đi chơi. Bố tôi, dù đồng ý cho tôi đi, nhưng lại cằn nhằn cũng vì lí do ấy. Song tôi nghĩ, đôi khi cần tạm quên những bộn bề, thách thức đang chờ đợi. Đi là cách để tìm lại chính mình, suy ngẫm về những ngày đã qua và những ngày sắp tới, về điều chúng ta muốn làm. Đi để điều chỉnh thái độ sống cho phù hợp, chuẩn bị tâm thế bước vào đời. Nói đi chơi chỉ là cách tạo môi trường thoải mái cho đầu óc yên tâm suy nghĩ, để tự trấn an mình đừng  bấn loạn, hãy tận dụng thời gian thư giãn này để suy tư.


Nhiều khi chúng ta quá mải móng, để cái tôi bị cuốn vào nhu cầu vật chất và những chiếu lệ xã giao. Và tan biến mất. Nhiều khi chúng ta quá để ý tới những nhận xét của người khác về mình, quá lo lắng về những thứ mình khuyết thiếu, để rồi đánh rơi ý thức về bản thân, lãng phí điểm mạnh trời ban, hờ hững với những món quà cuộc sống trao tặng. Nhiều khi chúng ta bị áp lực trước suy nghĩ 9X phải năng động, trẻ trung, để rồi nhầm lẫn việc trầm ngâm nghĩ ngợi, lắng nghe cuộc sống là già nua, chậm chạp. Song nhiều hành động phải bắt đầu từ suy nghĩ.  Đôi phút nhìn lại chính mình là cách tra dầu mỡ, vặn dây cót cho tinh thần, sao cho nhịp sống của bản thân hòa điệu, chạy trơn tru với nhịp sống xung quanh.

 

Tôi tin tưởng tất cả mọi người. Tôi chỉ không tin ác quỷ trong họ.

I trust everyone. I just don't trust the devil inside them.

Troy Kennedy-Martin    


Tôi tin tưởng vào điều mình nghĩ, nhưng tôi không thể chia sẻ mục đích chuyến đi của mình, cũng như rất ngại sẻ chia những điều khác với người thân, đặc biệt là những người lớn tuổi. Bởi tôi cảm thấy nhiều khi họ không tin tưởng người trẻ chúng tôi. Và bản thân chúng tôi cũng có những điều không thể tin họ. Để tin tưởng nhau thì phải hiểu. Song dường như,  giữa hai thế hệ còn dành chưa nhiều thời gian cho nhau và chưa thực sự có mong muốn hiểu nhau.


2.  Tôi có cô bạn yêu văn và giỏi văn nổi tiếng ở trường trung học. Mặc dù môn văn, cũng như những môn xã hội khác bị coi là lỗi mốt, học sinh giỏi văn không được coi trọng như học sinh giỏi toán, lí, hóa, ngoại ngữ nhưng bạn tôi, hồi còn học trung học, vẫn từ chối vào đội tuyển toán để theo văn. Sau một vài lần thi trượt HSG văn, nhiều người cười chê, bố mẹ bắt cô ấy phải sang lớp toán. Nhưng bạn tôi học vì niềm yêu thích, vì những giá trị cô ấy nhận được từ văn học, chứ không phải vì bất cứ danh hiệu, giải thưởng nào. Vậy mà cuối cùng bạn tôi cũng hoang mang và đánh mất niềm tin về bản thân mình chỉ vì người khác không tin bạn.

Bạn tôi là học trò cưng của cô giáo dạy đội tuyển Văn, được kì vọng là người sẽ rinh giải nhất về cho đội tuyển. Nhiều người trong chúng tôi thầm ghen tị trước những lời khen ngợi, ánh mắt ân cần cô nhìn bạn trong giờ học, sự sốt sắng, chăm sóc của cô khi thấy bạn ốm hay việc cô bảo nhà bếp ở khu nội trú đổi khẩu phần ăn cho riêng bạn,… Tôi biết bạn tôi đã cố gắng rất nhiều, cũng chịu áp lực rất nhiều trước lòng mong mỏi của cô giáo và mọi người. Song kết quả là, bạn chỉ đoạt giải khuyến khích, điểm thấp gần cuối đội tuyển. Cô giáo tôi đã rất giận, với một giáo viên dạy giỏi như cô thì thật khó lòng chấp nhận học trò cưng thi thố kém cỏi như vậy.

 Cô giáo là người thiết tha với văn chương và nghề dạy học. Cô đã truyền thêm nhiều tình yêu văn học cho bạn tôi. Điều đó càng làm bạn tôi hụt hẫng, chán nản khi cô trách mắng và tỏ ra lãnh đạm với bạn chỉ vì cái danh hiệu HSG. Khi bạn tôi tâm sự với cô giáo về ước muốn làm nhà văn của mình, cô đã khuyên bạn đừng tham vọng. Điều này đã khiến cô ấy hoang mang về năng lực viết lách của mình.

 

Người ảnh hưởng tới bạn là người tin vào bạn.

The people who influence you are the people who believe in you.

Henry Drummond


Sau đó bạn tôi theo học truyền thông,  một ngành không phù hợp với bản tính của cô ấy và bạn cũng không một chút mặn mà. Đôi khi tôi cảm thấy xót xa cho bạn tôi, cho những người từng có ước mơ, niềm yêu thích một lĩnh vực nào đó nhưng rồi lại từ bỏ vì không nhận được niềm tin tưởng, ủng hộ của những bậc thầy cô, cha chú. Đừng vội trách họ thiếu can đảm, tự tin để theo đuổi mơ ước của bản thân. Khi phải chọn lựa cánh cổng đại học, họ chỉ là những cô cậu chưa đầy 20 tuổi, cần rất nhiều sự dìu dắt, tư vấn của những người đi trước. Họ cũng được dạy dỗ rằng là trò ngoan, con hiếu thì phải biết nghe lời.  Nhiều người trong chúng tôi không có quyền lựa chọn đường đi cho mình. Nhiều bạn khác nghe bố mẹ, thầy cô nói rằng: “Con được tự do lựa chọn nhưng phải trong ý muốn của người lớn”.

3. Còn nhớ hồi lớp tôi làm hồ sơ thi đại học, cô chủ nhiệm đã khuyên chúng tôi thi một trường thấp điểm hoặc vừa tầm với năng lực của mình để học tạm. Sau một năm, cảm thấy không phù hợp hẳn nghĩ tới chuyện thi vào trường mình mơ ước. Lúc đó, nếu có trượt thì vẫn có chỗ ở trường đại học cũ. Còn bố mẹ tôi thường răn tôi học hành cho tử tế, chọn cái trường phọt phẹt thôi cũng được, đừng để mang tiếng học trường chuyên mà trượt đại học thì không còn dám vác mặt ra đường.

Chẳng biết các thầy cô và các bậc phụ huynh khác có khuyên bạn bè cùng trang lứa với tôi như thế không, nhưng kết quả là rất nhiều người thi một trường, một ngành không phù hợp với năng lực, mong ước của họ. Một số bạn của tôi mất một năm học hành uể oải, đứng núi này trông núi nọ, tâm trạng nhấp nhổm, bất an. Nếu như họ được người thân sẻ chia, thấu hiểu và khích lệ ngay từ những năm đầu phổ thông, thì có phải mơ ước của họ đã không bị trì hoãn hay vụt mất!

Phải chăng người lớn quá lo chăm chút danh dự, tiếng tăm mà thiếu niềm tin ở con em mình. Nhiều phụ huynh tự hào khi con đỗ hai trường đại học, nhưng liệu họ có thực sự tin tưởng chúng? Bởi cùng với việc nghĩ con mình giỏi, nhiều bậc cha mẹ cũng tin rằng nếu họ không can thiệp vào chuyện chọn trường của con thì chúng không thể đạt được kết quả như vậy. Ý nghĩ đó cho thấy họ không tin tưởng vào mong muốn, nhận thức của con. Nhiều học sinh tìm đến cái chết sau khi thi trượt không phải vì họ tự ti về năng lực của mình mà do chịu áp lực quá nặng từ gia đình và những người xung quanh. Giá như người lớn hiểu rằng tuổi trẻ cần được tin tưởng, để thử sức, vấp ngã, rồi đứng dậy thì sự đâu đến nỗi.


4. Tôi đã nghe mòn câu chê trách của cô bác tôi: “Thanh niên bây giờ chối lắm!”. Người lớn thích so sánh một thế hệ cuốc bộ, đạp xe hàng trăm km, vác vài chục kg gạo mà vẫn đi băng băng,… với thế hệ trẻ ngày nay trói gà không chặt, quen thói ngủ ngày, hoặc ví von “thanh niên uống nước trà, ông già tập thể dục”. Song để công bằng, họ cũng nên nhắc đến những người trẻ không có điều kiện ăn sung mặc sướng, phải làm thêm đến rạc cả người, vẫn ăn mì tôm cả tuần để có tiền học thêm ngoại ngữ, tin học,… Người lớn hài lòng rằng thế hệ của họ ăn đói mặc rách nhưng sống chết vì lí tưởng và chê cười chúng tôi sung sướng quá, được voi đòi tiên mà sống nhạt nhòa. Song họ không hiểu được những bi kịch của giới trẻ ngày nay, sự khủng hoảng niềm tin và nỗi cô độc trên đường tìm lí tưởng. Vì cẩn trọng, người lớn lắc đầu trước sự mạo hiểm, dấn thân của người trẻ. Vì được rèn giũa trong thiếu thốn vật chất, họ quên đánh giá người trẻ ở trí tuệ nhạy bén, khả năng hội nhâp.

 

Bạn càng cho đi nhiều lòng tin, càng nhiều lòng tin trở lại với bạn. Bạn càng giúp người khác nhiều, người khác càng muốn giúp bạn nhiều.

The more credit you give away, the more will come back to you. The more you help others, the more they will want to help you.

Brian Tracy

 

Họ không tin chúng tôi, nhưng chính chúng tôi cũng không tin họ. Nhiều hành động của người lớn cùng với sự khác biệt giữa hai thời đại khiến niềm tin của chúng tôi về những hệ giá trị do họ xác lập cũng lung lay. Những lời răn dạy về công bằng, chính nghĩa trái ngược với một xã hội đầy rẫy tham nhũng, bè phái, ô dù. Tiếp theo lời rao giảng sống vì mọi người là việc lo lót cho bản thân và con cháu của mình một “ghế” hào nhoáng, nhàn hạ trong xã hội. Cổ xúy văn minh, học vấn nhưng họ vẫn công khai mua bán bằng cấp, chức tước. Tỏ ra xem thường lối sống vật chất, phê phán trào lưu sex, sống thử, thú hưởng thụ tinh thần của giới trẻ tại các quán bar, sàn nhạc nhưng nhiều bậc lớn tuổi vẫn lén lút mua dâm, âm thầm hưởng lạc, tiệc tùng ở những khách sạn đắt tiền, biệt thự triệu đô.

Chúng tôi còn rất trẻ, chúng tôi cần một điểm tựa là thế hệ đi trước. Chúng tôi cũng có nhiều trăn trở, khát vọng nên cần được tự do khám phá bản thân mình. Mong các bậc tiền bối hãy tin chúng tôi, và làm cho chúng tôi tin họ. Bằng cách nào? Có lẽ chỉ khi các thế hệ chúng ta xóa bỏ những định kiến về nhau, chấp nhận những khác biệt không thuộc quy chuẩn đạo đức, không phân định thiện - ác, tốt đẹp - xấu xa trong lối sống, lối suy nghĩ, tính cách, sở thích của nhau.  Có lẽ chúng ta cần nhiều sự đồng cảm, tha thứ, tin tưởng và khích lệ nhau hơn. Nhưng để hiểu và tin nhau, tại sao chúng ta không đối thoại, tâm tình với nhau nhiều hơn và đặc biệt là lắng nghe nhau hơn nữa? 


Tác giả: Quỳnh Vũ, Biên dịch viên @ My Home

Kết bạn và theo dõi Facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/quynh.vu.12576

------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

123 lượt xem, 120 người xem - 123 điểm