Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Nhu Cầu, Giá Trị Của Bản Thân Và Điều Kỳ Diệu Hơn Thế Nữa !

Một người có khiếu hài hước làm tôi vui vẻ, một người có óc sáng suốt làm tôi nể phục, một người buồn tẻ làm tôi nhàm chán, một người nông cạn làm tôi bực mình. Cách nhìn nhận về những kiểu người khác nhau có lẽ được mặc định sẵn trong đầu tôi. Có đều, cái lẽ hiển hiện ấy thật kỳ lạ. Bây giờ mà giả như cả bốn người trên kia chẳng có sợi dây liên hệ gì với tôi, tôi chỉ trông thấy họ thể hiện con người của mình, thế cũng đủ để tôi đánh giá về họ, một cách tự nhiên không toan tính trước. Tôi được lợi ích gì từ việc đó? Đơn giản là nếu như có cơ hội, tôi sẽ chọn đúng đối tượng để làm bạn với mình, một người bạn tốt là một nguồn hạnh phúc lớn. Bản năng của tôi, cũng như mọi người nói chung, ngầm hiển thị cho chúng ta thấy việc quyết định đúng đắn trước khi hành động phải được thiết lập sẵn, phải luôn ở đó như một lẽ hiển nhiên. Và vì bản năng luôn xuất phát từ bên trong chúng ta, sự chọn lựa thường dựa trên nhu cầu bản thân của mỗi người.

Chúng ta cần một minh chứng cho nhận định này:

Khá lâu về trước, tôi từng lấy làm cực kỳ kích thích với những chuyện trên trời dưới đất bởi vì tôi sống giữa đất trời và muốn hiểu rõ hơn cái không gian bao la rộng lớn này. Muốn như thế, tôi nghĩ, mình nên hướng bản thân ra ngoài xã hội, ở đó sẽ có nhiều tin hay để tôi tóm lấy. Tôi hay dỏng tai nghe chuyện về những người phá sản bởi lối sống sa đọa, một bà lấy chồng những ba bốn lần, một cô đẹp trở ra xấu tàn tạ bởi phẫu thuật thẩm mỹ sai chỗ,… Sau đó đến phần hoạt động của cái miệng, tôi bàn luận về họ bất kể mệt mỏi, trên danh nghĩa là mong muốn có thể tìm ra mấu chốt của vấn đề để sau này khỏi vướng phải, nhưng thực chất là săm soi người khác để mình có chuyện làm. Đấy là hồi đó tôi nghĩ thế. Bây giờ tôi thấy sao mình ác với mình quá : Cố nhồi nhét chuyện của người khác vào đầu mình để rút ra bài học cho bản thân trong khi chính tôi có một mớ những rối ren bị phớt lờ đi một cách phũ phàng. Càng ngày cái tính nhiều chuyện và săm soi của tôi càng to lớn, dẫn tôi theo cái lối sống chẳng biết nghĩ cho ai, đến bàn luận đến bạn mình tôi còn không ngán, kết quả là tôi bị giận sau khi nhận định bạn mình “ăn nhiều như sắp chết đói mặc dù quá béo tròn” và rút ra bài học cho bản thân: “Tao sẽ không ăn nhiều như mày”. Điều buồn nhất là tôi không hề biết đến trường hợp nào tương tự trong những cuộc bàn luận của mình để rút ra bài học mà áp dụng trước khi tôi bị giận dỗi. Cái phấn khích thái quá của tính nhiều chuyện làm tôi đá luôn lương tâm đi đâu mất.

Tôi hồ nghi về cách mình bước vào xã hội : Qúa xông xáo, quá nông nổi. Nhìn bạn bè xung quanh tôi, họ bước đi thật nhẹ nhàng khi nhận thức được lương tâm là quan trọng nhất ngay từ đầu, họ không bỏ qua các quy tắc cơ bản trong cách sống như tôi. Điều đó làm tôi hoang mang về mình, tôi thấy tội lỗi vì tất cả những gì mình đã làm với tất cả những người khác. Tôi biết mình thay đổi thì mọi thứ sẽ ổn thôi, nhưng nó như ánh sáng sau cơn mưa, cơn mưa đã làm ngập hết đường phố, tắt bao nhiêu cái xe của người khác vậy. Tôi trăn trở vì điều đó. Chính việc phán xét bạn tôi, một người rất thân thiết và làm cuộc sống của tôi trở nên đẹp đẽ hơn, là mở đầu cho sự hối hận vô cùng, cái tình người cũng nhân đó mà nảy nở, cảm giác cực kỳ tội lỗi dần dần lan tỏa đến các đối tượng khác. Chính từ lúc nhận ra mình khó chịu với bản thân nhiều như thế nào, tôi vướng vào rắc rối thật sự. Tôi thực sự có cảm giác như mình là một kẻ sống vì người khác, tôi thấy xã hội như một phần của mình và khó có thể thay đổi. Cánh tay phải của tôi, tôi mà làm nó bị thương nhẹ là tôi sẽ có một cơn đau nhẹ. Còn ở xã hội này, tôi làm việc gì sai lầm, tôi sẽ cảm thấy mấy lần day dứt, đau đớn hơn người khác. Lúc ấy tôi vừa khó chịu bản thân mình, vừa lo cho mình thật sự, bởi trải nghiệm cảm giác ôm lấy cả xã hội và tự gánh lấy trách nhiệm từ đó một cách lố lăng chắc chắn sẽ làm tôi điên đầu. Tôi thấy rõ cơn điên ấy dần lan ra trong người. Tâm hồn tôi là một vườn hoa đang bị phun chất độc quá lượng, có nguy cơ chết hàng loạt, còn kẻ phun thứ thuốc đó vào vườn hoa này lại chính là tôi.


Chất độc đó là hành động “Rút ra bài học nhận thức và hành động từ người khác, cộng thêm một vài nhận xét sâu sắc hơn, thêm một tí xăm soi nữa để nắm bắt nhiều hơn.”

Tôi đi tìm nguyên nhân tại sao mình lại thích làm thế.

Trong lúc tìm kiếm, tôi may mắn được mách rằng hít thở thật sâu và chẳng suy nghĩ gì cả thì tâm hồn tôi sẽ bớt đục đi mà trong ra, trong đủ để nhìn thấy đáy.

Tôi làm theo và dần nhận ra đó là cảm giác xuất phát từ nỗi sợ bị ghét bỏ, bởi tôi bám víu, đeo bám lấy xã hội này như một con thiêu thân bám lấy ánh đèn vậy. Đều gì dẫn tôi tới cảm giác sợ hãi lạ lùng ấy? Chính là cái quan điểm “ Phía sau mỗi người là hàng loạt bài học hấp dẫn, ta có thể mặc sức nhìn nhận miễn là họ không từ chối.” Qua cách nghĩ đó mà tôi cảm giác như họ là những con người dễ thương, dễ gần hết sức, bởi họ “cho phép” tôi đánh giá họ. (Đúng đắn hơn là tôi mặc nhiên làm vậy.) Đó là cách tôi tự tạo cho mình sự liên kết với xã hội, những mối quan hệ một chiều mà nếu đối phương biết được họ sẽ tự động cắt phựt nó đi.

Kì lạ.

Tôi nên bỏ ngay cái suy nghĩ đó từ thuở nào rồi.

Tôi đi đứng sai cách ngay từ đầu, tôi mải miết rong ruổi trên đường đi và đeo lên cặp kiếng thích hợp cho lộ trình mình chọn. Cũng đi trên một con đường như nhau, nhưng có người đeo kính râm để chống bụi, có người đeo kính sặc sỡ vì anh ta là chú hề, người đeo kính lão vì bà ấy đã già, tôi đeo một cặp kính rất to, rất dày để tầm nhìn rộng lớn hơn, xa hơn nữa,  tôi sẽ dễ quan sát những người đó hơn, tìm điểm gì nổi bật một chút từ họ mà đem ra bàn luận. Sai lầm. Cặp kính to, dày nên nặng quá, kéo luôn mặt tôi đập xuống đất. Kính gãy, mặt dập rồi tôi mới tháo nó ra. Mà trước khi tôi kịp ngước mặt nhìn lên giở trò quan sát tiếp thì đã cảm thấy đau nhói khắp cơ mặt rồi, đau quá chẳng thiết nhìn ngó cái gì nữa, lại sợ người ta nhìn, thấy hài quá mà chê cười. Thật lố lăng, có ai như tôi chứ? Săm soi người ta thì thích mà người ta soi lại thì bực!

Cặp kính mà mỗi người đeo ấy là cửa sổ thứ hai họ tự tạo ra để cảm thụ và tiếp xúc với tất cả mọi điều, mọi thứ bên ngoài. Thật sự mà nói, cánh cửa thứ hai này rất hữu ích, nó còn có thể dùng làm vật bảo vệ cửa sổ thứ nhất-cửa sổ tâm hồn-đây là cánh cửa giao hòa giữa tâm hồn với thế giới bên ngoài, nhiều người nói rằng thông qua đó ta thể hiện được mọi cung bậc cảm xúc. Đáng tiếc thay cho ta khi phải thừa nhận rằng, khi lớn lên rồi, việc thể hiện tất cả mọi cảm xúc ra ngoài là bất khả thi. Tôi lấy những ví dụ sau, vừa để giải thích về những người đeo kính, vừa để giải thích lí do tại sao ta khó bộc lộ mọi cảm xúc của mình ra ngoài.

Ví dụ thứ nhất:

Người muốn chống bụi tức là những người muốn sống một đời an lành, tránh gây bất hòa với tất cả mọi người, như thế người đó sẽ phải kiềm chế cảm xúc phẫn nộ khi bị đối xử bất công mà cố tìm cách giải quyết êm đềm hơn. Có thể anh ta / cô ta thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc ở câu nói của Francis Quarles - một nhà thơ Anh (Hay những triết lý tương tự như thế) : “Sự giận dữ có thể làm anh no trong một giờ, nhưng không thể dựa vào cả một buổi tối; sự kéo dài của nỗi giận trở thành thù hận, sự kéo dài của thù hận trở thành ác tâm.”

 "Trong truyền thống tư tưởng phương Tây, từ Plato đến thế kỷ 19, hầu như mọi người đều cho rằng con người và chỉ riêng con người là một con vật có lý trí. " (Tiến sỹ người Đức Jörg Adler.)

Ví dụ thứ hai:

Người đeo kính màu sắc đại diện cho những người mong muốn nhìn ở đâu, nơi nào cũng thấy toàn là sắc màu tươi sáng, họ muốn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, muốn cuộc sống lúc nào cũng đầy hạnh phúc. Ngạn ngữ Anh có câu: “Mỗi người đều là một kiến trúc sư cho hạnh phúc của mình”.Do thế mà định nghĩa về hạnh phúc rất đa dạng: Niềm hạnh phúc người làm cha mẹ là con cái ăn học nên người, cho nên họ chịu khổ cực làm việc vất vả vì con, không một tiếng than trách với con mình. Một nạn nhân của nạn bạo lực học đường nén nỗi đau lại để đứng dậy cất tiếng nói trước xã hội, lên án, tố cáo những kẻ bắt nạt, thành lập dự án hỗ trợ những nạn nhân khác, tìm thấy hạnh phúc nhờ vào tấm lòng cao cả của mình.

Có những đời người tựa những bông hoa sặc sỡ sắc màu.

Ví dụ thứ ba:

Người đeo kính lão tượng trưng cho những người đã già nhưng sức khỏe đủ tốt để bước ra đường, tức vẫn có khả năng làm những công việc yêu cầu họ đeo kính lên: may vá, nấu ăn, đọc sách,... Có phải họ làm những công việc đó vì họ mong muốn được hoạt động, vì có thể đâu đó trong tâm hồn họ biết rằng họ sẽ trống trải lắm khi ngưng làm việc, khi họ không còn khả năng đó nữa? Đằng sau một khuôn mặt vui vẻ và nụ cười hiền hậu của một bà lão có phải là nỗi lo chìm trong sự cô đơn, lạc lõng? Có lẽ họ hiểu hơn ai hết, trong cuộc sống hiện đại và rộn rã này, con cái họ phải làm việc vất vả để hòa kịp bản thân vào dòng chảy tấp nập. Thấu hiểu cho con mình, những người cha, người mẹ già phải che lấp nỗi trống vắng trong tâm hồn sau những sinh hoạt thường ngày.

“Sức nặng của thế giới là tình yêu. Dưới gánh nặng của sự cô độc, dưới gánh nặng của sự bất mãn.”

-Allen Ginsberg ( Nhà thơ Mỹ )-

  

Tất cả những điều trên có liên quan gì đến “sự chọn lựa của nhu cầu bản thân”? Trong cuộc sống này, chúng ta đều có những nổi khổ riêng, những tâm tư, dằn vặt riêng mà không thể nào giãi bày ra được. Chúng là sự chọn lựa tách biệt khỏi nhu cầu bản thân. Một người vì một sự ưu tiên nào đó còn lớn lao hơn chính mình mà anh ta / cô ta sẵn sàng đẩy mình xuống phía sau sự ưu tiên đó, thật sự rất cao cả, rất vĩ đại. Đó có thể là cha mẹ chúng ta, anh chị em ta, người thân ta, bạn bè ta, hay chính chúng ta,... với những sự hy sinh thầm lặng. Tôi muốn nhấn mạnh sự hy sinh đó, mong muốn tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bạn - những người biết hy sinh vì người khác, bên cạnh đó mong bạn nhận ra bản thân mình quan trọng như thế nào với một ai đó, nhận ra có người đang cần bạn nhiều như thế nào, nhận ra giá trị của bạn.

“Khi bạn yêu thương, bạn muốn làm vì người khác. Bạn muốn hy sinh. Bạn muốn phục vụ.”

-Ernest Hemingway (Tiểu thuyết gia Mỹ)-

“Sự hy sinh, nhiệt huyết của những linh hồn vĩ đại, chưa bao giờ là luật lệ của xã hội loài người.”

-Henri Frederic Amiel (Nhà triết học Thụy Sĩ.)-

Tuy nhiên, có những lúc bất chợt, ta cảm thấy trống trải thực sự. Chợt thấy mình sướng như tiên, tràn trề sinh lực, lại thấy mình thoi thóp như cá ngợp nước, tuyệt vọng muốn buông xuôi. Lúc đó, ta chẳng thể nghĩ đến giá trị bản thân mình nữa. Thôi thì cứ quẳng nó đi vậy. Ta đi tìm chính mình thôi! Một “mình” không bị gò vào cái khuôn khổ nào cả, không phải cái khuôn của danh vọng, định kiến, hận thù,... Cái “mình” trong cõi đơn sơ, thanh khiết nhất của tâm hồn.

“Bên trong, tất cả chúng ta đều là hoa hướng dương.”


Tác giả: Nguyễn Hân

Kết bạn và theo dõi tác giả bài viết tại link https://www.facebook.com/hanlulu20.20

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

181 lượt xem, 175 người xem - 182 điểm