Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[TRIẾT HỌC ĐƯỜNG PHỐ] Ăn Xin: Môn Nghệ Thuật Lẫn Ngành Kinh Doanh Thú Vị

Chuyện xảy ra trên đất nước Ân Độ – cách đây vài chục năm – theo Osho’s life and teaching

1. Những ước mơ của người ăn xin

Hồi còn dạy ở trường đại học, tôi từng có một sinh viên là con trai của một người ăn xin. Chỉ nhờ tình cờ mà tôi đã phát hiện ra điều đó. Người ăn xin đó thường đứng ở một trạm tàu lửa mà tôi thường hay lui tới. Nó trở thành một thói quen hàng ngày rằng bất cứ khi nào tôi đến tôi sẽ cho ông ta một rupee, bất cứ khi nào tôi đi cũng vậy. Ông ấy luôn rất hạnh phúc khi thấy tôi bởi vì thời ấy chả ai cho ăn xin tới một rupee cả. Trong một tháng tôi thường lui tới nơi đó ít nhất tám hay mười lần, ông ta kiếm được khá tốt từ tôi và vì vậy, chúng tôi gần như bạn.
Nhưng một ngày tôi tới trạm tàu và không thấy ông ta đâu cả. Chuyến tàu đến trễ nên tôi nhìn khắp nơi để đưa ông ta đồng rupee của ông ấy, nếu không thì tôi sẽ cảm thấy như mình đang phản bội vậy. Ông ta không ở đó, tôi thì muốn thoát khỏi đồng rupee nên tôi ráng đi tìm và sau cùng đã bắt gặp ông ấy trong một kho hàng – đang nói chuyện với một chàng trai – là sinh viên của tôi. Cả hai rất sốc khi thấy tôi, tôi thì cảm thấy bối rối.
Tôi nói “Chuyện gì thế? Tôi đã phải tìm ông khắp nơi. Ông không nên rời khỏi nơi đó vì sẽ khiến tôi nặng gánh không cần thiết với đồng rupee này. Ông nên đứng đó đúng thời điểm tôi tới mới phải chứ. Và ông đang làm gì với sinh viên của tôi vậy?”
Ông ta nói “Giờ thì tôi không thể giấu anh được nữa. Đây là con trai tôi và tôi đang dạy nó. Nhưng làm ơn đừng nói cho ai biết nó là con tôi. Nó đang được mọi người xem trọng, người ta đang nghĩ nó là con của một gia đình giàu có.” – Ông ta quả thật đã giữ cho đứa con một cuộc sống sung túc với thu nhập từ việc ăn xin của ổng. Ở Ấn, những người ăn xin thường kiếm được khá hơn cả những giáo sư. Tôi nói “Tôi sẽ không nói. Không cần thiết để nói cho ai cả. Việc này cũng không hại gì.”
Ông ấy nói “Tôi sống vì nó. Nó là hi vọng của tôi. Những gì tôi không thể hoàn thành trong đời mình, nó sẽ hoàn thành giúp tôi. Có thể tôi sẽ không có thời gian để nhìn nó thành công với ngôi nhà đẹp, cái xe đẹp, lập gia đình, có việc lương cao hay việc kinh doanh phát đạt. Có lẽ tôi sẽ không thể sống lâu như thế nhưng tôi cầu xin Thượng đế cho tôi sống lâu hơn một chút thôi cũng được. Để tôi có thể thấy nó. Tôi sẽ không bao giờ lại gần nhà nó, sẽ không bao giờ làm phiền cuộc sống của nó. Sẽ không một ai biết được nó từng là con của một người ăn xin. Mẹ của nó cũng từng ăn xin nhưng bà ấy đã chết với một niềm hi vọng tương tự. Chúng tôi thậm chí còn chưa kết hôn. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để giữ cho thằng bé một cuộc sống tốt đẹp và chỉ gặp nó ở những nơi không ai biết. Thỉnh thoảng nó tới thăm tôi và chúng tôi gặp nhau ở đây vì không ai vào đây cả. Tôi có thể chịu đựng bao nhiêu đau khổ cũng được, nếu số phận muốn như thế. Nhưng thứ duy nhất có thể giữ cho tôi tồn tại sau bao nhiêu đau khổ đó là con trai của tôi. Giờ nó sắp tốt nghiệp rồi, năm tới có thể nó sẽ có một công việc tốt, rồi thì nó sẽ có nhà – thứ mà tôi không có. Nó sẽ có vợ và có con – những thứ mà tôi không được thừa nhận là có vì chúng tôi đã không kết hôn.”
Tôi nói “Đã bao giờ ông nghĩ đến chuyện tự tử chưa?”
Ông ấy nói “Cái gì? Tự tử sao? Anh đang nói gì thế? Tôi chỉ nghĩ về chuyện sống mà thôi”

Nhờ ông ấy tôi quen khá nhiều những người ăn xin khác và mỗi lần gặp ai lúc riêng tư tôi lại hỏi câu đó và tất cả họ đều sốc rồi trả lời tương tự “Tự tử sao? Tại sao anh lại hỏi câu đó? Không, tôi chỉ muốn sống, tôi thậm chí còn chưa thật sự được sống”
Một người còn bảo “Tôi bỏ tiền vào trong một tài khoản ngân hàng và hi vọng rằng một ngày nào đó tôi có thể nghỉ hưu và sống một cuộc sống thoải mái, thậm chí có thể cho tiền những người ăn xin khác nữa. Mọi người sỉ nhục chúng tôi rất nhiều, thậm chí trong việc bố thí của họ cũng có cả sự sỉ nhục nữa. Họ không bao giờ cho đi với sự cảm thông, họ không cho đi với tình thương, họ cho tiền chỉ vì họ muốn trốn thoát khỏi tôi – họ nhìn tôi như thể một kẻ quấy rối, một mối phiền toái. Và chúng tôi biết điều đó. Vậy nên chúng tôi tạo ra một sự phiền toái thật sự cho họ để xin tiền – bởi vì không ai cho đi với lòng cảm thông cả.
Chúng tôi không bao giờ xin tiền một người nếu anh ta đang bước đi trên đường một mình, bởi vì anh ta sẽ nói “biến đi cho khuất mắt tao”. Chúng tôi chỉ xin khi có nhiều người khác đang ở xung quanh anh ta, anh ta không thể từ chối được vì trong mắt mọi người anh ta là một kẻ rất đáng tôn trọng, một người với đầy lòng từ bi bác ái và thương cảm. Đó chính là lúc anh ta phải thể hiện lòng thương cảm. Chúng tôi thấy trên mặt những người đó một cách rõ ràng rằng họ đang sôi lên vì tức giận – họ cho rằng chúng tôi xin họ ở nhầm nơi, nhưng đối với chúng tôi, nơi đó hoàn toàn là nơi đúng để xin.”

2. Bạn là khách hàng lẫn tài sản của họ

Ăn xin cũng là một việc kinh doanh đầy cạnh tranh. Bạn sẽ không thể ngờ được việc chính những người ăn xin đang sở hữu bạn như thế nào. Khi tôi nhận ra điều ấy, tôi đã ngạc nhiên vô cùng. Bởi vì tôi phải đi du hành, dịch chuyển rất nhiều nên số lần tôi đến và đi các trạm tàu lửa cũng rất thường xuyên. Một người ăn xin già trở nên quen thuộc với tôi – trên thực tế ông ta bắt đầu xem tôi như một tài sản mà ổng sở hữu, rằng mỗi lần tôi đi ngang ổng sẽ phải được nhận một rupee. Ban đầu, ông ta tỏ ra rất biết ơn. Nhớ lần đầu tiên tôi cho ổng một rupee ổng đã không thể nào tin được bởi vì người Ấn Độ không cho một rupee cho ăn xin. Đó là số tiền không nhỏ lúc ấy. Nhưng dần dần mọi thứ trở nên như một việc bảo đảm đến mức thay vì tỏ ra biết ơn, ông ta xem việc đó như việc tôi phải làm. Tôi có thể nhìn thấy trong mắt ông ta rằng nếu tôi không cho ổng một rupee ổng sẽ lập tức trở nên tức giận, cứ như thể tôi đã cướp mất một rupee của ông ấy. Tôi không bao giờ làm vậy, nhưng một ngày nọ tôi đã ngạc nhiên khi không thấy ông ta ở đó nữa mà một người khác trẻ hơn nhiều – đang ngồi ở chỗ đó và anh ta nói “Đừng quên một ruppee của ông đó”
Tôi nói “Làm sao cậu biết chuyện đồng rupee”
Anh ta trả lời “Tại ông không biết thôi. Tôi đã kết hôn với con gái của ông già đó.”
Tôi vẫn chưa hiểu nên hỏi “Nếu cậu kết hôn với con gái ông ấy, vậy thì sao, ông ấy đâu?”
Anh ta nói “Ông ấy trao lại cho tôi toàn bộ khu vực nhà ga này như món quà hồi môn, ông ấy cũng đưa cho tôi danh sách toàn bộ những cái tên mà tên của ông đứng ở hàng đầu. Ông đã luôn cho ông ấy một rupee mỗi lần ông đi ngang bất kể là đi tới hay đi về. Đừng quên tiếp tục việc đó.”
Tôi nói “Thật là một sự tiết lộ quan trọng, rằng mỗi ăn xin đều có lãnh thổ riêng như thế.” Họ sở hữu vùng đất. Họ thậm chí có thể truyền lại vùng đất như một món hồi môn cho con rể nữa. Tôi nói “Điều này thật tuyệt vời. Vậy ông già đó đâu rồi?”
Anh ta nói “Ông ấy đã tìm ra một nơi khác ở gần một bệnh viện, bởi vì người ăn xin ở khu đó mới bị chết. Ông già nhìn ổng già vậy thôi chứ ổng rất khỏe, không ai muốn tranh giành với ổng nên họ để cho ổng ngồi đó.”
Hóa ra là như vậy, những người ăn xin phải đấu tranh với cả khách hàng lẫn đối thủ của họ.

3. Người ăn xin cũng có những phẩm giá

“Lần đó tôi đang đi từ Indore tới Khandwa. Khandwa là một ga lớn nên tôi phải đợi ở đó trong một giờ. Tôi ngồi một mình trong phòng đợi máy lạnh. Một người ăn xin gõ lên cửa sổ và tôi ra hiệu cho anh ta bước vào căn phòng.
Anh ta vào và nói, “Mẹ tôi vừa mới chết, tôi không có đủ tiền để chôn cất bà ấy”.
Tôi cho anh ta 1 rupee. Ngày đó 1 rupee là đủ để mua gỗ và làm hoả táng rồi. Người đàn ông đó lộ vẻ ngạc nhiên. Anh ta là một kẻ ăn xin chuyên nghiệp. Tôi biết điều đó, bởi vì tôi đi qua nơi này rất nhiều lần và luôn là mẹ anh ta vừa chết. Tôi có thể hỏi “Thật là một bà mẹ vĩ đại. Mẹ anh hồi sinh và chết liên tục cứ như là Chúa Jesus vậy!” Nghĩ vậy nhưng tôi không nói gì.
Hôm đó, cho rằng tôi bị điên hay gì đó, anh ta lại gần và nói: “Cha tôi mới chết”
Tôi nói “Tuyệt, thêm một rupee cho cha anh đây”
Người đàn ông không thể tin điều đó, rằng anh ta có thể lừa tôi dễ thế, chỉ 5 phút trước mẹ anh ta chết, giờ thì cha anh ta chết. Vì quá kinh ngạc nên anh ta lấy hết can đảm và trở lại chỗ tôi sau 5 phút nữa.
Tôi nói “Vợ anh mới chết hả?”
Anh ta nói “Làm sao ông biết? Đúng vậy!”
Tôi nói “Đây là một rupee nữa. Ông có tổng cộng bao nhiêu họ hàng nói luôn đi. Không cần thiết phải quấy rầy tôi như thế này. Những họ hàng của ông sẽ chết sớm thôi và ông sẽ cứ đến lần nữa rồi lần nữa. Thật là không cần thiết. Chỉ cần cho tôi con số tổng là đủ. Ông có bao nhiêu họ hàng sắp chết, nói luôn một con số đi.”
Người đàn ông tội nghiệp ấy không thể đếm được quá mười. Tôi nói “Đây, mười rupees của ông đây, nhận lấy và đi đi.”
Ông ta cảm thấy sock và cả có lỗi, ông ấy nhìn tôi rồi hỏi “Trước khi tôi lấy tiền này, tôi chỉ muốn hỏi một điều: ông tin tôi sao?”
Tôi nói: “Ông không làm gì sai cả. Đừng cắn rứt. Tôi có tiền và ông thì nghèo. Lý do gì ông đưa ra để xin tiền không quan trọng. Tôi chấp nhận hết. Và ông không nhận thấy rằng tôi rất hứng thú với gia đình ông sao? Bởi vì mẹ ông đã chết liên tục rất nhiều lần trước đây rồi. Tôi ghé qua cái trạm này rất nhiều lần và lần nào mẹ ông cũng chết. Ông có tổng cộng bao nhiêu người mẹ vậy?”
Anh ta sock hơn nữa và nói “Tôi chỉ muốn hỏi một điều nữa thôi nếu không điều ấy sẽ hành hạ tôi mãi mãi. Làm sao mà ông lại có thể tin tưởng tôi nhiều lần như vậy?”
Tôi nói “Tôi mới là người nên kinh ngạc vì ông không nhận ra tôi đấy. Vì tôi nhận ra ông rất rõ ràng mỗi lần ông ghé lại đây xin tiền với đủ lý do và đủ cách hoá trang khác nhau. Tôi không quan tâm chuyện tin hay không tin CÂU CHUYỆN của ông, tôi tin vào ÔNG. Tôi tin ông bởi vì tôi không thể không tin được. Nó không phải chuyện ông có đáng tin hay không. Nó là về sự bất tài, sự ngây thơ hoặc ngu ngốc của tôi – gì cũng được và tôi yêu chúng. Niềm tin của tôi đối với cái đẹp, cái thực của cuộc đời này quá lớn quá sâu sắc đến nỗi không ai, không gì có thể lay chuyển nó được. Hãy cứ xem tôi như kẻ ngu đi, tôi không phiền đâu.”

Anh ta trả lại tôi 13 rupees, tôi cố gắng từ chối nhưng anh ta nói: “Tôi không thể nhận chỗ tiền này khi biết rằng ông thừa biết tôi lừa ông vậy mà ông vẫn tin tôi, vẫn để tôi lừa ông như vậy. Ông đã cho tôi một phẩm giá mà tôi chưa bao giờ có được thậm chí còn chưa bao giờ nghĩ rằng mình xứng đáng. Tôi sẽ không bao giờ đi ăn xin nữa. Niềm tin của ông nơi tôi đã biến đổi đời tôi dù cho ông đã không hề nói một lời nào.”

Và từ đó, tôi không gặp ông ta ở trạm tàu ấy nữa!

Osho’s life and teaching – Phi Tuyết dịch

Tác giả: Phi Tuyết



Description: Chị Phi Tuyết, tác giả của cuốn sách Best Seller "Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết" đã bán được 20,000 bản. Chị là một nhà văn cây bút có những quan điểm và triết lý được giới trẻ yêu thích. Những bài chia sẻ của chị có thể được tìm thấy tại blog cá nhân phituyet.com hoặc facebook của chị là fb.com/phi.tuyet.1990



Link bài gốc: Ăn Xin: Môn Nghệ Thuật Lẫn Ngành Kinh Doanh Thú Vị



Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

46 lượt xem