Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Đường Phố] Câu Chuyện Về Chiếc Áo Màu Xanh

“Màu xanh là anh bộ đội”.

Mẹ tôi là một quân nhân chuyên nghiệp. Mẹ bảo thế tức là mẹ thuộc một cơ quan của quân đội, nhưng không phải một người lính thực thụ được đào tạo ở trường quân sự, hay được gọi là sĩ quan. Hồi nhỏ, tôi đặc biệt hứng thú với bộ quân phục của mẹ. Bộ quần áo màu xanh lá úa với hàng khuy cùng màu, quân hàm cài trên vai áo với những ngôi sao và quân hiệu đỏ chói, gọi là bộ tiểu lễ phục. Có cả bộ đại lễ phục màu trắng dùng cho những dịp trang trọng. Khuy tròn kim loại màu vàng với hình ngôi sao năm cánh sáng ngời, và thay cho quân hiệu, trên phần cổ áo là một cành tùng và một ngôi sao vàng cho mỗi bên. Tôi thích lấy những thứ đó ra để nhìn ngắm và trầm trồ, thích nhìn thấy mẹ mặc quân phục, dù là tiểu lễ hay đại lễ, thích vòi vĩnh để được cài biển tên có cờ đỏ sao vàng lên ngực áo cho mẹ. Tôi của lúc đó học tiểu học, thích thú đi khoe với bạn bè: “Mẹ tớ là bộ đội đấy”. Trong đôi mắt của cô bé con ngày ấy, bộ đội là những người rất oai.

Màu áo xanh

Nguồn: Google.com.vn

Sau này lớn lên, học lịch sử, tôi hiểu thêm về hai chữ “người lính”. Những chàng trai, cô gái đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Trải qua các cuộc chiến tranh, biết bao nhiêu người đã từng vì Tổ quốc mà từ biệt gia đình lên đường đi “xẻ dọc Trường Sơn” và đã nằm lại tại chiến trường. Máu của họ đã đổ, tấm áo xanh thay cho áo liệm đưa họ về với đất. Mỗi người trẻ của thời đại trước đều hiểu, lên đường đi cứu nước là điều họ cần làm, là cao cả, nhưng đồng thời, họ và gia đình đều hiểu được có thể mình sẽ phải hy sinh. Những người mẹ, người vợ nuốt nước mắt vào trong động viên chồng con, những người nay mai sẽ khoác lên mình chiếc áo xanh đi ra tiền tuyến. Phải trải qua chia li, mất mát, nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, nhưng vì Tổ quốc, vì quê hương, vì xóm làng nhỏ sau những lũy tre xanh, họ vẫn vững bước tiến lên. Hai từ “bộ đội” với tôi lúc đó là những người hy sinh cho đất nước, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Màu áo xanh

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” (Nguồn: Flickr Tôi xê dịch)

Chiến tranh đã qua vài thập kỷ. Những người lính áo xanh ngày nào nay đã luống tuổi, cất đi tấm áo cũ. Như một phần của truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hằng năm, vào các dịp kỉ niệm của quân đội, các cựu chiến binh được mời về các trường học để dạy cho con trẻ, những thế hệ tương lai ưu tú của đất nước, để các em hiểu được người Việt đã từng oai hùng như thế nào, nước Việt đã từng kiên cường như thế nào. Và bây giờ, chính là đến lượt các em bảo vệ Tổ quốc, trên mặt trận của học vấn, tri thức và sau này là kinh tế – chính trị. Còn những người quân nhân chuyên nghiệp như mẹ tôi, các sỹ quan trong quân đội đang ngày ngày đóng góp một phần sức của mình, tham gia vào các lĩnh vực khác nhau để phát triển xã hội. Bây giờ, “bộ đội” là những người xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam.

Hãy dành những lời chúc mừng của bạn cho những người mặc áo màu xanh, cho dù họ là cựu chiến binh, đang tại ngũ, là sỹ quan hay quân nhân, hay mới chỉ là một học viên, vì họ là những người đã, đang và sẽ khiến chúng ta tự hào.

Trang Linh

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tác giả: Hà Lemmy


Description: Tôi xê dịch là một nhóm hoạt động văn hóa dân gian, thành lập năm 2012 tại Hà Nội. Suốt 5 năm từ 2012 đến 2017, nhóm tập trung tái hiện không gian văn hóa nguyên bản của các loại hình hát múa và tranh dân xa: Ca trù, Chèo, Xẩm, Trang Hàng Trông, Tranh Đông Hồ và nghệ thuật chạm khắc tại đình Chùa ...


Link bài gốc: Câu chuyện về chiếc áo màu xanh

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

310 lượt xem