Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Đường Phố] Chèo - Một nét văn hóa dân tộc

Nếu nhắc đến văn học dân gian Việt Nam người ta nhắc đến ca dao, tục ngữ, các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, thì nhắc đến sân khấu dân gian Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến Chèo.

Chèo ra đời ở đồng bằng Bắc Bộ, thuộc lưu vực châu thổ sông Hồng và sông Thái Bình. Ban đầu, chèo bắt nguồn từ hình thức âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại. Rồi dần dần, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chèo được đưa lên sân khấu, trở thành một môn nghệ thuật đậm chất văn hóa Việt, là một biểu tượng của văn hóa dân gian Việt Nam.

Vì là môn nghệ thuật sân khấu dân gian nên nội dung chèo thường hướng về cuộc sống bình dị của người dân, đặc biệt là nông thôn với cây đa, giếng nước, mái đình,…khiến cho những vở chèo vừa mang không khí cổ kính, vừa có sự nhẹ nhàng, chân chất của làng quê Việt Nam. Giống như những câu chuyện cổ tích, cốt truyện trong các vở chèo luôn là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, mà ở đó cái thiện, cái đẹp luôn chiến thắng, tỏa sáng và cảm hóa cái xấu, cái ác, gửi gắm những ước mơ của người nông dân về một cuộc sống hạnh phúc, công bằng.

Nhân vật trong chèo có thể không phải là những công chúa hoàng tử, mà chỉ là những Súy Vân, Thị Kính, Thị Mầu, Mẹ Đốp hay là một chú hề,…những con người của cuộc đời thật, bước vào chèo để nói lên tiếng nói của lớp người đó, hay là để chỉ trích thói hư tật xấu của tầng lớp giàu có kể cả vua quan, bênh vực những con người thấp cổ bé họng trong xã hội.

8

Nhân vật Thị Kính – Thị Mầu trong trích đoạn chèo “Thị Mầu lên chùa”

Nhạc cụ sử dụng trong các vở chèo cũng là những nhạc cụ dân tộc, vô cùng đơn sơ mộc mạc như: trống, sáo, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu,…trong đó trống là loại nhạc cụ quan trọng nhất, vì người ta có câu “phi trống bất thành chèo”. Hiện nay, nhiều nhạc cụ mới được sử dụng để phụ họa cho chèo nhưng trống vẫn giữ một vị trí đặc biệt mà không một loại nhạc cụ nào có thể thay thế.

Nhạc cụ được sử dụng trong chèo đơn sơ mộc mạc như: trống, sáo, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu

Ở Việt Nam, những nơi nổi tiếng về nghệ thuật chèo có thể kể đến làng Khuốc (Thái Bình), hay các làng thuộc tỉnh Nam Định như: làng Đặng Xá, làng Chèo ở xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); làng Chèo Bồng Xuyên, làng Trung Khu ở xã Yên Phong; Làng Chèo An Lại Hạ, Thụ Ích xã Yên Nhân (Ý Yên); làng Chèo Phú Vân Nam ở xã Hải Châu (Hải Hậu),…

Sau nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển, Chèo đã có một chỗ đứng nhất định trong văn hóa Việt Nam, nhiều thế hệ người Việt cũng từng say mê những Quan Âm Thị Kính, Từ Thức gặp tiên, Lưu Bình Dương Lễ,…Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập ngày nay, Chèo đang dần bị lấn át bởi những trào lưu văn hóa nước ngoài, vì vậy, việc gìn giữ và quảng bá nét văn hóa này càng quan trọng hơn bao giờ hết để bảo tồn một mảnh hồn của văn hóa Việt.

Lan Anh

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tác giả: Hà Lemmy


Description: Tôi xê dịch là một nhóm hoạt động văn hóa dân gian, thành lập năm 2012 tại Hà Nội. Suốt 5 năm từ 2012 đến 2017, nhóm tập trung tái hiện không gian văn hóa nguyên bản của các loại hình hát múa và tranh dân xa: Ca trù, Chèo, Xẩm, Trang Hàng Trông, Tranh Đông Hồ và nghệ thuật chạm khắc tại đình Chùa ...


Link bài gốc:Chèo - Một nét văn hóa dân tộc

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

150 lượt xem