Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Đường Phố] Hãy Bước Ra Khỏi Vòng Tròn Thoải Mái Của Mình

Chào bạn,

Trong tiếng Anh có một khái niệm là “Comfort Zone”, mà hiện tại có một từ tiếng Việt rất quen thuộc mà chúng ta đều đã nghe nói đến, đó chính là “Vòng tròn an toàn”. Cá nhân tôi cho rằng, gọi là “Vòng tròn an toàn” sẽ không thật sự chính xác, mà phải nên gọi là “Vòng tròn thoải mái”.

Vì theo tôi, con người chúng ta chỉ thật sự bộc lộ được tất cả 100% con người của mình, sống thật với chính bản thân mình hoặc tập trung 100% cho mọi thứ nếu chúng ta được ở trong một môi trường mà chúng ta cảm thấy an toàn, hoặc được tiếp xúc với những mối quan hệ an toàn, hay ở trong một xã hội an toàn… An toàn ở đây có nghĩa là không có bất kì điều gì gây nguy hiểm hoặc đe dọa đến những nhu cầu cơ bản gắn liền với tinh thần, thể chất và tính mạng của ta.

Còn thoải mái đơn giản là cảm xúc đối với những hành động hằng ngày của chúng ta: “Tôi cảm thấy thoải mái khi được làm việc độc lập”, “Tôi cảm thấy thoải mái khi phải làm theo những quy trình đã có từ trước đến giờ”, “Tôi cảm thấy không thoải mái khi phải thuyết trình trước đám đông”, “Tôi cảm thấy không thoải mái khi thử phương pháp/công nghệ mới cho việc tạo ra sản phẩm này”…

Vậy “Vòng tròn thoải mái” là gì? Tại sao chúng ta lại có xu hướng cảm thấy thoải mái với những điều quen thuộc? Lợi ích của việc bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái” là gì? Làm thế nào để chúng ta có thể bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái”?

Hãy cùng đọc bài viết này. Hi vọng với những kiến thức, chia sẻ dưới đây của tôi sẽ giúp bạn hiểu thêm về “Vòng tròn thoải mái”, cũng như biết cách và có thêm động lực để bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái” của mình mỗi ngày nhằm tạo nên những kết quả đáng kinh ngạc cho chính cuộc sống của mình.


I. Đôi nét về “Vòng tròn thoải mái”?

Bản thân tên gọi của nó cũng đã nói lên tất cả. Đơn giản đây là một “khoảng không gian” mà những hành vi, hành động, thói quen… nằm bên trong “khoảng không gian” đó sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái, giảm thiểu lo âu, căng thẳng (stress) và hạn chế tối đa rủi ro xảy đến với mình.

Vào năm 1908, hai nhà tâm lý học Robert M. Yerkes và John D. Dodson cho rằng:

• “Vòng tròn thoải mái” chỉ tạo ra mức hiệu suất tương đối ổn định mà thôi.

• Để tối đa hoá hiệu suất, chúng ta cần phải ở trong trạng thái lo âu hơn so với mức độ hằng ngày của mình.

• Vòng tạo ra trạng thái lo âu này được gọi là “Vòng lo âu tối ưu” (Optimal Anxiety) và vòng này nằm ngoài “Vòng tròn thoải mái” của bạn.

• Vòng nằm ngoài “Vòng lo âu tối ưu” sẽ là “Vòng sợ hãi”

Bạn có thể hình dung là có 3 vòng tròn:

Vòng trong cùng: Vòng tròn thoải mái (Comfort Zone)

Vòng kế tiếp: Vòng lo âu tối ưu (Vòng phát triển) (Optimal Anxiety)

Vòng ngoài cùng: Vòng tròn sợ hãi (Fear Zone)


Nếu đặt mục tiêu ở “Vòng tròn sợ hãi”, chúng có thể khiến ta sợ hãi đến mức tê liệt, không làm gì được, phải chịu rất nhiều rủi ro, và bạn có thể cũng chưa sẵn sàng về nhiều mặt để giải quyết những rủi ro đó… Đặt mục tiêu ở vòng này sẽ khiến mục tiêu dễ trở thành một mục tiêu không khả thi, khiến bạn lo lắng và sợ hãi nhiều hơn là có động lực.

Nếu đặt mục tiêu ở “Vòng lo âu tối ưu” (Vòng phát triển), có thể nó sẽ khó, hơi vượt quá sức mình. Nhưng bạn biết bạn có thể làm được nếu thực sự nỗ lực 100% (thậm chí là hơn) và lên kế hoạch đàng hoàng, biết mình cần làm gì và phát triển/bổ sung/khắc phục điều gì… Việc đặt mục tiêu ở vòng này cũng sẽ đáp ứng tiêu chí “Thử thách” nhưng cũng “Khả thi” ở S.M.A.R.T.

Còn nếu đặt mục tiêu ở “Vòng tròn thoải mái” thì sẽ không có gì để nói. Bạn chẳng cần phải nỗ lực gì nhiều, và mục tiêu cũng không đem lại cho bạn tí động lực hay khát khao chiến thắng, chinh phục gì cả. Bạn chỉ làm theo những cách đó giờ mình vẫn làm. Và cuộc sống của bạn sẽ không thể nào khác hơn nếu bạn cứ làm những gì mà đó giờ mình vẫn làm.


II. Bạn được gì khi bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái”?

1. Kích thích tư duy của bạn

Khi bạn bước ra “Vòng tròn thoải mái”, đồng nghĩa với việc bạn sẽ đương đầu với những khó khăn, thử thách lớn hơn – những trở ngại mà bạn chưa gặp trước đây bao giờ – nhằm chinh phục những mục tiêu cao hơn. Và lúc này, não bộ của bạn sẽ phải tập trung suy nghĩ và sáng tạo ra những giải pháp mới và đột phá hơn nhằm giúp bạn vượt qua trở ngại, đi đến thành công. Bạn có thể sẽ phải học hỏi thêm một kiến thức, một kĩ năng mới nào đó, tìm kiếm cho mình một trải nghiệm mới nào đó, hoặc gặp gỡ và kết nối những mối quan hệ mới nào đó. Chính sự lựa chọn đương đầu với những thử thách mới hơn đã cho phép bộ não của bạn được “kích hoạt”.

Tất nhiên là không chỉ được kích thích tư duy một lần mà sẽ là rất nhiều lần. Vì bạn sẽ có thử và sai, bộ não lại sẽ phải tập trung rút kinh nghiệm, suy nghĩ và sáng tạo ra một giải pháp mới hơn, tối ưu hơn. Và có thể lại tiếp tục thử và sai, lại tiếp tục rút kinh nghiệm, suy nghĩ và sáng tạo… cho đến lúc bạn thật sự thành công.

Chính nhờ vậy, thông qua việc kích thích tư duy, việc bước ra “Vòng tròn thoải mái” đã đem lại cho bạn một lợi thế cực kì lớn. Đó chính là “Kiến thức” và “Kinh nghiệm”.

2. Phát huy tối đa năng suất của bạn

Việc ở trong “Vòng tròn thoải mái” quá lâu sẽ khiến bạn thui chột tài năng, kĩ năng và năng suất của chính mình. Bạn sẽ dần dần hài lòng với những gì mình đã làm được, bạn chấp nhận những thành tựu trong quá khứ, bạn ngủ quên trên chiến thắng, bạn sẽ mất dần động lực, ý chí, tham vọng và khát khao vươn lên trong cuộc sống. Hay nói một cách khác, bạn cho phép bản thân mình “mắc kẹt ở mức trung bình”. Và theo quy luật tất yếu của cuộc sống, nếu bạn không tiến lên thì bạn sẽ đi thụt lùi, và bạn sẽ tự đào thải chính bản thân mình.

Khi bạn bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái” để tiến gần hơn đến “Vòng lo âu tối ưu” (Vòng phát triển), bạn sẽ luôn ý thức được rằng: “Còn cách nào làm tốt hơn nữa không?”, bạn sẽ luôn hướng đến tinh thần “Tiêu chuẩn cao” không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống. Chính vì vậy, bạn sẽ tìm tòi và sáng tạo, nhằm tạo ra những phương pháp thông minh hơn, hiệu quả hơn, để không đơn giản là hoàn thành đúng mong đợi mà còn là làm trên mong đợi. Đó chính là điều sẽ tạo nên sự khác biệt của bạn với người khác.



3. Bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn khi phải đối đầu với những thay đổi

Khi bạn bắt đầu làm một điều gì đó, thay đổi một điều gì đó mới lạ, ắt hẳn bạn sẽ cảm thấy chưa quen, thậm chí sẽ là khó chịu, sợ hãi và có xu hướng né tránh sự thay đổi, chỉ muốn quay lại “Vòng tròn thoải mái” của mình. Đó là lúc “Vòng tròn thoải mái” của bạn còn nhỏ, giới hạn chịu đựng, sức mạnh bên trong, sự bản lĩnh của bạn dường như chưa có, bạn sẽ “nhạy cảm” với bất kì khó khăn hay bất kì sự thay đổi nào.

Nhưng “trăm nghe không bằng tay quen”, một khi bạn đã làm đi làm lại thường xuyên, luyện tập nhiều lần thì bạn sẽ quen và thuần thục hơn. Có thể sẽ xây dựng được một thói quen mới tích cực hơn, hoặc học hỏi và rèn luyện được một kĩ năng mới hơn.

“Vòng lo âu tối ưu” (Vòng phát triển) lúc này sẽ lại biến thành “Vòng tròn thoải mái”. Chỉ có điều “Vòng tròn thoải mái” này đang được mở rộng ra hơn. Tiếp tục, bạn sẽ lại bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái” để bước tới “Vòng lo âu tối ưu” (Vòng phát triển). Và cứ như thế… bạn sẽ ngày càng thuần thục và phát triển khả năng thích ứng và làm quen với sự thay đổi của mình, để chuẩn bị cho bất kì điều gì có thể xảy ra trong cuộc sống.


4. Cảm thấy việc tự đẩy bản thân mình vượt qua giới hạn trở nên dễ dàng hơn

Những người trải nghiệm càng nhiều thì “Vòng tròn thoải mái” của họ càng rộng. Điều đó đồng nghĩa với việc giới hạn bản thân của họ đang được mở rộng ra hơn, họ đang ngày một trưởng thành hơn, bản lĩnh và mạnh mẽ hơn. Trải nghiệm, kiến thức, kinh nghiệm và kĩ năng của họ ngày càng được tích lũy nhiều hơn. Họ sẽ dễ dàng thích nghi và đương đầu với nhiều tình huống khó khăn hơn trong cuộc sống. Họ sẽ điềm tĩnh hơn trước những thử thách đó và biết mình cần phải làm gì để một lần nữa để đẩy bản thân vượt ra khỏi giới hạn của bản thân, để từ “Vòng tròn thoải mái” tiến lên “Vòng lo âu tối ưu” (Vòng phát triển). Và hiển nhiên, kết quả mà họ nhận được sẽ ngày càng một tốt hơn, chất lượng cuộc sống của họ sẽ ngày càng được nâng cao hơn.


III. Những cách để bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái”

Dưới đây là những chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của tôi trong việc làm thế nào để bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái” nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

1. Hãy luôn dành thời gian để quan sát bản thân và lắng nghe trái tim mình để nhận biết bản thân thực sự muốn gì.

Có đôi khi, ta bị cuốn vào vòng xoáy của những áp lực trong công việc, gia đình và xã hội, những mối bận tâm cơm áo gạo tiền trong cuộc sống. Hoặc vì lí do nào đó, ta lựa chọn cho phép bản thân mình “mắc kẹt ở mức trung bình”, hài lòng với thực tại. Tất cả khiến chúng ta quên đi mình thực sự muốn gì. Việc dành thời gian để nhận ra mình muốn gì là một cách thúc đẩy bạn ra quyết định và bước ra khỏi vòng tròn thoải mái để hành động nhằm đạt được điều mình muốn.

2. Hãy luôn đặt mục tiêu theo tiêu chí S.M.A.R.T

Bạn hãy nhớ một điều, mọi thứ đều là tương đối. “Vòng tròn thoải mái” của mỗi người là vô cùng khác nhau. Việc đặt mục tiêu có thể đối với người này là nằm trong “Vòng tròn thoải mái”, nhưng có thể đối với người kia là nằm trong “Vòng lo âu tối ưu” (Vòng phát triển), và có thể đối với người nọ lại là nằm trong “Vòng sợ hãi”.

Quan trọng, bạn phải là người hiểu rõ bản thân mình nhất để đặt mục tiêu cho phù hợp.



3. Hãy dám bắt đầu và đi từng bước nhỏ

Có một câu tôi hay nói với khách hàng trong Coaching (Khai vấn) đó là: “Đừng để mọi thứ phải hoàn hảo rồi mới bắt đầu hành động, mà hãy bắt đầu hành động để làm mọi thứ dần tốt đẹp và hoàn hảo hơn”.

Bạn không thể đợi đến khi mình thật sự là một Siêu nhân, có đủ mọi thứ rồi thì mới bước ra khỏi “vòng tròn thoải mái”. Hãy dám bắt đầu đi bước nhỏ đầu tiên, nó sẽ bắt đầu cho bạn thêm động lực, sự dũng cảm, sự mạnh mẽ, trải nghiệm, kĩ năng và kiến thức, thậm chí là cả tầm nhìn. Hãy tin tôi, mọi việc không đáng sợ như bạn nghĩ, rồi bạn sẽ thấy quen ngay thôi.

4. Làm mỗi ngày một điều gì đó mới (dù nhỏ thôi)

Ăn ở một quán ăn mới, thử nấu một món gì đó mới, đọc một cuốn sách mới mà bạn được bạn bè giới thiệu, đi chơi ở một nơi nào đó mà bạn chưa từng đặt chân đến, làm quen với những người bạn mới, cười nhiều hơn, bắt đầu viết nhật ký…

Hoặc thậm chí là bắt đầu xây dựng cho mình những thói quen mới, học một kĩ năng nào đó mới, nghĩ cách để kết hợp những kĩ năng mình đang có, học một ngoại ngữ mới, học một kiến thức chuyên môn mới…

Ngoài những cách kể trên trong kinh nghiệm của tôi, sẽ còn nhiều và rất nhiều cách khác nhau nữa. Hãy tìm tòi, sáng tạo và chọn cho mình một cách phù hợp với bản thân mình nhất bạn nhé.

Chúc bạn luôn bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái” để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình! Tôi tin bạn sẽ làm được!



Nếu bạn mong muốn có một người Coach (Chuyên gia Khai vấn) đồng hành cùng bạn, thử thách và thúc đẩy bạn trong quá trình bước ra khỏi “vòng tròn thoải mái”. Qua đó, “người bạn đồng hành” đặc biệt này sẽ giúp bạn biết được mình muốn gì, có cho mình một bức tranh toàn cảnh cuộc đời ngắn hạn và dài hạn, và đặc biệt là dám bắt đầu, dám chịu trách nhiệm và hành động từng bước nhỏ mỗi ngày. Hãy tham khảo ngay phương pháp hỗ trợ Coaching (Khai vấn) tại đây.


---------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY ]


Tác giả: Nguyễn Trọng Khương


"Hiện tôi đang là: Một trong những ASSOCIATE CERTIFIED COACH đầu tiên tại Việt Nam và trẻ nhất trên thế giới được chứng nhận bởi Internation Coach Federation (ICF - Liên Đoàn Coach Quốc Tế), và cũng là thành viên toàn cầu chính thức của ICF Việt Nam (ICF Global Member). Chuyên gia toàn cầu DiSC (DiSC Certified Trainer) được chứng nhận bởi Everything DiSC: A Wiley Brand. Chuyên gia Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực (Training Specialist & Human Resourve Development) tại Thế Giới Di Động (Mobile World Group)."

Xem thêm các bài viết khác của tác giả tại: nguyentrongkhuong.com


Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

203 lượt xem