Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Bóng Đá Việt Nam Và Câu Chuyện Cổ Tích Về Sự Vươn Lên Mạnh Mẽ Của Dân Tộc Việt – Đứng Lên Việt Nam!

Những ngày đầu tháng chín này, người ta kể cho nhau nghe về một mùa Thu ngập tràn sắc đỏ của dân tộc Việt Nam. Bóng đá - môn thể thao vua lại một lần nữa khiến triệu triệu con tim cùng hòa chung nhịp đập. Đó là thời điểm mà cả đất nước nhuộm đỏ màu quốc kỳ, trên khắp các nẻo đường, trên những khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười tươi sáng, ánh mắt hân hoan. Sắc đỏ ấy còn căng tràn trong mỗi trái tim người Việt.



Đại hội thể thao châu Á đã kết thúc với những trận đấu đầy cảm xúc. Việt Nam là đội duy nhất giữ sạch lưới trước bán kết, và lần đầu tiên sau năm thập kỷ kể từ khi hội nhập lại với bóng đá quốc tế, chúng ta đứng ở vị trí thứ tư môn bóng đá nam Asiad. Mặc dù không thắng trận tranh huy chương đồng, nhưng nhìn vào cả quá trình, đây vẫn là một quãng đường đầy tự hào của đội tuyển Olympic Việt Nam.

Chưa bao giờ tôi thấy con người Việt Nam như thế. Người ta gác lại sau lưng những bộn bề của cuộc sống để lắng đọng trong từng khoảnh khắc, cùng nhau sống trong những cung bậc tuyệt vời mà bóng đá đã mang lại, cùng khoác vai nhau, cùng nhau hô vang hai tiếng “Việt Nam”. Chúng ta – những người Việt Nam máu đỏ da vàng, mang trong mình niềm tự tôn dân tộc Việt, đã từng rơi lệ trong một khoảnh khắc nào đó, cũng đã từng đổ những giọt mồ hôi nóng bỏng. Với dòng máu nóng chảy dọc trong huyết quản của mình, chưa bao giờ tôi hết tự hào là một công dân Việt Nam.

Tôi tự hào nhưng vẫn cảm thấy thương xót cho các anh – những người con của dân tộc. Với những thành tích mà chúng ta đạt được trong kì Asiad vừa rồi, rõ ràng có thể thấy được, khi bước ra đấu trường quốc tế, đối đầu với những đối thủ nặng ký nhất, những cường quốc của bóng đá Á Châu, chúng ta vẫn có thể tự hào khi được đứng ngang hàng với họ, trở thành một trong bốn đội bóng mạnh nhất. Nhưng tôi vẫn cảm thấy thương các anh, vì xét về quy mô kinh tế và cường độ đầu tư cho bóng đá, hạ tầng phục vụ thì chúng ta vẫn chưa thể đáp ứng một cách tốt nhất. Tôi còn thương các anh bởi, hành trình của các anh không phải là hành trình đầy tham vọng của một siêu sao, mà nó là hành trình của những nỗ lực không ngừng nghỉ, hành trình của khát vọng mong muốn đánh dấu, khẳng định mình, tìm kiếm sự công nhận cho hai tiếng “Việt Nam”. Là một trong những đầu tàu đại diện cho sức trẻ với những cảm hứng tươi mới, nhưng khi kết quả không như mong đợi, họ lại chính là những người đau buồn hơn ai hết. Michael Jordan - một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại đã từng nói: “Tôi đã ném trượt hơn 9000 quả trong sự nghiệp của mình. Đã thua hơn 300 trận đấu. Đúng 26 lần khi tôi được tin tưởng ghi bàn thắng quyết định thì tôi đã lỡ mất. Tôi đã thất bại và thất bại hết lần này đến lần khác trong cuộc đời mình. Và đó là lí do tôi thành công như ngày hôm nay.” Vì thế, với tất cả, những cầu thủ của chúng ta xứng đáng được vinh danh!



Albert Einstein đã từng nói như thế này: “Hãy nỗ lực không ngừng nhưng không phải để trở nên thành đạt, mà để tạo nên giá trị.” Tôi cũng muốn góp sức tạo nên giá trị cho hai tiếng “Việt Nam”.

Bác Hồ, trước khi ra đi, Người đã từng bày tỏ khát vọng về một ngày, đất nước ta được “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Giờ đây, đất nước đang từng bước, từng bước vẽ nên những cột mốc đáng tự hào trên hành trình “tự khẳng định” ấy. Điều đó chẳng phải đáng ghi nhận sao. Quy luật tất yếu trong mọi hành trình chinh phục đỉnh cao là phải biết dấn thân, học cách trải nghiệm mọi thứ mà cuộc hành trình ấy đem lại. Hơn nữa, không có một kẻ thành công nào đặt chân tới đỉnh cao mà chưa từng phải nếm trải mùi vị đắng cay. Và bóng đá Việt Nam cũng thế.

Mũi tên chỉ có thể bắn về phía trước khi kéo ngược về sau. Đây chỉ là bước đệm mới để bóng đá Việt Nam, hay nói rộng ra là mũi tên của cả dân tộc vút bay thật xa.

Khi nhắc về Syria, người ta nhớ đến quê hương của một trong những bộ não vĩ đại của Thế Giới, kẻ khuynh đảo làng công nghệ và là cha đẻ của dòng điện thoại iPhone – Steve Jobs. Khi nhắc về Hàn Quốc, người ta nhớ đến đế chế Samsung – biểu tượng của sự chuyển dịch kinh tế Hàn Quốc. Một quốc gia có nền văn hóa phát triển, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Chỉ trong vòng hai mươi năm, Hàn Quốc đã từ một nước nghèo đói vào bậc nhất Châu Á, lại còn bị tàn phá bởi chiến tranh, đã vươn lên thành nền kinh tế nằm trong top đầu Thế Giới. Người ta còn ngã mũ thán phục khi nhắc về một Nhật Bản hồi sinh từ đống tro tàn. Một đất nước nghèo tài nguyên, liên tiếp phải hứng chịu thiên tai nhưng làm được những điều vĩ đại. Và giờ đây, người ta cũng phải nghiêng mình kính phục khi nhắc đến Việt Nam, một đất nước với tinh thần đấu tranh quật cường, một đất nước tuy nhỏ bé nhưng không bao giờ ngừng nỗ lực khẳng định mình. Để đến những năm sau nữa, người Việt Nam không chỉ mơ nhiều hơn về một chức vô địch. Người Việt Nam có quyền tự kiến tạo nên những giá trị vĩ đại hơn thế nữa.



Đứng lên dân tộc Việt Nam! Đứng lên hồ hởi cống hiến và xây dựng đất nước. Khóc hết cho niềm nuối tiếc hôm nay thôi rồi dân tộc ta cùng nắm tay nhau viết nên những câu chuyện tuyệt vời hơn nữa. Chúng ta sẽ xây dựng, cống hiến cho Tổ quốc. Chúng ta sẽ hòa sức trẻ đầy nhiệt huyết của mình vào sức sống của dân tộc. Chúng ta sẽ đánh thức tiềm lực và hướng về một khát vọng vươn lên, tự cường.

Hỡi dân tộc Việt Nam! Hãy đứng lên, hãy khoác vai nhau, hãy truyền cho nhau niềm tin, sức mạnh và niềm tự hào. Để mỗi người chúng ta góp phần tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ cho dân tộc. Để mỗi người chúng ta góp phần làm nên một thế hệ trẻ có đủ năng lực và bản lĩnh làm chủ tương lai nước nhà. Những thiệt hại và vết thương tinh thần mà dân tộc Việt Nam đã phải chịu đựng trong suốt chiều dài lịch sử, hãy biến nó thành động lực để tạo nên sức bật, tạo nên thành tựu.

“Mai này ai nhắc lại Thường Châu

Bữa ấy tuyết rơi bạc mái đầu

Mười mấy dũng sĩ lao ngược gió

Để đời kính phục mãi về sau”

(Thơ Hà Quang Minh)

Mùa Xuân năm nào, ta còn nhớ về bão lửa giữa mưa tuyết Thường Châu. Có những cầu thủ có lẽ lần đầu tiên trong đời, họ phải thi đấu dưới thời tiết khắc nghiệt quá sức chịu đựng như vậy, và cũng lần đầu tiên, tất cả nỗ lực đã trở thành phi thường. Mùa Thu năm nay, ta cũng đã thấy những con người với những quyết tâm sắt đá nhất, thấy được những ý chí và sự hi sinh cao đẹp cả về thể xác, tinh thần. Tất cả đều hướng tới một lí tưởng cao đẹp nhất – lí tưởng dân tộc.

Có những thế hệ cầu thủ, những người con của dân tộc Việt Nam mà chúng ta yêu mến ngày hôm nay sẽ không còn được thấy trên những giải đấu trẻ nữa. Nhưng chúng ta có quyền tin và nên tin vào những thế hệ cầu thủ vàng kế cận sẽ còn viết tiếp những mốc son mới trong cuộc hành trình chinh phục đỉnh cao của nước nhà. Hơn nữa, chúng ta có quyền vững tin vào sự vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt trong tương lai.

Ta không thể thay đổi chiều gió, nhưng ta biết được rằng máy bay cất cánh nhờ bay ngược chiều gió. Ta không thể thay đổi chiều gió, nhưng ta có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đến được nơi mình muốn.

Có một câu nói của Mẹ Teresa thế này: “Một mình tôi không thể thay đổi cả Thế Giới, nhưng tôi có thể lia hòn đá trên mặt nước để tạo ra nhiều lan tỏa.” Olympic Việt Nam đã tạo nên sự lan tỏa tuyệt vời đó. Và chúng ta, mỗi cá nhân, đều có một phần trách nhiệm to lớn và sứ mạng cao cả trong quá trình tạo ra sự thay đổi ấy.

Tôi – một công dân Việt Nam, xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả những cầu thủ đã cho chúng tôi những giây phút tuyệt vời, thăng hoa nhất cùng bóng đá, để dân tộc tôi cùng được khoác tay nhau và để dạy cho chúng tôi – những thế hệ trẻ hôm nay biết suy nghĩ nhiều hơn về những cố gắng, nỗ lực, đam mê, thành công và thất bại. Cảm ơn vì đã truyền cho chúng tôi những cảm hứng tuyệt vời, cảm ơn vì đã chiến đấu hết mình cho hai tiếng “Việt Nam”!



Phải! Bóng đá Việt Nam – câu chuyện cổ tích về sự vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt. Nhưng giờ đây, nó không chỉ là một câu chuyện cổ tích nữa. Sẽ không có một ông bụt hay phép màu nào có thể tạo nên điều kì diệu cho dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam sẽ tự mình tạo nên điều kì diệu đó. Bằng ý chí sắt đá, khát khao cháy bỏng, mong muốn cống hiến mãnh liệt và tình yêu quê hương nồng nàn, chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra cổ tích - một câu chuyện cổ tích sẽ còn được kể lại và tiếp nối bởi những thế hệ mai sau.                        

Câu chuyện cổ tích về dân tộc Việt Nam – bạn sẽ cùng tôi viết tiếp chứ?


Tác Giả: Nguyễn Phạm Hồng Hà, học sinh lớp 12 Văn trường Trung học phổ thông chuyên Lương Thế Vinh, Biên Hòa – Đồng Nai.

Kết bạn và theo dõi Facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/miumuoi.muoi.7 

-------------------------------- 

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

432 lượt xem, 427 người xem - 516 điểm