Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Cố Nhà Văn Kim Dung - Thiên Tài Văn Học "Thái Đẩu Võ Hiệp", Nhà Kinh Doanh Đại Tài Trung Quốc

Được công nhận như “ Võ lâm minh chủ” của văn đàn võ hiệp Trung Quốc, Kim Dung luôn được nhớ đến với những bộ tiểu thuyết kinh điển của mình. Tuy nhiên, cuộc đời tiểu thuyết gia lỗi lạc còn gắn liền với Minh Báo, tờ báo do chính ông sáng lập và quản lý trong hơn 30 năm.

Độc giả bình dân hay bác học đều mến mộ

Kim Dung được đông đảo độc giả Việt Nam, cả bình dân - đại chúng và hàn lâm - bác học mến mộ. Ông thật sự vĩ đại ở chỗ đã khai mở con đường riêng cho tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa, đã phát quang cho nó một đại lộ mà nhiều giới độc giả khác nhau có thể đi chung. Độc giả bình dân say mê cốt truyện hấp dẫn, chuyện tình yêu phong phú, các pha đánh đấm lôi cuốn, những chi tiết ly kỳ… Độc giả bác học như Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Long Vân, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Đông Thức… và nhiều nhà nghiên cứu phê bình khác đọc theo kiểu hấp thu những triết lý Phật, Đạo, Nho…, những trầm tích văn hóa Trung Hoa như trà đạo, tửu đạo, võ học, triết học, thi ca, lịch sử…thật giàu có và phong phú trong tiểu thuyết của ông.

Rất nhiều nhân vật của ông đã trở thành "điển hình" cho hình ảnh người anh hùng lý tưởng có cốt cách trung hậu, hiền lương, có thiên tư võ học, chung thủy trong tình yêu, nhân nghĩa trong tình bạn, tình đồng môn, tiêu sái, tự do,… như Quách Tĩnh, Trương Vô Kỵ, Dương Quá, Thạch Phá Thiên, Đoàn Dự, Hư Trúc, Lệnh Hồ Xung và… Tiêu Phong.

"Thiên Long bát bộ" và "Lộc Đỉnh ký" là 2 tác phẩm đỉnh cao về nghệ thuật tiểu thuyết kiếm hiệp khi Kim Dung vượt thoát khuôn mẫu xây dựng hình ảnh người anh hùng lý tưởng. Vi Tiểu Bảo là một nhân vật mang tính giễu nhại như kiểu Don Quijote của Cervantes vậy. Nhân vật này đi ngược tất cả những chuẩn mực anh hùng mà trước nay ông xây dựng: không đẹp trai, không giỏi võ, nhát chết, nhiều vợ, ma mãnh, khôn lỏi, linh hoạt, xuất thân hèn kém,… Đến "Lộc Đỉnh ký", nghệ thuật tiểu thuyết của Kim Dung đã có một bước tiến mới, rất gần với tiểu thuyết hoạt kê và châm biếm.

Dưới ngòi bút của mình, Kim Dung đã cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp: Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ…

Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất.

Từ 80.000 HKD trở thành tỷ phú Hong Kong
Theo tờ People’s Daily, Kim Dung cùng một người bạn của mình thành lập tờ Minh Báo năm 1959 tại Hong Kong với số vốn 100.000 HKD. Trong số đó, Kim Dung đóng góp 80.000 HKD.
Từ đây, ông đăng tải hầu hết tác phẩm của mình lên tờ Minh Báo. Những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung nhanh chóng thu hút độc giả cho Minh Báo và giúp doanh thu quảng cáo của tờ báo này tăng trưởng đều đặn. Tháng 7/1962, số lượng phát hành hàng ngày của Minh Báo đạt 30.000 bản và tăng lên 50.000 bản vào năm 1963.
Trong thời kì “Cách mạng văn hóa”, tờ báo của Kim Dung thường xuyên tường thuật về tình hình tại Trung Quốc cho người dân Hong Kong và nhận được sự ủng hộ lớn từ giới trí thức tại đây. Năm 1966, Kim Dung phát hành thêm tờ nguyệt san của Minh Báo. Hai năm sau, Minh Báo ra mắt tờ tuần báo của riêng mình.
Từ thập niên 1970, Kim Dung dần trở thành một nhân vật quan trọng với giới chính trị. Ông được nữ hoàng Anh trao tặng huân chương vào năm 1981. Năm 1982, Kim Dung đã gặp gỡ Thủ tướng Anh Magaret Thatcher khi bà thăm Trung Quốc lần đầu tiên. Kim Dung cũng đã gặp nhiều lãnh đạo tối cao của Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Giang Trạch Dân.
Mặc dù vấp phải một vài ý kiến chế nhạo là “kẻ cơ hội” nhưng nhìn chung Minh Báo được đánh giá là một tờ báo độc lập uy tín nhất tại Hong Kong trong thập niên 1980. Năm 1988, doanh số phát hành hàng ngày của Minh Báo đã đạt 110.000 bản và chỉ 1 năm sau đã tăng lên 180.000 bản.
Ngoài các tờ nhật báo, tuần báo và nguyệt san, Minh Báo còn xây dựng một nhà in riêng. Tháng 1/1991, tập đoàn Minh Báo được thành lập và niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong với giá trị vốn hóa rơi vào khoảng 870 triệu HKD 2 tháng sau đó. Lúc này, Kim Dung nắm giữ khoảng 60% cổ phần của công ty theo People’s Daily. Cuối năm đó, lợi nhuận của tập đoàn Minh Báo đạt 100 triệu nhân dân tệ, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong năm 1991, Kim Dung được xếp hạng thứ 64 trong danh sách tỷ phú Hong Kong thập niên 1990 của tạp chí Capital.
Tham vọng của Kim Dung không dừng lại ở đó. Ông muốn Minh Báo trở thành tờ báo tiếng Trung số một thế giới, theo People’s Daily. Kim Dung khi đó tuyên bố rằng: “Tờ báo này đang được kiểm soát bởi một người duy nhất. Nếu người đó chết, tờ báo sẽ chết theo. Nhưng nếu được điều hành bởi một tổ chức thì dù ai bị ám sát, nó vẫn sẽ hoạt động.”
Kim Dung đã đàm phán với nhiều tập đoàn truyền thông quốc tế như South China Morning Post, Mirror Group, Tokyo Times của Nhật Bản, Singapore Lianhe Zaobao của Singapore tuy nhiên cuối cùng lại quyết định bán lại Minh Báo cho doanh nhân trẻ Yu Pinhai. Tháng 1/1992, Kim Dung chuyển giao toàn bộ cổ phần tại công ty cho Yu Pinhai.
                                                                                                Kim Dung và tỷ phú Jack Ma
Sau khi từ bỏ mọi vai trò ở Minh Báo, Kim Dung không nghỉ ngơi hoàn toàn mà dành thời gian sửa lại các tác phẩm của mình.
Ông qua đời vào ngày 30/10 tại Hong Kong sau một thời gian chống chọi bệnh tật. Tính tới hiện tại, vẫn chưa có thống kê chính thức nào về khối tài sản của Kim Dung.
Trên mạng xã hội hỏi đáp Quora, một số ý kiến cho rằng với di sản các tác phẩm đồ sộ của mình, Kim Dung có thể đã giàu có hơn nhiều nếu không công bố tiểu thuyết của mình lần đầu trên mặt báo.
Theo Zing News và Baomoi.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

139 lượt xem