Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

15 Dạng Phỏng Vấn Mà Người Xin Việc Nào Cũng Phải Chuẩn Bị Trước

Phỏng vấn tuyển dụng thường mang lại cảm giác khó chịu. Bạn sẽ thấy căng thẳng từ lúc mới đến, bạn phải gánh chịu áp lực và nghiên cứu cẩn thận câu hỏi, thậm chí đến lúc nhận được cuộc gọi “tuyển dụng” hoặc “không tuyển dụng” sau đó cũng thật khủng khiếp, toàn bộ quá trình được thiết kế theo cách buộc bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn.

Khi các công ty nhận được nhiều đơn ứng tuyển cho nhiều vị trí thì cách mà họ đánh giá ứng viên cũng ngày càng đa dạng hơn-những ngày phỏng vấn trực tiếp mặt đối mặt đã biến mất. Thay vào đó, các doanh nghiệp cần biết – trong nhiều trường hợp họ cần phải thấy được – rằng bạn chính là người mà họ đang tìm kiếm, có nghĩa là mọi thứ sẽ phức tạp hơn. May mắn thay, chúng tôi sẽ giúp bạn chuẩn bị.

Nếu bạn không biết phỏng vấn cà phê, phỏng vấn tốc độ hay không biết phân biệt giữa phỏng vấn căng thẳng và phỏng vấn hành vi, bạn hãy đọc tiếp bài viết. Đây là những dạng phỏng vấn khác nhau mà bạn sẽ được trải nghiệm trong môi trường làm việc hiện đại – và những điều bạn cần làm để vượt qua chúng.

1. Phỏng vấn trực diện

Khi hình dung buổi phỏng vấn xin việc điển hình, có thể đây là những gì bạn nghĩ: bạn ngồi ở phía bên này còn vị sếp tương lai sẽ ngồi đối diện rồi đặt những câu hỏi mà (hy vọng là) bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước. Những loại phỏng vấn này có thể rất căng thẳng, nhất là khi người phỏng vấn lạnh lùng và cộc lốc. Điểm tốt chính là vì các công ty đang tìm cách có cái nhìn đa chiều về ứng viên, dạng phỏng vấn một đối một ngày càng ít được áp dụng.

2. Phỏng vấn có cấu trúc

Phỏng vấn có cấu trúc được xem là dạng phỏng vấn truyền thống. Mặc dù dạng phỏng vấn này không đáng sợ nhưng cấu trúc phỏng vấn tương đối trịnh trọng, câu hỏi sẽ được chuẩn bị trước và tương đối cơ bản. Bạn có thể sẽ phải đối mặt với loại phỏng vấn này nếu người thực hiện phỏng vấn không có nhiều kinh nghiệm xây dựng buổi phỏng vấn. Dù thế nào đi nữa, hãy luôn luôn lịch sự, đúng giờ và đừng quên đặt câu hỏi vào cuối buổi phỏng vấn.

3. Phỏng vấn không cấu trúc

Như chính tên gọi của nó, phỏng vấn không cấu trúc sẽ khá thoải mái và bạn có thể dễ dàng chuyển chủ đề. Thay vì sử dụng câu hỏi dẫn dắt và hướng bạn theo những cách trả lời nhất định, người phỏng vấn sẽ mong muốn bạn nói chuyện nhiều hơn và đặt cho bạn những câu hỏi mở có nhiều cách trả lời khác nhau.

Dạng phỏng vấn này tương đối giản dị hơn – gần như là một cuộc trò chuyện hơn là buổi đánh giá – nhưng đừng để điều đó đánh lừa bạn: một số công ty cố ý sử dụng chiến thuật này để các ứng viên bớt cảnh giác. Hãy luôn duy trì thái độ chuyên nghiệp và đừng tiết lộ những điều về bản thân mà sau này có thể làm bạn hối tiếc.

4. Phỏng vấn căng thẳng

Phỏng vấn căng thẳng là một dạng phỏng vấn ít nhiều gây ra tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận rằng nó có thể chỉ ra mức độ phù hợp của ứng viên với vai trò vô cùng hiệu quả – đặc biệt là khi công việc đó đòi hỏi người ta phải chịu nhiều áp lực và yêu cầu cao, chẳng hạn như trong lĩnh vực tài chính.

Chuyện ứng viên cư xử thô lỗ trong các buổi phỏng vấn căng thẳng không phải chưa từng xảy ra, nhất là khi họ bị đặt những câu hỏi gần như là vô lý, họ còn phải thực hiện vô số nhiệm vụ và bị chất vấn liên tục. Tuy nhiên bạn đừng quá để tâm! Bạn sẽ không bị đánh giá khi vừa chơi Rubik vừa phải bào chữa cho điểm số thời Đại học; bạn sẽ bị đánh giá cách đối phó khi phải đương đầu với áp lực căng thẳng. Hãy giữ bình tĩnh, tìm hiểu những gì đang diễn ra và tập trung vào việc đáp ứng mọi công việc một cách tốt nhất.

5. Phỏng vấn hành vi

Một kỹ thuật phỏng vấn phổ biến mà các nhà tuyển dụng thường sử dụng chính là yêu cầu ứng viên giải quyết một loạt các tình huống giả định, chẳng hạn như hỏi ứng viên xem làm việc trong một nhóm sẽ ảnh hưởng đến khả năng thực hiện vai trò của họ như thế nào. Mặt khác, phỏng vấn hành vi tập trung vào những gì bạn đã đạt được, cùng một câu hỏi như trên có thể sẽ được thay đổi như sau: “Hãy kể cho tôi một lần bạn làm việc nhóm hiệu quả.”

Cách tốt nhất để xử lý kiểu phỏng vấn này chính là áp dụng phương pháp STAR, một công cụ giao tiếp có ý nghĩa là:

  • bối cảnh câu chuyện của bạn (Situation: Tình huống);
  • các mục tiêu bạn đặt ra (Task: Nhiệm vụ);
  • những gì bạn thực sự đã làm (Action: Hành động);
  • kết quả của những hành động đó (Result: Kết quả).

Bạn phải luôn đưa ra ví dụ thực tế để minh chứng cho câu trả lời, nếu bạn không thể đưa ra ví dụ thì hãy sáng tạo. Nếu bạn chỉ mới tốt nghiệp và chưa bao giờ tham gia vào một nhóm dự án thì hãy kể về đội thể thao hoặc một bài tập nhóm ở trường Đại học mà bạn tham gia.

6. Phỏng vấn giải quyết vấn đề/ Phỏng vấn tình huống

Phỏng vấn giải quyết vấn đề thường là một bộ phận trong một loạt các cuộc phỏng vấn và thông thường không liên quan trực tiếp đến vị trí ứng tuyển. Loại phỏng vấn này thường được áp dụng trong quá trình tuyển dụng cho các vị trí kỹ thuật chẳng hạn như kỹ sư phần mềm và các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin khác, loại phỏng vấn này yêu cầu bạn đưa ra giải pháp cho một vấn đề cần được chứng minh và giải thích.

Đây có thể là những vấn đề chính xác như mã hóa hoặc các vấn đề toán học hay những vấn đề rộng hơn như một câu đố hoặc một vấn đề phức tạp đòi hỏi bạn phải thể hiện tư duy logic và lập luận. Nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn sử dụng phần mềm cụ thể hoặc trình bày giải pháp chỉ với bảng trắng và bút như trong buổi đánh giá thực tập sinh của Google. Chìa khóa thành công ở đây chính là khả năng thích nghi cũng như khả năng tư duy nhanh chóng và sáng tạo.

7. Phỏng vấn hồ sơ

Phỏng vấn hồ sơ chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định; điển hình như các ngành nghề sáng tạo như thiết kế đồ họa và kiến trúc. Sự khác biệt giữa phỏng vấn hồ sơ và trình bày hồ sơ chính là bạn sẽ phải thuyết trình một cách chi tiết về các khía cạnh nhất định liên quan đến các tác phẩm trước đây. Cho nên, phỏng vấn hồ sơ giống như thuyết trình.

Hãy cải thiện kỹ năng thuyết trình trước khi phỏng vấn – bạn có thể tham khảo một vài bài TEDx talk chẳng hạn – đảm bảo rằng hồ sơ của bạn được cập nhật và trình bày gọn gàng trước khi trình nhà tuyển dụng kiểm tra.

8. Phỏng vấn nhiều người

Phỏng vấn nhiều người là một dạng phỏng vấn truyền thống trong đó có khoảng ba người phỏng vấn một ứng viên. Thông thường, những người phỏng vấn là một quản lý cấp cao, một đại diện phòng nhân sự và một quản lý dự án/quản lý phụ trách. Mặc dù nhiều ứng cử viên cho rằng dạng phỏng vấn này hơi đáng sợ, hãy suy nghĩ về nó một cách tích cực: bạn sẽ được đánh giá bởi ba người khác nhau, cả ba người này sẽ tìm thấy những điểm khác nhau mà họ thích ở bạn.

Có khả năng mỗi người phỏng vấn sẽ hỏi bạn những câu hỏi khác nhau, vì thế bạn phải thật linh hoạt. Một bí quyết nữa là bạn nên cố gắng ghi nhớ tên của mỗi người khi họ giới thiệu bản thân với bạn. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị trước như khi chuẩn bị cho dạng phỏng vấn một đối một, đừng để số lượng người áp đảo trong phòng làm bạn sợ sệt.

9. Phỏng vấn nhóm

Bị một nhóm các nhà tuyển dụng tiềm năng phỏng vấn có thể khá đáng sợ, nhưng trong một cuộc phỏng vấn nhóm mọi chuyện có thể còn trở nên phức tạp hơn; sau tất cả, mỗi câu trả lời mà bạn đưa ra sẽ được nhà tuyển dụng lẫn đối thủ trực tiếp xem xét kỹ lưỡng.

Đối với một số ứng viên, áp lực gia tăng này có thể mang lại tác động tiêu cực, nhưng đối với những ứng viên khác, đây có thể là chất xúc tác để họ tiến lên và tỏa sáng – chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng The Apprentice chính là một ví dụ điển hình. Mấu chốt là bạn phải hiểu cái mà người ta đánh giá: bạn thân thiện với các ứng viên khác hay thù ghét ra mặt? Bạn có khuyến khích đưa ra giải pháp nhóm để giải quyết vấn đề hay khăng khăng bảo vệ quan điểm cá nhân? Bạn có làm việc hòa hợp với người khác không, ngay cả khi bạn cần phải lùi lại một bước?

Tất nhiên, hầu hết các công ty đều hy vọng rằng bạn có mỗi thứ một chút. Hãy luôn lịch sự và tích cực, gắn kết với mọi người và xem xét vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau. Bạn chắc chắn phải ngừng chỉ trích và cắt ngang lời người khác hoặc kiểm soát cuộc thảo luận và không cho phép ai lên tiếng.

10. Phỏng vấn cà phê

Phỏng vấn giờ ăn trưa – hoặc phỏng vấn cà phê đang ngày càng trở nên phổ biến hơn – có vẻ như chứng tỏ ứng viên được tuyển thẳng, tuy nhiên chúng không hề có ý nghĩa như vậy. Chỉ vì được ngồi trong một góc ở Starbucks không có nghĩa là bạn chuẩn bị sơ sài, thiếu chuyên nghiệp và đúng giờ hơn là trong cuộc phỏng vấn chính thống tại văn phòng.

Đôi khi ranh giới giữa việc phỏng vấn thực sự nằm trong quá trình tuyển dụng hay là nhà tuyển dụng đang cố dò xét thông tin từ bạn là khá mong manh. Trong những trường hợp như vậy – đặc biệt là khi bạn bị họ tiếp cận – hãy luôn nghĩ theo ý phía trước. Dù bạn biết rõ rằng không có vị trí nào cần tuyển dụng nhân viên, bạn cũng không thể nào biết được những điều sắp tới, vì thế đừng bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.

11. Phỏng vấn qua Skype

Các cuộc phỏng vấn video – thường được tiến hành thông qua công cụ phần mềm miễn phí là Skype – được các công ty sử dụng để phỏng vấn sàng lọc trong giai đoạn đầu của quá trình tuyển dụng. Bạn sẽ được hỏi một vài câu hỏi ngắn – bằng máy tính thay vì người thật – lúc này bạn phải đưa ra câu trả lời trong giới hạn thời gian và câu trả lời của bạn sẽ được xem xét sau.

Ngoài ra, nếu bạn xin việc ở nước ngoài hoặc nếu bạn không thể tham dự cuộc họp thì nhà tuyển dụng tiềm năng có thể lựa chọn tiến hành phỏng vấn trực tuyến hai chiều qua Skype. Nếu bạn không có kết nối Internet mạnh và an toàn tại nhà, hãy đến những nơi có kết nối Internet phù hợp – điều mà bạn không mong muốn nhất chính là nhà tuyển dụng phải lắng nghe âm thanh lộn xộn, nhỏ và màn hình đầy ô hoặc tệ hơn là video feed bị ngắt hoàn toàn.

Dù bạn đang ở giai đoạn nào thì bạn cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng và hiện diện phù hợp; tức là hãy ăn mặc thông minh và chú ý những gì đang diễn ra ở phía sau. Đảm bảo rằng bạn không bị làm phiền vì gián đoạn không đúng lúc sẽ khiến bạn mất tập trung…

12. Phỏng vấn qua điện thoại

Các cuộc phỏng vấn qua điện thoại thường được tiến hành trong giai đoạn đầu của quá trình tuyển dụng và được sử dụng làm công cụ sàng lọc trước khi gặp mặt trực tiếp. Không phải vì người phỏng vấn không nhìn thấy bạn mà bạn có thể cho phép mình thư giãn.

Thật vậy, mọi người thường khuyên rằng bạn nên ăn mặc trang trọng như trong các cuộc phỏng vấn khác; điều này sẽ tác động tích cực đến tâm lý và cách tiếp cận tổng thể của bạn, từ đó đảm bảo bạn không tự mãn. Một số phương diện trong thái độ của bạn cũng sẽ bị đánh giá – bạn có ăn nói tự tin và rõ ràng không? Bạn có thể giải thích ngắn gọn về các luận điểm của mình không? Nhìn chung bạn có giỏi giao tiếp không?

Vì thế, bạn vẫn có thể tận dụng một số thứ để mang lại lợi thế. Mặc dù bạn không nên soạn sẵn câu trả lời rồi đọc ra, bạn vẫn có thể ghi chú trước những điều bạn nghiên cứu được rồi đặt chúng trước mặt. Điều này đảm bảo bạn không quên bất cứ điều gì và có thể tập trung vào việc gây ấn tượng với người phỏng vấn.

13. Phỏng vấn đánh giá

Tương tự như phỏng vấn giải quyết vấn đề, các công ty thường sử dụng trung tâm đánh giá để nhận xét năng lực của bạn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Không giống như phỏng vấn giải quyết vấn đề, dạng phỏng vấn đánh giá thường kéo dài hơn – có khả năng kéo dài hết một ngày hoặc trong nhiều trường hợp khác thậm chí còn kéo dài đến vài ngày. Phỏng vấn đánh giá cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.

Ví dụ, bạn phải trải qua nhiều bài thi tính toán và thi viết, bài tập nhóm, đóng vai, đánh giá tâm lý và các bài kiểm tra công việc cụ thể. Tùy thuộc vào lĩnh vực bạn ứng tuyển, bạn còn có thể bị đánh giá thể chất và/hoặc khám sức khỏe nữa.

Trong những trường hợp như vậy, bạn sẽ được cảnh báo trước về những gì bạn cần làm, trong nhiều trường hợp bạn sẽ được cung cấp gợi ý và hướng dẫn. Vì thế hãy đọc kỹ mọi tài liệu được cung cấp và chuẩn bị cẩn thận hết mức có thể cho mỗi giai đoạn đánh giá.

14. Phỏng vấn tốc độ

Giống như khái niệm phổ biến về hẹn hò tốc độ, phỏng vấn tốc độ bao gồm một lượng lớn các ứng cử viên di chuyển đồng thời giữa nhiều người phỏng vấn, trong đó mỗi người phỏng vấn chịu trách nhiệm về một chuỗi câu hỏi nhất định. Mỗi trạm đều được tính giờ và ứng cử viên chỉ có một cơ hội giới hạn để gây ấn tượng – về cơ bản đó là mục đích chính.

Trong phỏng vấn tốc độ ứng viên phải gây được ảnh hưởng tức thì và phải có sức lôi cuốn đối với nhận xét ban đầu của người phỏng vấn. Vì thế, điều quan trọng là phải sử dụng đúng ngôn ngữ cơ thể, mỉm cười và duy trì giao tiếp bằng mắt và phải khiến người khác thấy thích bạn ngay. Do hạn chế về mặt thời gian, hãy luôn giữ bình tĩnh và trả lời câu hỏi nhanh nhưng rõ ràng.

15. Phỏng vấn làm việc

Tùy thuộc vào loại công việc mà bạn đang ứng tuyển, người đánh giá có thể quyết định giảm tải câu hỏi và thay vào đó tận dụng cơ hội để quan sát bạn làm việc thực tế. Điều này chứng minh kỹ năng của bạn trong môi trường thực thay vì đơn giản trò chuyện trong một viễn cảnh giả định.

Ví dụ như trong môi trường bán hàng, bạn có thể được yêu cầu bước ra khỏi văn phòng và bước lên sàn, trong đó các nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ theo dõi bạn chào mời một khách hàng tiềm năng. Thay vào đó, nếu bạn là một nhà văn, họ có thể cung cấp cho bạn một số thông tin và yêu cầu bạn viết một đoạn văn ngắn tại chỗ. Bạn có thể (có cảnh báo trước) thậm chí được yêu cầu dành cả ngày trong văn phòng để thử sức với một vài nhiệm vụ để xem bạn có phù hợp với văn hóa tổng thể không.

Mặc dù dạng phỏng vấn này hơi đáng sợ – nhất là khi bạn không dự tính trước – đây cũng có thể là một cơ hội lớn để nổi trội hơn đám đông. Hãy luôn tự tin và tích cực, nếu không có vấn đề gì thì bạn hãy xem nó như một cơ hội để được nhận xét và tìm hiểu thêm về công ty; sau tất cả, phỏng vấn là một quá trình hai chiều.

Khi các công ty thử nghiệm nhiều phong cách khác nhau để tối ưu hóa quá trình tuyển dụng, phỏng vấn truyền thống dường như biến thành một thứ gì đó rộng hơn và khó định vị hơn. Bằng cách tập trung chuẩn bị tốt và duy trì sự linh hoạt, không có lý do gì khiến bạn không thể chứng minh bản thân là một ứng viên lý tưởng và sử dụng những thể thức khác nhau để thể hiện những thuộc tính tốt nhất của mình.

Theo ieltsplanet.info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

228 lượt xem