Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sự Thật Không Phải Ai Cũng Biết Về Du Học Sinh (Phần 1)



CÓ BAO GIỜ BẠN TỰ HỎI: 

- Ở một nơi nào đó trên thế giới, tại thời điểm này đang diễn ra những gì?
- 1 bạn sinh viên bằng tuổi mình, đang làm gì ở nơi trời Tây?
- Mình đang ngồi đây, chờ đến ngày nhập trường Đại học, thì một bạn khác bằng tuổi mình đang làm những gì để chuẩn bị cho con đường du học trước mắt?

Ông bà ta đã dạy: “Không thành công cũng thành nhân”, chỉ cần các bạn chịu khó học hỏi, nỗ lực hoàn thiện mình trong mọi hoàn cảnh, dám thử sức và trải nghiệm, thì chắc chắn một ngày nào đó bạn sẽ trưởng thành.

Ngày nay, có khoảng hơn 150.000 sinh viên Việt Nam du học tại các nước trên thế giới. Thực tế chứng minh rằng, ngoài những kênh đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, ngoại hối hay kinh doanh, các gia đình Việt Nam đang đổ một lượng tiền lớn vào giáo dục cao cấp. Cùng với sự bùng nổ của dân số trẻ và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, dẫn đến nhu cầu giáo dục của người dân cũng cao hơn. Tại sao lại là du học? Sự thật về du học sinh liệu có như người ta nghĩ? Vấn đề hoà nhập của du học sinh sau khi về nước,... Vietint xin liệt kê những sự thật không phải ai cũng biết để các bạn và các bậc phụ huynh có cái nhìn đa chiều hơn về câu chuyện du học.

1, Du học ắt hẳn con nhà giàu?

Ngoài những trường hợp cậu ấm cô chiêu đi du học, sang trời Tây sắm Dior, Chanel như đi chợ, hay mua chiếc Mercedes thể thao đạp ga cho đã chân, 1 năm tiêu hết vài trăm ngàn đô thì những trường hợp còn lại gia đình đều thuộc tầng lớp trung lưu, thu nhập của bố mẹ chỉ ở mức trung bình-khá. Tại sao vậy?

Hiện nay có rất nhiều giải pháp du học giải quyết được vấn đề tài chính cho các gia đình. Một trong những phương án được nhiều bạn trẻ quan tâm nhất đó là học bổng. Các bạn học sinh sinh viên có điểm phẩy cao ở trường, cộng thêm điểm thi IELSTS cao, thể hiện mình tốt trong những bài SOP (bài tiểu luận về bản thân) hay những vòng phỏng vấn xin học bổng đều có cơ hội nhận được những suất học bổng 25%, 50% hay thậm chí 100% học phí toàn khoá học.

Có những trường hợp học sinh cực kì xuất sắc, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, hay thử sức mình ở những trường thuộc top IVY League để nhận học bổng toàn phần bao gồm cả chi phí học lẫn chi phí ăn ở từ các trường Đại học ở Mỹ. Riêng những bạn này có thể là những học sinh nghèo vượt khó, thu nhập gia đình dưới mức trung bình vẫn có thể hiện thực hoá giấc mơ du học của mình.

Chưa kể đến rất nhiều các trường Đại học hiện nay, với mục đích hỗ trợ và khuyến khích giáo dục, đã mang đến các suất học bổng tự động, có nghĩa là học sinh apply vào một khoá học nào đó và tự động được miễn giảm một phần học phí mà không cần phải qua bất kỳ vòng phỏng vấn nào, tất nhiên bạn phải đạt đủ yêu cầu tối thiểu cho khoá học đó. Những suất học bổng này trung bình rơi vào khoảng 25% - 30%.

Có rất nhiều bạn sinh viên chọn những nước du học đắt đỏ nhưng cơ hội làm thêm rộng mở, các bạn sang có thể vừa đi học vừa đi làm, trang trải chi phí sinh hoạt, có bạn còn để ra được một khoản tiết kiệm, cuối năm có thể tự mua vé máy bay về Việt Nam ăn Tết.

2, Đi du học là để trốn thi Đại học trong nước?

Đối tượng đi du học được chia thành 4 nhóm: học sinh hết cấp 3 đi du học Đại học; sinh viên đang học Đại học bỏ dở đi du học; sinh viên học xong Đại học muốn đi học Thạc sỹ; người đi làm muốn nâng cao trình độ ở nước ngoài. Trong đó tỷ lệ học sinh đi hết THPT chiếm phần đông, và thường các bạn học sinh thuộc nhóm này không thi Đại học. Phải chăng chính vì nguyên nhân này mà nhiều người cho rằng các bạn không đủ trình độ cho kỳ thi Đại học nên không dám thi, hoặc sợ trượt nên mới phải đi nước ngoài? 

Trước hết, không thể phủ nhận một thực trạng rằng, nhiều bạn sinh viên thi Đại học trong nước bởi sức ép từ chính gia đình các bạn và những định kiến xã hội, hay thậm chí bởi vì xung quanh mình bạn bè đều thế. Có nhiều bạn không xác định được mục tiêu nghề nghiệp và định hướng tương lai cho bản thân, thi vào những trường được xã hội đánh giá cao, học những ngành mà người khác đều học, trong khi bản thân chưa xác định được mình muốn gì, nhu cầu học tập của mình ra sao, hay có những trường hợp sinh viên không hiểu mình đang học cái gì trên giảng đường Đại học, dẫn đến các bạn cứ thi và học như một cỗ máy, ngày đêm theo đuổi một thứ được gọi dưới cái tên mỹ miều: “niềm tự hào của gia đình”.

Quay trở về với du học sinh, khâu đầu tiên các bạn phải làm trong cả quá trình du học là tìm hiểu sở thích và khả năng của bản thân xem mình phù hợp với ngành nghề gì, nhu cầu học vấn và việc làm của mình đến đâu, sau đó tìm hiểu các khoá học và trường học sao cho phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình. Vâng, nếu nói những bạn ấy kém cỏi, trốn thi Đại học cũng không hoàn toàn sai, nhưng chắc hẳn chẳng ai chỉ vì sợ, trốn một thứ gì đó mà phải vất vả chọn đi trên con đường mà ngay từ khi bắt đầu đã lắm “thủ tục phiền toái”kể trên.

Những lầm tưởng khác về du học sinh sẽ được bật mí qua phần 2 của “Sự thật không phải ai cũng biết về du học sinh”. Các bạn đón đọc nhé!


Theo Công ty tư vấn du học Vietint

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

132 lượt xem