Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Youth Confessions] Chia Sẻ Của Cựu Sinh Viên Ngành Quan Hệ Quốc Tế Về Rẽ Sang Ngành Giảng Dạy Tiếng Anh

Tôi vừa tốt nghiệp 08/2017. Tôi từng đối diện với nỗi sợ học tiếng Anh và sau bốn năm đại học, tôi chọn làm cô giáo dạy tiếng Anh.

[Yêu tiếng Anh, tôi bỏ ngoài tai những lời chê bai và chọn lấy phần công việc tôi yêu]

Khi xâu chuỗi các trải nghiệm và kinh nghiệm làm việc bốn năm đại học, tôi nhận ra mình thích đi dạy. Hoàn tất các môn chính trị - kinh tế và khoá học TESOL về giảng dạy tiếng Anh, tôi rẽ lối vào làng nghề giảng dạy tiếng Anh. Trong hành trình mới, có nhiều học trò thương quý và ngưỡng mộ tôi. Họ cho tôi sống trọn với niềm đam mê và không bao giờ quên trách nhiệm của bản thân “là một cá nhân kiến tạo để góp phần tìm ra giải pháp giúp các bạn sợ học tiếng Anh".
[Khi mới bước vào giảng đường đại học, tiếng Anh xuất hiện một môn học gây sợ hãi.

Bước vào giảng đường đại học, môn tiếng Anh xuất hiện với tôi là nỗi ám ảnh. Hồi cấp ba, tôi là đứa học lớp chuyên Văn và dành hầu hết thời gian ôn luyện môn Toán. Lần đầu tập nói, tôi đã bị cô bạn từng học chuyên Anh nhận xét mỉa mai “thực là mắc cười khi bạn này nói The first, we have.... vì người ta chỉ thường dùng First, we have...”. Từ đó, tôi luôn cảm giác xấu hổ khi phát biểu sai. Tôi còn phải thi đi thi lại ba lần bằng C tiếng Anh để được khoa chứng nhận “sinh viên đủ điều kiện kết thúc năm nhất”. Thi lại lần thứ ba, tôi vẫn trượt kĩ năng nghe với số điểm 4.5/20. Tôi ghét cay ghét đắng môn tiếng Anh và chưa từng nghĩ sẽ đi dạy tiếng Anh.

Thích thú học tiếng Anh nhờ không ngừng chủ động thử qua nhiều cách học.

Dù thất bại và ám ảnh môn học này, nhưng trong lòng , tôi thầm so sánh với bạn bè ở thành phố nói tiếng anh giỏi và bản thân tự cam kết sống chết mục tiêu “phải học tiếng anh thật giỏi”. Do đó, tôi bắt đầu dấn thân vào tìm hiểu và thử nghiệm tất cả các cách giúp tôi tiến bộ hơn. Tôi nghĩ yếu tố cần thiết nhất giúp tôi không sợ nói nữa là môi trường giao tiếp thân thiện. Do vậy, tôi tìm đến câu lạc bộ nói tiếng Anh Talk Your Mind của các anh chị sáng lập đến từ Đại học Bách Khoa và Đại học Kinh tế Luật. Là thành viên của câu lạc bộ, tôi thử sức với nhiều vai trò từ MC đến người điều phối các hoạt động. Sau đó, tôi đã tự tổ chức một nhóm SPEAKING ENGLISH GROUP 11.2014 riêng, hoạt động tại ký túc xá khu B – ĐHQG HCM. Tôi là người chủ động tìm kiếm các chủ đề để nhóm tập nói, bắt đầu từ đơn giản như “thể hiện và bảo vệ luận điểm của bạn” hay “làm thế nào để bạn trả lời các câu hỏi đơn giản một cách thuyết phục”. Trong quá trình hoạt động, tôi luôn giữ mục tiêu của nhóm “phải nói tiếng Anh giỏi”. Thế nên hầu như mọi cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài đều được nhóm bạn và tôi tận dụng tối đa. Có lần nhóm bạn 4 người Mỹ (tôi chỉ nhớ Mikayla vì cô có kết bạn với tôi trên Facebook) tới nhà khách đại học quốc gia tham quan và tổ chức câu lạc bộ nói tiếng Anh. Tôi đã không ngại bắt chuyện, hỏi xin số điện thoại để kết nối với bạn này. Lúc đó, tôi thiết tha mong có được một người bạn bản xứ để chuyện nói tiếng Anh được một phần nào đó giông giống như họ. Nhóm bạn chúng tôi cuối tuần là đi xe buýt lên trung tâm quận 1 để săn khách Tây và tập nói với họ về các chủ đề khác nhau như văn hoá, du lịch và lịch sử. Ngoài ra, tôi còn tận dụng cả thời gian giặt đồ, rửa chén và quét nhà để luyện nói tiếng Anh một mình và ca hát nhạc tiếng Anh một mình. Những lúc phải thuyết trình bằng tiếng Anh, tôi dành hàng giờ đứng ngoài hành lang ký túc xá để tập nói, rồi lại nhìn biểu cảm của mình trước gương.

Nhưng những phấn đấu ban đầu đã mang lại hiệu quả đáng quý. Việc tự tạo cho mình môi trường nói tiếng Anh đã giúp kĩ năng nói năng nói của tôi tiến bộ rõ rệt. Tôi còn dở bỏ cảm giác sợ tiếng Anh sau gần một năm chìm đắm trong cảm giác bi quan và bắt đầu hứng thú để học ngôn ngữ này.

Để tiến bộ hơn, tôi nghĩ tập nói với bạn không thì vẫn chưa đủ. Lỡ như nói sai, mà bạn cũng sai thì đâu ai sửa cho. Tôi muốn bồi đắp thêm nhiều từ vựng, nhưng nếu áp dụng cách học truyền thống như kiểu đọc ghi từ vựng vào sổ rồi ghi nghĩa tiếng Việt cạnh bên thì tôi hoàn toàn không nhớ gì cả. Tôi thử cách này nhưng không thấy hiệu quả vì bản thân không sử dụng được từ vựng vừa học. Phần quan trọng hơn hết là tôi không có động lực để học bằng cách ghi chép từ vựng. Với ý định học nhiều từ vựng, tôi đã nộp đơn xin làm biên phiên dịch cho công ty khởi nghiệp Scholarship Planet. Khi được nhận vào làm, một tuần, tôi dịch bốn bài tiếng Anh về học bổng du học và kinh nghiệm du học. Sau này tôi luyện quen thì đọc nhiều và dịch nhiều hơn. Càng dịch, càng học từ vựng mới, tôi càng vui sướng. Cùng với việc học trên trường, tôi phải làm bài tập review news hằng ngày với yêu cầu viết tóm tắt cho mỗi bài báo bạn đã đọc. Vốn từ vựng từ con số không của tôi đã tăng lên đáng kể. 
Tiếng Anh mang đến khát khao chinh phục

Ban nội dung của tôi gồm nhóm bạn sinh viên chia sẻ ước mơ du học bốn bể năm châu. Bạn bè trong nhóm nội dung của tôi lần lượt post hình IELTS 8.0, 7.5, 8.0. Tôi càng đấu tranh gay gắt với việc “phải làm sao để tôi cũng có điểm IELTS như họ”. Tôi rơi vào cảm giác tự ti và khủng hoảng “vì sao mình thua kém những người bằng tuổi mình, mình thật tệ hại”. Tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc đạt target IELTS 8.0 cần phải có nền tảng thật vững, nghiêm túc và nỗ lực lớn với việc học từ rất lâu trước đó. Các bạn đạt target 8.0 trong nhóm hồi đó đều là dân học chuyên Anh thời cấp ba. Để thoát ra khỏi cảm giác bi quan, tôi quyết tâm chinh phục IELTS cho oách như bạn bè trong nhóm. Ban đầu tôi xác định tự học. Tôi thử qua cả hơn mấy chục cách học và ghi chép hơn một chục quyển sổ. Tôi thử cách học trên khoá học trực tuyến của IELTS Planet. Nhưng rồi, tôi đã dễ dàng từ bỏ sau vài bài học đầu tiên vì tôi không nhận thấy sự tiến bộ của bản thân. Tôi xác định tự học nhưng không hề có một lộ trình rõ ràng và cũng không có một cách học hiệu quả cụ thể. Nhưng tôi đã quyết chí theo đuổi một mục tiêu, thì tôi phải làm cho trọn vẹn. Càng học tôi hờn giận bạn IELTS. Vì khi tôi càng luyện nghe, tôi càng bất lực vì không thấy bản thân lên trình. Sau này đi học TESOL tôi nghe cô giáo nói “ở trình độ intermediate”, bạn khó thấy mình tiến bộ lắm, nhưng hãy cố gắng vì bạn chắc chắc sẽ tiến bộ lên trình upper intermediate”. Sau này, khi đọc được một bài chia sẻ từ rất nhiều cao thủ học giỏi tiếng Anh “hãy nghe những gì bạn thích thú thì việc nghe sẽ trở nên tự nhiên và dễ thở hơn”. Tôi thử nghe TED TALKS và bật phụ đề tiếng Anh. Thấy câu nào hay thì tôi nhẩm ý tập đọc theo. Tôi học cả cử chỉ, điệu bộ của người thuyết trình. Ngoài TED TALKS, tôi là fan của TALK VIETNAM. Trong nhật kí, tôi ghi “cái gì có TALK, có SHARE là tôi thích”. Còn về phim, thì tôi thích coi phim của Walt Disney với phụ đề tiếng Anh vì nghe ngữ điệu của các nhân vật rất dễ thương và tạo hứng khởi.

Qúa trình học tiếng Anh giúp tôi tự tin hơn để nộp đơn và thi đậu vào trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ làm để làm trợ giảng. Vì cá nhân tôi không phải là dân chuyên ngữ Anh, cũng không có lịch sử học tiếng Anh lâu dài trước đó, nên việc chen chân vào thị trường của các bạn Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Anh khiến tôi vừa tự hào, vừa mặc cảm. Tôi tự hào vì tôi đã chiến thắng bản thân và tiến bộ hơn từng ngày. Nhưng phần mặc cảm của tôi đến từ bạn bè xung quanh vì ngôn ngữ là thế mạnh của họ. Nhưng tôi nghĩ, tiếng Anh tôi đủ cho môi trường giao tiếp, thực hiện tốt trong công việc thì sao tôi không tận dụng môi trường toàn người bản xứ để phát triển bản thân mà cứ buồn hoài. Thời gian đi làm, tôi gặp không ít khó khăn vì có khi người bản xứ nói tôi không hiểu hết. Tôi có lần bị cô giáo người Nam Phi phê bình thẳng thắn “thật khó để tôi làm việc với em vì em luôn làm theo ý em, em không hiểu ý tôi”. Riêng mục tiêu thi IELTS cho oách của tôi cứ bị trì hoãn và xoay chuyển liên tục vì vấn đề tài chính và sợ thất bại. Tôi lại cảm giác có lỗi với bản thân nếu tôi không chịu đi thi và cứ tiếp tục trì hoãn. Sau đó, tôi đăng kí đi thi IELTS và lần này tôi thi thật. Tôi sẽ không sợ nữa. Tiền dành dụm từ việc đi làm trợ giảng tôi cũng đổ hết vào kì thi này. Tôi lên kế hoạch ôn thi tập trung một tháng. Nhưng không may, tháng đó tôi bị ốm liên tục. Lúc đó nộp phí thi rồi nên tôi chỉ còn cách duy nhất “cố hết sức, tới đâu thì tới”. Lúc thi thật, tôi làm không kịp giờ đề môn đọc và cũng thất bại tan nát phần nghe. Nhưng khi thi xong, tôi cảm giác vô cùng nhẹ nhõm vì đã hoàn thành chuyện tôi muốn làm bấy lâu. Nếu không làm thử thì sẽ phải hối hận vì không biết năng lực mình tới đâu. Kết quả đạt được 6.5 hồi năm ba đủ để tôi xét tốt nghiệp ra trường. Tôi coi đó là động lực để mình tiếp tục phấn đấu cho những nấc thang cao hơn.

Còn hiện tại, tôi đang chuẩn bị tham gia chương trình exchange về giảng dạy tiếng Anh tại Indonesia trong 6 tuần. Tôi có cơ hội tự mình lên kế hoạch về hành trình này và gặp gỡ bạn bè quốc tế. Đây cũng là ước mơ mà tôi ấp ủ từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chia sẻ về chuyện học tiếng cho các bạn không học chuyên ngữ Anh, tôi rút hết gan dạ gửi đến các bạn trẻ đang dự định bước vào hành trình học tiếng Anh một vài thông điệp.

Hãy tin rằng “phấn đấu của bạn ở bất cứ giai đoạn nào, lĩnh vực nào trong cuộc đời sẽ vô cùng tuyệt vời và đáng giá. Vì bạn đã tạo ra sự tiến bộ cho bản thân từng ngày. Có thể, bạn sẽ phải chiến đấu không ngừng cho giấc mơ trở thành cao thủ của ngôn ngữ mà bạn theo đuổi. Bạn sẽ phải trải qua không ít lần cảm thấy cô đơn và thất vọng, thậm chí chê trách bản thân mình yếu kém. Để rồi nhiều lúc bạn vỡ oà vì nhìn thấy mình đạt được chút ít thành tựu bao ngày dài phấn đấu.”

Bạn có thể là người kiến tạo ra các giải pháp tự học hiệu quả cho chính mình chinh phục điểm đến “giỏi tiếng Anh”. Cách thức của bạn sẽ rất đặc biệt so với nhiều người. Tuy nhiên, để rút ngắn hành trình này, bạn nên chủ động tìm đến các mentors - những người đã đạt được ước mơ giống như bạn và hướng dẫn lại cho bạn. Họ có thể là thầy cô giáo dạy tiếng Anh, sách chia sẻ về hành trình học tiếng Anh như quyển Săn học bổng - Điểm đến của tôi phải là nước Mỹ, các hội học tiếng Anh như Tự học IELTS 9.0. Việc không ngại nói lên vấn đề mình gặp phải sẽ giúp bạn nhận được những lời khuyên và định hướng đắt giá.

Không ai tin bằng bằng chính bạn. Khi tin rằng bạn có khả năng vô hạn thì việc thực hiện trọn vẹn mục tiêu là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể và thực tế. Bạn thiếp lập mục tiêu lần đầu thi điểm IELTS 8.0 thì bạn phải ghi cụ thể điểm mục tiêu các kĩ năng (ví dụ Listening 8.5, Reading 8.5, Writing 7.5, Speaking 7.5). Mục tiêu này phải được đính kèm thái độ cam kết học tập nghiêm túc và lộ trình phù hợp do chính bạn quản lí và thực hiện.

Bạn cần động lực để gắn bó với lời cam kết thực hiện mục tiêu. Đông lực giống như đuôi lái quạt được gắn phía sau để lèo lái con thuyền đi đến một điểm nào đó trên biển khơi mênh mông. Theo lý thuyết của Hamer về động lực học tiếng Anh “Động lực có thể đến từ bên trong hoặc bên ngoài”. Bạn có thể theo đuổi việc học tiếng Anh vì niềm đam mê tìm tòi khám phá một ngôn ngữ mới, một nền văn hoá mới. Bạn cũng có thể học tiếng Anh vì muốn đi du học theo định hướng của ba mẹ. Cho dù động lực thúc đẩy bạn hành động là gì đi chăng nữa thì bạn cũng sẽ chạy tăng tốc hơn trên hành trình của mình. Học tiếng Anh hay hoàn thành bất kì mục tiêu nào trong cuộc sống bạn cần có một mục tiêu thực tế - bản kế hoạch và động lực để thực hiện kế hoạch đã đề ra.

---------------------------------------------------------
Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé: http://bit.ly/YboxShare2017 🍁


(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy them những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: http://bit.ly/YouthCfs-Ybox



Đọc và chia sẻ nhiều hơn tại: https://www.facebook.com/YboxConfession/posts/540671919659115



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

203 lượt xem