Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Youth Confessions] Chia Sẻ Của Một Kỹ Sư Xây Dựng Về Bí Quyết Để Đạt Được Thành Công Trong Nghề ( Phần 2)

11. Phải biết hưởng thụ

Làm việc trong môi trường áp lực như vậy, nếu anh không biết hưởng thụ cuộc sống, anh sẽ khó có được trạng thái cân bằng. Đây cũng là vấn đề thường gặp của dân trong nghề: “Không cân bằng được công việc và cuộc sống”. Lâu lâu tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ đúng nghĩa với gia đình, học một môn nghệ thuật nào đó (nhiếp ảnh chẳng hạn). Cuộc sống sẽ “dễ thở” hơn nhiều khi mình biết “quẳng gánh lo đi và vui sống”.

12. Phải biết chấp nhận thất bại

Thất bại nhỏ là khi bản vẽ bị gạch te tua be bét. Thất bại vừa là khi rớt hợp đồng. Thất bại lớn là khi... (thôi cái này không nói đâu). Còn nhiều các thể loại thất bại nữa. Nhưng đã làm nghề xây dựng, anh phải biết chấp nhận điều đó. Mỗi khi gặp thất bại, hãy nghĩ đến quy luật được - mất. Và có một bí mật nhỏ, bạn gặp thất bại càng sớm, thì bạn thành công càng sớm. Và những thất bại bạn gặp khi còn trẻ tuổi sẽ dễ vượt qua hơn là khi bạn đã nhiều năm tuổi nghề rồi mới gặp. Bắt đầu sự nghiệp riêng lúc 23 tuổi, không biết bao nhiêu lần bầm dập, bao nhiêu lần te tua từ “cõi ấy” trở về, để đến giờ tôi có cái nhìn hoàn toàn khác về những khó khăn.Vậy nên, đừng ngại thử thách, đừng vì 1 thất bại nhỏ mà nản. Bạn đang gặp may đấy, vì bạn gặp chúng sớm hơn, sau này bạn sẽ không bao giờ gặp lại nữa.

13. Phải biết đam mê

Trong cái thế giới khô khan của ngành xây dựng, nếu anh không đủ lửa để giữ đam mê với nghề, nhiều khả năng anh sẽ bị out, hoặc là tự out. Nhiều người sau một thời gian theo đuổi đã rẽ sang nghề khác là vậy. Áp lực, vất vả, bị nhiều yếu tố chi phối là đây. Nên nếu như anh cứ mãi sống xoàng xoàng, cứ mãi dật dờ, thì không sớm thì muộn anh sẽ cảm thấy như mình đã chọn nhầm nghề!

14. Phải biết cọ xát thực tế

Với nghề này, tấm bằng đẹp khi ra trường sẽ không hẳn là tấm vé hoàn hảo cho bộ hồ sơ, nếu như anh không có kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, mới có chuyện đòi hỏi anh không những có tấm bằng mà còn phải có cả những chứng chỉ HÀNH nghề, phải chứng minh được kinh nghiệm làm việc. Không chỉ là thực tế khi tính toán, triển khai bản vẽ, lên dự toán, lập hồ sơ thầu mà còn phải biết những công việc tưởng chừng rất đơn giản khác. Tôi biết một trường Đại học dân lập, khoa xây dựng của trường đó có một môn học giống như thực hành nghề. Sinh viên sẽ phải cầm bay, trộn vữa, lát gạch để xây hoàn thiện một ngôi nhà nhỏ. Đây là điều mà tôi thấy không phải trường nào cũng để ý để thực hiện cho sinh viên. Tôi cũng nhận được khá nhiều email của các bạn sinh viên mới ra trường, sẵn sàng xin vào làm không lương để học hỏi kinh nghiệm. Và tôi cũng có chơi với nhiều anh bạn, lăn xả nhiều năm trên công trường, cầm bay, trét vữa, trộn hồ... còn chuẩn và “ra dáng” hơn cả mấy anh thợ. Tôi luôn đánh giá cao và khâm phục những tinh thần sẵn sàng làm việc như vậy.

15. Phải biết về phong thuỷ

Tôi không khuyên các bạn trở thành thầy phong thuỷ. Phong thuỷ bao la lắm, rộng lắm, nhiều thứ phải học lắm. Nhưng cũng nên biết sơ sơ đôi chút. Để biết mà chém gió với chủ đầu tư, với khách hàng. vì bạn là dân xây dựng, thi thoảng người thân nhờ vẽ nhà, thiết kế nhà... thì cũng nên biết tí chút về phong thủy mà chém chứ. Chỉ cần khoảng một tuần nghiền ngẫm trên Internet là đã có những kiến thức cơ bản nhất rồi. Vì phong thuỷ trong kiến trúc bây giờ cũng rất phổ biến rồi.

16. Phải biết dùng công nghệ thay sức người

Cái mà tôi muốn đề cập ở đây là các phần mềm hỗ trợ trong công việc: phần mềm tính toán, vẽ kết cấu, phần mềm dự toán, phần mềm quản lý dự án... Bây giờ, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã quá phổ biến rồi, nên việc sử dụng các phần mềm để tiết kiệm sức lực, tăng hiệu quả và độ chính xác trong công việc là việc quá nên làm.

17. Phải biết chăm sóc bản thân

Biết là dân xây dựng thường đi liền với hình ảnh xuề xoà qua loa, nhưng đôi khi cũng phải biết tút tát một chút. Chăm sóc “mặt tiền”, rồi còn phải chăm sóc sức khoẻ nữa. Trong môi trường làm việc căng thẳng, bụi bặm khắc nghiệt, và cả nhậu nhiều (?!?) thì việc kiểm tra sức khoẻ thường xuyên là điều cần thiết.

18. Phải biết từ chối

Cái này có lẽ sẽ đề cập đến một vấn đề nhạy cảm của nghề: rút ruột công trình, nhận bao thư lì xì. Biết rằng đụng tới vấn đề này dễ bị anh em ném đá lắm chứ nhưng tôi cũng xin mạn phép đề cập sơ sơ bởi bản thân tôi cũng từng tiếp xúc với một vài trường hợp điển hình. Số là nhiều cậu nhất quyết ra trường cứ phải đi thi công cơ vì nghe đâu thấy mấy đàn anh làm 2-3 năm đã tậu được nhà thành phố rồi. Có cậu chưa chịu cưới vợ bởi lời giải thích đơn giản là “cố chờ anh 2-3 năm nữa ổn định anh kiếm tiền mua nhà cái đã” … Nếu anh không biết nói lời từ chối, thì sẽ có những thứ khác chào đón anh: là phê bình, là trách nhiệm, là danh dự, thậm chí là nhà đá. Bản lĩnh của anh đến đâu, trong những tình huống cụ thể như vậy sẽ là một phép thử rõ ràng nhất, dễ thấy nhất. Tuy nhiên, nói vậy thôi chứ cứ đúng luật, đúng lệ, đảm bảo an toàn thì cứ linh động xíu xíu chắc cũng chẳng sao.

19. Phải biết nịnh

Cái này thì dùng thường xuyên nhé. Nịnh sếp, việc gấp sếp giãn tiến độ ra một chút, gấp quá bọn em thở không có nổi. Nịnh nhân viên với thợ chịu khó tăng ca một chút, dự án này quan trọng lắm, đừng để có sơ suất gì nha. Về vấn đề này, cùng với chuyện bằng cấp, tôi rất khoái một câu truyền miệng khá phổ biến của anh em chúng ta: “Bằng gì cũng chẳng vượt qua được bằng lòng”. Nghe thì hơi chối tai, nhưng không phải là không có lý.

20. Phải biết kể khổ, biết than

Cái này song song với “nịnh kungfu”. Đối tượng áp dụng: Với nhiều đối tượng khác nhau. Thời điểm áp dụng: lúc bị trễ tiến độ, trễ thanh toán, trễ giờ về nhà. Còn than thế nào, cái này phải phụ thuộc vào các bạn. Nói như các bạn trẻ bây giờ hay nói, “ăn mày tình cảm” nó cũng khó lắm, không phải ai làm cũng được đâu, cũng là cả một nghệ thuật đấy.

21. Phải biết tìm cơ hội trong thử thách

Trong hoàn cảnh khủng khoảng kinh tế, việc ít, nhiều người lại đâm ra lo sợ, mà không nghĩ lạc quan rằng đây là thời điểm để mình làm những việc mình chưa làm được trước đó vì bận bịu: học thêm ngoại ngữ, “sưu tầm” thêm những chứng chỉ hành nghề còn thiếu, học thêm nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu về một ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới... Con gấu mùa đông không tiện đi kiếm mồi, nó còn biết tận dụng ngủ một giấc thật dài cho lại sức, sao mình không nhân cơ hội này mà trau dồi bản thân để đến khi cơn bĩ cực qua rồi, mình lại thêm vững vàng chắc chắn?

Đến đây thì tôi xin tạm khép lại những chuỗi “phải biết” của nghề xây dựng. Tất nhiên, như đã nói, đây chỉ là khép lại dưới cái nhìn của cá nhân mà thôi. Còn nhiều cái phải nữa. nhưng nói nhiều thành ra lại là đứa đi dạy đời, và chắc chắn khi đọc cái này sẽ có nhiều người nói tôi xúi dại, vì có những cái “phải biết” sao mà tào lao bí đao quá. Thôi tào lao vài dòng vậy đã, ai thấy kiếm được chút gì hay thì cứ thế mà dùng.
------------------------------------------------------

>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé: http://bit.ly/YboxShare2017 🍁

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy them những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: http://bit.ly/YouthCfs-Ybox


Bàn luận thêm về bài viết tại: https://www.facebook.com/YboxConfession/posts/571790769880563

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

80 lượt xem