Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[HN] Triển Lãm “Em Chào Các Bác” 2019 (Tự Do Vào Cửa)

Hết hạn

Khai mạc: 17:00, thứ tư 20/02/2019
Triểm lãm: 09:00 – 12:00 và 13:30 – 17:00, 20/02 – 12/03/2019
VICAS Art Studio
32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội

Thông tin từ nhà tổ chức:

Di dân ra thành phố hay nói mộc mạc như chúng ta là “nhà quê ra tỉnh” là vấn đề muôn thuở và không chỉ ở Việt Nam.

Thành phố luôn hấp dẫn những người trẻ tuổi từ nhà quê bởi những cơ hội phát triển, bởi đời sống hào nhoáng, tiện nghi. Ai mà lại chả mơ về một sự thành đạt trong xã hội, về những người đàn bà đẹp, quý phái, về căn nhà đầy đủ tiện nghi hiện đại, rồi xe hơi, những nhà hàng, dịch vụ cao cấp… Nhưng thực tế lại chẳng như mơ, bởi mọi hưởng thụ, mọi mối quan hệ mà bạn có hoàn toàn phụ thuộc vào địa vị kinh tế, xã hội mà bạn đang có.

Số đông, ra thành phố kiếm kế sinh nhai, dù lăn lộn, bươn trải, dù cũng có chốn ở, nhưng với địa vị kinh tế/ xã hội thấp (bán báo, hàng rong, công nhân, viên chức quèn và cả họa sỹ nghèo…) nên họ chỉ được tiêu dùng những sản phẩm ở thứ hạng xã hội thấp và chỉ có được những thứ “gọi là” tiện nghi… Mặt khác, cũng do họ mang theo lối sống thôn quê ra thành phố nên không thích nghi được với môi trường mới, họ sẽ cảm thấy lạc lõng, yếm thế trong môi trường sống mới…

Ở chiều ngược lại, không ít người thành phố lớn, khi đã có đủ những điều kiện vật chất, lại kinh hãi sự ồn ào, ô nhiễm và một xã hội vô nhân xưng/ không duy tình của đời sống đô thị, họ lại ước mong một nhịp sống chậm hơn, có tình hơn và trong sạch hơn về môi trường.

Hai chiều (Tỉnh và Quê) ấy đã được thể hiện ở triển lãm này bởi sự cộng hưởng của hai họa sỹ đương đại:

1. Đoàn Xuân Tùng, trẻ, từ quê ra và bám trụ ở Hà Nội. Tranh của anh phản ánh những mong mỏi cũng như những thực tế chẳng mấy lãng mạn của những người lao động, nghèo khổ, địa vị xã hội thấp. Những chỗ ở tạm bợ, bẩn thỉu (qua hình tượng những bồn cầu, chậu rửa mặt cáu bẩn), cảnh chen chúc, mỏi mệt khi đi xe bus công cộng, những trạng thái tâm lý của người quê ra tỉnh (rụt rè, e ngại, yếu thế…) và cả những ước mơ về của họ về những người đàn bà đẹp ở thị thành.


2. Nguyễn Nghĩa Cương, chẳng còn trẻ, đã nhiều năm lăn lộn ở thành phố nay trở về quê sinh sống. Tranh của anh vẫn biểu hiện tình yêu với nơi đô hội nhưng không phải là là sự nuối tiếc cuộc sống hào hoa nơi đó mà như là sự tin tưởng việc quay về của mình là một lựa chọn hợp lý. Anh nhìn thấy sự lãng mạn trong lối sống nhà quê và có thái độ vui vẻ, có chút châm biếm đối với những thực tại nơi thị thành.

Hai họa sỹ, hai phong cách nghệ thuật khác nhau sẽ cho người xem đối diện với những câu hỏi về cuộc sống hiện đại nơi thành phố lớn. Và mỗi người, tùy thuộc vào trải nghiệm, vào địa vị kinh tế, xã hội mà mình có sẽ có nghĩ suy và quyết định của riêng mình. Chẳng có câu trả lời chung cho tất cả mọi người, có người sẽ vẫn dấn thân và phấn đấu một cuộc sống đáng mong ước ở thị thành và họ sẽ nói: “Em chào các bác! Em đang đến đây”, cũng có thể có người lại sẽ bảo: “Em chào các bác, em ngược đây!”

TS. Bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật, VICAS ART STUDIO

Miễn phí vào cửa

Hết hạn

207 lượt xem