Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hội Chứng FOMO Và Cái Giá Của Thành Công

    “Hôm nay tôi sẽ chia sẽ với mọi người về nỗi sợ của mình-nỗi sợ bị lãng quên ?”. Chính nhân vật August đã bắt đầu câu chuyện về nỗi sợ của mình như thế trong The fault of our star( Khi lỗi thuộc về những vì sao).

    Hội Chứng Sợ Bỏ Lỡ ( Fear Of Missing Out được viết tắt là FOMO) được thêm vào Từ Điển Anh Ngữ Oxford vào năm 2013. Nhiều người nhận định sự phát triển mạnh mẽ của Facebook, Instagram dẫn đến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của FOMO nhưng thực tế là FOMO đã có từ lâu.

BẢN CHẤT FOMO 

    Bạn cũng đã từng sợ bị bỏ lỡ trước khi vạn vật kết nối. Truyền thông xã hội phát triển, sự bất an đến từ khi bạn bỏ lỡ một thông tin nào đó, bạn không hiểu trò đùa của nhóm bạn, bạn đi cùng một đội nhưng bạn bị lạc và bạn bị bỏ lại phía sau hay bạn chưa biết điều gì mà một ai đó (có thể là một người không quen hay một người thân) nói ra trước mặt bạn,… Bản chất con người thời nguyên thủy là sống cùng nhau. Ăn lông, ở lỗ theo hình thức cộng đồng đã là một dạng tâm lý xã hội từ thời xa xưa và sự liên hệ vững chắc khiến bạn cảm thấy an toàn. Đi cùng nhau là an toàn, bị bỏ lại phía sau, bị bỏ rơi là không an toàn. Các phương tiện truyền thông xã hội càng làm cho nhận thức này được củng cố thêm, nó làm cho ta nhận thức về FOMO tồi tệ hơn.


    Một cuộc sống hạnh phúc, một căn nhà triệu đô, một chiếc xế hộp Lamborghini trong mơ mà bạn hay ao ướt…. Bạn là facebooker, bạn lướt facebook và bạn thấy nhiều người đạt cuộc sống kiểu như bạn thường mơ đến. Bạn bắt đầu ghen tỵ (hoặc không ghen tỵ nhưng bạn cũng muốn được như họ), khoảng cách giữa họ và bạn hiện tại quá xa. Bạn bắt đầu thấy áp lực cho bản thân mình, bạn ghen tỵ với hạnh phúc của người khác. Bạn bị thành công của người khác làm cho sao nhãng và thay vì làm động lực, thành công của họ đẩy cho bạn một áp lực. Cảm giác bất lực ập đến khi bạn không thể làm gì thay đổi. Khi mà thời điểm mạng xã hội lên ngôi, thời đại số hóa, thế giới trở thành phẳng, nơi mà khoảng cách giữa Hoa Kỳ với Việt Nam hay với bất cứ đâu xem như là không có. Một thời đại một tấm gương xuất chúng làm được một điều đặc biệt gì đó, ở bất kỳ nơi đâu, độ tuổi nào được lan truyền tràn lan trên Facebook, Twitter. Bạn buông vội điện thoại, chán trường, nhiều suy nghĩ lởn vởn trong đầu chắc mình đang bị “ tụt hậu”.


    Đó cũng là lúc mà FOMO xuất hiện, chúng ta làm mọi thứ, tốn tiền bạc, thời gian để được giống như người khác.

    Hiệu ứng này thực chất được sinh ra do trí tưởng tượng của con người, nó khiến chúng ta đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính chứ không phải nhu cầu thực tế hay mong muốn bản thân.

    Ai cũng mắc phải FOMO, theo cách này hay cách khác. Chỉ có điều là chúng ta hướng tới những mong muốn khác nhau, với một số người là quần áo đắt tiền, hàng hiệu, với một số khác thì có thể là những chuyến du lịch sang chảnh... FOMO cũng giống như một cơn nghiện, chỉ có điều chúng ta không hấp thụ nó, nó giống như một cơn nghiện nước có gas trong khi chúng ta không thể và cũng không nên làm nó.

CÂU CHUYỆN CỦA VỊ TỶ PHÚ :

    Để tôi nhắc lại, chắc hẵn các bạn, những người facebooker bán thời gian hoặc toàn thời gian chuyên nghiệp vẫn còn nhớ mẫu tin sốt dẻo khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Cuối tháng 5/2013 tỷ phú Mohamed El-Erian, một chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới tuyên bố từ chức Giám đốc điều hành Pimco (tập đoàn đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới), bỏ sự nghiệp tài chính để theo đuổi một công việc toàn thời gian khác là chăm sóc con gái 10 tuổi của ông. Lá thư từ chức được đưa ra vào buổi sáng, chỉ cách vài giờ sau cuộc tranh cải quyết liệt của hai cha con tối hôm trước. Người cha yêu cầu con gái đánh răng nhưng không được, ông yêu cầu con gái phải trả lời ngay lập tức và ông sẽ không phải lặp đi, lặp lại nhiều lần như thế. Cô con gái nhỏ bảo ông chờ một tý trong khi cô chạy vào phòng rồi bước ra với  một danh sách 22 sự kiện quan trọng trong cuộc đời cô mà cha cô không có mặt, từ ngày đầu tiên cô bé đến trường, buổi họp phụ huynh, triển lãm nghệ thuật đến lễ hội hallowen,.. xem xong danh sách ông bố ngồi bần thần xuống ghế,… Ông nhận ra rằng ông đã làm tổn thương mối quan hệ đặc biệt với con gái, mỗi sự kiện ông đều trang bị cho mình một lý do thuyết phục để không có mặt.


CHI PHÍ CƠ HỘI- CÁI GIÁ CỦA THÀNH CÔNG:

    Chắc hẵn các bạn đã nghe qua câu “không có bữa ăn nào miễn phí “hay “bữa ăn miễn phí thì chỉ có trên bẫy chuột”. Tất cả những gì chúng ta làm trên cõi đời này đều phải trả một cái giá nào đó, dù là trực tiếp hay gián tiếp, trong kinh tế học đó gọi là chi phí cơ hội. Trên báo đài, facebook,.. bạn liên tục thấy những người nổi tiếng, họ được tung hô không tiếc lời vì thứ mà họ đem đến cho bản thân và xã hội. Người ta thường khen Steve Job vì ông là người sáng lập ra Apple, về lòng đam mê và được xem là 1 biểu tượng của thành công, đam mê và nhiệt huyết nhưng có ai biết rằng cái giá phải trả là con gái ông rất hiếm khi thấy mặt cha và với cô tình thương, sự chăm sóc của ông là một mặt hàng xa xỉ mà cô không bao giờ đủ tiền mua được. Trong mắt  Lisa Brennan-Jobs  thì Steve Job là 1 người cha “thậm tệ”, “lạnh lùng”. Cuối đời, do hậu quả của nhiều năm làm việc kiệt sức Steve Job còn mang trong mình căn bệnh ung thư và chết trong một thân thể gầy gò. CEO Twitter Jack Dorsey mỗi ngày chỉ ăn một buổi tối để tiết kiệm thời gian và hiệu quả khi làm việc. Một bác sĩ được điều trị, kê đơn cho bệnh nhân cũng mất hàng năm trời học tập và trải qua thời gian dài thực tập, thử việc không lương hay câu chuyện về vị tỷ phú mãi chăm lo sự nghiệp mà bỏ rơi con gái ở phía trên. Bất cứ ai mà bạn được nghe hoặc bạn từng thấy được tung hô thì họ đã phải trải qua một quá trình trả giá để có được thành quả đó. “Những thành tựu vĩ đại không được gặt hái bằng sức mạnh mà bằng sự kiên trì” – Nhà văn Samuel Johnson


    Tôi đã từng nghe một câu chuyện, một anh chàng thích đi du lịch quanh khắp thế giới, anh ta đã dùng tiền tiết kiệm nhiều năm trời và sẵn sàng làm mọi thứ để được đi nhiều nơi anh ta muốn. Đi đến đâu anh ta cho rằng khi đã có dịp hiếm hoi tiếp cận một thứ mới, anh thường lo lắng chưa trải nghiệm hết những gì nó có. Nếu như anh ta đến thành phố, anh ta sẽ lo sợ chưa chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của mọi con đường nên anh sẽ cố gắng thăm tất cả những nơi anh có thể đến. FOMO thôi thúc anh, tạo cho anh nỗi sợ rằng anh sẽ bỏ qua thứ gì đẹp đẽ. FOMO là cảm giác trải nghiệm một thứ gì đó, không phải bởi bạn muốn nó mà là nỗi sợ sẽ mất nó.

CÂU CHUYỆN CỦA TÔI:

    Một ví dụ về chính bản thân tôi, trong giai đoạn còn cặp sách trên ghế nhà trường, tôi luôn bị ám ảnh nỗi sợ nếu người khác (bạn bè, kể cả thầy cô) biết một điều gì mà tôi không biết, ám ảnh của nỗi sợ khiến tôi không thể ngừng tự dằn vặt mình. Tôi luôn phải cố gắng nhiều hơn và đến khi học được điều gì mới mẻ, tôi lại tự tiếp tục tra tấn não mình vì tôi biết sẽ còn nhiều kiến thức “cao siêu” hơn mà tôi chưa được biết. Suốt 3 năm cấp 3 tôi không nghỉ học 1 buổi nào (kể cả học trên trường hay học thêm) dù là có mệt mỏi, cạn kiệt sức lực đến đâu tôi phải “lết” đến lớp vì tôi sợ cả lớp biết một kiến thức mới mà tôi chưa từng biết. Và nếu phải hỏi ai vấn đề gì thì tôi cũng phải hỏi ít nhất 2 người để đảm bảo không thể bỏ lỡ điều gì. Quan trọng nhất là tôi không hề cảm thấy vui khi phải làm như vậy.


NƠI SINH TRƯỞNG CỦA FOMO :

    Theo một nghiên cứu về FOMO thì FOMO có khả năng xảy ra lớn hơn ở những người cảm thấy “ thiếu” hạnh phúc. Các kết quả nghiên cứu cho thấy những người có mức độ hài lòng thấp đối với các nhu cầu cơ bản về năng lực, sự độc lập và mối quan hệ có mức độ sợ bỏ lỡ cao hơn, tương tự như những người kém vui và kém hài lòng với cuộc sống.

    Mạng xã hội mang đến cho chúng ta quá nhiều cơ hội, nhưng đính kèm với nó là một chi phí cơ hội đi kèm. FOMO đang thực sự trở thành vấn đề của thế hệ mới, lý do vì nó mang đến cho ta quá nhiều lựa chọn, quá nhiều cơ hội mới. Chúng ta loay hoay vì ngày càng cạn kiệt năng lượng hơn, tốn kém thời gian hơn để trải nghiệm những cái mới hơn. 


TÔI ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ THOÁT KHỎI FOMO ?

     Trước khi nói đến câu chuyện của tôi thì xin hãy trở lại với câu chuyện của El-Erian. Trước đó ông luôn tìm một lý do tự bào chữa cho mình về sự vắng mặt ở những sự kiện quan trọng của con. Ông đắm mình trong công việc, ông luôn sợ phải bỏ lỡ một cơ hội công việc và để rồi ông tự nhận ra, tất cả chỉ đem lại cảm giác ngụy biện, tự bào chữa. El-Erian tự xem mình là nạn nhân của cuộc sống bận rộn hiện đại. Và tôi cũng vậy, trước khi thật sự tìm cách thoát khỏi FOMO thì bạn phải nhận trách nhiệm về bản thân, xem bản thân là vấn đề và phải tập thói quen thay đổi bản thân. Vậy tôi đã thay đổi bản thân trong cuộc chiến với FOMO như thế nào ?

    Thứ nhất, bạn hãy chấp nhận mình là con người có giới hạn, chỉ làm một việc ở một nơi và tại một thời điểm nhất định. Đa nhiệm giúp bạn làm được nhiều việc hơn nhưng hiệu quả thấp hơn.

    Thứ hai, giờ nào việc đó, luôn tự nhủ việc ở hiện tại là việc quan trọng nhất. Trên đời chẳng có gì là hoàn hảo, chẳng có gì là toàn diện, cũng không có ai là không có gì để chê trách “nhân vô thập toàn”, một thứ gì đó tốt nhưng chưa chắc đã phù hợp với bạn.

    Và một điều quan trọng cuối cùng, bạn hãy học cách hướng vào bên trong, thay vì dành thời gian quan tâm đến cuộc sống của những người xung quanh và của nhân loại thì nên học cách chăm sóc bản thân nhiều hơn, quan tâm bên ngoài sẽ không làm bạn tiến bộ hơn. Tản bộ là cách tôi thường làm, nó rất tốt để chúng ta suy nghĩ, biết được bản thân cần gì. Khoan dung với bản thân thì lúc đó bạn mới thực sự nhìn được cuộc sống qua lăng kính “không hoàn hảo”.


CUỘC SỐNG NÀY LÀ ĐỂ TẬN HƯỞNG !

    Nhà văn John Green thông qua nhân vật August gửi nhắn thông điệp đến đọc giả : “You have a choice in this world, I believe, about how to tell sad stories, and we made the funny choice”( Bạn có sự lựa chọn trong thế giới này. Tôi tin ai đó có thể kể những câu chuyện buồn, và chúng ta có thể kể những câu chuyện vui). Thế giới này có ra sao thì bạn có thể chọn cách khác cho cuộc sống bạn hạnh phúc. Thế giới này vẫn là như vậy, không vì bạn mà thay đổi. Hội chứng FOMO vẫn tồn tại trong bạn nhưng nếu bạn nhìn cuộc đời qua một lăng kính khác thì bạn sẽ trở thành con người khác.  

Tác Giả: Phát Rommel, Sinh viên @ Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tranminhphat075

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,984 lượt xem, 3,942 người xem - 3954 điểm