Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Những Điều Cũ Rích Không Nói Dối

Hãy thoát khỏi vùng an toàn của bản thân. Hãy can đảm. Hãy đi nhiều và trải nghiệm nhiều. Hãy tìm niềm vui trong công việc bạn làm. Hãy cố gắng hơn nữa, hơn nữa.

Những điều cũ rích này nghe khó chịu hơn là truyền cảm hứng. Không phải chúng nói dối, mà là thời của chúng qua rồi. Giờ thì người ta không đọc những câu ngắn, gọn, nhịp nhanh như tiếng còi thúc giục của huấn luyện viên với vận động viên nữa. Giờ thì người ta đọc những lời viết nhuần nhị như lời khuyên bảo của một già làng đã trải qua đủ sự trên đời.

Lựa chọn tỏa sáng hay an ổn trong vùng an toàn của bản thân là lựa chọn của mỗi người. Nhưng những chuyến đi xa và những hành trình không ngờ tới sẽ mang lại niềm vui mà sự an toàn chẳng thể nào có được.

Không có sự can đảm che lấp cả nỗi sợ. Không có cái khoảnh khắc can đảm gọi là hoàn toàn không sợ hãi. Vì nỗi sợ ở đó, người ta mới biết lòng mình đang can đảm. Nỗi sợ cũng tốt, nỗi sợ kìm giữ chúng ta không sảy chân ở những vực thẳm, nhưng can đảm còn tốt hơn, nó giúp chúng ta không sống cả đời trong niềm tiếc nuối không dám làm và niềm bỏ lỡ không dám thử.

Có một bài hát tiếng Trung rất nổi tiếng tên là “Con đường bình phàm” (Phác Thụ). Bài hát là tâm sự của một kẻ từng đi qua nhiều, từng trải nghiệm nhiều, nếm đủ cả những gian nan của cuộc đời, cả những thăng hoa của cuộc sống, đến sau trót bỗng nhận ra sự bình phàm mới là điều đáng theo đuổi cuối cùng. Đúng vậy, bình phàm thực đáng quý. Nhưng nếu khẳng định “bình phàm thực đáng quý” cất lên từ một người cả đời chỉ chôn chân trong một góc nhỏ bình phàm, thì chẳng có nghĩa lý gì cả. Người ta ngộ ra bình phàm thực đáng quý, vì họ đã đi qua tất thảy của cuộc đời. Bản thân chưa trải qua gì cả, thì chẳng có phát ngôn nào đáng giá hết.

Phần lớn cuộc đời của mình gắn với một công việc. Mình sẽ phải làm công việc đó trong vài chục năm tiếp theo trong đời mình. Mình sẽ làm công việc đó một ngày tám tiếng, ba trăm sáu mươi lăm ngày, vài chục năm. Người ta hay lên án sự lặp lại, hòng chê bai nó như một điều gì cực kì nhàm chán. Nhưng công việc là lặp lại, không tránh khỏi lặp lại, chẳng có công việc nào thoát khỏi sự lặp lại. Việc của bạn là tìm niềm vui trong chính sự lặp lại đó.

Người khác thì chạy, bạn thì đứng yên. À thôi, so sánh với người khác thì không hay ho gì. So sánh với chính bạn nhé. Bạn cho rằng mình vô dụng lắm rồi phải không? Bạn cho rằng mình chẳng thể nào so bì với những người tài giỏi như thế kia. Yên tâm, bạn có phấn đấu cả đời cũng chẳng bằng những người tài giỏi đó được, vì luôn có những người tài giỏi cao hơn, cao hơn nữa. Chỉ có chính bạn trông rõ bản thân mình đã đi được nhiều đến mức nào. Đi thôi, đi tiếp, đi về phía trước, để đến được ngày bạn ngoảnh đầu trông lại và tự hào về bản thân.


Mình toàn nói những điều cũ rích, chẳng có gì mới mẻ.

Những điều cũ rích này mình đã đọc được trên mạng, trong sách, nghe từ người khác. Mình bắt gặp nó ở rất nhiều nguồn. Ai cũng nói thế cả. Và giờ thì mình diễn đạt lại chúng bằng lời của mình. Chúng cũng chẳng có gì sai. Nhưng nó sẽ sai ở một vài khía cạnh khi áp vào câu chuyện của mình. Và nó sẽ sai ở một vài khía cạnh khác khi áp vào câu chuyện của bạn.

Chúng ta có những “câu chuyện dọc đường” khác nhau, vì vậy dẫn đến những “giác ngộ chân lý” khác nhau. Thậm chí cùng một chân lý có thể trở đi trở lại trong nhiều lần giác ngộ của sau này, và với mỗi một lần giác ngộ mới ấy, lại một khía cạnh mới của chân lý được lật mở.

Hành trình bồi tụ này khá giống với hành trình của một tác phẩm văn học dân gian. Các tác phẩm truyện kể dân gian các bạn đang đọc, thường không phải ngay từ đầu đã y nguyên như thế. Thực tế truyện kể Thánh Gióng ra đời vào thời điểm con người đã thoát khỏi thời kì dã man và bước vào ngưỡng cửa văn minh, nhưng chưa hề có sự xuất hiện của đồ sắt. Yêu cầu của Thánh Gióng về áo giáp sắt, mũ sắt, ngựa sắt được các thế hệ tác giả sau thêm thắt vào, tô điểm thêm để tạo nên một hình tượng Thánh Gióng trọn vẹn hơn, thần hơn.

Thế thì cũng chẳng hề gì khi nói, chúng ta cũng đang bước trên hành trình thành thần. Nhưng tiếc rằng không có một tác giả dân gian nào đảm nhiệm vai trò thêm thắt những tình tiết lấp lánh cho bản thân chúng ta. Quá trình đó chúng ta phải tự làm. Chúng ta trở đi trở lại quá trình tự nhận thức bản thân, mỗi bước lùi về thời gian, lại một bước mới trong nhận thức. Điều này đã được nhận thức vào những năm tháng 20 tuổi, nhưng lại được nhận thức khác vào những năm tháng 30 tuổi.

Vào thời điểm này, chúng ta nghe những điều cũ rích từ người khác, từ sách, từ internet, thậm chí kể cả chúng ta có nghe những điều không cũ rích, những điều thật mới mẻ, thật gần chân lý đi chăng nữa, thì chỉ khi nó thực sự lặn vào trong mình, chín ở trong mình, chúng ta mới lớn lên vì nó.

Nghe ở ngoài cũng tốt. Đọc ở ngoài cũng tốt. Nhưng quá trình không dừng lại ở đó. Nghe ở ngoài, đọc ở ngoài, thử nghiệm vào câu chuyện của chính mình, rồi tự mình nghiệm lại nhận định của người khác, có thể giống họ, có thể khác đi. Nhưng ấy mới là quy trình thực sự cho một chiêm nghiệm ra đời. Chúng ta tưởng rằng kỷ nguyên internet tiện ích biết bao, nhờ nó mà chúng ta thoải mái nhặt nhạnh những kinh nghiệm của hàng tá doanh nhân tài ba, hàng tá những con người đã kinh qua muôn vàn trải nghiệm và chia sẻ lại cho ta những đúc rút siêu việt nhất. Cũng tốt và cũng tiện vì rút ngắn được thời gian trải nghiệm và đi thẳng đến kết luận. Nhưng chỉ có những điều xuất phát từ mình ra mới thực sự có ý nghĩa và trở thành kim chỉ nam cho bản thân.

Về lòng can đảm, về đam mê, về sự cố gắng, mình chỉ đang nói lại những điều cũ rích. Những điều ấy cũ rích với cả chính mình, nhưng sau khi gẩy thêm chút trải nghiệm của bản thân mình, nó lại trở nên những điều mới mẻ. Mình có một trải nghiệm, rồi mình bỗng ồ lên rằng thì ra người ta nói đúng, bấy giờ điều đúc rút quý báu ấy mới thực sự thuộc về mình, được mình vận dụng trong quãng sống tiếp theo. Trong lòng mình có cảm giác thứ gì đó vừa vỡ ra. Trong lòng mình có cảm giác điều gì đó thật mới mẻ vừa hiện hình. Nó sẽ luôn cũ rích, trước khi mình thực sự thực hành nó, cảm nhận nó. Nó sẽ luôn là dăm ba lời chả đâu vào đâu, vào tai này ra tai kia, trước khi mình thực sự thử nó trong quãng sống của mình.


Mình không lớn lên vì nghe thật nhiều những lời khuyên bảo, mình không lớn lên vì đọc thật nhiều những đầu sách hay ho. Mình lớn lên vì những lời khuyên bảo và những đầu sách ấy đã đi một vòng tròn, từ bên ngoài – vào trong mình, được mình cảm nhận, rồi lại từ mình, được mình sử dụng – hướng ra bên ngoài.

Thực ra thế giới này quá rộng lớn để ai đó có thể chiêm nghiệm một điều gì đó nguyên bản – độc nhất – hoàn toàn mới mẻ. Những nhận định của doanh nhân X, có thể đã được phát ngôn ở đâu đó bởi người bình thường Y – chẳng qua không được ai chép lại. Những nhận định trong cuốn sách này – cũng đồng điệu với những bài học trong cuốn sách khác. Nhưng mỗi cá nhân thì lại quá nhỏ bé để có thể chiêm nghiệm tất thảy những điều đã được thế giới chiêm nghiệm.

Vì vậy mà hành trình nhận thức và tự nhận thức của mỗi cá nhân cứ kéo dài đến muôn thuở. Hôm nay gần hơn. Ngày mai gần hơn. Có thể ngày kia chẳng gần hơn được chút nào. Nhưng ngày kìa lại có một bước tiến lớn. Ngày càng gần. Ngày càng gần. Nhưng chẳng bao giờ đến được chân lý.

Nhân loại tiến lên như thế, và mỗi cá nhân cũng tiến lên như thế.

Những điều cũ rích không nói dối. Nhưng nó có đúng với bản thân mình hay không lại cần trải nghiệm của chính mình. Trải nghiệm để biết bản thân phù hợp hoặc không, trải nghiệm để biết bản thân muốn hoặc không, trải nghiệm để nghiệm chứng những điều chỉ nghĩ đơn thuần sẽ không có lời giải.

Trải nghiệm – nhận thức – trải nghiệm – nhận thức.

Mình ở đây, đợi chúng mình tìm về một chân lý. Nhưng lại phải nói thêm một điều cũ rích nữa: không có chân lý cuối cùng.


Tác Giả: Lưu Thị Thu Giang

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/vi.nguyet.9

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

818 lượt xem, 815 người xem - 818 điểm