Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Cuốn Sách Của Người Đàn Ông Trên Tờ Tiền Mệnh Giá 10.000 Yên Nhật

Ông được người Nhật tôn vinh là “Voltaire của Nhật Bản”. Hình của ông được in trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật Bản, tờ 10.000 yên.

Fukuzawa Yukichi (1834-1901) là nhà tư tưởng, nhà giáo dục có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại.

Bàn về văn minh (1875) là cuốn sách quan trọng trong sự nghiệp của Fukuzawa Yukichi, thể hiện sự trăn trở của ông trong sự phát triển văn hóa kinh tế bền vững của Nhật Bản.

Trong cuốn sách của mình, ban đầu khi bàn về văn minh, ông đã lập tức xác lập cơ sở lý luận của vấn đề. Với ông, không xác lập được cơ sở lý luận thì không thể bàn luận được cái đúng, cái sai, ưu điểm, nhược điểm của bất kì vấn đề gì. Bởi vậy, cần phải xác định rõ cơ sở lý luận, để dựa vào cơ sở ấy mà bàn luận.


Từ cơ sở lý luận của mình, Yukichi đã dẫn dắt những lập luận quan trọng về tiến trình phát triển văn minh của Nhật Bản. Dùng văn minh phương Tây để soi chiếu, tác giả chỉ ra những đặc điểm, vai trò của văn minh phương Tây, đồng thời làm nổi bật những đặc điểm cố hữu, bảo thủ, thiếu sót trong quá trình tiến bước về phía văn minh của Nhật Bản.

Khi tìm hiểu về bản chất của văn minh, Yukichi khẳng định “văn minh là một thứ tương đối, và không hề có giới hạn khi nói về trình độ văn minh. Văn minh, đơn giản là việc thoát khỏi trạng thái dã man mà dần tiến bộ”.

Trong tiếng Anh, văn minh được gọi là “civilization” có ngữ nguyên là từ Latin “civitas”, nghĩa là “quốc gia”. Bởi vậy theo lập luận của Yukichi, văn minh là “tình trạng lập nên thể chế của một nước, đối lập với tình trạng cô lập dã man, vô pháp”.


Yukichi nhấn mạnh, văn minh phương Tây không phải là nền văn minh tối thượng, mà hiện nay “chỉ được coi là nền văn minh có trình độ cao nhất mà con người đã đạt được trong giai đoạn này của lịch sử mà thôi”. Ông khẳng định, tinh thần của văn minh chính là khí chất tinh thần của một dân tộc. Khí chất tinh thần không thể mua hay bán được, cũng như không thể dùng sức người mà chế tạo ra được. Nó thấm vào toàn thể cộng đồng, lan tỏa trên mọi mặt đời sống nhân dân của một nước.

Thấm nhuần quan niệm về văn minh một cách sâu sắc, ông đưa ra những phân tích sắc sảo về nguồn gốc văn minh phương Tây, đồng thời chỉ rõ sự khác biệt giữa nguồn gốc văn minh các nước phương Tây và nguồn gốc văn minh Nhật Bản.

Trong khi văn minh phương Tây được hình thành từ sự tự do – tự chủ giữa các ý kiến trong xã hội. Ở phương Tây, luôn tồn tại đồng thời nhiều luồng tư tưởng – học thuyết khác nhau, tạo nên sự ganh đua, tương hỗ lẫn nhau, cũng thúc đẩy văn minh phát triển.

Yukichi đã đưa ra những dẫn dắt khá chi tiết về sự phát triển văn minh phương Tây trong các giai đoạn lịch sử cụ thể từ thời Đế quốc La Mã và sơ kỳ Trung cổ đen tối, với quyền lực của Giáo hội, cho đến thời kỳ phong kiến, thời kỳ hiện đại, với sự phát triển của tôn giáo.

Trong khi đó, ông thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại cố hữu ở Nhật Bản, làm cản trở tiến trình cải cách, phát triển văn minh của đất nước.

Ở Nhật Bản, sự “mất cân bằng quyền lực”, thâm nhập vào toàn bộ mạng lưới xã hội. “Sự mất cân bằng quyền lực này là một yếu tố trong khí chất tinh thần Nhật Bản”.

Ở Nhật, người dân gần như không tham gia vào việc chính trị. Chính sự mất cân bằng quyền lực, đã tạo nên sự thờ ơ của nhân dân, khiến mối liên kết, hay sự va chạm để phát triển trong xã hội hoàn toàn không có.

Ông cũng khẳng định “Suốt 2.500 năm từ khi lập quốc đến nay, các chính quyền của Nhật Bản hầu như chỉ lặp đi lặp lại cùng một việc, không khác gì đọc đi đọc lại cùng một quyển sách, hoặc diễn hoài cùng một vở kịch”.


Theo tác giả, Nhật Bản lúc ấy không có một tôn giáo độc lập, không có nền học thuật độc lập, giới võ sĩ cũng không có khí khái độc lập… điều này cũng đã ngăn cản văn minh tiến bộ tại đất nước Nhật Bản.

Một điều vô cùng quan trọng được đặt ra trong cuốn sách của Yukichi chính là việc mở cửa giao tiếp với nước ngoài, nhằm tạo nên sự va chạm cần thiết cho sự mạnh mẽ của dân tộc Nhật Bản.

Xuyên suốt những vấn đề bàn luận trong cuốn sách, Yukichi đã thể hiện sự trăn trở của ông đối với vấn đề văn minh, văn hóa của Nhật Bản. Ông luôn lập luận theo hướng, cần phải có một cuộc cải cách thực sự để phát triển văn minh.

Yukichi là một trong những người tiên phong trên con đường này nên phải tìm kiếm, sưu tập sách vở, tự học bằng từ điển, thậm chí học lỏm từ các thuyền viên ngoại quốc trong cảng. Khi nghe tin Mạc phủ cử một phái đoàn đi sứ sang Hoa Kỳ vào năm 1860, ông không ngần ngại xin theo tháp tùng trên con tàu Kanrin Maru mặc dù vào thời đó việc vượt đại dương lắm rủi ro; quyết định của Fukuzawa là hết sức táo bạo.

Tàu đáp ở San Francisco và nán lại một tháng, cho phép Fukuzawa tận kiến nếp sống tiên tiến và khoa học kỹ thuật. Chuyến đi Mỹ năm đó, tiếp theo là lần sang châu Âu (1862), rồi lại một lần nữa sang Mỹ (1867) là động lực lớn giúp ông tiếp thu kiến thức rộng rãi, ảnh hưởng đến những quyết định tư duy và phương thức cách tân Nhật Bản của ông. Đây cũng là câu chuyện ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp của ông về sau.

Nguồn: news.zing.vn

--------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3  

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

116 lượt xem