Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Sử Việt 12 Khúc Tráng Ca”: Cuốn Sách Lịch Sử Đáng Đọc Nhất Đối Với Giới Trẻ

Quang Trung, Nguyễn Huệ là anh em, gò Đống Đa là di tích liên quan tới Trần Quốc Tuấn. Hàng loạt câu trả lời trên của các em học sinh về “mối quan hệ giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ” trên truyền hình khiến nhiều người phải suy ngẫm. Đã một thời gian dài, các nhà giáo dục, chuyên gia lịch sử lên tiếng về chương trình lịch sử trong nhà trường quá khô cứng. Học sinh chỉ mường tượng về lịch sử bằng những cái tên, những con số.Vậy lịch sử có gì ngoài những cái tên? Lịch sử có rất nhiều những câu chuyện, những phận người. Lịch sử còn biết bao bài học cha ông chắt thành từ bao đắng cay, mất mát. Lịch sử cũng để lại vô vàn di sản ký ức để khi nhớ về người hậu thế dưng dưng tự hào hay ngậm ngùi, chua xót. Thế nên, việc học lịch sử phải xuất phát từ những câu chuyện, những mảnh đời. Lịch sử chỉ đi vào lòng người khi những biến động xưa cũ được trao truyền nhẹ nhàng, tự nhiên như lời mẹ kể lúc ru con, như lời cha dặn trong những ngày mưa gió. Có như vậy, học sinh mới không quên lịch sử, không nhầm lịch sử mà hơn thế, người trẻ sẽ có cảm hứng và cảm xúc với lịch sử. Sử Việt 12 khúc tráng ca – cuốn sách được viết bởi nhà báo Dũng Phan, một con người yêu sử nước nhà và mong muốn được truyền tình yêu đó tới tất cả các bạn trẻ Việt Nam có lẽ đã làm được điều đó.

Vì thế, dù cho bạn là người không có mấy hứng thú với lịch sử, bạn cũng nên đọc cuốn sách này vì nó giúp bạn khơi nguồn tình yêu với lịch sử. Bạn không cần học lịch sử để vượt qua kì thi trên lớp, bạn càng không nên học lịch sử vì thầy cô bắt bạn làm thế. Bạn nên học lịch sử vì chính cuộc đời bạn. Đọc sử, học sử và biết sử, bạn sẽ có cơ hội được nhìn lại quá khứ. Và đôi lúc bạn sẽ thấy con người bạn, tính cách bạn và một phần cuộc đời bạn có trong đó để tự đặt ra cho mình câu hỏi: Nếu là bạn, bạn có làm thế hay không hay bạn sẽ tìm một hướng đi khác, một giải pháp khác tích cực hơn. Lịch sử không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là bài học cho hiện tại.

Bạn sẽ đọc và học được gì?

Bạn sẽ không chỉ đọc để biết…

Sử Việt 12 khúc tráng ca kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Không chỉ đưa người đọc đến với những vị anh hùng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… cuốn sách còn nhắc đến những nhân vật quan trọng chưa được đánh giá đúng mực (Khúc Hạo), hay những địa danh bị bụi phủ mờ (thành Bình Lỗ, đầm Thị Nại), càng không chỉ nói sơ qua chiến tích ở Bạch Đằng, mà còn giúp hiểu thêm kĩ thuật đóng cọc trên sông. Bên cạnh giải đáp chuyện bí ẩn Quang Trung hành quân thần tốc, còn lý giải vì sao lãnh thổ dân tộc có diện mạo hình chữ S như ngày hôm nay.

Đã bao giờ trên những trang sách lịch sử viết về thời kỳ Bắc thuộc, các bạn tự hỏi: Vì sao chỉ có chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng là chấm dứt được 1000 năm Bắc thuộc, trong khi các cuộc khởi nghĩa trước đó của Bà Trưng, Bà Triệu, của Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, của Phùng Hưng, hay của Mai Thúc Loan chỉ là những chiến thắng ban đầu gây tiếng vang và rồi nhanh chóng bị dập tắt? Câu trả lời mấu chốt có liên quan đến một dòng họ quan trọng trong lịch sử dân tộc: dòng họ Khúc… Những trang sử vẻ vang của dân tộc rồi đây sẽ lần lượt được kể lại với những chiến thắng và những công tích kỳ vĩ. Nhưng hậu nhân không bao giờ quên có một dòng họ Khúc thầm lặng đã xây nên một nền móng vững vàng, cho khúc ca tự chủ ngân lên vào năm 938 sau này.

Sử Việt 12 khúc tráng ca hệt như một cuốn phim ly kỳ, với hàng loạt câu hỏi về các nghi án lịch sử, những tranh đoạt hoàng quyền trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuốn sách như một bản nhạc, khi thì dồn dập, khi thì bi ai, khi thì hùng tráng, khi thì trầm mặc. Những câu chuyện trập trùng xen kẽ như các khúc ca thăng trầm của dân tộc Việt Nam.

Bạn còn đọc để suy ngẫm

Thực tình mà nói trước đây tôi không phải là người yêu thích lịch sử. Trong một lần tình cờ tìm thấy bài viết về vua Lê Thánh Tông trên fanpage The X file of history do nhà báo Dũng Phan viết, tình yêu của tôi với sử Việt đã bắt đầu chớm nở. Tôi đi tìm lại tất cả những bài viết trên fanpage để đọc và nghiền ngẫm. Trên fanpage, những bài viết chia sẻ góc nhìn thú vị về lịch sử của tác giả không chỉ thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người, mà còn liên tục tạo ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi xoay quanh những vấn đề lịch sử. Có thể nói, mạng xã hội đã góp phần không nhỏ vào thành công vang dội của cuốn sách. Chính Dũng Phan cũng khẳng định: “Tình yêu lịch sử của những thành viên cộng đồng The X File of History là động lực lớn nhất khiến anh đặt bút viết và hoàn thành cuốn sách đầu tay.”

Và khi được cầm cuốn sách trên tay tôi đã thực sự hiểu được lí do tại sao tôi cần học môn lịch sử. Mở đầu quyển sách tác giả Dũng Phan có nói:

Một dân tộc chỉ có thể bước đến tương lai trên đôi chân vững vàng của lịch sử. Bởi lịch sử là bài học tiền nhân để lại cho hậu thế, là kho tàng kiến thức phát triển tương lai, tránh những sai lầm của quá khứ.

Đó là quan điểm của tác giả, và cũng chính là quan điểm của tôi khi tìm hiểu về lịch sử.

Cũng giống như cảm xúc khi Đội tuyển bóng đá Việt Nam dành chức vô địch AFF cup vậy, khi bạn đọc cuốn sách này bạn có thể cảm nhận được tinh thần dân tộc, một niềm tự hào, xúc động đến khó tả đang dâng trào trong lòng bạn. Bởi đó là lúc cái tôi cá nhân không còn ý nghĩa gì nữa, bởi đó chính là lúc mọi người dân Việt Nam cảm thấy hạnh phúc nhất vì chúng ta là một, là một Việt Nam nhỏ bé nhưng kiên cường bất khuất, hàng triệu trái tim đều chung một nhịp đập, cùng chung một hơi thở. Giống như nhà văn Ilia Erenbua đã từng viết: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vonga, con sông Vonga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc ”, niềm tự hào chính là ngọn lửa giúp bạn thắp lên tình yêu đối với dân tộc, đất nước mình.

Tư duy lịch sử đặc biệt

Về cuốn sách có nhiều người cho rằng những thông tin được trình bày không hoàn toàn chính thống và mang nhiều ý kiến chủ quan của người viết, đôi khi giọng văn quá cường điệu hóa khiến lịch sử mất đi tính chân thực của nó. Theo ý kiến của tôi, đó lại chính là điểm đặc biệt tạo nên sự hấp dẫn cho cuốn sách này.

Thực chất, Dũng Phan không hề hư cấu những câu chuyện chưa được kiểm chứng mà chỉ trích lược các nghiên cứu sử học và đưa ra bình luận để gợi mở vấn đề, chừa lại khoảng trống cho người đọc tự suy ngẫm. Theo tác giả đam mê là vấn đề gốc rễ, khi đã khơi gợi được đam mê nơi người trẻ thì cuốn sách sẽ dễ dàng khơi gợi những tranh luận mang tính xây dựng về chủ đề lịch sử.

Để làm được điều đó, tác giả không dừng lại ở việc điểm tên nhân vật, địa danh, không đi sâu vào khía cạnh số liệu như những chuyên khảo khoa học, mà chọn phân tích, đánh giá sự kiện để mở ra những câu chuyện lịch sử đầy lôi cuốn và sống động.

Tác giả vừa tham khảo tài liệu sử học lại vừa nghiên cứu kiến thức địa lý, vật lý, xây dựng… từ cổ xưa đến hiện đại để lý giải cách ông cha ta đóng cọc trên sông Bạch Đằng, làm nên chiến công vĩ đại, đến sau này Đinh, Lê, Lý, Trần còn phải áp dụng kế lược thiên tài ấy để đánh đuổi giặc ngoại xâm; hay giải thích tại sao việc lựa chọn Thăng Long làm kinh đô là quyết định sáng suốt khi những triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử đều đóng đô tại đây…

Và phải chăng những cuộc chuyển ngôi trong dòng chảy đầy thăng trầm của lịch sử phong kiến diễn ra chỉ đơn giản như hành động Thái hậu Dương Vân Nga khoác áo bào trao ngôi vương từ nhà Đinh cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, quốc sư Vạn Hạnh cùng triều thần đưa Lý Công Uẩn lên ngôi mở ra triều đại nhà Lý thay thế cho họ Lê?

Hay đằng sau đó là những âm mưu tranh quyền đoạt vị phức tạp cần được xem xét dưới góc nhìn đa chiều?

Tư duy phản biện – kỹ năng rất cần thiết với mỗi cá nhân trong thế giới hiện đại chẳng phải có thể hình thành qua việc đọc sử, học sử và tranh luận về sử như vậy hay sao. Với mỗi phận người, mỗi sự việc, mỗi cá nhân chúng ta đều có những đánh giá cho riêng mình, tác giả chỉ đang cố gắng giúp người đọc nhận ra những bài học ẩn sau những trang sử hào hùng, để từ đó giúp chúng ta yêu thêm lịch sử nước nhà, thấy được niềm tự hào khi được là người dân đất Việt mà thôi. Học lịch sử Việt Nam, chẳng phải đó là điều quan trọng nhất hay sao? Chính vì thế nên tôi cho rằng cuốn sách này là cuốn sách lịch sử đáng đọc nhất với người trẻ.

Và cũng chính vì lí do đó, với thành tích 5000 bản in được đặt trước từ khi chưa chính thức phát hành, cuốn sách Sử Việt 12 khúc tráng ca đã trở thành một hiện tượng xuất bản đáng chú ý trong thời gian gần đây.

Lần đầu tiên độc giả, trong đó phần lớn là người trẻ tuổi, xếp hàng chờ mua một cuốn sách kể chuyện lịch sử được viết bởi một tác giả hoàn toàn mới, điều mà tưởng như chỉ có những tác phẩm nổi tiếng của những cái tên best-seller như Nguyễn Nhật Ánh mới làm được.

Khép cuốn sách, một vài dòng trong Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Đại Vương luẩn quẩn trong tâm trí tôi:

Nay các người ngồi nhìn nhục chủ mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân ma mà không biết tức, nghe nhạc thái thường đã yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo việc vườn ruộng để cung phụng gia đình. Có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ tham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang, thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bân không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngon ngọt không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào.

Kết

Bên cạnh “kỳ tích” của Sử Việt 12 khúc tráng ca, chúng ta cũng có thể thấy sự quan tâm đặc biệt của độc giả dành cho những ấn phẩm mang chủ đề lịch sử được xuất bản.

Tiêu biểu trong đó là những tiểu thuyết lịch sử Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản của nhà văn Lưu Sơn Minh hay loạt chuyên khảo về thời Tây Sơn của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính.

Thêm vào đó, trào lưu truyện tranh hóa lịch sử vốn đã được độc giả đón nhận từ thời Thần đồng đất Việt đã quay trở lại với thành công của bộ truyện tranh dã sử Long thần tướng. Mới đây nhất, ấn phẩm đặc biệt Lĩnh Nam chích quái tái bản với hơn 200 tranh vẽ kỳ công của họa sĩ Tạ Huy Long cháy hàng ngay sau khi ra mắt.

Có thể nói, lịch sử giờ đây không còn đóng kín trong các viện nghiên cứu hay giờ học lịch sử, mà đã trở nên gần gũi và phổ biến hơn với người đọc. Tác giả Dũng Phan cùng với Sử Việt 12 khúc tráng ca đã đóng góp không nhỏ vào thay đổi tích cực này.

Tác giả: Thuy Duong - Bookademy

-----------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: 
https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,320 lượt xem