Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Bạn Đang Nghịch Gì Với Đời Mình?”: Bạn Hiểu Bạn Bao Nhiêu?

“Ý nghĩa cuộc sống là gì?”, “Mục đích mình sống là gì?”, “Chúng ta là ai”

Những câu hỏi như vậy chắc hẳn không ít lần bạn đã đặt ra để tự hỏi chính mình. Có người chỉ mất vài chục năm, cũng có người thì phải dành cả cuộc đời chỉ để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng phải mất một khoảng thời gian dài để chiêm nghiệm kia. Có đôi lúc tưởng chừng như ta đã hiểu rõ chính mình trong lòng bàn tay, sau cùng mới nhận ra ta chẳng hiểu gì hết. Kỳ thực, phần lớn chúng ta đều cho rằng việc thấu hiểu bản thân là công việc đơn giản nhất nhưng nó lại là việc mà ta khó có thể thực hiện tốt nhất. 

Để tìm câu trả lời cho những thắc mắc đó thì tôi tin rằng khi bạn đọc cuốn What are you doing with your life? – Bạn đang nghịch gì với đời mình? Của tác giả J. Krishnamurti bạn sẽ biết được làm thế nào để lắng nghe và thấu hiểu chính mình một cách tốt nhất.

Cuốn sách gồm những mẩu hội thoại nhỏ, ngắn gọn nhưng hứa hẹn sẽ mang tới cho bạn những cái nhìn sâu sắc và khiến chúng ta phải chiêm nghiệm qua từng câu chữ. Mỗi phần sẽ có nhiều chương nhỏ để triết gia J. Krishnamurti dẫn dắt người đọc đến những vấn đề thực tiễn từ suy nghĩ, thấu thị, hiểu biết, đến hành động cụ thể. Ông chỉ ra rằng ngay với cả nỗi sợ hãi, sự buồn chán, hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại đều có thể hòa giải trong ý nghĩ của một tâm hồn biết tĩnh lặng. Krishnamurti đã dành ra hơn 60 năm để diễn thuyết tự do về tâm lý cho bất kì ai muốn lắng nghe thông điệp từ ông. Trong các bài giảng trên lớp và tất cả các bài nói chuyện, bài viết của mình, ông chỉ ra rằng không phải những cuộc đấu tranh nội tâm cũng như cuộc chiến bên ngoài sẽ giải phóng chúng ta, mà chính sự thật về bản thân chúng ta sẽ làm điều đó.

Chúng ta cần phải hiểu về bản ngã, nguồn cơn sinh ra những vấn đề của chúng ta; không phải theo kiểu chỉ biết mỗi mình, mà là để chú tâm vào những ý nghĩ, những cảm xúc và những hành vi của bản ngã, cùng với các khía cạnh sinh lý, cá nhân, giới tính và văn hóa của nó: đây chính là thiền định.


Bản ngã và cuộc đời của bạn 

Hơn bao giờ hết, việc tìm hiểu về tiến trình vận hành của tâm trí hay nói cách khác đó là thấu hiểu bản thân mình là điều cực kỳ quan trọng và cần được làm một cách chuyên tâm. Bởi vì chỉ có hiểu được mong muốn của bản thân, bạn mới có thể đi  đúng đường và sống cuộc đời thật ý nghĩa như mong ước.

Tâm trí bao gồm hai phần vô thức và phần ý thức, hay ta có thể gọi nó là phần nổi và phần chìm – một phần thuộc bề nổi mà ta nhận thức được, còn phần lớn là những lớp ẩn sâu của tâm trí mà ta không nhận thức được. Toàn bộ phần ý thức và phần vô thức là tổng thể tiến trình tư duy mà chúng ta gọi là tâm thức. Tâm thức đại diện cho thời gian, là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của loài người suốt bao năm qua.

Tâm thức sống động là cái tâm tĩnh lặng và phi tâm điểm, trong đó không có khoảng cách và thời gian; nó vô hạn và đó là chân lý, thực tại duy nhất.

Có một sự thật là chúng ta đã được thuyết phục để tin vào những quan điểm sẵn có từ thời xa xưa, các tín ngưỡng hay những giả định. Bởi vậy, một phần nào đó trong tâm trí chính ta đều chịu ảnh hưởng và bị giới hạn trong vô thức theo nhiều cách, từ đó khiến tư tưởng ta phát triển theo nhiều lối khác nhau. Cuộc sống thì luôn chuyển dịch, nhưng tâm trí chúng ta vốn luôn bị kiềm tỏa bởi những nhận định từ thuở xa xưa, tín ngưỡng hay những kinh nghiệm. Tâm trí thì luôn bị ràng buộc mà chúng ta thì phải đối mặt với đời sống có vô vàn biến đổi phức tạp, luôn đòi hỏi ta phải có cách tiếp cận mới mẻ thay đổi theo từng ngày.

Nhìn chung, chúng ta luôn mong muốn bản thân mình được cải thiện một cách triệt để, nhưng lại thực hiện sai cách. Chúng ta luôn nhìn nhận lỗi sai thuộc về những thứ xung quanh ngoại trừ chính mình. Chúng ta thường muốn được chỉ ra lỗi sai và lắng nghe những ý kiến của những người khác để hiểu chính mình hơn là tự nhìn nhận những việc mình đã làm. Kỳ thực, sự thay đổi của thế giới bên ngoài đến từ chính sự thay đổi bên trong bạn, bạn là chủ thể chính và thế giới là cách bạn nhìn nhận về nó.

Điều ta mong muốn

Hạnh phúc là thứ mà phần lớn chúng ta theo đuổi. Nhưng, hạnh phúc được định nghĩa như thế nào? Nhiều người cho rằng hạnh phúc là đạt được cái mình muốn. Nhưng, mong muốn là vô tận. Ví dụ như nếu bạn có một chiếc xe đạp, mong muốn của bạn sẽ có một chiếc xe máy để di chuyển nhanh nhẹn hơn, khi chúng ta sở hữu được một chiếc xe máy thì điều chúng ta mong muốn sẽ là chiếc xe hơi để che nắng che mưa. Có thể thấy, mong muốn luôn được dần tăng lên trong từng điều kiện khác nhau, nói cách khác chính là luôn xê dịch. Nếu hạnh phúc được định nghĩa bằng đạt được điều mình muốn thì bao giờ chúng ta mới có thể hạnh phúc? 

Mong muốn những thứ tốt đẹp hơn không phải là điều sai trái, nhưng hạnh phúc lại không hẳn là nằm trong việc bạn ý thức được mình đang hạnh phúc. Giống như khi bạn ý thức được mình khiêm tốn thì bạn đang không thật sự khiêm tốn nữa. Hạnh phúc cũng vậy, nó vốn là thứ không theo đuổi được, chỉ đơn giản xảy đến, khi ta bỏ công tìm kiếm, nó sẽ lẩn tránh ta.

Tư duy đúng đắn là chuyển dịch của sự hiểu biết chính mình từ khoảnh khắc này đến khoảng khắc khác, nảy sinh ra từ sự nhận biết các mối tương quan.


Hiểu biết bản thân là chìa khóa của sự tự do 

Chúng ta bị đè nặng bởi những nỗi lo sợ, không chỉ từ bên ngoài mà cả bên trong.

Sợ thất nghiệp, sợ nghèo đói, sợ mất đi địa vị, sợ bị sếp đối xử tệ bạc và muôn vàn nỗi sợ khác tồn tại bên trong chúng ta như là sợ rằng chúng ta không hiện hữu, sợ gặp thất bại, sợ cái chết hay sợ cô đơn. 

Krishnamurti cho rằng suy nghĩ dung dưỡng nỗi sợ. Có nghĩa là nếu như chính mình nghĩ về sự thất nghiệp và lo sợ nó thì chính ý nghĩ đó tạo ra nỗi lo sợ của chính ta. Người ta tự hỏi liệu mình có thể chấm dứt suy nghĩ để sống một cách trọn vẹn, đầy đủ hơn hay không. Vậy bạn đã bao giờ để ý dành hết tâm sức để làm một việc gì đó chưa? Khi bạn đặt trọn tâm trí mình vào một việc thì khi đó không hề có chủ thể quan sát nào, do đó không có một người suy tưởng nào và cũng không tồn tại một trọng tâm quan sát nào cả. Khi bạn có một sự chú tâm toàn diện và cao độ thì không còn tồn tại chủ thể nào để nuôi dưỡng nỗi lo sợ nữa.

Không lời dạy bảo hoặc rao giảng nào giúp bạn mở ra cánh cửa bước vào nội tâm, đến chân lý. Trong chính chúng ta đã tồn tại toàn bộ thế giới và nếu bạn biết cách quan sát học hỏi, cánh cửa ở ngay đó và chìa khóa nằm trong tay bạn.


Những mối tương quan 

Liệu chúng ta có thể được sống trong một thế giới không có cái nhiều hơn – không liên tục so đo và bị so đo, đánh giá và bị đánh giá? Sự suy xét về toàn bộ câu hỏi này, là thiền định.

Để quên đi ham muốn tìm kiếm một sự an ổn trong tâm trí hoặc một trạng thái hài lòng thỏa mãn, đòi hỏi ta phải quan sát kỹ lưỡng và liên tục về quá trình hoạt động của tâm trí, đó là thiền. Nếu ta không hiểu rõ được toàn bộ diễn trình của tâm trí, có ý thức cũng như vô thức, thì bất kì hình thức nào kể cả thiền định cũng là một trở ngại, sự trốn chạy, hay một hoạt động ấu trĩ để lãng quên thực tại. Ngược lại, khi bạn hiểu rõ được chính mình, đi từng bước cẩn trọng với sự chú tâm tuyệt đối, từ đó tự khám phá con đường của chính mình thì đó chính là thiền định. 

Trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí khi bạn ăn uống, hãy chú ý hành động nhai nuốt thức ăn từ tốn, việc chọn và thực hiện quy trình ăn uống điều độ là một cách để kỷ luật bản thân. Khi cơ thể bạn có đủ năng lượng cần thiết, tại điều kiện sức khỏe tốt nhất, đầu óc minh mẫn nhất và nhận ra mọi thứ bạn thực hiện thật dễ dàng không có trở ngại gì thì đó cũng là thiền định. 

Nói cách khác, khi bạn chú tâm làm một công việc gì đó, thì đó chính là sự khởi đầu cho việc thiền. Thiền để sáng rõ, để thấu hiểu cuộc sống, để có thể tự nhận biết mình và lãng quên tâm trí của quá khứ. Hạnh phúc thực sự sẽ đến trong sự tĩnh lặng của tâm trí. Chỉ khi tâm trí có khả năng yêu thương chân thành thì nó cũng là ta biết được cách để có được cuộc sống thanh bình. 

Để thấy được một thứ vượt trên cả thời gian, bạn phải để tâm trí mình được tĩnh lặng; đó không phải là một tâm trí chết lặng, mà trái lại nó hoạt động rất mạnh mẽ; bất cứ thứ gì di chuyển và hoạt động ở tốc độ cao đều luôn im lặng.

Thay lời kết

Cuộc sống hiện đại, nhộn nhịp luôn đẩy chúng ta tiến lên phía trước, cũng vì vậy mà chúng ta ít có thời gian tĩnh lặng để thấu hiểu được bản thân sâu sắc nhất. Chắc hẳn cũng vì thế mà chúng ta dễ dàng chấp nhận để những nhận xét của những người xung quanh mình định nghĩa cái - chúng - ta - là.  Chúng ta thường quên đi rằng, điều quan trọng và tiên quyết chúng ta cần làm đó là tìm ra chính mình thực sự thay vì cái mà mọi người áp đặt lên chúng ta. Bạn thân mến, bạn luôn là chủ thể chính trong cuộc đời của bạn. Và thế giới là cái cách mà bạn nhìn nhận nó. 


Review chi tiết bởi: Alice - Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

896 lượt xem