Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] "Tôi, Tương Lai Và Thế Giới": Công Dân Thế Kỷ XXI Cần Trang Bị Kỹ Năng Gì Trong Thời Kỳ Hội Nhập?

Làm sao để người trẻ phát triển được tiềm năng của mình tốt nhất trong thế kỷ XXI này? Tôi, Tương Lai và Thế Giới của Nguyễn Phi Vân đã giúp mọi người hiểu rõ nhất những kỹ năng và phẩm chất mà người trẻ rất cần, không chỉ để tồn tại mà còn để phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.

*Giới thiệu đôi nét về tác giả: 

Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp MBA tại Úc, cô đã từng giữ những vị trí cấp cao trong những tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, cô đã sinh sống và làm việc tại hơn 80 quốc gia và tham gia cố vấn nhiều chương trình phát triển doanh nghiệp, phát triển nhượng quyền quốc tế, và phát triển kinh tế sáng tạo cho các chính phủ khu vực.

*Giới thiệu về nội dung sách

Tôi, Tương Lai và Thế Giới mang tính thực tế và ứng dụng cao. Với 13 chương sách với phong cách viết hài hước và dí dỏm, tác giả đã đem đến cho độc giả, đặc biệt là những người trẻ, có một cái nhìn bao quát hơn về những thay đổi của thế giới ngày nay, trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân trong việc phát triển và hội nhập vào công cuộc cách mạng 4.0 toàn cầu. Bên cạnh đó, cô cũng đưa ra những giải pháp hết sức chi tiết, thuyết phục và thực tế để mỗi cá nhân có thể áp dụng và thay đổi chính mình.

Để có thể tồn tại và phát triển cùng với sự thay đổi không ngừng của công nghệ, phương thức kinh doanh, quan hệ hợp tác không chỉ trong nước mà còn quốc tế trong thế kỷ XXI này, chúng ta nên trang bị cho mình những kỹ năng và phẩm chất gì để có thể đương đầu với sự đổi mới và thích nghi với sự thay đổi ấy?

Trước hết, trong thế kỷ XXI này, có 4 kỹ năng mà chúng ta - thế hệ người trẻ cần phải lưu tâm, học hỏi và thực hành cho nhuần nhuyễn để có thể trở thành một "công dân toàn cầu" như theo tác giả đã đề cập. Chúng ta sẽ gọi tắt là 4Cs (Communication - Giao tiếp, Creativity - Sáng tạo, Critical Thinking - Tư duy phản biện, Collaboration - Hợp tác).


Thứ nhất, kỹ năng giao tiếp (Communication)

Khi nhắc đến giao tiếp, ai cũng nghĩ đó là một kỹ năng nhất định phải có và phải thành thạo. Ai cũng nghĩ đó là kỹ năng quan trọng và sống còn trong tất cả những khía cạnh của cuộc sống. Tuy nhiên hiểu biết về tầm quan trọng của nó và thực sự thực hành là hai việc khác nhau. Giao tiếp ở đây không có nghĩa là nói chuyện rõ ràng, dễ hiểu mà kỹ năng này còn bao gồm rất nhiều yếu tố khác như yếu tố phi ngôn ngữ, cách chúng ta truyền tải thông điệp cho người khác, cách trình bày ý tưởng, dẫn dắt câu chuyện hay thậm chí là trình bày quan điểm trong lúc tranh luận.

Theo tác giả, có 2 cách để giúp chúng ta có thể trình bày hiệu quả ý kiến hay suy nghĩ của mình cho người khác hiểu:

Nguyên tắc 3I's: Issue, Illustration, Invitation

  • Issue - Vấn đề: Nêu vấn đề một cách đơn giản và dễ hiểu.

  • Illustration - Minh họa: Bộ não của chúng ta rất thích nghe kể chuyện  và nghe ví dụ minh họa, vì vậy khi trình bày chúng ta nên sử dụng câu chuyện hay ví dụ minh họa để thu hút người nghe và họ sẽ nhớ lâu hơn câu chuyện của chúng ta.

  • Invitation - Mời tham gia: Đặt câu hỏi khiến người nghe phải trả lời, ví dụ: " Các bạn nghĩ sao khi nghe về vấn đề này?"

Nguyên tắc này thích hợp cho những cuộc đối đáp, cần sự tham gia đóng góp ý kiến của người khác.

Nguyên tắc PSB: Problem, Solution, Benefit.

  • Problem - Vấn đề: Bắt đầu bằng việc trình bày một vấn đề

  • Solution - Giải pháp: Sau đó đưa ra giải pháp cụ thể và hệ thống cho vấn đề được nêu ra

  • Benefit - Lợi ích: Nhắc đến lợi ích một cách nhẹ nhàng, khiến người nghe tự rút ra được từ giải pháp chúng ta vừa cung cấp.

Cách này rất hữu hiệu trong môi trường trang trọng, khi trình bày cuộc họp hoặc trong môi trường học thuật.

Vậy làm thế nào để giao tiếp tốt trong thời đại ngày nay, nơi mà công nghệ đang lên ngôi và con người dần dần mất đi sự kết nối bởi những rào cản vô hình và sự cám dỗ của "thế giới mạng"?

1/ FOCUS WHILE LISTENING - Tập trung khi lắng nghe người khác

Chúng ta phải thật sự tập trung khi lắng nghe người khác, nếu chúng ta không tập trung thì dù người khác có nói hay như thế nào chúng ta cũng không thể tiếp thu được.

2/ ASK GOOD QUESTIONS - Hỏi những câu hỏi liên quan

Nếu không tập trung và lắng nghe người khác, chúng ta cũng sẽ không có thông tin để hỏi và đào sâu vào câu chuyện của họ.

3/ DON'T PASS JUDGEMENT - Đừng phán xét người khác

Khi lắng nghe người khác, chúng ta nên khách quan hết sức có thể, đừng vì những định kiến và suy nghĩ trong đầu về người đó mà làm cho thông tin chúng ta nhận được mang tính chủ quan. Khi lắng nghe với sự định kiến và phán xét, chúng ta sẽ không thật sự mở lòng và đón nhận câu chuyện của họ.

4/ KEEP YOUR MOUTH SHUT - Không cắt lời người khác

Đây là điều đặc biệt quan trọng, khi trò chuyện cùng ai đó, chúng ta nên kiên nhẫn, nghe hết câu chuyện của họ mà không cắt lời hay nghĩ về những gì tiếp theo khi trả lời người đó. Hãy thật sự tập trung và lắng nghe những gì họ nói với tất cả sự tôn trọng.

Thứ hai, kỹ năng tư duy phản biện (Critical Thinking)

Tư duy phản biện là một kỹ năng tối quan trọng trong việc giúp chúng ta nhận diện và giải quyết vấn đề, suy nghĩ có chiều sâu hơn và giúp chúng ta đánh giá mọi việc một cách có hệ thống và logic.

Đã bao giờ khi bạn gặp phải một vấn đề nào đó, tưởng chừng như rất đơn giản như là làm thế nào để sống khỏe mạnh, thay vì tự tìm hiểu và đi tìm câu trả lời cho chính mình, bạn lại đi tìm người khác để giải quyết và cung cấp lời khuyên cho vấn đề của bạn không? Đó là ví dụ điển hình của việc thiếu tư duy phản biện và sự chủ động.

Ngày nay, thông tin là vô hạn, chỉ cần một cú click chuột trên Google, chúng ta có thể tìm thấy hết tất cả những thông tin mà chúng ta cần. Vì vậy khi đang gặp vấn đề, trước hết hãy tự đi tìm giải pháp cho chính mình trước, nếu thật sự chúng ta không có giải pháp thì hãy tìm đến người khác. 

Thực hành và rèn luyện cho mình khả năng tìm thông tin, ứng dụng, phân tích và giải quyết vấn đề dù vấn đề đó có đơn giản hay phức tạp thế nào đi chăng nữa. Đừng hấp tấp hay vội vàng, cứ bình tĩnh suy nghĩ xem căn nguyên vấn đề là gì, áp dụng những gì chúng ta biết và hiểu để giải quyết trước khi nhờ người khác quyết định cuộc đời bạn.

=>Vậy làm thế nào để phát triển khả năng tư duy phản biện?

1/ QUESTION BASIC ASSUMPTIONS -  Luôn luôn đặt câu hỏi cho những phỏng đoán của mình

 Điều này có nghĩa là khi chúng ta suy nghĩ về một vấn đề nào đó liên quan đến chính bản thân mình hay của người khác, một tư duy mở và logic là một điều quan trọng cần có. Khi một suy nghĩ nào đó phát sinh, bạn nên ngay lập tức kiểm tra lại những giả tưởng đó của mình, tránh lối suy nghĩ thụ động, ai kêu gì làm theo vậy.

2/ TRY REVERSING THINGS -  Đặt câu hỏi ngược

Đây là cách hoàn toàn mới để thách thức suy nghĩ của chúng ta. Hãy đặt câu hỏi: “Vì tôi làm việc không hiệu quả nên cả team bị ảnh hưởng hay vì đơn thuần cả team làm việc không tốt nên công việc của tôi không hiệu quả?”

3/ BEWARE OF YOUR MENTAL PROCESSES - Cẩn thận cách bạn tư duy

Con người thường hay chịu tác động của nhiều yếu tố môi trường xung quanh. Chính vì vậy, suy nghĩ và hành động của người đó sẽ không khách quan, dẫn đến sẽ có những định kiến trong đầu về người khác. Do đó, khi bắt đầu có suy nghĩ phán xét ai đó, hãy tự hỏi rằng liệu chúng ta đang có thành kiến cá nhân khi đánh giá người này hay không?

Cuối cùng, điều quan trọng là chúng ta cần phải học kỹ năng tự hình thành suy nghĩ và giải pháp cho một vấn đề trước khi tham khảo ý kiến từ người khác. Những vấn đề của chúng ta đang gặp phải, thường đã có kinh nghiệm của những người đi trước chứng minh và giải quyết. Chính vì vậy, hãy thật thông minh và biết chọn lọc thông tin nhé.

Thứ ba, kỹ năng sáng tạo (Creativity)

Trước hết, theo tác giả, sáng tạo là một kiểu tư duy, không phải là một tài năng thiên phú. Mỗi chúng ta đều sở hữu trong mình khả năng sáng tạo, tuy nhiên chúng ta chưa biết khai thác hết “tài nguyên” của mình mà thôi.

Sáng tạo không đơn thuần là phát minh ra những thứ hoàn toàn chưa từng tồn tại trên thế giới này, sáng tạo đơn giản là từng ngày và từng giờ, chúng ta luôn đổi mới và làm cho mọi việc trở nên tốt lên.  Từ đó, hiệu quả công việc sẽ tăng cao và việc quản lý thời gian của chúng ta sẽ dễ dàng hơn.

=>Vậy làm thế nào để phát triển và khai thác khả năng sáng tạo bên trong mỗi chúng ta?

1/ DO SOMETHING THAT YOU SCARE - Làm những gì bạn sợ hãi

Khi làm một điều gì đó bạn sợ hãi và vượt qua chúng, bạn sẽ thêm sự tự tin vào bản thân, tạo điều kiện cho mình sáng tạo hơn trong cách suy nghĩ và hành động.

2/ READ MORE BOOKS - Hãy đọc nhiều sách hơn

Đọc nhiều sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều góc nhìn, nhiều ý tưởng từ nhiều chủ đề khác nhau sẽ giúp chúng ta kết nối và sáng tạo hơn trong cách suy nghĩ.

3/ STEP WAY FROM ELECTRONIC DEVICES - Tránh xa ra những thiết bị điện tử

Trong thời đại công nghệ số bùng nổ như hiện nay, thế hệ trẻ có xu hướng sử dụng smartphone và chìm đắm trong thế giới ảo quá nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tư duy sáng tạo của con người. Để “ nuôi dưỡng óc sáng tạo” của mình, đã đến lúc chúng ta nên đặt “chiếc dế” yêu của mình xuống và dành thời gian để phát triển khả năng sáng tạo của mình. Đọc sách, đi du lịch và trải nghiệm với thế giới xung quanh nhiều hơn để mở rộng thế giới quan và tăng thêm góc nhìn nhé.

Cuối cùng, kỹ năng hợp tác (Collaboration)

Đây là kỹ năng quan trọng trong giai đoạn hội nhập thế giới hiện nay. Nếu không có tinh thần hợp tác, việc kinh doanh và các mối quan hệ cũng khó đạt được thành công. Bên cạnh đó, đây cũng là kỹ năng cần thiết trong việc hợp tác nhóm với những đối tác đến từ những nền văn hóa khác nhau.

=>Vậy làm thế nào để phát triển kỹ năng hợp tác, mở rộng những mối quan hệ với đối tác quốc tế?

Trước khi hợp tác, chúng ta cần xác định mục đích rõ ràng, nếu không chỉ làm lãng phí thời gian của đôi bên.

Tiếp theo là lựa chọn hình thức hợp tác. Việc hợp tác cần sự đóng góp của nhiều quan điểm khác nhau hay chỉ cần một số lượng người cụ thể và những người liên quan đến mục đích cần hợp tác. Xác định được hình thức hợp tác là một điều quan trọng để tiết kiệm thời gian và gặt hái những kết quả tối ưu nhất.

Trong quá trình hợp tác, việc tìm kiếm những người cộng sự có cùng chí hướng và năng lực là điều hết sức khó khăn, vì đơn giản mỗi cá nhân đều có những giá trị, điểm mạnh và điểm yếu riêng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không khả thi. Chỉ cần chúng ta kiên nhẫn cùng với thời gian, nhận định rõ giá trị thực sự của chính bản thân, những “cộng sự tương lai” sẽ tìm đến để hợp tác và chia sẻ giá trị chung, đem đến những hiệu quả công việc tuyệt vời.

Chúng ta đã trang bị cho mình 4 kỹ năng quan trọng đó là: Communication, Creativity, Critical Thinking và Collaboration. Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến phẩm chất nào chúng ta cần có để có thể hội nhập và tồn tại trong thế giới không ngừng biến đổi như ngày nay.

Theo Nguyễn Phi Vân và với kinh nghiệm trên thương trường trong suốt nhiều năm qua, những phẩm chất mà chúng ta nên trang bị cho mình để có thể phát triển và bắt kịp nhịp độ thay đổi của thế giới là CURIOSITY (Trí tò mò), ADAPTABILITY (Khả năng linh hoạt và hội nhập) và SOCIAL AND CULTURAL AWARENESS (Nhận thức xã hội và văn hóa).

Trước hết là CURIOSITY- Trí tò mò

Chúng ta phải liên tục học hỏi từ người khác, luôn luôn để một cái đầu mở và khiêm tốn để lắng nghe nhiều quan điểm khác nhau. Không ngừng học hỏi là một phẩm chất rất quan trọng. Khi một vấn đề phát sinh, hãy tự đặt câu hỏi cho những gì bạn chưa hiểu, tự vận động trí não và đừng e ngại việc bị chỉ trích và đánh giá bởi người khác. Trong thế kỷ không ngừng biến đổi như ngày nay, văn hóa giáo dục trong tương lai của chúng ta nên là question-driven- dựa trên nền tảng đặt câu hỏi.

=>Vậy làm thế nào để phát triển óc tò mò của chúng ta?

  • Theo đuổi những sở thích và đam mê của bản thân. Tìm hiểu về nó và để sự tò mò dẫn dắt bạn, thích điều gì thì cứ theo đuổi, tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau để có thêm nhiều ý tưởng, bằng một cách nào đó mọi thứ đều có liên quan với nhau, không có gì là thừa mứa cả.

  • Học hỏi từ người khác. Đâu đó những vấn đề mà chúng ta đang tìm hiểu đã có người trước đó nghiên cứu và trải nghiệm rồi, chính vì vậy hãy học hỏi và tham khảo cách họ giải quyết vấn đề.

  • Không sợ hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn. Khi không biết hay không hiểu vấn đề gì thì chúng ta cứ việc hỏi, hỏi cho tới cùng đến khi hiểu đến tận cùng thì thôi. Không có câu hỏi ngu dốt, chỉ có những người thiếu hiểu biết mới  không biết hỏi.

Tiếp theo ADAPTABILITY-  Khả năng linh hoạt và hội nhập.

Trong thời kỳ hội nhập, với sự biến đổi của công nghệ, từng giây từng phút mọi việc đều có thể thay đổi đến một cách bất ngờ. Hôm nay kế hoạch như vầy nhưng ngày mai kế hoạch sẽ khác, không ai dự đoán trước được tương lai, thậm chí là ngày mai. Vì vậy, chúng ta phải có khả năng thích ứng cao, linh hoạt đương đầu với những khó khăn và thích ứng với sự thay đổi. Đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, luôn trong tâm thế sẵn sàng và không ngừng học hỏi để có thể phát triển trong thế kỷ XXI này.

Cuối cùng là SOCIAL AND CULTURAL AWARENESS - Khả năng nhận thức xã hội và văn hóa. 

Kỹ năng này có thể nói là kỹ năng mấu chốt của tất cả, vì nó liên quan đến EQ - Emotional Quotient, chỉ số trí tuệ cảm xúc. Nếu không có kỹ năng này thì việc giao tiếp, hợp tác với người khác sẽ không hiệu quả. Chúng ta cần hiểu về cảm xúc của bản thân cũng như người khác để có thể thông cảm và đứng trên cương vị của họ để cùng nhau giải quyết vấn đề khi có những phát sinh.               

Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong tất cả những mối quan hệ của chúng ta, và điều này đặc biệt quan trọng hơn trong việc hội nhập liên văn hóa, tham gia hợp tác với những nền văn hóa khác nhau. Nếu chúng ta không biết quản lý cảm xúc cá nhân thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường trong việc giao tiếp với người khác hoặc một nhóm tổ chức nào đó.

Theo Nguyễn Phi Vân, cô khuyên chúng ta chỉ nên xem cảm xúc là dữ liệu để phân tích và xử lý mà thôi, xác định cảm xúc của chúng ta như thế nào rồi tìm cách thu thập thông tin về nguyên nhân dẫn đến cảm xúc ấy. Điều quan trọng nhất là tránh 2 bẫy phổ biến thường gặp về cảm xúc:

  • Bẫy thứ nhất: Đổ lỗi cho người khác: 

Con người chúng ta hay có xu hướng chuyển hướng những cảm xúc tiêu cực của mình lên người khác, cho rằng họ là nguyên nhân cho việc mình cảm thấy tiêu cực và tồi tệ. Người có EQ cao sẽ không đổ lỗi cho người khác bừa bãi, họ biết dừng lại và suy xét, họ không phản ứng vội hay đưa ra kết luận tiêu cực nào về việc vừa mới xảy ra.

  • Bẫy thứ hai: Chúng ta dễ bị chuyện bên ngoài tác động, đôi khi không cần thiết.

Chúng ta có xu hướng hay  biến những chuyện nhỏ thành lớn, làm nghiêm trọng hóa vấn đề, khi có ai đó tấn công bạn, thay vì nổi cơn thịnh nộ và công kích lại đối phương, chỉ cần bạn bình tĩnh và hỏi người đó rằng:  “Có chuyện gì xảy ra với bạn vậy?". Bằng việc quản trị cảm xúc tốt thì việc gì bạn cũng có thể giải quyết được.

Lời kết

Gấp lại quyển sách thì giờ đây bạn sẽ cảm thấy bạn không còn là con người như xưa nữa, tư duy của bạn sẽ có sự chuyển động mạnh mẽ. Bạn sẽ có một niềm tin mãnh liệt để thay đổi bản thân và trang bị ngay những gì mà Nguyễn Phi Vân chia sẻ trong quyển sách quý báu này. 

Có câu như thế này: Có ba loại người trên thế giới: người làm cho mọi thứ diễn ra, người ngồi xem mọi thứ diễn ra và người tự hỏi chuyện gì đang diễn ra. Bạn quyết định đi. Bạn là ai trong số đó?

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn - Bookademy

Hình ảnh: Tuyết Sơn                                                                                                                                     

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,436 lượt xem