Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Trích Sách] “Doanh Nghiệp 4.0”: Cách Công Nghệ Đang Cô Lập Chúng Ta Trong Công Việc

Trong cuốn sách Doanh nghiệp 4.0 (Back to human: How great leaders create connection in the age of isolation), Dan Schawbel bàn về một chủ đề không còn mới lạ - sự cô đơn trong thế giới công nghệ - nhưng xem xét những ảnh hưởng của nó đối với các doanh nghiệp. Công nghệ được sử dụng khi làm việc để tăng hiệu suất, kết nối và gắn kết nhiều hơn nhưng cũng mang đến nhiều tác động tồi tệ nếu các nhà lãnh đạo không sử dụng nó một cách cẩn thận.

Khi xem Black Mirror, một loạt phim khoa học viễn tưởng về nhân chủng của Anh trên Netflix, tôi đã vô cùng kinh ngạc về mức độ chính xác mà tập phim “Nosedive” đã phản ánh về xã hội của chúng ta hiện nay. Truyện phim được đặt trong một bối cảnh viễn tưởng nơi con người đánh giá nhau bằng cách dùng điện thoại thông minh và những đánh giá này ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Lacie, nhân vật chính, bị những đánh giá này ám ảnh, cũng giống như chúng ta bị ám ảnh bởi những lượt like, bình luận, chia sẻ mà những bài đăng của chúng ta có được. Cô mở đầu tập phim với đánh giá 4.2 trên 5 sao, nhưng cô cần 4.5 sao để có thể dọn vào sống tại khu vực sang trọng nơi những người bạn của cô đang ở. Bạn của cô, Naomi, được đánh giá 4.8, nhờ Lacie làm phù dâu trong đám cưới của mình. Trên đường đến dự đám cưới, Lacie đã gặp phải một loạt những chuyện rắc rối khiến đánh giá của cô giảm chỉ còn vỏn vẹn 2.6. Kết quả là Naomi không cần Lacie đến dự đám cưới nữa. Dù chỉ là giả tưởng, nhưng tập phim này lại minh họa một cách hoàn hảo cách công nghệ chia cách chúng ta cũng nhiều như cách chúng mang chúng ta lại gần nhau. Và nó cũng dựng lên một tấm gương không khoan nhượng cho chúng ta thấy mình tội lỗi đến nhường nào khi đưa ra những so sánh xã hội vô thức khiến chúng ta – hay tất cả những người khác - phải khổ sở.

[…]

Các thiết bị đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích tuyệt vời, bao gồm tương tác thời gian thực, tăng cường hiệu suất của tiến độ công việc, hình thành ý tưởng mới, cho phép tiếp cận các tài nguyên. Đồng thời, những thiết bị này cũng cản trở các mối quan hệ của chúng ta và khiến môi trường làm việc của chúng ta vận hành ngày càng khác thường. Thay vì những gắn kết bền chặt, chúng ta lại chỉ có những nút thắt lỏng lẻo. Thay vì là những cuộc họp năng suất cao, chúng ta lại bị sao lãng. Công nghệ đã tạo nên một ảo tưởng rằng nhân viên ngày nay gắn kết chặt chẽ với nhau, nhưng trên thực tế, hầu hết bọn họ cảm thấy bị cô lập khỏi đồng nghiệp của mình.

Điều mà họ thèm muốn nhất – cũng là điều mà các nghiên cứu ngày càng chỉ rõ là dấu ấn của các văn hóa làm việc hiệu quả nhất – chính là cảm giác được gắn kết thực sự với những người khác.

Nghiện công nghệ ngày càng phổ biến. Điều này đặc biệt đúng đối với các nhân viên trẻ vốn trưởng thành cùng công nghệ và càng ngày càng có cơ hội tiếp xúc với công nghệ từ sớm. Họ vui vẻ sử dụng những thiết bị này để đạt được sự thỏa mãn tức thì, xoa dịu stress và gặt hái sự công nhận cá nhân. Nhưng vẫn có góc khuất trong việc sử dụng công nghệ này. Trong một số của chương trình 60 Minutes, Tristan Harris, nguyên Giám đốc sản xuất của Google, thừa nhận rằng những thiết bị này được cố tình thiết kế để chúng ta nghiện chúng. Mỗi lần nhấc điện thoại lên, chúng ta lại “kéo cần điều khiển” hy vọng sẽ thắng một giải thưởng kỳ thú nào đó, cũng giống như chúng ta chơi máy xổ số.

[…]

Hai nghiên cứu toàn cầu được thực hiện bởi Future Workplace cộng tác cùng RandStad đã phát hiện rằng những điều mà các nhân viên trẻ tuổi bảo họ muốn thực tế lại không liên quan đến hành vi thực sự của họ. Phần lớn trong số 6.000 nhân viên trong độ tuổi từ 22 đến 34 tham gia đưa ý kiến ở hơn mười quốc gia cho các nhà nghiên cứu biết họ thích giao tiếp gặp mặt trực tiếp hơn là công nghệ. Tuy nhiên, hơn một phần ba số này lại dành khoảng 30% thời gian cá nhân và làm việc của mình để lướt Facebook. Thay vì gặp gỡ trực tiếp, chúng ta lại chọn cách nhắn tin, gửi tin nhắn tức thì và sử dụng mạng xã hội. Nhiều bạn bè của tôi đã rất thất vọng khi có ai đó gọi và để lại thư thoại, điều mà họ cho là một sự gián đoạn.

Sự cô đơn tại nơi làm việc đang lan rộng. Khi chúng ta phụ thuộc vào các thiết bị để kết nối với những người khác, các mối quan hệ của chúng ta trở nên yếu ớt hơn. Việc nhắn tin thay cho những cuộc gặp mặt trực tiếp khiến chúng ta cô đơn và buồn bã. Kết quả là một đại dịch cô lập đã làm giảm tỷ lệ người bảo rằng mình có bạn thân và khiến phân nửa số dân Mỹ cảm thấy cô đơn trong chính cuộc sống của mình. Bác sĩ Vivek Murthy, nguyên Tổng Y sĩ Hoa Kỳ, chia sẻ với tôi: “Sự cô đơn và gắn kết xã hội yếu ớt là một trong những tác nhân gây ra suy giảm tuổi thọ, tương tự như hậu quả của việc hút 15 điếu thuốc lá một ngày và thậm chí còn trầm trọng hơn hậu quả đi kèm với bệnh béo phì.”

[…]

Cô lập trong môi trường làm việc đã khiến cho nhân viên tìm kiếm nhiều hơn sự thân thiết, sự cảm thông và xây dựng những tình bạn sâu sắc hơn. Sau khi khảo sát hơn 25.000 nhân viên từ mười quốc gia, chúng tôi phát hiện những nhân viên làm việc từ xa phụ thuộc vào các công cụ cộng tác trực tuyến có nhiều khả năng sẽ nhấc điện thoại lên, kiểm tra thông báo email và kết bạn với đồng nghiệp. Là một người hướng nội có thâm niên nhiều năm làm việc tại nhà ở Boston và New York, cùng với vô số những nhà hàng, quán bar, bảo tàng, buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao và các hoạt động khác mà thành phố tổ chức, mọi người vẫn dễ cảm thấy cô đơn. Và đó cũng là vấn đề ảnh hưởng đến nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới với những hậu quả có sức tàn phá lớn. Dân số Nhật Bản được dự đoán sẽ giảm từ 127 triệu xuống còn 87 triệu người trước năm 2060. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ kết hôn thấp, bắt nguồn từ việc con người không có đủ sự tương tác, thấu hiểu từ những cuộc gặp mặt trực tiếp mà thay vào đó lại phụ thuộc vào công nghệ để thực hiện việc “xã giao”. Ở Pháp, dù thời gian làm việc trung bình là dưới 40 tiếng và nhân viên được hưởng năm tuần nghỉ phép đảm bảo, nhưng Chính phủ vẫn ban hành luật về “quyền ngắt kết nối”, cho phép nhân viên tắt các thiết bị của họ khi đã xong ngày làm việc. Sau khi phát hiện hơn 9 triệu người luôn luôn hoặc thường cảm thấy cô đơn ở nước Anh, Thủ tướng Anh Theresa May đã bổ nhiệm một Bộ trưởng Bộ Cô đơn để giải quyết vấn đề.

[…]

Quan điểm của Doanh nghiệp 4.0 là giúp bạn quyết định khi nào và làm thế nào để sử dụng công nghệ một cách hợp lý, nhằm xây dựng những mối gắn kết tốt hơn trong đời sống làm việc nơi công sở của bạn. Chính tôi cũng đã chứng kiến cách công nghệ giúp mình tạo ra một mạng lưới và gây dựng nên một doanh nghiệp mà tôi từng nghĩ là sẽ không thể nào thực hiện được. Tôi cũng đã từng thấy những công nghệ đó cản trở tôi xây dựng các mối quan hệ sâu sắc hơn và làm tôi sao nhãng khỏi việc sống ở thì hiện tại. Trong suốt những cuộc phỏng vấn của tôi với hàng chục lãnh đạo nổi bật cho cuốn sách này, họ năm lần bảy lượt tái khẳng định rằng công nghệ là một con dao hai lưỡi. Doanh nghiệp 4.0 giải quyết nhu cầu cảm xúc sâu kín khiến chúng ta trở nên con người hơn và bớt tính máy móc đi, không phải bằng cách phủ nhận hoàn toàn vai trò của công nghệ mà bằng cách giải thích làm sao có thể tận dụng nó để thúc đẩy sự nghiệp của bạn.

Ảnh bìa: Illustration by Tom Haugomat


------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:

https://www.facebook.com/bookademy.vn

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

146 lượt xem