Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Trích Sách] “Đời Ngắn Lắm Đừng Ngủ Dài”: Cái Giá Của Kỷ Luật Bao Giờ Cũng Rẻ Hơn Cái Giá Của Nỗi Đau Hối Tiếc

Đời ngắn lắm đừng ngủ dài, thế nên dừng chôn vùi nhiệt huyết và tình yêu. Đời người vốn hữu hạn, không ai biết trước được điều gì vậy nên cố gắng sống tốt ở hiện tại đã là một điều gì đó vô cùng tuyệt vời và đáng trân trọng. Đời ngắn lắm đừng ngủ dài của Robin Sharama sẽ giúp bạn nhìn nhận được điểm mạnh điểm yếu của bản thân, giúp bạn bước ra khỏi vòng tròn an toàn của mình để tận hưởng cuộc sống. Nếu bạn đang cảm thấy bế tắc với cuộc sống, bao nhiêu cố gắng mà dường như chẳng có ý nghĩa gì, bao nhiêu mục tiêu đặt ra mà không hề đạt được, bao nhiêu thứ muốn làm mà làm chẳng ra hồn, thì hãy cùng mình đọc cuốn sách này nhé!

Một ngày mới

Vào nửa đêm hôm nay, bạn sẽ có một món quà tuyệt vời: 24 tiếng đồng hồ tươi mới. 24 giờ thuần khiết, không tỳ vết và không giới hạn. Một ngày mới trao gửi cơ hội để bạn bày tỏ sự can trường, ứng xử lịch thiệp, liên kết chân thành, rèn luyện những thói quen khiến bạn tiến lên một cuộc đời tốt đẹp hơn. Hai mươi bốn giờ trao tặng cơ hội để cười. Để sáng tạo giá trị. Để thực hiện ước mơ. Dù bạn có thừa nhận hay không, ngày mai vẫn là điều kỳ diệu. Đâu phải ai cũng có được nó.

[…]

Mở to mắt

Một sự việc vừa xảy ra khiến tôi bị sốc. Tôi đang đi bộ đến tiệm Starbucks quen thuộc thì thấy một chiếc xe hơi, máy vẫn nổ trong khi một em bé ngồi ghế sau và chẳng có người lái. Ông bố đã tấp vào trước cửa tiệm và vội vàng mua ly cà phê. Cà phê quan trọng hơn con mình sao?

Chúng ta thật dễ bị cuốn vào sự tất bật của công việc hàng ngày mà quên mất rằng mình cần ý thức về những gì đang làm. Triết gia Bertrand Rusell đã viết: “Hầu hết người ta thà chết còn hơn phải suy nghĩ.” (Ông còn nhấn mạnh: “Nhiều người đã như thế.” Loài người là tạo vật duy nhất trên thế giới có thể bước ra khỏi bản thân để hồi tưởng về những tư tưởng và hành động của mình.

Con khỉ không như vậy. Chó hoặc mèo cũng không thể. Chỉ có con người.

[…]

Học từ lỗi lầm

Gây lỗi lầm là điều bình thường. Chúng ta là con người và lỗi lầm cho ta cơ hội học hỏi, lớn lên. Vấn đề là đừng gây thêm lỗi lầm như thế lần nữa. Nó chứng tỏ bạn đi ngược lại với bài học dành cho bạn. Bạn không lắng nghe cuộc đời. Bạn không chú ý gì hết.

[…]

Chấp nhận là khôn ngoan

Richard viết: “Chấp nhận nghe có vẻ thụ động, nhưng khi bạn cố gắng chấp nhận, bạn nhận ra nó hoàn toàn không có nghĩa là không làm gì hết. Đôi khi chấp nhận còn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn cả than phiền, đối đầu hoặc ngồi im bất động như bạn vẫn thường làm. Một khi bạn trải nghiệm sự tự do mà việc chấp nhận mang lại – nó trở thành bản chất thứ hai của bạn.”

Chấp nhân. Tìm kiếm phúc lành đang giấu mình giữa những ngịch cảnh. Thoải mái trong bất cứ hoàn cảnh nào bạn đang lâm vào. Bám vào câu châm ngôn ngàn xưa rằng cuộc đời không cho bạn những gì bạn muốn nhưng sẽ gửi đến bạn những gì bạn cần. Tất cả chúng ta đều có những ngày vất vả, những giai đoạn khắc nghiệt, lúc này hay lúc khác. Đó là vì bạn và tôi đều đang học trường đời. Thử thách, xung đột, mâu thuẫn, bất an, tất cả đều là phương tiện để ta trưởng thành. Ngày sẽ sáng lên, và mùa sẽ luôn thay đổi. Khi chấp nhận “điều phải đến” thì lúc cay đắng sẽ qua nhanh và ngày tươi sáng sẽ dài hơn. Và đó luôn là lời kết thúc dành cho bạn.

Dư luận chẳng là gì

Những gì người ta nghĩ về bạn chẳng đáng kể. Điều quan trọng chính là bạn nghĩ gì về bản thân. Ta tốn quá nhiều sức lực để lo lắng về ý kiến của người khác, muốn được người khác ưa thích, cần làm người khác hài lòng. Những khả năng lãnh đạo chân chính và quyền làm chủ bản thân đúng nghĩa đều quy về việc vượt lên khỏi sự phê chuẩn của xã hội – để đạt tới sự tự phê chuẩn. Hãy trân trọng bản thân. Chừng nào bạn còn sống với giá trị của mình, sống đúng với bản thân, theo đuổi con đường riêng, thực hiện ước mơ, thì tại sao phải lo lắng về những gì người ta suy nghĩ, cảm thấy, nói về bạn?

Thành công không phải là một cuộc tranh tài xem ai sẽ được ưa chuộng hơn. Sau tất cả, điều đáng quan tâm nhất vẫn là bạn có thực sự là chính mình hay không.

[…]

Đừng cố quá sức

Một trong những nguyên tắc tổ chức căn bản trong cuộc sống: Thành công là kết quả của sự quân bình tinh tế giữa việc để mọi sự tự xảy ra và việc tác động để chúng xảy ra. Đúng, bạn có trách nhiệm thiết lập mục tiêu, nhận diện khả năng và thể hiện hết mình. Ta cần thực hiện phần việc của mình. Điều tốt đẹp sẽ hé lộ cho những ai tận tâm làm điều tốt đẹp. Nhưng ta cũng cần một sự cam kết tinh tế, cho phép mọi việc tự nhiên hé lộ. Nói một cách khác, hãy làm hết sức – rồi để cuộc đời làm phần còn lại.

Cuộc sống luôn dẫn dắt bạn đến nơi tốt đẹp hơn (cho dẫu nó trông không giống như vậy). Tôi khám phá rằng việc để cuộc đời dẫn dắt là điều rất quan trọng (một bài học không hề dễ dàng, và chính tôi vẫn đang học). Nếu đã cố làm mọi thứ nhưng sự việc vẫn không như kết quả bạn mong muốn, đừng cố quá sức. Có thể chưa đến lúc. Có thể cánh cửa này đóng lại nhưng cánh cửa khác đang mở ra. Và thông thường, một khi đã thực hiện điều bạn cho là tốt nhất, bạn đã tạo nên không gian cho điều tốt đẹp hơn sắp đến. Mọi điểm kết thúc đều mở ra một điểm khởi đầu mới.

[…]

 

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:

https://www.facebook.com/bookademy.vn

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,835 lượt xem