Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Chìa Khóa Để Trở Thành Người Đa Ngôn Ngữ”: Để Ngoại Ngữ Trở Thành Công Cụ Giúp Bạn Tuyệt Vời Hơn Và Không Còn Là Một Rào Cản

“Bạn sống một cuộc sống mới với mỗi ngôn ngữ mà bạn sử dụng. Nếu bạn chỉ biết một ngôn ngữ, nghĩa là bạn chỉ sống một lần.”

– Tục ngữ Séc

Tại sao bạn vẫn chần chừ chưa đầu tư thời gian cho việc học ngoại ngữ? Có phải vì bạn chưa biết cách lập kế hoạch học hiệu quả? Vì bạn cảm thấy tự ti? Hay bạn cảm thấy bốn kĩ năng nghe - nói - đọc - viết và việc ghi nhớ các từ vựng khiến bạn cảm thấy quá khó khăn và đau đầu? Bạn cảm thấy không thể vượt qua và đưa ngoại ngữ vào cuộc sống hằng ngày? Bạn lo sợ khi giao tiếp với người bản xứ hoặc bạn cảm thấy trở thành người đa ngôn ngữ là một điều không thể vươn tới? Nếu ít nhất một trong những điều kể trên là lý do của bạn, cuốn sách Chìa khóa để trở thành người đa ngôn ngữ của Hồ Thu Hương sẽ đem lại những lời khuyên bổ ích cho bạn và hướng dẫn bạn cách chinh phục những ngoại ngữ mà bạn vẫn luôn e ngại.

Hồ Thu Hương là người đồng sáng lập cộng đồng công dân toàn cầu “Hộ Chiếu Xanh đi quanh thế giới” và là đồng tác giả của cuốn sách cùng tên. Trải qua thời gian học trung học tại Cộng hòa Séc, cô luôn mơ ước được đặt chân đến các vùng đất khác nhau mà mình đã được học trong sách để trực tiếp trải nghiệm. Cô từng đặt chân qua 27 quốc gia, sống ở 7 nước thuộc 4 châu lục. Ngoài tiếng Việt, cô còn có thể nói được: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và hiện đang học tiếng Trung.

Với cuốn sách Chìa khóa để trở thành người đa ngôn ngữ, Hồ Thu Hương mong muốn giới thiệu những bí quyết tự học ngoại ngữ mà cô tin rằng mọi người có thể áp dụng cho riêng mình và trở thành một người đa ngôn ngữ giống như cô. Cuốn sách còn dành cho những người có niềm đam mê với ngoại ngữ, những người muốn học ngoại ngữ nhưng chưa biết bắt đầu bằng cách nào, đặc biệt dành cho những người không thể hoặc không muốn tốn nhiều tiền bạc để theo học các lớp học ngoại ngữ đắt tiền. Với những bí quyết mà Hồ Thu Hương chia sẻ trong cuốn sách, bạn có thể áp dụng nó cho bất cứ ngôn ngữ nào mà bạn yêu thích và muốn sử dụng. Bí quyết và cũng là lời khuyên đáng giá nhất mà cô muốn gửi tới bạn đọc qua cuốn sách này là: Luôn kết nối việc học tập với thực hành.

Sử dụng thành thạo ngoại ngữ sẽ:

  • Giúp bạn mở rộng và nâng cao cơ hội trong học tập, nghề nghiệp, cuộc sống cá nhân,...
  • Là một trong những kĩ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngày nay
  • Không chỉ là một cách giao tiếp đơn giản giữa các nhóm người khác nhau mà còn là phương tiện để nâng cao tầm hiểu biết về lịch sử, văn hóa, tư duy và phong tục tập quán của các quốc gia khác.
  • Giúp bạn thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, văn học từ ngôn ngữ gốc.
  • Giảm bớt sự phân biệt chủng tộc và các định kiến.
  • Tránh được các vấn đề bất đồng ngôn ngữ.
  • Có thêm sở thích và đam mê vì bạn được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau.
  • Giúp bạn hiểu hơn về tiếng mẹ đẻ, về quê hương và đất nước mình.
  • Mở rộng các mối quan hệ xã hội và có thêm nhiều bạn bè mới
  • Giúp bạn có trí nhớ sắc bén và ít bị đãng trí hơn những người chỉ sử dụng được một ngôn ngữ.
  • Là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn trở thành công dân toàn cầu.
  • ...

Học ngoại ngữ phải bắt đầu như thế nào?

“Đầu xuôi đuôi lọt”. Có thể câu nói này không đúng tuyệt đối, nhưng chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của bước khởi đầu. Việc học ngoại ngữ là một quá trình và khi đặt những bước đầu tiên, sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có một người đi trước dẫn đường và truyền lại những kinh nghiệm cho mình.

Trong phần bắt đầu của cuốn sách Chìa khóa để trở thành người đa ngôn ngữ, tác giả Hồ Thu Hương sẽ chỉ ra cho bạn đọc cách chọn ngoại ngữ cũng như thời điểm để học, cách lập lộ trình học sao cho hiệu quả, các nguồn tài liệu mà bạn nên tiếp cận và cả cách thay đổi thái độ để học tập tốt hơn.

Nếu bạn chưa biết bất cứ ngôn ngữ nào ngoài tiếng mẹ đẻ, bắt đầu với tiếng Anh sẽ là một sự lựa chọn hàng đầu bởi sự phổ biến của ngôn ngữ này. Nhưng nếu bạn đã sử dụng được tiếng Anh và muốn học thêm một ngôn ngữ khác, có ba yếu tố để bạn theo học một ngoại ngữ mới đó là: sở thích, hoàn cảnh hoặc xu hướng của thời đại. Khi bạn đã chọn được ngôn ngữ để học và biết được mục tiêu học ngoại ngữ của bản thân thì không có thời điểm nào tốt để học ngoại ngữ hơn là ngay bây giờ.

Ở thời điểm bắt đầu, vạch ra những mục tiêu cụ thể là rất cần thiết để bạn đạt được mục đích cuối cùng. Khi đã đặt ra các mục tiêu cụ thể và rõ ràng trong việc học ngoại ngữ, bạn phải lên kế hoạch để thực hiện nó. Mục tiêu sẽ không tự động đi đến gần bạn nếu bạn chỉ đặt ra rồi để đó. Tác gia người Pháp Antoine de Stain-Exupéry đã nói “Một mục tiêu không có kế hoạch chỉ là một điều ước” . Phụ thuộc vào mục tiêu mà bạn đặt ra cho việc học ngoại ngữ, lộ trình học tập của mỗi người cũng không hoàn toàn giống nhau. Bạn sẽ học được cách để lên kế hoạch học tập sao cho phù hợp trong cuốn sách này.

Nếu tất cả kế hoạch đã được đặt ra thì giờ bạn phải thực hiện nó. Nhưng từ kế hoạch đi đến hành động chưa bao giờ là dễ dàng cả.

“...Sau một thời gian dài nỗ lực “cày” tiếng Anh, em đã chạm đến một cấp độ nhất định, chính xác chính là sự phản xạ trong giao tiếp. Từ đây, em muốn học cao hơn nhưng càng lên cao càng có nhiều vấn đề phải giải quyết. Em nhận thấy đây cũng là vấn đề chung của nhất nhiều người, đó chính là nguồn tài liệu. Em đang luyện IELTS mà phải nói là có quá nhiều bộ sách, quá nhiều mô hình luyện thi, học thuật. Đối với những người mới bắt đầu luyện hay tự luyện ở nhà thì việc chọn tài liệu quả thực là một điều quá khó. Khó ở chỗ, chọn bộ hay luyện thì thấy khó và không thấy tiến bộ nhiều, chọn bộ không hay thì lại thấy nản vì dễ… Tài liệu quả thật là không có thì cũng mệt mà có nhiều quá thì lại càng mệt hơn.”

Nếu việc chọn tài liệu cũng đang là một hòn đá ngáng chân bạn trên con đường học ngoại ngữ, bạn sẽ được tác giả Hồ Thu Hương gợi ý những nguồn tài liệu chất lượng và hữu ích trong cuốn sách này.

  1. Gợi ý tài liệu kỹ năng nghe:

Đĩa học ngoại ngữ của Pimsleur

Nghe các bản tin trên các kênh tin tức như BBC, CNN, Euronews,...

Nghe các bài diễn thuyết trên TED

Theo dõi các vlogger

  1. Gợi ý tài liệu kỹ năng nói

Tài liệu và sách đàm thoại

  1. Gợi ý tài liệu kỹ năng đọc

Những cuốn sách phiên bản gốc

Đọc báo, tạp chí nước ngoài

  1. Gợi ý tài liệu kỹ năng viết

Tài liệu và sách ngữ pháp

Tài liệu và sách tập hơn các bài tiểu luận

Với mỗi kỹ năng, tác giả sẽ chỉ cho bạn cách để sử dụng và lựa chọn nguồn tài liệu, đi kèm với “Danh sách tài liệu tự học ngoại ngữ”, bạn sẽ không còn rơi vào tình cảnh lúng túng hay bị choáng ngợp bởi số lượng tài liệu quá đồ sộ như trước nữa.

Học ngoại ngữ như thế nào?

Từ vựng và ngữ pháp:

Học từ vựng và ngữ pháp giống như xây nền móng của một căn nhà vậy. Với vốn từ vựng phong phú và ngữ pháp chắc chắn, bạn sẽ nắm được ngôn ngữ mà mình theo học vững vàng hơn. Đây là cách để học từ vựng và ngữ pháp của Hồ Thu Hương:

  • Bắt đầu bằng 100 từ thông dụng: Bạn hãy bắt đầu bằng những từ vựng thông dụng và cơ bản để có khả năng sử dụng chúng trong thời gian sớm nhất.
  • Những câu giao tiếp phổ biến: Học ngữ pháp mà không thể sử dụng những câu cơ bản nhất thì rất lãng phí. Hãy bắt đầu bằng những câu giao tiếp thông dụng như “Bạn có khỏe không?”, “Bạn đã ăn chưa?”, “Tôi đồng ý”...
  • Học từ mới bằng thuật ký ức: Thuật ký ức là chiến thuật tăng cường và cải thiện khả năng ghi nhớ dựa trên ba cơ sở: liên tưởng, trí tưởng tượng và vị trí.
  • Flashcard: Đây là một phương pháp rất quen thuộc với những người học ngoại ngữ.
  • Học theo chủ đề/chuyên ngành: Hãy học về những chủ đề mà bạn am hiểu hoặc thích thú.
  • Sử dụng ngay những từ mới học.
  • Google: Sử dụng google để học từ vựng bằng các giác quan.
  • Ngữ pháp: Có một số điều cơ bản bạn cần nắm chắc về ngữ pháp. Bạn không nên học ngữ pháp một cách qua loa, nửa vời.

Luyện bốn kỹ năng:

  • Nghe: Có hai phương pháp nghe là nghe chủ động và nghe bị động. Nghe thụ động là khi người nghe không có phản ứng lắng nghe tích cực, chỉ nghe mà không tiếp thu hay xử lý thông tin. Nghe chủ động là khi người nghe tập tring lắng nghe với tất cả các giác quan và tiếp thu lời nói, cố gắng hiểu xem đối phương đang nói gì, hỏi lại những từ chưa hiểu và viết chúng ra giấy. Ở đây, tác giả sẽ hướng dẫn bạn hai cách để học kỹ năng nghe, đó là nghe bài hát và hát theo và nghe với phụ đề.
  • Nói: Nên chọn cách phát âm của ai? Cách để phát âm chuẩn và cách phát âm chuẩn tên người nước ngoài, học về ngữ điệu và cách để không “ậm à ậm ừ”.
  • Đọc: Hãy bắt đầu đọc từ những tài liệu đơn giản. Trong phần này, tác giả có gợi ý một vài tài liệu phù hợp và hướng dẫn cách để bạn học đọc hiệu quả hơn.
  • Viết: Viết thường là kỹ năng khó nhằn nhất, chính việc viết trong tiếng Việt cũng đủ làm chúng ta đau đầu rồi. Có một vài cách để bạn rèn luyện và cải thiện kỹ năng viết như viết nhật ký, blog, tham gia các hội nhóm,...

Kỳ thi ngoại ngữ:

Nếu bạn cần lấy chứng chỉ ngoại ngữ cho mục tiêu nhất định, hãy phân tích các loại chứng chỉ và lựa chọn đúng loại mình cần. Ví dụ như trong tiếng Anh có IELTS, TOEFL, FCE, TOEIC; tiếng Pháp có DELF, DALF; tiếng Đức có Goethe-Zertifikat A1-C2, TestDaF,...

Ngoài việc phân tích về sự khác nhau về chứng chỉ ngoại ngữ của một số ngôn ngữ thông dụng, tác giả Hồ Thu Hương còn đưa ra 10 quy tắc vàng để bạn chuẩn bị cho kỳ thi ngoại ngữ và những lưu ý để bạn đạt điểm cao trong kỳ thi.

Đưa ngoại ngữ vào cuộc sống

Immersion dịch sát nghĩa là “đắm chìm”. Học ngoại ngữ theo kiểu “đắm chìm”, tức là hầu hết hoạt động hằng ngày của bạn đều có sự xuất hiện của ngoại ngữ đó, chính là một trong những cách học ngoại ngữ hiệu quả nhất. Nhưng bạn không nhất thiết phải sống cùng người bản địa hay học trong một trường quốc tế mới có thể “đắm chìm” trong ngôn ngữ bạn đang học. Bên cạnh việc giao lưu với bạn bè quốc tế, có sáu gợi ý sau dành cho bạn:

  1. Xem phim hoặc video và nghe nhạc quốc tế.
  2. Tìm kiếm và đọc thông tin bằng ngoại ngữ.
  3. Cài đặt ngôn ngữ bạn đang học trên các thiết bị và trang web bạn hay sử dụng.
  4. Tải bàn phím ngôn ngữ bạn đang học trên điện thoại và máy tính.
  5. Tham gia các khóa học trực tuyến.
  6. Tham gia các cuộc thi và hoạt động yêu cầu bạn sử dụng ngoại ngữ.

Ngoài ra, hãy chủ động tìm hiểu về văn hóa, lối sống của người bản ngữ. Nếu chỉ biết ngôn ngữ mà không hiểu về văn hóa của họ, bạn chưa chắc đã có thể giao tiếp một cách tự nhiên được. Nhà văn người Pháp Marcel Proust đã từng nói: “Các chuyến đi khám phá thật sự không bao gồm việc nhìn thấy những miền đất mới mà bao gồm việc nhìn bằng đôi mắt mới.” Hơn nữa tìm hiểu về văn hóa nước ngoài cũng có thể khiến bạn thêm yêu đất nước đó hơn, muốn tìm hiểu nhiều hơn và từ đó có thêm động lực để học ngoại ngữ.

Như vậy, cuốn sách Chìa khóa để trở thành người đa ngôn ngữ là sự đúc kết từ rất nhiều kinh nghiệm của Hồ Thu Hương. Với cuốn sách này, những người đang muốn học ngoại ngữ và cả những người đang gặp khó khăn trong việc học ngoại ngữ sẽ tìm được cho mình sự hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và tận tâm từ tác giả Hồ Thu Hương.

Bằng việc làm chủ được ngoại ngữ, bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội trong công việc và cuộc sống, kết nối được với bạn bè quốc tế, trải nghiệm nhiều nền văn hóa, mở rộng thêm tầm nhìn, hiểu biết của mình và hơn hết là tham gia đóng góp cho sự phát triển không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới, trở thành một công dân toàn cầu.

 

Tác Giả: Khánh Huyền - Bookademy

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,720 lượt xem